Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Công Thương) tiền thân là Trường Huấn nghiệp Gò Vấp được thành lập ngày 11/11/1956.
Trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, tháng 12/2004, nhà trường được nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 214/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Quyết định số 902/QĐ-TTg ngày 23/6/2015, bắt đầu thực hiện từ năm học 2015-2016.
Nhà trường xác định tầm nhìn trở thành trường đại học hàng đầu của Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sứ mạng của nhà trường là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực, phẩm chất và hội nhập quốc tế nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước
Hiện, Tiến sĩ Phan Hồng Hải là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 15/3/2024, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Đề án tuyển sinh đại học năm 2024.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh với hơn 8.000 chỉ tiêu.
Có 3 ngành học mới được nhà trường đưa vào tuyển sinh và đào tạo từ năm 2024, bao gồm: Khoa học dữ liệu; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Quản lý xây dựng.
Nhà trường sử dụng các phương thức tuyển sinh như: xét tuyển thẳng; sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông năm lớp 12; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định nội dung chủ yếu của đề án tuyển sinh bao gồm: “Thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo, gồm cả thông tin về quyết định mở ngành, ngôn ngữ đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp, kết quả kiểm định chất lượng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (trên tổng số nhập học) và tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp (theo Phụ lục III của Quy chế)”.
Đối chiếu theo quy định Thông tư số 08, nhìn chung, Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khá đầy đủ các nội dung. Tuy nhiên, cũng có một số mục kê khai chưa đúng theo biểu mẫu quy định.
Tại mục 8.2, Phần I, Phụ lục III, Thông tư số 08 quy định đề án tuyển sinh cần có bảng kê khai về điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất theo 1 bảng sau:
Tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường chia thành 3 bảng riêng biệt về điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất phân theo từng phương thức xét tuyển. Cụ thể như sau:
3 bảng này gồm: bảng điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (mã phương thức 100), theo sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (mã phương thức 200), và theo sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (mã phương thức 401).
Trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, nhà trường có hơn 9.300 chỉ tiêu và hơn 8.600 số nhập học (tỷ lệ đạt hơn 90% số chỉ tiêu); còn năm 2023, nhà trường có hơn 9.200 chỉ tiêu và hơn 8.900 số nhập học (tỷ lệ đạt hơn 96% số chỉ tiêu).
Theo mục 1.12 phần 1, Mục II, Phụ lục III Thông tư số 08 quy định cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.
Tuy nhiên, tại mục này trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường chỉ để tên tiêu đề là "1.12. Các nội dung khác (không trái quy định hiện hành" và không có nội dung.
Ngoài ra, tại phần 1, Mục III, Mẫu số 01, Thông tư số 08 quy định đối với tuyển sinh đại học vừa làm vừa học cần có thời gian dự kiến tuyển sinh các đợt trong năm và việc cơ sở giáo dục thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.
Tuy nhiên, tại phần 1, Mục III Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh không có các nội dung về thời gian dự kiến tuyển sinh các đợt trong năm và việc cơ sở giáo dục thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại mà Thông tư số 08 quy định như trên.
Thông tư số 08 quy định đề án tuyển sinh đại học cần thống kê đầy đủ nội dung theo Mẫu số 03 về các điều kiện đảm bảo chất lượng. Các nội dung Mẫu số 03 bao gồm: bảng thống kê về quy mô đào tạo hình thức chính quy, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, danh sách giảng viên. Chiếu theo quy định này cho thấy, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kê khai khá đầy đủ.
Đối với quy mô đào tạo hình thức chính quy đến ngày 31/12/2023, nhà trường có tổng quy mô hơn 35.383 người.
Trong đó, quy mô đào tạo sau đại học là 677 người (gồm 123 nghiên cứu sinh và 554 thạc sĩ).
Quy mô đào tạo đại học là 34.706 sinh viên (trong đó sinh viên chính quy là 33.922; quy mô vừa làm vừa học là 784 sinh viên).
Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích đất là 135766,1 m2; số chỗ ở ký túc xá sinh viên là hơn 3.000 chỗ; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 4m2.
Với cơ sở vật chất như trên, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đáp ứng tiêu chí 3.1 tại Tiêu chuẩn 3 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học về: Từ năm 2030, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2.
Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường có 1.117 giảng viên toàn thời gian, 242 giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học năm 2024.
Trong số 1.117 giảng viên toàn thời gian, có 375 giảng viên trình độ tiến sĩ (đã bao gồm 46 giảng viên chức danh phó giáo sư và 19 giảng viên chức danh giáo sư); 729 giảng viên trình độ thạc sĩ và 13 giảng viên trình độ đại học.
Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ chiếm hơn 33,5% trên tổng số giảng viên toàn thời gian của trường.
Theo Điểm b, Tiêu chuẩn 2, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ "Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ". Thời gian báo cáo bắt đầu từ năm 2025.
Theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT quy định bảng thống kê danh sách giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học cần có thông tin về cơ quan công tác. Tuy nhiên, trong bảng này ở Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường không đề cập đến thông tin này.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường quy định chi tiết về học phí dự kiến và lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm.
Cụ thể, đối với sinh viên chính quy, học phí dự kiến của khối ngành Kinh tế là hơn 32 triệu đồng/năm; khối ngành Công nghệ kỹ thuật là hơn 33 triệu đồng/năm; ngành Dược học là hơn 53 triệu đồng/năm. Lộ trình học phí tăng tối đa cho từng năm không quá 10%.
Học phí dự kiến đối với đại học vừa làm vừa học là 23 triệu đồng/năm, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm không quá 10%.
Học phí năm 2024 được nhà trường xây dựng đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên Nghị định 97/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.