Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm đã mang đến nhiều giá trị tích cực cho xã hội, đặc biệt là trong việc thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước.
Xã hội hóa giáo dục đã thực sự thành công tại Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội cho hay, không chỉ Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, các trường thuộc Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm luôn là cơ sở được đông đảo phụ huynh lựa chọn.
Cô Hiền bày tỏ, ngay từ lúc bắt đầu thành lập, cô đã định hướng tư duy khác biệt so với các trường phổ thông lúc bấy giờ. Bởi, nếu chỉ đào tạo theo mô hình giống trường công sẽ không có học sinh. Trong khi đó, để cho con theo học trường tư thục, phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn nhiều so với trường công lập, vì thế, nếu không nhìn thấy điều gì khác biệt và hiệu quả mang lại ở trường tư thục sẽ khó có thể thu hút phụ huynh cho con em vào học. Vì vậy, việc luôn luôn đổi mới và tìm ra điểm khác biệt là mục tiêu phát triển bền vững của nhà trường.
Theo cô Hiền, từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhà trường đã thực hiện việc dạy ngoại ngữ từ lớp 1 và tổ chức bán trú cho học sinh (ở thời điểm đó Hà Nội vẫn chưa có những hình thức này ở các lớp tiểu học), đưa các hoạt động trải nghiệm để giúp các em học sinh giảm tải áp lực và yêu thích việc học hơn.
“Để có thể đi tới thành công một mô hình giáo dục mới, bản thân người lãnh đạo phải tìm được sự khác biệt và hiện thực hóa chính sự khác biệt ấy”, cô Hiền nói.
Đến thời điểm hiện tại, với gần 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường vẫn kiên trì với mục tiêu đào tạo học sinh phát triển toàn diện, có kỹ năng của công dân toàn cầu chứ không quá nặng về mặt kiến thức.
Theo cô Hiền, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, về mặt kiến thức, các em học sinh hoàn toàn có thể tìm được trên mạng với rất nhiều nguồn thông tin. Do đó, cái “cần” mang lại cho các em là việc ứng dụng những kiến thức đó vào cuộc sống, chính là những kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, …
Chính vì vậy, ngoài những môn học trên lớp, nhà trường đã triển khai các hoạt động trải nghiệm để hình thành kỹ năng mềm cho học sinh. Qua đó, giúp các em có được nền tảng kiến thức vững chắc để trong tương lai dù có đi học hay đi làm sẽ không chỉ thích hợp với môi trường Việt Nam mà còn phù hợp với môi trường của nhiều nước trên thế giới.
Thay vì giống nhiều cơ sở đang đào tạo là học sinh phải thi được vào trường chuyên, lớp chọn, phải học giỏi kiến thức, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội lại phát triển theo quan điểm mới là song song với việc giỏi kiến thức, học sinh phải giỏi cả kỹ năng thực hành.
Và thực tế đã chỉ ra rằng, đây là hướng đi đúng của nhà trường khi nhiều học sinh của Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm sau khi tốt nghiệp đại học có thể làm việc ở môi trường trong nước và nước ngoài.
Đây cũng chính là kết quả mà nhà trường đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu xã hội hóa giáo dục.
“Rõ ràng với hơn 9.000 học sinh, hơn 1.000 cán bộ giáo viên, nhân viên và 4 cơ sở trường học, Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm đã thực hiện rất thành công chủ trương xã hội hóa giáo dục, đã phần nào giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc đầu tư giáo dục”, cô Hiền khẳng định.
Việc gia tăng số lượng và chất lượng của hệ thống trường tư thục là rất quan trọng
Theo cô Hiền, đối với nước ta nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung, xã hội hóa giáo dục là một chủ trương rất đúng đắn.
Thực tế ở Việt Nam, có thể thấy rằng, sự phát triển của hệ thống trường tư đã giảm tải cho nhà nước kinh phí đầu tư cho giáo dục rất nhiều, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh khi vấn đề không có đủ số lượng trường công để tiếp nhận số học sinh với tình hình dân số của những địa phương này ngày càng tăng. Vậy nên, việc phát triển hệ thống giáo dục tư thục lại càng trở nên quan trọng hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh bày tỏ sự nghi ngại khi một số trường tư thục hiện nay chưa đáp ứng được chất lượng giáo dục mà họ mong muốn.
Trên thực tế, giữa các hệ thống trường tư và các trường công luôn có sự cạnh tranh tích cực. Muốn phát triển và giữ vững được vị thế, uy tín của mình, các trường phải tìm được những chiến lược và hướng đi đúng đắn; tìm mọi cách để đổi mới và phát triển dựa trên nội lực của mình bởi nếu không làm được những việc này, việc phá sản là hậu quả rất dễ xảy ra.
Phụ huynh là lực lượng truyền thông nhanh nhất cho nhà trường. Để lấy được niềm tin của phụ huynh và học sinh, trường tư phải làm thật và phải có chất lượng thật mới thu hút được người học. Nếu làm tốt thì phụ huynh sẽ lan tỏa đến bạn bè đồng nghiệp và người thân khiến công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ rất dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc đào tạo phải đi đúng nhu cầu của phụ huynh, phải luôn tìm hiểu, nắm bắt được sự thay đổi về nhu cầu của phụ huynh để đáp ứng. Khi quyết định bỏ ra chi phí không thấp để cho con được vào các trường tư thục, bên cạnh kiến thức trên lớp, rất nhiều phụ huynh mong con sẽ được tham gia những hoạt động trải nghiệm, hoạt động mà những đơn vị khác khó có thể đem lại được.
Trên thực tế, chất lượng của nhà trường phải được khẳng định bằng chính những “sản phẩm” thật của mình. Đó là những học sinh đã tham gia và đoạt được nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế; các em có thể tự tin và chủ động trong các hoạt động.
Đơn cử, học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội có khả năng biểu diễn trên các sân khấu lớn của thủ đô Hà Nội, như chương trình truyền thống “Hội diễn hoa tháng 5” của trường (chương trình này cứ 5 năm được tổ chức 2 lần) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với kinh phí lên đến vài tỉ đồng, qua đó, các em được tự tin nói chuyện với người nước ngoài và bản thân phụ huynh cũng thấy được sự thay đổi tích cực của các em trong cuộc sống hàng ngày.
“Chúng ta không bao giờ được chủ quan vào việc mình đã có thương hiệu, thay vào đó, mỗi ngày, lãnh đạo nhà trường phải đưa ra những cách làm tốt hơn nữa để học sinh được hưởng chất lượng tốt nhất. Điều này sẽ thực sự giúp các trường nâng tầm thương hiệu của mình”, cô Hiền nhấn mạnh.
Với những mục tiêu xuyên suốt đó, ngay từ những năm đầu tiên, bên cạnh chất lượng đào tạo của các trường tư, vấn đề học phí như thế nào cũng là việc phụ huynh rất quan tâm. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội luôn là lựa chọn của nhiều phụ huynh và học sinh.
Cô Hiền cho rằng, việc đưa ra mức học phí cho phù hợp đối với hệ thống trường tư thục là rất quan trọng. Nếu muốn tăng học phí, nhà trường phải tính toán xem có thể đáp ứng được yêu cầu của học sinh và phụ huynh đến đâu để việc tăng học phí có hiệu quả.
Mức học phí đưa ra phải phụ thuộc vào điều kiện của trường và làm như thế nào cho đủ và vừa phải, phù hợp với mục tiêu của trường, hài hòa về mặt lợi ích cho cả nhà trường và phụ huynh.
Do vậy, mức học phí khi đưa ra cũng phải tính toán sao cho phù hợp với tình hình thực tế đội ngũ nhân sự của trường. Việc tuyển dụng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao và bền vững là trách nhiệm rất quan trọng của mỗi nhà quản lý trong việc duy trì sự phát triển và thành công của nhà trường. Nếu chỉ tính đến bài toán kinh doanh để có lãi, trường có thể tuyển dụng những giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm với mức lương thấp, nhưng cách làm này sẽ rất khó để nhà trường phát triển.
Đầu tư cho giáo dục sẽ khó thành công nếu nhà đầu tư chỉ muốn có lợi nhuận nhanh
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội được thành lập năm 1997 dưới sự bảo trợ của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ở thời điểm đó, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền được phân công làm Phó Hiệu trưởng phụ trách, đến tháng 9/2001 trở thành Hiệu trưởng.
Cô Hiền chia sẻ, ban đầu, cô xuất phát là cán bộ giảng dạy bộ môn Tâm lý giáo dục ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội; sau đó, do yêu thích dạy ngoại ngữ (chuyên ngành chính mà cô học ở đại học là chuyên ngành tiếng Nga), vì vậy, cô lại về giảng dạy tiếng Nga tại Trường phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (lúc bấy giờ thuộc Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội).
Năm 1993, do có dự án Tăng cường tiếng Pháp của Bộ Giáo dục nên trường Chuyên ngữ được tuyển sinh từ lớp 1. Thời điểm đó tiếng Nga không còn phát triển, cô Hiền vừa dạy tiếng Nga, vừa phân công làm phụ trách văn phòng bán trú tại Trường Phổ thông bán công chuyên ngữ (thành lập vào năm 1992).
Đến năm 1997, khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định là không có lớp tiểu học trong trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, nên, Ban Giám hiệu của Trường Phổ thông chuyên ngữ và Trường Đại học Ngoại ngữ đã cử cô sang làm đề án xây dựng Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm.
Với hành trang ban đầu của cô Hiền chỉ là con số 0: không có chuyên môn tiểu học; không có tiền để đầu tư; chưa từng làm quản lý, hơn nữa khái niệm về trường dân lập còn hết sức mới mẻ, nhiều phụ huynh và thậm chí đồng nghiệp cũng rất hoài nghi về sự phát triển của nhà trường.
Thời gian đầu, cô Hiền chỉ vận động giáo viên đóng góp để xây dựng và phát triển nhà trường, đến năm 2003 khi chuẩn bị xây dựng trường mới, cô bắt đầu kêu gọi những nhà đầu tư để thúc đẩy sự phát triển này mạnh mẽ hơn nữa.
Với chiến lược là đào tạo ra những học sinh phát triển toàn diện, đến nay, Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm đã phát triển 03 cơ sở (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông) ở Hà Nội và 01 trường liên cấp tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Qua quãng thời gian gần 30 năm xây dựng và phát triển với những kinh nghiệm đã đúc kết được như vậy, cô Hiền cũng cho rằng, để thực hiện xã hội hóa giáo dục, cụ thể là thu hút nhiều nhà đầu tư cho giáo dục và đào tạo là rất quan trọng trong bối cảnh giáo dục phổ thông hiện nay ở nước ta.
Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư sau khi thành công ở các lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng, … rất muốn đầu tư cho giáo dục. Đây là việc làm mang tính nhân văn cho cộng đồng và nên được khuyến khích.
Tuy nhiên, theo cô Hiền, mỗi nhà đầu tư khi quyết định đầu tư cho giáo dục phải hiểu việc đầu tư này như thế nào cũng như mang lại hiệu quả ra sao?
Bởi, nếu họ mong muốn hướng tới lợi nhuận nhanh là rất khó, bởi đầu tư cho giáo dục là lĩnh vực mang lại lợi nhuận chậm nhất. Khi đầu tư cho giáo dục nếu chỉ tính toán đến việc cắt cái này cắt cái kia để mang lại lợi nhuận cao hơn, nguy cơ phá sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Có thể thấy, việc thu hút nhà đầu tư rất quan trọng đối với vấn đề tài chính cho các nhà trường và đồng thời cũng góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà nước, tuy nhiên, nếu nhà đầu tư đó không hiểu được mục đích đầu tư cho giáo dục, còn quá nặng về kinh doanh sẽ không phù hợp với lĩnh vực này.
Với gần 30 năm xây dựng và phát triển, cô Hiền nhận thấy rằng, những nhà đầu tư cho giáo dục phải là những người hiểu về giáo dục, đây cũng là điểm khác biệt của Hệ thống giáo dục tư thục Đoàn Thị Điểm so với những cơ sở giáo dục tư thục khác hiện nay.
“Trước khi bắt tay vào thực hiện, mỗi nhà đầu tư cần phải hiểu kinh doanh giáo dục là như thế nào rồi mới đi đến quyết định có nên đầu tư cho giáo dục hay không. Vì kinh doanh giáo dục là một hình thức kinh doanh đặc biệt, không thể chạy theo lợi nhuận và người kinh doanh giáo dục cũng phải là những người có tâm mới có thể làm được”.
Nhiều năm qua, việc đa dạng hóa nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho giáo dục luôn được nhà nước khuyến khích và đẩy mạnh, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vấn đề này vẫn gặp phải một số rào cản khi triển khai.
Thực tế hiện nay, những chính sách đối với việc khuyến khích đầu tư cho giáo dục đang còn một số bất cập như quy định về số lượng lớp, quy định về số tầng trong quá trình xây dựng để quy hoạch xây dựng một trường ra sao…
Vậy nên, để có thể thúc đẩy được việc đầu tư cho giáo dục, góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của nước ta, cô Hiền mong rằng, nhà nước cần có chính sách linh hoạt hơn nhằm tạo điều kiện cho những trường tư thục mới được xây dựng để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa.