Thời gian qua, có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự tác động của ChatGPT đến giáo dục. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trí tuệ nhân tạo hay ChatGPT xuất hiện là một xu thế tất yếu phải đến trong ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, chính tâm lý ngại khó và sợ thay đổi trong nhận thức cũng như phương pháp giáo dục của nhiều giáo viên khiến cho xu thế này trở nên khó nắm bắt được.
Nhiều hệ luỵ nếu lạm dụng hoặc “nghiện” ChatGPT
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nhận định, cơ hội mà AI hay ChatGPT mang đến ngành giáo dục là cực kỳ lớn, kể cả trong việc hỗ trợ giáo viên soạn những bài giảng hay, phá bỏ những "rào cản" về tư duy sáng tạo, hoặc mang đến những phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoặc cả trong việc hỗ trợ công tác tư vấn tâm lý, chăm sóc tinh thần cho học sinh vì nhu cầu hỗ trợ tinh thần ngày càng lớn sau đại dịch COVID-19.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tuy nhiên, song song với những cơ hội này là tính ỷ lại, tính ì trong tư duy nghề nghiệp của người giáo viên, học sinh nếu không có sự tư vấn, định hướng, chỉ đạo rõ ràng từ các cấp quản lý.
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, liệu ChatGPT có làm con người trở nên quá lệ thuộc vào công nghệ, lười tư duy, lười sáng tạo? Theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, vấn đề nào cũng có hai mặt, chính sản phẩm của công nghệ sẽ hỗ trợ cho con người và giáo dục khi con người biết làm chủ công nghệ và khai thác, sử dụng nó một cách hợp lý.
Còn nếu người học quá lệ thuộc, thậm chí là lạm dụng hoặc "nghiện" ChatGPT, từ đó sẽ có những hành vi không đúng đắn, gian lận khi sử dụng công cụ này trong việc học. Điều này dẫn tới nhiều hệ luỵ như nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, tấn công từ môi trường mạng, bắt nạt trực tuyến, tổn thương tâm lý, rối loạn hành vi, mất kết nối xã hội, lười nhác việc học...
“Hiện nay, giới học thuật cũng đang tranh luận xoay quanh việc cấm hay không cấm sử dụng ChatGPT trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu.
Theo tôi, điều này phụ thuộc rất nhiều vào các tiêu chí đánh giá của hoạt động có liên quan.
Nếu thành lập được các tiêu chí đánh giá rõ ràng hoặc đường lối chỉ đạo, hướng dẫn đúng đắn, tôi nghĩ rằng ChatGPT sẽ không là mối lo ngại đối với học sinh cũng như hoạt động giáo dục, nghiên cứu.
Ngoài ra, như đã phân tích, ở giáo dục phổ thông, cần có cái nhìn tích cực. Không phải cứ không quản lý hiệu quả là cấm mà hãy định hướng quản lý một cách thích nghi, có kiểm soát. Hãy cho học sinh hiểu đúng về ý nghĩa việc học và trang bị việc sử dụng các sản phẩm công nghệ một cách có ý thức…
Cũng cần nhấn mạnh rằng để khắc phục tâm lý ỷ lại, tính ì và một số thói quen tiêu cực của người học, cần có định hướng khai thác các quy định liên quan đến sử dụng công nghệ trong thi cử chính thức để ngăn ngừa các tác động tiêu cực”, Thầy Sơn nêu quan điểm.
Làm chủ công nghệ thông tin theo định hướng triển khai chương trình mới
Cũng theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, sự ra đời của ChatGPT đối với hoạt động giáo dục, nghiên cứu là một thách thức lớn về vấn đề đạo đức với các nhà giáo dục và nhà khoa học, nếu chúng ta phụ thuộc, lạm dụng quá mức công cụ này.
Nhưng cũng không nên lên án hay suy nghĩ hữu khuynh về công cụ này hay bất kỳ một công cụ nào được AI gắn kết.
ChatGPT có thể giúp người học viết một khóa luận, thậm chí là bài báo khoa học với các dữ liệu thuyết phục.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được vấn đề này vì khi và chỉ khi các nội dung về đạo đức nghiên cứu cũng như đạo đức nghề nghiệp được lồng ghép, tích hợp hoặc thậm chí là thiết kế thành khóa học riêng lẻ sẽ giúp người học trang bị và luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong học tập, nghiên cứu.
Không những thế, quy định về việc xử lý những trường hợp đạo văn hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu cần được nêu rõ thông qua văn bản pháp lý hoặc được phụ trách xử lý bởi Hội đồng Đạo đức nghiên cứu sẽ là giải pháp hữu hiệu cho thách thức hiện tại.
Thầy Sơn cho rằng, ChatGPT buộc chúng ta phải có những thay đổi về định hướng giáo dục.
Trước hết là phải quán triệt nhận thức đúng và đủ về AI, ứng dụng AI trong giáo dục và nhất là các ứng dụng cụ thể như Chat GPT…
Song song đó, có các văn bản liên quan đến việc triển khai các nội dung ứng dụng ChatGPT trong giáo dục, những gì được phép hoặc không được phép thì từ đó mới có cơ sở pháp lý để chúng ta xây dựng các tiêu chí kiểm tra, đánh giá học sinh.
“Không thể cứ dựa vào những thông tin tràn lan trên mạng xã hội về tính năng của ChatGPT hay những lời đồn thổi, truyền thông về công cụ này mà vội vàng quy chụp trong đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh được.
Thế nhưng, cũng cần chú ý đến việc rèn luyện về đạo đức học tập, đạo đức khi tham gia đánh giá song song với việc cải tiến các hình thức đánh giá sao cho phù hợp và đảm bảo khai thác, tạo cơ hội để người học thể hiện năng lực thật sự.
Hiện nay, các hình thức đánh giá mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở nhiều môn, hoạt động giáo dục đã có thể thích ứng”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục mới, sự phát triển công nghệ sẽ còn nhiều đổi thay và chúng ta cần đón đầu, dự báo các tác động để thật tỉnh táo, có bản lĩnh khi thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội của các nhà nghiên cứu lĩnh vực giáo dục trong việc thúc đẩy định hướng chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay hay hướng đến việc xây dựng các mô hình có liên quan đến trường học thông minh.
Cũng cần nhìn một cách tích cực về các ứng dụng của ChatGPT và phân tích các tác động của AI, các ứng dụng trong giáo dục để có những giải pháp chủ động làm chủ công nghệ thông tin và AI theo định hướng triển khai chương trình mới, nhất là trong việc kiểm tra đánh giá người học.
Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, nếu người giáo viên không tự trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cũng như liên tục tự học, tự nghiên cứu để phát triển năng lực, phẩm chất nhà giáo của mình thì trước sau gì cũng sẽ bị tụt hậu trong chính nghề nghiệp và khi so với đồng đội của mình.
Đừng trách công nghệ hay trách một sản phẩm cụ thể, bởi để có kết quả đạt kỳ vọng hay có một mục tiêu rõ ràng, có tiêu chuẩn, thì con người mãi là nhân tố quan trọng mà công nghệ không thể thay thế.
“Đơn cử, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến năm học thứ 3, nếu giáo viên đã thích ứng và có động lực thì có thể hiểu để khai thác công nghệ và không quá căng thẳng về việc công nghệ tác động hay ảnh hưởng thế nào đến người học, người dạy…
Và giả định nếu bất kỳ ai, không phải chỉ là giáo viên, nếu vẫn còn "dậm chân tại chỗ" trong nghề nghiệp và thiếu sự tự phát triển chính mình thì chắc chắn sẽ lo sợ bất kỳ đối thủ nào và dễ xem công nghệ là đối thủ”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nhận định.