Sinh viên được đào tạo 2 trong 1 khi học Ngôn ngữ Anh của ĐH Giao thông vận tải

31/07/2024 06:42
Tường San

GDVN - Bên cạnh kiến thức ngôn ngữ, sinh viên Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Giao thông vận tải được cung cấp kiến thức, kỹ năng về tiếng Anh chuyên ngành lĩnh vực kỹ thuật.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hầu hết các ngành nghề hiện nay đều cần nguồn nhân lực được đào tạo tiếng Anh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học mở đào tạo ngành học Ngôn ngữ Anh.

Theo đại diện của Trường Đại học Giao thông vận tải, mặc dù Ngôn ngữ Anh không phải ngành học mới nhưng chưa bao giờ “lỗi thời”. Để hiện thực hóa sự “không lỗi thời” ấy, Nhà trường đã xây dựng một chương trình đào tạo Ngôn ngữ Anh với những điểm riêng biệt, thể hiện đặc trưng của một trường thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Năm 2024 là năm đầu tiên Nhà trường tuyển sinh, đào tạo ngành học này.

Đào tạo Ngôn ngữ Anh là phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững

Chia sẻ về lý do mở ngành Ngôn ngữ Anh với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, qua thời gian tiến hành khảo sát đối với những cựu sinh viên và một số nhà tuyển dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải, Khoa cũng như nhà trường nhận thấy rằng, việc mở ngành Ngôn ngữ Anh đối với lĩnh vực kỹ thuật nói chung và lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng là hết sức cần thiết.

Hiện, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài về kỹ thuật đang rất thiếu nguồn nhân lực này.

z5666397892007_a9aa0ab286ee711fd981e6dcfdec7c66.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Giao thông vận tải (Ảnh: Trà My).

Bên cạnh đó, theo cô Mai, nếu người học muốn sử dụng tiếng Anh thành thạo và có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia thì việc học ngành Ngôn ngữ Anh là một lựa chọn thích hợp.

Bởi, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành học này sẽ có thị trường việc làm rộng mở cả trong nước và trên thế giới. Có thể thấy rằng, ngôn ngữ Anh được xem như “mảnh đất màu mỡ” khi là ngôn ngữ giúp kết nối toàn cầu trong hợp tác và đầu tư ở nhiều lĩnh vực từ giáo dục, y tế, kinh tế, công nghệ,…

Do đó, việc đầu tư kiến thức Ngôn ngữ Anh một cách bài bản cũng đồng nghĩa với việc người học sẽ sở hữu một phương tiện giao tiếp xuyên quốc gia. Đây là nền móng vững chắc giúp các em tự tin, hòa nhập và khẳng định bản thân trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp. Hơn nữa, thường nhân lực làm về lĩnh vực này cũng có mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt và tiềm năng thăng tiến vượt trội trong tương lai.

Những thuận lợi trên chính là lý do khiến Nhà trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh từ năm học 2024-2025.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Tuyến - Trưởng Bộ môn Anh văn, Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Giao thông vận tải, mục tiêu và định hướng của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với xu thế toàn cầu, phát triển bền vững. Do vậy, việc đào tạo và phát triển ngành Ngôn ngữ Anh là rất cần thiết đối với Nhà trường.

Cô Tuyến cho hay, trong đề án mở ngành này của Trường đã nêu rõ, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh có thể làm ở những vị trí như thư ký, trợ lý, chuyên viên trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề kinh tế, kỹ thuật, quản lý dự án hoặc làm công tác giảng dạy về tiếng Anh tại các bậc học phổ thông,…

Về mức lương, theo cô Tuyến, thông thường, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này nếu làm các công việc như giảng dạy tiếng Anh tại các bậc học phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ, hay làm hướng dẫn viên du lịch vốn đã có mức thu nhập tương đối ổn định.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Giao thông vận tải bên cạnh kiến thức về ngôn ngữ còn có cả kiến thức và kỹ năng về tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Vì thế, các cơ hội việc làm, thu nhập sẽ rộng mở hơn.

Chương trình đào tạo ngôn ngữ nhưng vẫn mang tính “đặc sản” của trường kỹ thuật

Không giống với nhiều trường đại học khác đang đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh chỉ thiên về đào tạo phương pháp giảng dạy tiếng Anh, thực hành tiếng Anh, cô Tuyến cho hay, ngay trong quá trình xây dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải đã rất chú trọng đến việc phải có điểm nhấn mang tính "đặc sản", phát huy truyền thống dạy giảng tiếng Anh của Nhà trường. Đó là phát triển theo định hướng kinh tế, thương mại và kỹ thuật.

Và để làm được việc này, Khoa đã đưa vào chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh các môn học tự chọn về kỹ thuật, các kiến thức về lĩnh vực giao thông vận tải đan xen trong các học phần dịch, học phần viết,…

z5669038931465_d45a676b98f647d88ec61ec4fb851d1e.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Tuyến- Trưởng Bộ môn Anh văn, Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Giao thông vận tải (Ảnh: NVCC).

Không những vậy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ được đào tạo kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng mềm như thuyết trình, ghi chép và xử lý văn bản, đặc biệt là văn bản trong lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật,…

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, chương trình đào tạo ngành học này cũng được Nhà trường tích hợp công nghệ, AI, sử dụng các phần mềm giảng dạy, học tập ngoại ngữ vào trong nhiều học phần. Thậm chí, Nhà trường cũng dự kiến sẽ mời chuyên gia từ các doanh nghiệp về hỗ trợ đào tạo trực tiếp cho các em.

Để phát triển một ngành học, có thể thấy, đội ngũ giảng viên là yếu tố rất quan trọng. Cô Tuyến thông tin, mặc dù năm học này là năm đầu tiên nhà trường mở và đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Thế nhưng, Bộ môn đã có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong 30 năm trên các lĩnh vực đa dạng từ công nghệ thông tin, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, quản lý dự án, kỹ thuật điện – điện tử, ….

Bắt đầu từ năm 1989, trường có mở đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cầu đường bộ Việt-Anh (gọi tắt là Cầu-Đường Anh). Sinh viên của ngành học này đã được học tiếng Anh một cách rất bài bản và chuyên nghiệp, có thể thực hành toàn diện các kỹ năng nói, nghe, đọc, viết, dịch nâng cao với trình độ đầu ra là C1. Vậy nên, Bộ môn Anh văn của Trường Đại học Giao thông vận tải vốn đã khẳng định được năng lực qua việc đào tạo chuyên ngành này.

Picture1.jpg
Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải được học tập với cơ sở vật chất hiện đại (Ảnh: NTCC).

Cũng theo cô Tuyến, hiện Bộ môn đang có khoảng 25 giảng viên cơ hữu, trong đó có 3 tiến sĩ và 22 thạc sỹ đều đã tốt nghiệp Ngôn ngữ Anh hoặc Lý luận Phương pháp giảng dạy tiếng Anh từ các đơn vị cả trong nước và quốc tế nên hoàn toàn có thể đáp ứng công tác giảng dạy.

Đối với cơ sở vật chất, cô Tuyến bày tỏ, Ngôn ngữ Anh là ngành học thuộc Trường Đại học Giao thông vận tải - cơ sở giáo dục đại học đào tạo kỹ thuật đầu ngành của cả nước. Do đó, ngành Ngôn ngữ Anh được kế thừa nhiều cơ sở vật chất từ khuôn viên, phòng máy tính, thư viện hiện đại, …. của Nhà trường, đảm bảo công tác giảng dạy cho giảng viên và công tác nghiên cứu, học tập cho sinh viên.

Không những vậy, để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Khoa cũng kết nối với nhiều doanh nghiệp liên quan. Hiện đã có một số đơn vị đặt vấn đề là sẽ nhận sinh viên của ngành đến thực tập cũng như tạo cơ hội việc làm cho các em nếu đáp ứng được yêu cầu.

Về công tác tuyển sinh, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Mai cho hay, Quyết định mở ngành Ngôn ngữ Anh của Nhà trường chỉ có trước khi chốt thời hạn xét tuyển sớm (xét kết quả học bạ trung học phổ thông) 1 tuần. Tuy nhiên, qua xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành lên đến khoảng gần 500 người chỉ trong 1 tuần.

Đến thời điểm hiện tại, tính cả phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Ngôn ngữ Anh đã có khoảng gần 1000 em đăng ký. Cô Mai cho rằng, chính số lượng thí sinh đăng ký tương đối nhiều như vậy đã khẳng định được nhu cầu của xã hội, sự quan tâm của người học và phụ huynh đối với ngành Ngôn ngữ Anh của Nhà trường.

Đáng nói, năm nay là năm đầu tiên tuyển sinh nên Nhà trường chỉ tuyển 40 chỉ tiêu đối với ngành học này. Do đó, điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh của Trường cũng ở mức tương đối cao. Đơn cử, đối với phương thức xét kết quả học bạ trung học phổ thông, ngành Ngôn ngữ Anh có mức điểm chuẩn là 26,71 điểm.

“Có thể nói, ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Giao thông vận tải là ngành học 2 trong 1 khi sinh viên vừa được cung cấp kiến thức về mặt ngôn ngữ, vừa có kiến thức về mặt kỹ thuật. Điều này là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp, nơi sử dụng lao động hiện nay”, cô Mai khẳng định.

Tường San