Xếp loại viên chức ở các trường học từ năm học 2023-2024 trở đi có căng thẳng?

19/05/2024 07:40
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Những cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường khi đủ tiêu chí thì tất nhiên họ sẽ tự xếp loại mình ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo hướng dẫn hiện nay, việc đánh giá, xếp loại viên chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nói chung và ở các trường học nói riêng ở năm nay và các năm trước đây luôn có 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, năm nay khác với những năm trước đây, viên chức được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể được xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở mà không bắt buộc phải có sáng kiến/ đề tài khoa học/ công trình khoa học.

Vì thế, việc đánh giá, xếp loại viên chức năm nay ở các nhà trường chắc chắn sẽ rất căng thẳng khi Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi so với trước đây.

Hơn nữa, việc đánh giá, xếp loại viên chức bước cuối cùng ở các nhà trường sẽ do hiệu trưởng nhà trường quyết định.

GDVN_N.D.jpg
Hướng dẫn xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Nghị định 90 của Chính phủ (Ảnh chụp từ màn hình)

Tối đa chỉ 20% viên chức được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Kể từ năm học 2023-2024 này, xét viên chức ở các trường học sẽ thực hiện việc đánh giá, xếp loại theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020.

Theo đó, tỷ lệ viên chức được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hướng dẫn như sau: “Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.”.

Trong khi, tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành đã hướng dẫn như sau: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.

Vì vậy, trong năm học 2023-2024 này, mỗi đơn vị trường học sẽ chỉ được xét tối đa 20% viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với hướng dẫn này, nếu như trước kia cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến việc xét danh hiệu thi đua cho viên chức.

Nhưng, điểm khác biệt nhất trong việc xét thi đua từ năm học này là viên chức được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng có một vị trí ngang hàng với sáng kiến/ đề tài/ công trình khoa học khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Bởi vậy, việc xếp loại viên chức trong năm học 2023-2024 có thể sẽ căng thẳng vì tại Điều 12, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 hướng dẫn tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức”.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp loại được thực hiện theo nhiều bước. Đầu tiên là viên chức tự đánh giá, xếp loại; bước thứ hai là tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại; bước thứ 3 là hội đồng sư phạm nhà trường đánh giá, xếp loại. Nhưng, người quyết định cuối cùng và cũng là người ra quyết định là hiệu trưởng nhà trường.

Vì thế, nếu căn cứ vào từng câu chữ trong các văn bản hướng dẫn hiện hành và các bước được làm cẩn thận, khoa học và minh bạch thì việc đánh giá, xếp loại viên chức mới đảm bảo được tính khách quan và hạn chế được những thị phi từ đội ngũ nhà giáo, nhân viên nhà trường.

Vì sao việc xếp loại viên chức từ năm học 2023-2024 trở đi sẽ căng thẳng

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP hướng dẫn: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức” sẽ được xếp loại viên chức Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

Trong khi đó, nhiệm vụ viên chức ở các nhà trường đang có những nhiệm vụ cơ bản theo từng vị trí công việc khác nhau.

Chẳng hạn, phó hiệu trưởng chuyên môn thì phụ trách chuyên môn, nếu không có giáo viên vi phạm quy chế chuyên môn, giáo viên, học sinh tham gia nhiều phong trào thì đương nhiên người phụ trách sẽ được tính là hoàn thành vượt mức.

Các thầy cô giáo giảng dạy, nếu tỉ lệ học sinh giỏi cao hơn tỉ lệ được giao đầu năm cũng được tính là 1 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Các việc khác như xây dựng kế hoạch giảng dạy; vào điểm học bạ sớm hơn quy định cũng được tính 1 tiêu chí vượt mức; tham gia một số phong trào như: thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi; bồi dưỡng học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh thì mỗi thành tích cũng được tính 1 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức…

Những thầy cô giáo kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm cũng có nhiều chỉ tiêu được tính vượt mức, như: duy trì được sĩ số 100%; lớp có 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tin nhắn điện tử; vận động xã hội hóa cao thì mỗi nhiệm vụ được tính 1 tiêu chí vượt mức.

Ngoài ra, những cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia một số phong trào của ngành, công đoàn, như: hiến máu nhân đạo; tham gia các phong trào thể thao; thao giảng cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; viết sáng kiến kinh nghiệm; làm đồ dùng dạy học đạt giải… cũng đều được tính 1 chỉ tiêu vượt mức.

Vì vậy, nếu tính những chỉ tiêu vượt mức mà cán bộ, giáo viên, nhân viên được giao thì tỉ lệ nhiệm vụ hoàn thành vượt mức khá nhiều và số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên được xếp trong khung Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ vượt xa con số 20% được xếp loại xuất sắc theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

Những cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường khi đủ tiêu chí thì tất nhiên họ sẽ tự xếp loại mình ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi xét ở tổ thì đương nhiên những thầy cô tổ trưởng cũng sẽ gặp những khó khăn khi phân tích, đánh giá từng cá nhân để đưa danh sách lên Ban giám hiệu.

Nếu tổ chuyên môn có 10 giáo viên thì theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP chỉ được xét tối đa 2 người nhưng nếu có đến 5-6 giáo viên cũng tự đề nghị ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ là áp lực không nhỏ cho các tổ trưởng khi điều hành họp tổ.

Lên đến hội đồng nhà trường- có thể hiệu trưởng sẽ huy động toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng dự họp để xét viên chức- cũng có thể hiệu trưởng chỉ triệu tập Ban giám hiệu; tổ trưởng chuyên môn các tổ; các chức danh đứng đầu đoàn thể, như: chủ tịch công đoàn; bí thư đoàn trường; tổng phụ trách đội tham gia đánh giá.

Cuối cùng, người quyết định xếp loại là hiệu trưởng nhà trường. Xét ai ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thực sự xứng đáng, tiêu biểu hơn những người không được xét là cả một vấn đề không hề đơn giản. Nếu gạt những thầy cô có thành tích từ các phong trào, các hội thi thì sang các năm tiếp theo họ sẽ mất đi động lực phấn đấu.

Nếu gạt phó hiệu trưởng; các chức danh đứng đầu đoàn thể, các tổ trưởng chuyên môn thì cũng phải đắn đo vì họ là những người tham mưu, xây dựng, tuyên truyền nhiều chủ trương, nghị quyết của nhà trường để các đoàn thể, các tổ chuyên môn có được nhiều thành tích và bản thân họ cũng là những người tích cực tham gia các phong trào của ngành, của trường.

Khi ra quyết định xếp loại viên chức chắc gì những người xếp ở mức thấp hơn sẽ phục nên rất dễ xảy ra thắc mắc, phân bua và những thị phi sẽ xảy ra. Một tập thể có vài chục con người, nhiều trường có trên dưới 100 con người nên những ý kiến trái chiều là điều không thể tránh khỏi khi mà xét về quyền lợi trực tiếp của mỗi cá nhân.

Chính vì thế, việc xếp loại viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kể từ năm học 2023-2024 sẽ rất căng thẳng, đòi hỏi các nhà trường phải có những tiêu chí cụ thể; điểm số cụ thể với từng tiêu chí, từng nhiệm vụ được phân công ở các năm học tiếp theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY