12 năm học phổ thông, ôn đi ôn lại sao vẫn có thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ văn?

20/07/2024 06:42
NHẬT DUY

GDVN - Những thí sinh bị điểm liệt cũng đồng nghĩa chưa được xét tốt nghiệp và cơ hội vào đại học trong năm nay cũng hết - đây là điều đáng tiếc vô cùng.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006- chương trình lấy kiến thức sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kĩ năng làm “pháp lệnh” khi ra đề. Vì thế, gần 20 năm nay, cho dù kỳ thi nào thì khi ra đề thi, các nội dung kiến thức phải bám vào sách giáo khoa mà học sinh đã học.

Đề tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Ngữ văn hàng chục năm qua cũng cũng chỉ quanh đi, quẩn lại có mười mấy tác phẩm mà học sinh đã học trong sách giáo khoa. Chính vì thế, sau kỳ thi năm nay, nhiều thí sinh đã vui mừng vì đã trúng tủ vào đoạn trích trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Thực tế, điểm thi Ngữ văn năm nay rất cao, cao hơn các kỳ thi trước, nhiều địa phương có tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 9,0 trở lên khá nhiều và điểm mà thí sinh đạt nhiều nhất năm nay là điểm 8,0. Thế nhưng, vẫn có 68 thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ văn- đây là điều rất đáng suy ngẫm.

ngu-van-3140.png
Điểm thi môn Ngữ văn năm 2024

Điểm thi môn Ngữ văn năm nay nhìn chung khá đẹp

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm gần đây chỉ có môn Ngữ văn là môn thi duy nhất được thực hiện theo cấu trúc tự luận hoàn toàn và phải thực hiện chấm thủ công. Còn lại, tất cả các môn thi khác thi theo trắc nghiệm và chấm trên máy.

Đối với môn Ngữ văn năm nay, cả nước có 1.050.132 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn. Theo kết quả mà Bộ công bố ngày 17/7 thì điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay là 7,23 điểm; điểm trung vị là 7,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,0 điểm.

Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình (<5) là 53,207 (chiếm tỉ lệ 5,067%); số thí sinh có điểm <= 1 là 68 (chiếm tỉ lệ 0,006%), trong đó có 29 bài điểm 0. Như vậy, điểm thi môn Ngữ văn năm nay tương đối cao so với các môn thi khác, điểm bình quân chỉ đứng sau môn Giáo dục công dân mà thôi.

Năm nay, 10 tỉnh đạt điểm bình quân môn Ngữ văn cao nhất nước là, gồm: Ninh Bình 8,17; Trà Vinh 8,09; Nam Định 8,05; Hà Nam 8,04; Nghệ An 8,04; Thanh Hóa 7,99; Hải Phòng 7,99; Bắc Ninh 7,96; Vĩnh Phúc 7,92; Hà Tĩnh 7,87.

Trong số các tỉnh này, Bắc Ninh có tỉ lệ thí sinh đạt trên điểm 9,0 môn Ngữ văn tương đối cao. Toàn tỉnh có 4.532/17.493 thí sinh đạt mức điểm từ 9,0 trở lên, chiếm 25,9%. Trong đó, 1.284 thí sinh đạt 9,5 điểm; 606 thí sinh đạt 9,75 điểm.

Địa phương có điểm Ngữ văn cao vượt bậc năm nay là Trà Vinh đạt trung bình 8,09 điểm, đứng thứ hai trong 63 tỉnh, thành. Với mức điểm này, Trà Vinh đã tăng 49 bậc so với năm 2023. Tỉnh này có 2.554 thí sinh đạt từ 9 điểm Ngữ văn trở lên, chiếm tới 26% tổng số thí sinh của tỉnh dự thi tốt nghiệp.

Nhìn chung, điểm Ngữ văn năm nay khá đẹp, chỉ có 8/63 tỉnh có điểm bình quân ở mức trung bình (dưới 6,5 điểm). Tỉnh có điểm thấp nhất là Cao Bằng có điểm bình quân môn Ngữ văn là 5,9 điểm. Nhưng, có đến 29 tỉnh, thành có điểm bình quân từ mức 7,0 điểm đến 8,17 điểm.

Điều này cho thấy đề thi môn Ngữ văn không khó, được nhiều thầy cô và thí sinh đánh giá là phù hợp sau khi môn thi này kết thúc. Tuy nhiên, điểm liệt môn Ngữ văn vẫn có đến 68 bài.

Vẫn còn nhiều điểm liệt môn Ngữ văn

Nếu so sánh điểm liệt môn Ngữ văn (dưới 1,0 điểm) giữa kỳ thi năm nay so với kỳ thi năm 2023 thì số điểm liệt năm nay thấp hơn. Cụ thể: số thí sinh bị điểm 1 trở xuống trong kỳ thi năm 2024 là 68 em (chiếm tỷ lệ 0,006%), trong đó có 29 em bị điểm 0. Kỳ thi năm 2023 có 92 em bị điểm liệt, trong đó 24 em bị điểm 0.

Nhìn từ thực tế kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay cũng như năm năm vừa qua, nhiều người không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở. Bởi, chương trình 2006 việc thi cử chủ yếu là tái hiện kiến thức mà học sinh đã học, nhất là phần đọc hiểu khá đơn giản.

Cho dù phần ngữ liệu của phần đọc hiểu lấy ở ngoài sách giáo khoa nhưng các câu hỏi bám vào kiến thức sách giáo khoa mà học sinh đã học; phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về đoạn ngữ liệu của phần đọc hiểu.

Phần nghị luận văn học sẽ là phân tích, cảm nhận một nhân vật văn học, một đoạn trích hoặc một bài thơ, đoạn thơ Việt Nam có trong chương trình Ngữ văn lớp 12 mà năm nay là yêu cầu phân tích đoạn thơ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm .

Vì thế, học sinh học đi, học lại, ôn nhuần nhuyễn và thầy cô đã hướng dẫn cẩn thận, hướng dẫn mở bài, thân bài, kết bài và muôn vàn mưu mẹo để lấy điểm. Nhưng, bên cạnh những thí sinh có điểm cao thì điểm liệt môn ngữ văn năm nào cũng có.

Và, năm nay có 68 bài thi điểm liệt, trong đó có 29 bài thi điểm 0 môn Ngữ văn. Trong đó, năm nay, chỉ có 7 thí sinh bị đình chỉ thi môn Ngữ văn nên cũng đồng nghĩa trong 29 thí sinh bị điểm 0, phần lớn trong số này là do năng lực chứ không phải bị đình chỉ thi.

Điều đáng trăn trở là học sinh học đến lớp 12 nên những em này đã được học 5 năm Tiếng Việt ở Tiểu học và 7 năm Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở; Trung học phổ thông-mỗi năm có hàng chục bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Đặc biệt, tất cả các em dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đều phải trải qua kỳ thi (xét) tuyển sinh 10 và đã có sự sàng lọc khi chuyển cấp.

Hơn nữa, chương trình 2006 đã thực hiện gần 20 năm qua chỉ có 1 bộ sách giáo khoa duy nhất, những tác phẩm văn học đã có sẵn nên rất thuận lợi cho việc ôn thi nhưng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn ngữ vẫn có nhiều điểm liệt, thậm chí có hàng chục thí sinh bị điểm 0.

Những thí sinh bị điểm liệt cũng đồng nghĩa chưa được xét tốt nghiệp và cơ hội vào đại học, cao đẳng trong năm nay cũng không có- đây là điều đáng tiếc vô cùng- nhất là kỳ thi năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006.

Từ kỳ thi năm sau (2025), thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì môn Ngữ văn sẽ lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (ngoài 3 bộ sách) theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành ngày 21/7/2022. Từ đây, việc học sinh học tủ và đoán đề sẽ khó còn, cách học, cách thi môn Ngữ văn cũng khác hoàn toàn so với chương trình 2006.

Sự thay đổi này sẽ giúp cho những học sinh giỏi (tốt), có tư duy tốt phát huy được phẩm chất, năng lực của mình để đạt điểm cao.

Với chương trình 2006, học sinh được học và ôn nhiều lần trên 1 tác phẩm văn học cụ thể trong sách giáo khoa trước khi bước vào kỳ thi mà vẫn có những thí sinh còn bị điểm liệt thì những kỳ thi tới đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho nhiều thí sinh.

Chương trình 2018 xem sách giáo khoa là học liệu, chương trình là “pháp lệnh” nên việc dạy và học, cũng như thi cử có nhiều điểm khác hoàn toàn với chương trình 2006. Đề thi môn Ngữ văn sẽ không còn lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa như trước đây nữa.

Vì thế, học sinh học sách giáo khoa nào cũng không quan trọng, quan trọng vì Bộ hướng tới phát huy phẩm chất năng lực cho người học chứ không đơn thuần là tái hiện kiến thức bằng những câu hỏi quen thuộc được lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác như hàng chục năm qua ở chương trình 2006.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY