Tới đây, có thể tổ trưởng chuyên môn nếu giảm định mức thì thôi phụ cấp chức vụ

25/07/2024 06:42
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc duy trì giảm định mức 03 tiết (đối với tổ trưởng) 01 tiết (đối với tổ phó) /tuần và phụ cấp chức vụ như hiện nay là phù hợp với thực tế công việc.

Ngày 20/6/2024 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học để lấy ý kiến đến ngày 20/8/2024.

Điều đáng quan tâm là theo dự thảo Thông tư dự kiến cắt phụ cấp chức vụ hoặc không giảm định mức giảng dạy đối với tổ trưởng và tổ phó chuyên môn tức là những nhà giáo đang kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường phổ thông chỉ được hưởng 1 trong 2 chế độ mà thôi.

bai-van-ve-thay-co-giao-700-1631865368349315703330-6451-9961.jpg
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chỉ nhận được 1 trong 2 chế độ

Tại khoản 3, Điều 4, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học đang được Bộ đăng tải trên cổng thông tin để lấy ý kiến, Bộ đã dự kiến như sau: “Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này.

Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy”. [1]

Trong khi đó, tại điều 8, điều 9, điều 10 Thông tư này hướng dẫn như sau: tổ trưởng và phó chuyên môn hoặc tổ phó tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 03 tiết (tổ trưởng) 01 tiết (tổ phó) /tuần.

Một vấn đề nữa là trong phần khảo sát lấy ý kiến toàn bộ giáo viên phổ thông ở câu khảo sát số 5 và câu số 6 trên phần mềm Temis, Bộ đã đề cập vấn đề này như sau:

“Câu 5: a. Theo quy định hiện hành, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất; đồng thời, không giới hạn số nhiệm vụ chuyên môn và vị trí việc làm được kiêm nhiệm nên có giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc.

b. Dự thảo Thông tư dự kiến quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ (bao gồm cả kiêm nhiệm công việc chuyên môn; kiêm nhiệm chức vụ đảng, đoàn thể và tổ chức khác; kiêm nhiệm vị trí việc làm khác) để đảm bảo giáo viên tập trung cho các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục. Đồng thời, nếu giáo viên kiêm nhiệm 02 nhiệm vụ thì số tiết dạy được giảm là tổng số tiết được giảm của cả 02 nhiệm vụ kiêm nhiệm (khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư).

Câu 6: Để tránh việc chi trả trùng chế độ, chính sách cho cùng 01 nhiệm vụ, dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung nguyên tắc: Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III dự thảo Thông tư (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy và không được quy đổi nhiệm vụ đó ra tiết dạy (khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư). Ý kiến của thầy/cô (đồng ý; không đồng ý)”. [2]

Điều này cho thấy, tới đây, nếu tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được chi trả tiền phụ cấp chức vụ như hiện nay (tổ trưởng cấp Trung học phổ thông được hưởng hệ số 0,25; tổ trưởng cấp Trung học cơ sở và Tiểu học hưởng hệ số 0,20 và tất cả tổ phó của 3 cấp học đang hưởng hệ số 0,15) thì sẽ không được hưởng giảm trừ định mức giảng dạy 03 tiết (tổ trưởng) 01 tiết (tổ phó) /tuần.

Từ nội dung dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học và khảo sát ý kiến trên Temis, có thể tới đây tổ trưởng, tổ phó chuyên môn sẽ không còn nhận phụ cấp chức vụ.

Hoặc, nếu đã nhận phụ cấp chức vụ thì những giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải dạy đủ định mức như những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ: giáo viên Tiểu học 23 tiết; giáo viên Trung học cơ sở 19 tiết/tuần, giáo viên Trung học phổ thông 17 tiết/tuần.

Nên duy trì các chế độ cho tổ trưởng và tổ phó chuyên môn như hiện nay

Bản thân người viết bài là một tổ trưởng chuyên môn ở một trường phổ thông. Trước đây đã áp lực, vất vả nhưng mấy năm nay khi thực hiện chương trình 2018 càng thấy áp lực nhiều hơn bởi có quá nhiều công việc.

Những tổ có 1 chuyên môn đã vất vả, những tổ chuyên môn tổ ghép có đến gần 20 giáo viên nên áp lực quản lý cũng không hề đơn giản. Họ không chỉ lo về chuyên môn của tổ với nhiều phân môn, nhiều môn học mà còn phải xây dựng đoàn kết nội bộ giữa các thành viên với nhau. Một khi tổ chuyên môn mạnh thì nhà trường mới mạnh lên được.

Hàng năm, ngoài việc dạy theo định mức, tổ trưởng phải xây dựng các kế hoạch giáo dục của tổ; xây dựng các tiết thao giảng chuyên đề các cấp; duyệt đề kiểm tra định kỳ; kiểm tra các loại hồ sơ sổ sách; kiểm tra chuyên đề nội bộ; dự giờ; triển khai nội dung công việc chuyên môn; thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất; dự họp khi Ban giám hiệu yêu cầu…

Khi triển khai chương trình 2018, nhiều nội dung tập huấn chỉ dành cho đội ngũ cốt cán. Vì thế, tổ trưởng tập huấn xong, tiếp tục về triển khai lại cho giáo viên trong tổ.

Cũng chính vì áp lực như vậy, tại nhiều đơn vị hiện nay, khi hiệu trưởng phân công giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, không ít thầy cô đã chối từ. Hoặc chỉ làm 1, 2 năm, thậm chí có giáo viên chỉ làm được 1 học kỳ đã cương quyết làm đơn xin thôi bởi có quá nhiều công việc không tên.

Suy cho cùng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là chức danh kiêm nhiệm thuộc dạng “đầu binh, cuối cán”, trên thì Ban giám hiệu hối thúc công việc, dưới một số giáo viên chống đối khiến cho những tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không khéo léo và có năng lực thực sự sẽ rất khó trụ được lâu dài.

Hơn nữa, nhiệm kỳ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường phổ thông chỉ có thời hạn tương đương 1 năm học. Hằng năm, hiệu trưởng phải ra quyết định bổ nhiệm cho 2 vị trí kiêm nhiệm này vào thời điểm đầu năm học.

Vì vậy, việc duy trì giảm định mức 03 tiết (đối với tổ trưởng) 01 tiết (đối với tổ phó) /tuần và phụ cấp chức vụ như hiện nay là phù hợp, điều này sẽ giúp họ có thêm động lực làm tốt công việc của nhà trường.

Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đánh giá thấu đáo việc này, cái nào có lợi, cái nào hạn chế để khi ban hành chính thức Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các nhà trường không phải chịu thiệt thòi.

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn dù là công việc kiêm nhiệm nhưng đây là những chức danh quan trọng trong mỗi nhà trường. Nếu cắt đi phụ cấp chức vụ thì chúng tôi e ngại sẽ không mấy ai còn thiết tha với công tác kiêm nhiệm này bởi có rất nhiều áp lực. Áp lực từ công việc, áp lực với Ban giám hiệu và ngay cả với các tổ viên của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1654

[2] https://temis.csdl.edu.vn/temis/survey

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI