Chứng chỉ hành nghề sẽ nâng cao vị thế, đảm bảo quyền lợi lâu dài của nhà giáo

22/06/2024 06:42
Thùy Trang

GDVN - Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là cơ sở để phát triển hệ thống giáo dục và đảm bảo quyền lợi lâu dài của nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những quy định được nêu trong dự thảo là quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có một số quan điểm cho rằng sẽ phát sinh thêm thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, tiền bạc… thậm chí phát sinh tiêu cực.

Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để lắng nghe những quan điểm của thầy với tư cách là một nhà quản lý giáo dục.

gdvnts-252.jpg

Phóng viên: Thưa Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt là với các thầy cô giáo và những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Thầy đánh giá như thế nào đối với Dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt là quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo đang có nhiều ý kiến trái chiều hiện nay?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Dự thảo Luật Nhà giáo được công bố gần như bao phủ mọi vấn đề liên quan đến nhà giáo, có hệ thống cụ thể và cập nhật từ khái niệm đến chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tuyển dụng, nghỉ hưu, chính sách lương, phụ cấp, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo…

Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nhà giáo trong bối cảnh mới trên những gì đã và đang thực hiện. Đây là tư duy cải tiến, nỗ lực phát triển cần được ghi nhận và ủng hộ.

Một trong những quy định được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo là quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. Điều này tạo nền tảng để đảm bảo chất lượng của nhà giáo, xác lập các cơ sở để phát triển hệ thống giáo dục và đảm bảo quyền lợi lâu dài của nhà giáo.

Theo Dự thảo, chứng chỉ có giá trị sử dụng trong toàn quốc và các quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm, giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.

Điểm này cho thấy nhà giáo, bao gồm nhà giáo nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được quản lý một cách có hệ thống trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang phát triển.

Phóng viên: Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là quy định mới và đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có nhiều lo lắng, cho rằng có thêm chứng chỉ này sẽ phát sinh thủ tục rườm rà, phức tạp, thậm chí dẫn đến tiêu cực, không nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Quan điểm của Thầy về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Dự thảo đã đề cập kỹ về trường hợp thu hồi và cấp chứng chỉ. Việc lo lắng có thêm chứng chỉ sẽ phát sinh thủ tục rườm rà, phức tạp, thậm chí dẫn tới tiêu cực xuất phát từ việc chưa nghiên cứu kỹ quy định hoặc mang định kiến, nếp nghĩ “cá nhân” để đánh giá.

"Khi chúng ta đang cải cách hành chính thì cần ủng hộ và quyết tâm đổi mới thay vì suy nghĩ là “sẽ khó, sẽ phát sinh…”. Nếu nhìn công bằng và có định hướng phát triển, việc cần làm nên được ủng hộ và đồng thuận cao.

Có phụ huynh hay cá nhân nào lo lắng khi người thân của mình được học tập, giáo dục bởi một nhà giáo đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định? Những nhà giáo đã và đang làm việc trong các cơ sở giáo dục là nhóm đối tượng được cấp chứng chỉ. Số còn lại cần nỗ lực chuẩn bị, đảm bảo đáp ứng năng lực, phẩm chất và các yêu cầu khác để có thể được cấp chứng chỉ.

gdvn-hknq1-pl-9112.jpg
Ảnh minh hoạ (giaoduc.net.vn)

Chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục. Mục đích của chứng chỉ hành nghề là đảm bảo chất lượng của ngành nghề đó, gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, ngành nghề đó đối với xã hội.

Ở nước ta, có nhiều ngành nghề khác cũng đã có chứng chỉ hành nghề như nghề luật sư, y tế…Nghề giáo cũng là một ngành nghề có tính đặc thù, mang nhiều kỳ vọng và yêu cầu cao từ xã hội. Nếu chúng ta hiểu đúng về nghề giáo và mong đợi về nền giáo dục đảm bảo chất lượng thì cần có chứng chỉ hành nghề.

Thay vì chúng ta nghĩ “có cần không” thì chúng ta có thể xem xét các nghề khác để giả định “vì sao không cần”. Một sinh viên sư phạm hay sinh viên ngành khác được đào tạo, thực tập và trải nghiệm để rèn luyện và khẳng định sự thích ứng nghề và cam kết nghề nghiệp.

