Được quy đổi tiết bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên tham gia ôn thi phấn khởi

04/08/2024 08:02
KIM OANH

GDVN - Cách tính định mức số tiết cho giáo viên ôn thi học sinh giỏi lâu nay ở cấp Trung học cơ sở đang rất khác nhau, mỗi trường có mỗi cách tính định mức riêng.

Ngày 21/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên cổng thông tin của để lấy ý kiến. Dự thảo Thông tư đang nhận được sự quan tâm của đông đảo đội ngũ nhà giáo các cấp học phổ thông trên cả nước.

Trong những nội dung của dự thảo Thông tư, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến nội dung: “giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi được quy đổi tối đa 02 tiết định mức” vì công việc này lâu nay nhiều trường đang thực hiện khoán theo kiểu tự phát, mạnh trường nào trường đó làm, nhất là ở cấp Trung học cơ sở.

Chính vì thế, cách tính định mức tiết cho những giáo viên được phân công tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa cho nhà trường chưa thực sự phù hợp.

gdvn-hsgioilop9b-1215-4305.jpg
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Phương Linh

Việc quy đổi định mức tiết dạy có những điểm mới, phù hợp với thực tế

Hiện nay, việc quy đổi đối với trường hợp giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi chưa rõ ràng, đồng thời chưa có quy định việc quy đổi đối với trường hợp giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi và tham gia các cuộc thi khác mà ngành, địa phương phát động.

Chính vì thế, dự thảo Thông tư lần này dự kiến quy định việc quy đổi các hoạt động này như sau: “Giáo viên tham gia các hoạt động trên thì 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức. Căn cứ vào từng hình thức bồi dưỡng, cấp tham gia, mà hiệu trưởng nhà trường quyết định việc quy đổi này” (khoản 3 Điều 12).

Nhiều giáo viên đang tham gia các phong trào bồi dưỡng cho học sinh rất tâm đắc với hướng dẫn của dự thảo bởi lâu nay công việc này chưa được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng, nhất là đối với giáo viên Trung học cơ sở khi được phân công ôn thi học sinh giỏi.

Việc dự thảo Thông tư cụ thể hóa số tiết 01 tiết ôn thi học sinh giỏi được tính tối đa 02 tiết định mức sẽ là cơ sở pháp lý để các nhà trường phân công, tính định mức cho giáo viên khi đảm nhận công việc này.

Nói thật, chưa cần tính 01 tiết ôn thi bằng 1,5 hay tối đa 02 tiết như dự thảo của Thông tư mà giáo viên bồi dưỡng 01 tiết, tính cho 01 tiết cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Bởi lâu nay, có những trường Trung học cơ sở, giáo viên ôn bao nhiêu tiết cho cả kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh cũng chỉ tính định mức có 40 tiết cho cả khóa bồi dưỡng từ tháng 9- thời điểm mới bước vào năm học cho đến khi thi cấp tỉnh vào tháng 3 năm sau.

Vì thế, lâu nay giáo viên có thiệt thòi trong việc tính định mức tiết dạy mà không may học sinh rớt thì có thể còn bị quở trách, phê bình từ Ban giám hiệu, hoặc chịu nhiều những lời thị phi, so sánh của đồng nghiệp nên họ rất áp lực.

Đã có những thầy cô tìm cách từ chối khi được phân công ôn thi học sinh giỏi

Hàng chục năm nay giảng dạy môn Ngữ văn tại một trường Trung học cơ sở, bản thân tôi đã tham gia nhiều phong trào, nhiều hội thi của ngành, nhà trường phát động. Trong các phong trào, các hội thi hiện nay của ngành giáo dục, có lẽ việc được phân công ôn thi học sinh giỏi là vất vả nhất, mất nhiều thời gian nhất.

Thực tế cho thấy, không ít giáo viên khi được nhà trường phân công ôn thi học sinh giỏi vẫn tìm cách chối từ vì công việc này có phần vất vả, thách thức mà nhiều khi phải chịu nhiều muộn phiền khi học sinh dự thi không đạt được kết quả tốt.

Bởi lẽ, cách tính định mức số tiết cho giáo viên ôn thi học sinh giỏi lâu nay ở cấp Trung học cơ sở đang rất khác nhau- dù các trường trong cùng một địa bàn huyện nhưng cũng mỗi trường mỗi cách tính riêng.

Có trường, tính định mức mỗi tuần 4 tiết nhưng cũng có trường tính cả khóa ôn tập 40 tiết chung cho cả khi học sinh thi cấp huyện và cấp tỉnh. Trong khi đó, số tiết ôn thi học sinh giỏi luôn cao hơn nhiều gấp nhiều lần cách tính của Ban giám hiệu vì mỗi tuần, giáo viên sẽ ôn cho học sinh từ 2-3 buổi trái với buổi học chính.

Nếu ôn như định mức rất khó để học sinh của mình đạt được kết quả như mong muốn vì trường nào cũng tập trung ôn thi rất bài bản, công phu.

Khi học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, nếu học sinh may mắn đậu, trò có thưởng thì giáo viên cũng có được niềm vui chung. Nếu trò rớt, thầy và trò cùng gậm nhấm nỗi buồn riêng.

Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi- cho dù cấp nào tổ chức cũng thường lấy tỉ lệ rất thấp. Thông thường, dao động theo tỉ lệ 30-35% học sinh tham gia dự thi. Vì thế, khả năng học trò của mình rớt, thậm chí là rớt trắng luôn rất cao.

Khi không có học sinh đạt giải không chỉ là nỗi buồn đeo bám mà uy tín của người thầy đôi lúc còn bị thách thức. Đồng nghiệp xì xào, bán tán, ngay cả học sinh được mình ôn tập nhiều tháng trời cũng hoài nghi khả năng, kiến thức của giáo viên ôn tập.

Bởi vậy, một số thầy cô khi được phân công ôn thi học sinh giỏi tìm cách thoái thác cũng là lẽ đương nhiên. Thực tế cho thấy, ôn thi học sinh giỏi luôn áp lực. Áp lực với cấp trên, đồng nghiệp và ngay cả học trò khi ôn và khi cấp trên công bố giải.

Thông thường, những học trò ôn thi học sinh giỏi là những em thông minh, am hiểu kiến thức và muốn mở rộng, nâng cao kiến thức nên thầy cô không giỏi sẽ bị động trước học trò. Vì thế, mặc dù ôn đội tuyển mỗi môn học chỉ có vài em, tối đa là chục em /môn/ trường nhưng giáo viên còn áp lực hơn rất nhiều khi dạy đại trà trên lớp với sĩ số 45 học sinh.

Tuy nhiên, đây là một hoạt động thường niên của nhà trường và tất nhiên những môn văn hóa thường có học sinh đăng ký ôn thi và các tổ chuyên môn sẽ phân công giáo viên ôn thi. Nhưng, ở cấp Trung học cơ sở, phần nhiều là các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đảm nhận vì các thầy cô bộ môn thường viện các lý do để chối từ.

Suy cho cùng, cách tính định mức cho công việc ôn thi của nhiều trường chưa tương xứng với công sức giáo viên bỏ ra và thực tế cũng không có văn bản cụ thể hướng dẫn việc quy đổi số tiết nên giáo viên từ chối cũng là điều dễ hiểu.

Giờ đây, khi dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông đã dự kiến: “Giáo viên tham gia các hoạt động trên thì 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức” và nếu như nội dung này được giữ nguyên khi Bộ ban hành Thông tư chính thức thì sẽ là cơ sở pháp lý để nhà trường tính định mức cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi.

Điểm mới này, tạo cho những thầy cô đã và đang ôn thi học sinh giỏi văn hóa phấn khởi bởi với hướng dẫn mới này, giáo viên khi đảm nhận công việc này sẽ đỡ bị thiệt thòi, giúp cho họ có thêm nhiều động lực để làm tốt công việc mà họ được phân công.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH