"Người trong cuộc" chia sẻ vô vàn khó khăn khi tự chủ tài chính

26/05/2023 08:49
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gỡ khó khi tự chủ tài chính, trường đại học mong có cơ chế đặt hàng đối với ngành học khó tuyển sinh viên.

Tự chủ mang lại rất nhiều thuận lợi cho trường đại học. Tuy nhiên, hiện không ít cơ sở giáo dục đại học gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính. Hơn nữa, một số nội dung quy định trường đại học được phép tự chủ nhưng trên thực tế chưa thực hiện được do còn chồng chéo các văn bản luật. Gỡ khó khi tự chủ tài chính, trường đại học mong có cơ chế đặt hàng đối với ngành học đang khó tuyển sinh viên.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nhà trường đang tự chủ ở nhóm 2 và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện.

Để thuận lợi tự chủ tài chính, trường phải lo nguồn thu, trong đó, nguồn thu chủ yếu lấy từ học phí. Tuy nhiên, khó khăn đối với trường hiện nay là có những ngành đặc thù khó tuyển sinh viên, nhất là một số ngành khoa học cơ bản. Dù trường đã xây dựng chiến lược tuyển sinh nhưng thực tế kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn.

Với những ngành khoa học cơ bản, "nếu tuyển được sinh viên thì việc thu bù chi trong quá trình tự chủ tài chính sẽ được đảm bảo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy chia sẻ.

Cũng theo vị này, xu hướng chung trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, các ngành khoa học cơ bản khó thu hút sinh viên bởi: ngành học khó, thu nhập sau khi ra trường không hấp dẫn bằng các khối ngành công nghệ thông tin, kinh tế…

Khắc phục khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cho biết, trường tiếp tục nghiên cứu và mong muốn có cơ chế đặt hàng đối với các ngành khoa học cơ bản của trường nói riêng và các trường đại học khác nói chung.

Có ý kiến cho rằng, để tự chủ, trường đại học công lập nên được vận hành như mô hình trường tư (với mô hình phù hợp), Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho đề xuất này là con dao hai lưỡi.

Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn cho biết, trường đại học công lập sẽ dễ bị nghẽn, rất khó tự chủ tài chính nếu như không có sự thông thoáng về các quy định chính sách, thể chế, cũng như việc xác định rõ quyền năng, phân cấp, phân quyền giữa hội đồng trường và hiệu trưởng.

Để tự chủ thành công, cần sự vào cuộc quyết liệt bằng pháp lệnh như: trong năm phải đạt bao nhiêu phần trăm trường tự chủ, trường nào tự chủ trước, trường nào tự chủ sau. Làm rõ nguyên nhân nào khiến trường đại học đang thực hiện tự chủ gặp khó, vướng mắc dẫn đến không tự chủ được. Đặc biệt, tự chủ không được đưa lợi ích cá nhân lên đầu mà phải đặt lợi ích của trường, sinh viên lên trên hết.

Cùng bàn về khó khăn và mong muốn tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện tự chủ, một vị Phó Hiệu trưởng của một trường đại học ở phía Nam khẳng định, chủ trương về tự chủ đại học của nhà nước là rất đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển giáo dục đào tạo trên thế giới. Về ưu điểm, tự chủ mở ra cơ hội để nhà trường phát triển chiều sâu. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức còn rất nhiều và cần cơ chế tháo gỡ trong quá trình triển khai vào thực tế, nhất là tự chủ tài chính.

Theo vị này, bức tranh tổng thể của các trường đại học sau 2 năm chuyển sang cơ chế tự chủ tương đối tốt nhưng còn rất nhiều vướng mắc hiện hữu, cũng như những khó khăn, thách thức tiềm ẩn.

“Trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn có hành lang pháp lý và quản lý của nhà nước, sự ràng buộc của các văn bản luật khác.

Khi áp dụng quy định vào thực tiễn lại xuất hiện bất cập nhất định về mặt pháp lý và cơ chế để các đơn vị giáo dục đại học thực hiện hiệu quả quyền tự chủ. Cần nhấn mạnh rằng, tự chủ không phải là trường đại học tự lo, tự túc tất cả các nguồn thu, chi.

Đối với nhà trường, nếu tiếp tục “đà” tự chủ là tục lo, bị cắt nguồn chi thường xuyên thì sẽ rất vất vả. Và cũng không thể nào trông chờ mãi vào ngân sách nhà nước cấp cho. Do đó, trường sẽ phải có chiến lược để tìm các nguồn thu, nguồn đầu tư khác ngoài nhà nước để tự mình vươn lên. Song, điều này nhất định phải có thời gian”, vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An chia sẻ, hiện trường đang thực hiện tự chủ ở nhóm 3. Ngoài học phí, các nguồn thu từ nghiên cứu khoa học mang lại cho trường không nhiều về tài chính.

Ví dụ, nhà trường rất khó để chủ động thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Còn nếu tỉnh, hoặc Bộ đặt hàng, giao chỉ tiêu cho trường làm nghiên cứu khoa học thì sẽ thực hiện được (vì có kinh phí).

Thầy Tường kiến nghị, trường tiến tới tự chủ hoàn toàn nhưng vẫn cần có nguồn đầu tư thông qua đặt hàng dựa trên năng lực đào tạo, mức độ chất lượng kiểm định. Ngoài đào tạo khối ngành kinh tế, trường còn đào tạo khối ngành kỹ thuật. Khó khăn là cơ chế đặt hàng như thế nào khi mỗi ngành học có đặc thù khác nhau.

Ngọc Mai