Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 1878/QĐ-TTg trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Tiền thân của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh là Trường Đảng Khu ủy do Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thành lập tháng 6/1965.
Năm học 2016 - 2017 là năm đầu tiên Học viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo đại học chính quy với ngành Quản lý nhà nước.
Hiện Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát.
Ngày 29/5, Học viện đã ban hành Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 (kèm theo Quyết định số 512-QĐ/HVCB của Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh).
Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu đề án tuyển sinh phải chứa đầy đủ thông tin làm căn cứ để thí sinh lựa chọn trường, ngành, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện cá nhân. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước và xã hội giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật và các cam kết đối với người học của cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Không đưa ra mức học phí cụ thể đối với đào tạo chính quy
Qua tìm hiểu của phóng viên, nội dung Đề án tuyển sinh của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu một số thông tin về tài chính, thông tin học phí đối với hệ đào tạo đại học chính quy không rõ ràng, thông tin giảng viên kê khai chưa đầy đủ,...
Cụ thể, tại mục 1.10, Phụ lục III, Thông tư 08 yêu cầu cơ sở đào tạo phải công khai học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có).
Tuy nhiên, đối chiếu thông tin học phí hệ đại học chính quy tại đề án, Học viện không công bố cụ thể mức học phí như thế nào, thay vào đó chỉ nêu chung chung rằng: “Lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ”.
Với những thông tin này, thí sinh sẽ rất khó để biết cụ thể khoảng học phí là bao nhiêu/năm học.
Trong khi đó, học phí đối với hệ vừa làm vừa học trình độ đại học lại được công khai chi tiết, cụ thể:
Không có thông tin về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng
Thông tư 08 cũng yêu cầu cơ sở đào tạo phải công khai tài chính, bao gồm 2 nội dung chính: Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường và tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh.
Tuy nhiên, Đề án tuyển sinh của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh không có mục này.
Trong phần công khai điều kiện đội ngũ giảng viên, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã công khai danh sách giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng. Theo đó, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn được đào tạo, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng đều được kê khai đầy đủ theo Thông tư 08.
Theo thống kê cho thấy, Học viện hiện có 125 giảng viên toàn thời gian, trong đó có 2 giảng viên có chức danh phó giáo sư, còn lại là giảng viên trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Bên cạnh đó, Học viện có 19 giảng viên thỉnh giảng.
Tuy nhiên, nội dung kê khai về giảng viên vẫn còn một số điểm chưa đúng theo quy định. Cụ thể, tại phần kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian, nhà trường lại kê khai “mã ngành chuyên môn được đào tạo” của giảng viên, thay vì ghi rõ ràng thông tin “chuyên môn đào tạo” theo mẫu tại Thông tư 08. Trong khi đó, tại danh sách giảng viên thỉnh giảng, nội dung này lại được ghi rõ “ngành chuyên môn được đào tạo” theo đúng quy định tại Thông tư 08.
Việc nhà trường chỉ ghi mã ngành sẽ gây khó khăn cho người đọc khi theo dõi đề án, bởi không phải ai nhìn vào mã ngành cũng biết tên chuyên ngành là gì.
Ngoài ra, tại Đề án tuyển sinh năm 2024 Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh không kê khai thông tin về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng.
Cuối Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng không có thông tin ngày tháng lập đề án, chữ ký của thủ trưởng đơn vị, cũng như thông tin của cán bộ kê khai gồm họ tên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email như mẫu tại Thông tư 08.
Hiện nay, toàn Học viện đang có khoảng hơn 2200 người học trình độ đại học. Trong đó, có 209 người học hệ đại học chính quy và 236 người học hệ đại học vừa làm vừa học.
Năm 2024, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 5 ngành đào tạo (hệ đại học chính quy), gồm: Quản lý nhà nước, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Luật và Công tác xã hội, tổng 600 chỉ tiêu.
Ngoài chính sách tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh theo 2 phương thức: xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:
"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...