Những nhà giáo tuyển dụng mới phải trải qua một kỳ sát hạch, sau khi được cấp chứng chỉ sẽ không phải trải qua giai đoạn tập sự khi thay đổi nơi làm việc. Có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo sẽ được nâng lên, đây là tác động thúc đẩy các nhà giáo trẻ phải nỗ lực cố gắng và đảm bảo những yêu cầu để gắn bó với nghề, thực thi nhiệm vụ nhà giáo một cách nghiêm túc.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, thay vì tạo rào cản đối với những người đã được đào tạo chính quy thì nên siết chặt những đối tượng chưa qua đào tạo chính quy. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo chỉ có nên chỉ áp dụng đối với những người không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng muốn trở thành nhà giáo, Thầy đánh giá ra sao về đề xuất này?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Chứng chỉ hành nghề còn giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học, nhất là khi nhiều người tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội nhưng vốn không đủ tiêu chuẩn… Điều này đã và đang được chính xã hội và các bên liên quan rất mong đợi về việc quản lý và đảm bảo chất lượng hiện nay.

Tuy vậy, cần khẳng định rằng Luật Nhà giáo hay chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo không tạo rào cản đối với những người đã được đào tạo chính quy hoặc cũng không siết chặt những đối tượng chưa qua đào tạo chính quy. Việc đào tạo chính quy hay phi chính quy trong hệ thống giáo dục Việt Nam đều được tôn trọng.

Với các nhóm chủ thể chỉ có bằng cử nhân, không phải cử nhân sư phạm nhưng đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vẫn có cơ hội để làm nhà giáo. Nếu họ đảm bảo các yêu cầu liên quan vẫn được xem xét cấp chứng chỉ này.

Do vậy, theo tôi cần có một quy trình cụ thể để đánh giá sự phát triển của nhà giáo và cấp chứng chỉ hành nghề nếu nhà giáo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí yêu cầu. Luật Nhà giáo là quy định chung cho nhà giáo, nghề giáo nhưng đối với các bậc học cần có các quy định cụ thể khác. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cần phải do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và cần có thêm thời gian với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Phóng viên: Theo Thầy, có nên tổ chức một kỳ sát hạch tại trường đại học để chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo nên được cấp ngay trong các trường đại học đào tạo sư phạm?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Mục tiêu của chứng chỉ hành nghề là công nhận một người đủ điều kiện làm nghề.

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo không phải là một cuộc thi. Nếu chứng chỉ hành nghề là một cuộc thi để kiểm tra về kiến thức đã học, đưa ra câu hỏi lý thuyết, ôn luyện rồi trả lời thì theo tôi là không đủ, đây không phải cách để cấp chứng chỉ hành nghề.

Nếu đã được đào tạo chính quy thì có thêm chứng chỉ hành nghề như một số ngành nghề khác (bác sĩ, luật sư,…) là cần thiết. Chứng chỉ hành nghề không chỉ thể hiện người đó có đầy đủ kiến thức bộ môn mà còn trải qua một quá trình thực tập, dưới sự đánh giá của đồng nghiệp trên nhiều phương diện hành nghề như: người này có giảng dạy, soạn bài, chấm bài, chăm lo học sinh… tốt hay không cũng như có phẩm chất đạo đức tốt thì được cấp chứng chỉ hành nghề.

Trường đại học có chức năng đào tạo, bồi dưỡng và đảm bảo chất lượng trong chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo liên quan đến nhiều yêu cầu thực tiễn như dự thảo đề cập.

GDVN.ts.jpg

Vì vậy, sinh viên mới ra trường, các giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực phải sát hạch chứng chỉ hành nghề. Điều này, không phải là rào cản với đội ngũ giáo viên trẻ theo nghề. Sinh viên mới ra trường cần có đủ các điều kiện tiêu chuẩn nhà giáo theo quy định và trải qua sát hạch để nhận chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ được cấp sau khi các bạn hoàn thành tập sự tại cơ sở giáo dục và qua sát hạch.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho sinh viên ngành sư phạm và đủ thời gian tập sự không thuộc thẩm quyền của trường đại học. Các vấn đề liên quan đều phải đảm bảo tính pháp quy trong việc quản lý hệ thống.

Phóng viên: Theo Thầy, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo cần có thời gian học bao lâu, học phí và hình thức học như thế nào sẽ phù hợp?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Hiện nay, ban biên soạn và ban biên tập vẫn đang tiếp tục tiếp thu các góp ý và chuẩn bị đề xuất các vấn đề có liên quan để đảm bảo Luật Nhà giáo sẽ đi vào thực tiễn và vận hành một cách hiệu quả.

Từ góc độ khoa học, tôi cho rằng cần có nghiên cứu cụ thể để phản hồi về thời gian học và các yêu cầu có liên quan trong việc học tập và thi sát hạch chứng chỉ hành nghề.

Cần có sự linh hoạt về hình thức học tập, tạo điều kiện về thời gian phù hợp nhất để người học có thể thuận lợi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, cần lưu ý cơ chế ràng buộc trách nhiệm của người học. Hiện nay, cần xem xét vấn đề đào tạo và sử dụng nhà giáo cũng như các văn bản khác có liên quan để đảm bảo các hướng dẫn cụ thể và khả thi.

Về việc đặt vấn đề chia chứng chỉ hành nghề theo cấp học như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, theo tôi chỉ nên sử dụng một chứng chỉ để tạo sự thống nhất chung và điều này tạo ra sự nhất quán và đồng bộ.

gdvn-anh-giaoduc-8197.jpg
Nên sử dụng một chứng chỉ để tạo sự thống nhất chung và điều này tạo ra sự nhất quán và đồng bộ. Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Phóng viên: Thầy có góp ý gì đối với Dự thảo Luật nhà giáo? Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, theo thầy có những điểm nào cần thay đổi để luật phù hợp hơn với thực tiễn?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Dự thảo Luật Nhà giáo về cơ bản đã đầy đủ, các nội dung cũng khá cụ thể và đảm bảo một cách khái quát có tính định hướng, tuy vậy, có thể lưu ý thêm một số nội dung:

Với nội dung hợp tác quốc tế về nhà giáo, quy định vẫn còn chung chung. Cụ thể, nên làm rõ nhà giáo là người Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại với các quy định có liên quan. Đơn cử việc yêu cầu bồi dưỡng về văn hóa và đạo đức nghề giáo cho nhà giáo nước ngoài làm việc tại Việt Nam; việc đảm bảo các vấn đề về văn hóa của Việt Nam và các quy định khác khi công tác ở nước ngoài.

Có thể cân nhắc thêm nội dung kiến tạo chính sách hợp tác quốc tế thu hút nhà giáo là người nước ngoài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Cụ thể là thu hút các nhà giáo nước ngoài có trình độ cao làm việc ở các trường đại học tại Việt Nam theo định chế và chính sách cụ thể với trách nhiệm của các bộ, ngành.

Các nhà giáo là các nhà công tác xã hội hay mạnh thường quân làm việc với tư cách chủ nhiệm các dự án, cố vấn dự án quốc tế… Song song đó, có thể xem xét việc bổ sung các vấn đề liên quan đến khen thưởng, trao các danh hiệu hoặc các cơ sở thực hiện từ luật này cho các văn bản dưới luật.

Nên rà soát xem còn thiếu quy định nào chưa điều chỉnh nhà giáo hoạt động tại cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trên thực tế, đội ngũ nhà giáo hoạt động tại cơ sở giáo dục ngoài công lập rất nhiều và khác nhau ở các tỉnh thành nên vẫn cần có sự quan tâm, chưa kể trong nhóm này còn có các nhà giáo nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Thực tiễn quản lý nhà giáo hiện tại còn một vài biểu hiện chồng chéo, phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà giáo, có phần chưa tập trung, nhất là từ việc tuyển dụng đến sử dụng nên cũng cần quan tâm thêm vấn đề này.

Quyền và nghĩa vụ nhà giáo quy định còn hạn chế về thu nhập và chính sách hỗ trợ khác cũng là vấn đề có thể xem xét. Cụ thể mức phụ cấp thấp, cơ sở vật chất phục vụ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo đang công tác tại các vùng sâu, xa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thầy!

Thùy Trang