Huy động nguồn lực tài chính cho GDĐH rất khó nếu không có quyết tâm chính trị

21/06/2024 06:20
Hướng Sáng

GDVN - Trong các nguồn lực cần đầu tư cho giáo dục và đào tạo thì nguồn lực tài chính rất quan trọng và vẫn là chính yếu.

Để có hệ thống đại học của quốc gia lớn mạnh, dẫn dắt đất nước phát triển thì chắc chắn chúng ta phải có đội ngũ nhà giáo tốt – yếu tố chủ chốt đi cùng với hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại…

Và tất nhiên có được những thứ đó chúng ta cần phải đầu tư thực sự, chứ không phải “tiết giảm chi tiêu” và “kêu gọi đóng góp” từ xã hội.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ, muốn phát triển đất nước hùng cường, nhất định phải cần nguồn nhân lực đủ mạnh. Trong khi muốn có nguồn nhân lực chất lượng tốt chắc chắn phải có hệ thống trường đại học của đất nước thực sự mạnh.

Chúng ta không thể trông cậy vào việc nhờ các đại học hàng đầu thế giới giúp chúng ta đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt để phát triển đất nước hùng cường.

2 (1).jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Ngược lại, nếu chúng ta vẫn quan niệm không cần đầu tư đại học trong nước mà chỉ cần gửi người đi học ở các nước để phát triển nguồn lực thì trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực như hiện nay, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được.

Để có hệ thống đại học của quốc gia lớn mạnh, dẫn dắt đất nước phát triển thì chắc chắn chúng ta phải có đội ngũ nhà giáo tốt – yếu tố chủ chốt đi cùng với hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại…

Và tất nhiên có được những thứ đó chúng ta cần phải đầu tư thực sự, chứ không phải “tiết giảm chi tiêu” và “kêu gọi đóng góp” từ xã hội.

Trong các nguồn lực cần đầu tư cho giáo dục và đào tạo thì nguồn lực tài chính rất quan trọng và vẫn là chính yếu. Thế nhưng, trong thực tế vẫn còn rất nhiều thứ khó gỡ cho câu chuyện tài chính.

Câu chuyện tài chính của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam có 2 loại hình chính, đó là công lập và ngoài công lập. Ngoài công lập cũng được phân chia thành các mô hình khác nhau, nhưng cơ bản vẫn hoạt động như một doanh nghiệp, đóng góp nguồn thu cho ngân sách và nguồn lực xã hội cũng rất đáng kể.

Tuy nhiên, nếu để đầu tư vào một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hay một số lĩnh vực công nghệ đặc thù mà có số người theo học ít trong khi chi phí đầu tư cao, thì rất khó có trường ngoài công lập nào theo đuổi.

Thông thường, trường ngoài công lập chỉ đầu tư đào tạo các ngành có số người theo học nhiều và ít phải đầu tư hơn.

Hệ thống đại học công lập hiện nay không còn “bao cấp” như trước đây (trừ khối trường công an, quân đội).

Các trường đại học công lập, ngoài đất đai, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư trước và một số có một phần chi thường xuyên, còn lại các trường phải lo tìm nguồn thu để đầu tư cho con người và đầu tư phát triển.

Và như thế cuộc chạy đua, cạnh tranh trong thị trường giáo dục dù chưa được đề cập một cách cụ thể, nhưng không thể nói là hoàn toàn được kiểm soát, ngược lại đâu đó vẫn ẩn chứa nhiều điều thiếu bền vững.

3 (1).JPG
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Nguồn lực xã hội được cho là có thể huy động cho đại học bao gồm: học phí, tài trợ (trong nước và quốc tế), các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hoặc đầu tư khác.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi nói đến xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn thu cho giáo dục đại học, người ngoài có thể kể ra rất nhiều thứ có thể thu, nhưng người trong cuộc cũng kể ra hàng tá thứ khó, không dám làm. Và sự thật là như vậy. Kể cả về lí thuyết các trường công lập được quyền vay tín dụng để đầu tư phát triển, nhưng thực tế cũng không dễ.

Tương tự như vậy, nhận tài trợ từ nước ngoài, trường đại học chỉ là bên nhận, thậm chí là không hoàn lại và không phải đối ứng, nhưng cũng không dễ. Cho dù khoản tài trợ nhỏ, nhưng thủ tục cũng rất dài dòng và thật sự là rất khó sử dụng.

4 (1).jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Mặt khác, khai thác đất, công trình của nhà trường để cung cấp các dịch vụ trong trường cho dù tự chủ hay chưa tự chủ cũng phải thủ tục xin phép…

Nhiều cái khó cho bản thân các trường đại học, nhưng khi đề cập vấn đề với cơ quan quản lí thì họ cũng nêu nhiều lí do khó vì cơ chế, vì quy định liên quan. Bởi tất cả cũng vì một mục tiêu là cần làm đúng quy định!

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các đại học ở các nước phát triển có xu hướng xâm nhập và cạnh tranh với các đại học trong nước, xu hướng sính ngoại của một bộ phận người Việt trong xã hội cũng là một thách thức và nhiều rủi ro cho giáo dục đại học nước nhà.

Nhìn chung, trong nền kinh tế thị trường hoàn hảo và cạnh tranh lành mạnh thường thúc đẩy sự phát triển, nhưng với lĩnh vực giáo dục và đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thiếu lành mạnh thì rủi ro sẽ là vô cùng to lớn.

Các trường đại học đã nỗ lực, nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng

Ở khía cạnh quản lí nhà nước, một số người cho rằng các đại học chưa thay đổi tư duy, chưa chủ động để tự chủ, đổi mới… Do vậy cần phải có cạnh tranh và nhất là cạnh tranh với các đại học nước ngoài mới hi vọng đổi mới.

Có vẻ như suy nghĩ như vậy một mặt không sai với một số ít trường nhưng ở diện rộng, trên toàn hệ thống thì là một vấn đề rất đáng phải quan tâm.

Nhìn kĩ lại, với cơ chế quản lí nhà nước như hiện nay không dễ gì các đại học vươn ra để phát triển, cạnh tranh với các trường đại học quốc tế trong khi nguồn tài chính quá hạn chế và bị gò bó bởi rất nhiều quy định.

5 (1).jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Tự chủ đại học mới hình thành, mô hình quản trị cũng chưa thực sự rõ ràng, trong khi nguồn ngân sách từ nhà nước đã cắt giảm…

Và nếu chỉ trông chờ vào học phí thì không dễ gì phát triển, trong khi hiện nay, xã hội cũng chưa “chấp nhận trả” học phí cao cho giáo dục đại học trong nước tương tự như chi trả cho du học.

Mặt khác, đại học ngoài công lập nghĩ rằng bản thân họ bị đối xử không công bằng, trong khi trường công có đất, có cơ sở hạ tầng….

Trường công lập thì nghĩ cạnh tranh tuyển sinh, tự do xác định mức học phí và đầu tư mua sắm, tự quyết các chính sách thu hút nguồn nhân lực… là lợi thế cho các trường tư thục.

Nói chung, ai cũng nghĩ người khác thuận lợi hơn mình, nhưng nếu phân tích kĩ ra thì cũng chẳng ai hoàn toàn thuận lợi cả.

Có thể cái khó chung của các đại học công lập và ngoài công lập là mọi nỗ lực để phát triển vẫn luẩn quẩn huy động tài chính từ nguồn thu học phí.

Thật ra, vì còn nhiều lí do khác nhau, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư hay tài trợ cho các trường đại học.

Ngược lại khi sử dụng lao động sản phẩm từ trường đại học thường thì họ đòi hỏi cao ở chất lượng đầu ra và than phiền vì các trường chưa đáp ứng yêu cầu đầu ra có thể sử dụng ngay mà phải đào tạo lại?

6 (1).jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Trong khi một số các doanh nghiệp lớn mạnh thì xu hướng xin được tự đầu tư mở trường riêng, thay vì đầu tư hay tài trợ vào các trường đại học đã lớn mạnh, để cùng nghiên cứu và đào tạo nguồn lực để sử dụng.

Nhận thức về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đâu đó vẫn còn nhầm lẫn trong xã hội và thậm chí là ngay cả trong những người tham gia làm giáo dục và quản lí giáo dục. Chính vì vấn đề đó mà chưa có sự tham gia để cùng kiến tạo phát triển một cách bài bản xuyên suốt.

Cho dù còn nhiều điểm rất khác nhau, nhưng điểm chung nhất đều nhận thức rõ ràng rằng, nguồn nhân lực để phát triển đất nước là rất quan trọng; vai trò của trường đại học đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn và để các trường đại học phát triển và đóng góp cho sự phát triển đất nước thì đầu tư tài chính là rất cần thiết.

Xoay quanh vấn đề đó, gần đây nhiều diễn giả nêu quan điểm về nền kinh tế chia sẻ và vai trò của các bên đối với đầu tư cho giáo dục đại học rất cần phải được thúc đẩy. Về nguyên tắc là vậy, nhưng để hiện thực hóa thì cần phải luật hóa và định hướng phát triển văn hóa chia sẻ.

Sứ mệnh của trường đại học và bài toán tài chính

Hiện nay, trường đại học của chúng ta đã có nhiều cấp quản lí và nhiều kiểu khác nhau. Có trường thuộc địa phương quản lí; có trường do bộ, ngành quản lí; có trường do gia đình đầu tư, có trường do doanh nghiệp thành lập…

Người sử dụng lao động khen chê khác nhau vì nhu cầu sử dụng nhân sự khác nhau và nhận thức về bằng cấp, tay nghề khác nhau…

Dù tên gọi thế nào thì nếu xác định giáo dục đại học từ sứ mệnh của đại học và tập trung đầu tư để phát triển đảm bảo duy trì được sứ mệnh đó thì chắc chắn hình thành nên các đại học mạnh.

Tất nhiên, bản thân trường đại học nếu đủ lực về tài chính và kiên định mục tiêu, sứ mệnh là rất cần, nhưng điều kiện đủ để thành công vẫn phải cần cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu đúng mới kiên trì thực hiện được.

Sứ mệnh của trường đại học trước tiên phải (1) sáng tạo tri thức (tức nghiên cứu khoa học là hàng đầu), tiếp đến là (2) truyền bá tri thức (tức giảng dạy, bồi dưỡng…) và thứ ba là (3) phục vụ cộng đồng, xã hội.

Nếu kiểm đếm một cách thật kĩ lưỡng thì vẫn có trường chưa đầu tư cho nghiên cứu đúng nghĩa mà chủ yếu là tuyển sinh giảng dạy, thậm chí gửi cho doanh nghiệp đào tạo, huấn luyện là chủ yếu. Thực chất đó chính là giáo dục nghề nghiệp không phải là giáo dục đại học.

Cũng có trường đầu tư nghiên cứu chỉ để công bố, để tăng thứ hạng thành tích, chứ việc nghiên cứu và giảng dạy, phục vụ cộng đồng không nhiều.

Mỗi khi kiến thiết mô hình trường đại học bài bản từ triết lí nền tảng thì xã hội mới tin tưởng vào chất lượng và quyết định đầu tư hay tài trợ. Trong trường hợp cơ chế kiểm soát chưa tốt và chưa minh bạch thì rất khó cho tất cả.

7.jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Nếu trường đại học kiến tạo sự phát triển dựa trên nền tảng khoa học và kiên định sứ mệnh; đồng thời nguồn lực xã hội đầu tư, tài trợ vào đại học được xác định là đầu tư cho nghiên cứu, cho các hoạt động khoa học, để thu về tri thức khoa học và công nghệ thì đó là thực sự là mô hình tốt đẹp cho phát triển đại học đúng từ bản chất.

Mỗi khi các nguồn đầu tư, tài trợ cho khoa học được duy trì tốt thì đời sống của giảng viên được đảm bảo, năng lực của giảng viên được nâng cao.

Và khi năng lực giảng viên tốt thì đào tạo sinh viên cũng chất lượng tốt. Người học có năng lực tốt thì xã hội cũng được hưởng lợi, đồng thời thúc đẩy mọi lĩnh vực phát triển.

Dù có thế nào đi nữa, nguồn đầu tư hay tài trợ chính cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học vẫn cần từ ngân sách nhà nước.

Với một xã hội phát triển, người dân đóng thuế và theo dõi nguồn chi ngân sách thì việc chi đúng và quản lí hợp lí nguồn chi cho giáo dục và khoa học dễ tạo sự đồng thuận cao.

Bởi lẽ, giáo dục và khoa học luôn trực tiếp hoặc gián tiếp có tác động tích cực đến người dân; rất cần thiết vì lợi ích công thiết thực như thông qua các hoạt động đó sẽ tác động đến chất lượng chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo an ninh, an toàn…

Ngoài ra, nếu có cơ chế, chính sách xã hội tốt, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia đầu tư hoặc tài trợ cho khoa học.

Một đất nước có nền kinh tế phát triển và cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp cần ý tưởng sáng tạo và công nghệ để phát triển.

Việc đầu tư, tài trợ cho đại học cũng vì lợi ích cho chính doanh nghiệp chứ không chỉ là nghĩa vụ, nghĩa hiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có thể đầu tư mạo hiểm cho các nhà khoa học để nghiên cứu các công trình vĩ đại hoặc đầu tư sáng chế các sản phẩm, công nghệ mới tốt hơn, có giá trị to lớn.

Hơn nữa, các tổ chức từ thiện cũng là bên liên quan, có thể hỗ trợ, tài trợ cho các đại học thực thi sứ mệnh cao cả. Có thể nói, xã hội lúc nào cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh và có cả các đối tượng dễ bị tổn thương.

8 (1).jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Dịch bệnh, thiên tai, bệnh hiểm nghèo, dị tật… là những vấn đề thời nào cũng có. Các nhà từ thiện, các tổ chức thiện nguyện có thể thực hiện các chiến dịch quyên góp kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau thay vì phân phát từ thiện, thì họ tài trợ cho các công trình nghiên cứu để tìm ra các phương thuốc, công nghệ, giải pháp mới hữu ích để quay trở lại cứu giúp những đối tượng khó khăn cũng như giải quyết từ gốc các vấn đề phát sinh, bất trắc.

Mỗi khi các trường đại học nhận được tài trợ, viện trợ đa dạng, phong phú thì áp lực tài chính sẽ giảm; giảng viên tập trung nghiên cứu và đào tạo; sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho xã hội, cộng đồng; người học là sản phẩm chính cũng được trang bị kĩ lưỡng về tri thức, phát triển năng lực cũng như cảm nhận được trách nhiệm và hình thành nhân cách tốt hơn.

Tài trợ cho khoa học thông qua đại học là cách tốt nhất thúc đẩy phát triển theo chiều sâu. Ngày nay, khoa học và công nghệ phát triển, để phát triển hơn và vượt tầm cần phải có những thí nghiệm, thử nghiệm lớn…

Nếu những nhà khoa học không được tài trợ kinh phí để thiết kế nghiên cứu cũng như cống hiến thì rất khó có thể tự thân giải quyết các vấn đề hóc búa tạo nên những sản phẩm giá trị.

Các trường đại học nếu chỉ dựa vào học phí của người học để đầu tư phát triển thì chỉ là nhỏ lẻ, chỉ đủ để chứng minh cho người học những thí nghiệm có tính nguyên lí, lí thuyết có sẵn, không thể cùng nghiên cứu và cùng học tập đúng nghĩa như sứ mệnh của đại học.

Những gương điển hình, mẫu mực của khoa học trước đây là những người dấn thân, đam mê, hiến dâng tất cả cho nghiên cứu khoa học; sống trong khổ cực, cơ hàn hi vọng tìm thấy vinh quang từ những việc làm có ích.

Ngày nay, chúng ta không nên và cũng không thể đòi hỏi hay yêu cầu nhà khoa học cũng phải như vậy.

Để có những nghiên cứu tốt, vượt tầm, người làm khoa học và đào tạo người làm khoa học cũng cần phải có cuộc sống tốt, không phải lo lương tháng, lương tuần hay trông chờ các nguồn thưởng bài báo được công bố.

Điều tốt nhất là để họ tự hào vì những công trình của họ có đóng góp như thế nào với học thuật hàn lâm, với những ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực…

Khi nhà khoa học cảm thấy hạnh phúc, năng lượng tích cực sẽ lan tỏa vào giới trẻ, len lỏi vào ý thức của cộng đồng, giúp xã hội trân quý khoa học và ít mù quáng hơn.

Trong thực tế, kết quả của nghiên cứu khoa học thường có tác động lớn, giống như đòn bẩy thúc đẩy phát triển xã hội vượt trội, đồng thời cũng kích thích sự phát triển kinh tế địa phương thông qua sự chia sẻ, trao đổi từ các hội thảo, hội nghị và các chuyến khảo cứu, trưng bày, triển lãm…

Nếu có những nguồn tài chính đầu tư dài hạn, các nhà nghiên cứu sẽ theo đuổi những ý tưởng khoa học, tự khám phá và tìm kiếm các giải pháp ứng dụng một cách hiệu quả.

Và như vậy, ý tưởng sáng tạo không bị đứt gãy hay bị dừng lại nửa chừng mà có thể kết nối phát triển thành những chuỗi giá trị rất ý nghĩa.

Giải pháp cho giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

Trước hết, những người làm chính sách cần đầu tư nghiên cứu nhằm xây dựng thể chế đủ mạnh để thúc đẩy nền giáo dục đại học Việt Nam và xem đây chính là chiến lược đột phá như tinh thần của văn kiện Đại hội XIII.

Thực sự chúng ta rất cần hành lang pháp lí thật vững chắc từ các luật như: Luật Khoa học Công nghệ, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Nhà giáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư…

Xác định rõ chức nghiệp của giảng viên đại học và trách nhiệm của các trường đại học. Dù công lập hay ngoài công lập khi đã là đại học thì phải đảm bảo là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đã là giảng viên thì phải thực thi chức nghiệp với sứ mệnh một nhà khoa học thực sự và phải có ý thức truyền bá tri thức cũng như phục vụ cộng đồng xã hội một cách dấn thân và phải được Nhà nước tôn vinh, có chế độ hợp lí để đảm bảo sống tốt.

Đặc biệt phải thống nhất quan điểm rằng, giáo dục đại học không bao giờ được xác định là thị trường để đầu tư sinh lời.

Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2022-2030; đặc biệt là rất cần và nhất thiết phải xây dựng một chiến lược phát triển nhân tài quốc gia.

Đây là cơ sở quan trọng để sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, hình thành các đại học quốc gia, đại học trọng điểm; tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm từ ngân sách với các chương trình dự án trọng tâm vì mục tiêu phát triển nhân tài cho một giai đoạn dài ở tương lai.

Thứ ba, đầu tư công và cơ chế đặt hàng từ Nhà nước đối với các đại học phải được Chính phủ xác định rõ ràng và cần có cơ chế giám sát từ Quốc hội.

Cần có cơ cấu tài chính phù hợp đối với đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đại học; xác định rõ tỉ lệ ngân sách đủ lớn cho giáo dục đại học để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nhân tài.

Thứ tư, lĩnh vực sáng chế và sáng tạo cần được khuyến khích và ưu tiên giảm thuế cho doanh nghiệp có đầu tư và sử dụng kết quả từ các công trình phát minh, sáng chế; thúc đẩy khởi nghiệp từ đổi mới sáng tạo.

Cần nhấn mạnh đến các hoạt động đầu tư và tài trợ cho nghiên cứu ở các trường đại học, nhất là các nghiên cứu có tính ứng dụng, phát triển công nghệ, giải pháp mới.

Khi có chính sách cụ thể sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có trách nhiệm với sự phát triển các đại học. Đồng thời có chính sách hạn chế, nghiêm cấm các hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng công nghệ lạc hậu…

Mỗi khi chúng quyết tâm như vậy thì mới thúc đẩy phát triển đại học và cũng như thúc đẩy phát triển xã hội lành mạnh hơn, hàm lượng tri thức kết tinh trong hàng hóa, sản phẩm cũng sẽ cao hơn, xã hội phát triển văn minh, hiện đại hơn.

Thứ năm, cần xem đại học như nhà cung ứng dịch vụ đặc biệt và nhà sản xuất hàng hóa đặc biệt, khi đó những người sử dụng dịch vụ và hàng hóa đặc biệt có trách nhiệm chi trả với giá cả đặc biệt tương ứng với giá trị của hàng hóa và dịch vụ.

Đồng thời chính các trường đại học cũng phải có trách nhiệm với chính sản phẩm, dịch vụ cũng như có trách nhiệm “bảo trì”, “bảo hành”…

Thứ sáu, Nhà nước cũng cần phải có chính sách tín dụng cho người dân vay đầu tư học tập ở đại học với mức vay cao hơn, đối tượng rộng hơn hiện nay.

Mỗi khi giá dịch vụ cao và sản phẩm đầu ra rất chất lượng thì chi phí cũng cao. Để đảm bảo công bằng xã hội, chi phí cho việc học đại học cũng là khoản đầu tư cần thiết và đáng lựa chọn.

Ở một khía cạnh tích cực khác, mỗi khi chi phí cao thì trách nhiệm của người học đối với việc học cũng sẽ tốt hơn; việc theo đuổi mục tiêu sẽ thuận lợi hơn một nền giáo dục “giá rẻ”.

Thứ bảy, văn hóa – khoa học – giáo dục luôn có quan hệ khăng khít với nhau và rất cần cho nhau. Để có nền giáo dục đại học chuẩn mực, chất lượng rất cần xây dựng một nền văn hóa với các giá trị chuẩn mực.

Cần nỗ lực để kiến thiết văn hóa chia sẻ trong xã hội cũng như quy định về trách nhiệm giải trình của các bên liên quan.

Có được nền tảng văn hóa tốt, việc huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho đại học, cho khoa học sẽ thuận lợi hơn và hi vọng sẽ có nguồn nhân lực thực sự chất lượng. Có như vậy chúng ta sẽ có niềm tin vào một tương lai của đất nước tươi sáng hơn.

Tóm lại, chúng ta luôn ao ước về một nền giáo dục đại học hiện đại, chuẩn mực như nhiều trường ở các nước tiên tiến nhưng nếu nghiên cứu thật kĩ thì không có nơi đâu, thời nào chỉ có màu hồng mà không màu xám.

Giáo dục đại học Việt Nam dù còn nhiều điều đáng phải bàn, nhưng khách quan nhìn nhận thì đã có xu hướng phát triển tốt hơn, hội nhập mạnh hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới mô hình quản trị đại học là rất cần và cũng rất cần đổi mới mô hình quản lí nhà nước đối với giáo dục đại học.

Quản trị đại học và quản lí nhà nước rất cần tháo gỡ các nút thắt để khơi thông nguồn tài chính đầu tư, tài trợ cho giáo dục đại học và là vấn đề rất đáng quan tâm từ Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Điều đó nên xuất phát từ một chiến lược phát triển nhân tài tầm cỡ của quốc gia.

Hướng Sáng