Vì sao ngày càng nhiều SV chọn học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông?

11/07/2024 06:38
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhu cầu tuyển dụng đội ngũ kỹ sư xây dựng công trình giao thông đang ngày càng gia tăng khi các dự án giao thông lớn đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta.

Để thúc đẩy kinh tế và hướng tới phát triển bền vững, vấn đề phát triển các công trình giao thông vận tải đang được chú trọng, quan tâm. Và việc đào tạo những kỹ sư xây dựng công trình giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển này càng trở nên quan trọng.

Với hơn 60 năm hình thành và phát triển, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải là một trong những đơn vị đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng trên của cả nước.

Ngày càng nhiều công trình giao thông lớn xây dựng cần đội ngũ nhân lực đáp ứng

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trong bối cảnh hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Thành - Trưởng khoa Công trình (Trường Đại học Giao thông vận tải) bày tỏ, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”. Có thể thấy rằng, cơ sở hạ tầng giao thông là nền tảng cho sự phát triển ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Đặc biệt là khi giao thông đường bộ, đường hàng không đối với vận tải hàng hóa hay hành khách vẫn đang chiếm tỷ lệ chủ yếu ở nước ta.

CTGT6.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Thành - Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Trà My.

Trong khi đó, ở một số địa phương hiện nay còn đang thiếu nhiều đường cao tốc gây nên dù có có lợi thế về công nghiệp khai khoáng, du lịch nhưng lại chưa thể phát triển mạnh được do cản trở giao thương.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều các dự án lớn về giao thông đang được triển khai như sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Bắc Nam (tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng), cảng Lạch Huyện (hơn 6.000 tỷ đồng), các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dự án cầu Cửa Lục (hơn 2.000 tỷ đồng), …

Không những vậy, các công trình về đường sắt đô thị, đường cao tốc, đường hầm tại các thành phố lớn cũng đang được xây dựng ngày càng nhiều với chi phí lên tới khoảng 40-50.000 tỷ/năm. Cùng với đó, sau khi xây dựng cũng cần nguồn nhân lực để bảo trì hệ thống.

Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường quốc lộ; cũng như phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2030 chúng ta sẽ có 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Với những dự án tiêu biểu nhất như Tuyến cao tốc Bắc - Nam bao gồm Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km và Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km đã và đang triển khai.

Với thực trạng các dự án giao thông lớn đang liên tục phát triển mạnh mẽ ở nước ta, thầy Thành nhận định, nhu cầu tuyển dụng đối với đội ngũ kỹ sư xây dựng công trình giao thông được đào tạo chuyên sâu, bài bản tất yếu cũng sẽ ngày càng gia tăng nhằm phát triển kinh tế bền vững của các tỉnh/thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Sau khi tốt nghiệp ngành học này, người học có thể làm công việc tư vấn, thiết kế, thi công, giám sát, kiểm định hay quản lý khai thác các công trình giao thông như: cầu, đường, sân bay, cảng, hầm, công trình đô thị; cung cấp các giải pháp kỹ thuật… tại các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các đơn vị thi công xây dựng và quản lý các công trình giao thông cả ở trong và ngoài nước;

Bên cạnh đó, theo thầy Thành, sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại các Viện nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông; làm công tác quản lý trong các cơ quan về giao thông hoặc hạ tầng giao thông vận tải.

Trên thực tế, nhiều người từng học ngành học này đã và đang làm tại các vị trí quan trọng ở Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, lãnh đạo tỉnh/thành phố.

Về mức lương, thầy Thành cho hay, mức lương trung bình của sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sau tốt nghiệp 1 năm ra trường thường vào khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng nếu làm việc ở trong nước. Nếu các em chinh phục thị trường lao động quốc tế sẽ có mức lương cao hơn.

Số lượng tuyển sinh liên tục tăng từ 10-20% mỗi năm

Về tình hình tuyển sinh, Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, trong 3 năm gần đây, số lượng sinh viên tuyển sinh vào ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường liên tục tăng từ 10 đến 20% mỗi năm.

Năm 2024 này, Khoa tiếp tục dành 500 chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành học này, trong đó số nguyện vọng nộp học bạ đã tăng gần 2 lần so với năm trước. Chính vì vậy, điểm trúng tuyển bằng học bạ năm nay tăng 3 điểm so với năm ngoái (từ 20.00 điểm năm 2023 lên 23.08 năm 2024).

Qua khảo sát, số lượng người học đăng kí tham gia học ngành này tăng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của xã hội; thông tin, chính sách tuyển sinh của trường và khoa cũng như mong muốn nguyện vọng của các em về ngành nghề.

CTGT2.jpg
Sinh viên và giảng viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Trường Đại học Giao thông vận tải trong một buổi thực tế (Ảnh: NTCC).

Về đội ngũ giảng viên, theo thầy Thành, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo khi có đội ngũ giảng viên đông đảo với khoảng 186 người. Trong đó, có khoảng trên 60% số giảng viên có trình độ tiến sĩ. Đặc biệt, trong số 11 giáo sư của nhà trường đã có đến 5 người là thuộc khoa Công trình.

Về cơ sở vật chất, ngoài cơ sở vật chất của nhà trường, ngành học này còn có thuận lợi đặc biệt khi có hệ thống phòng thí nghiệm đồ sộ và nổi bật nhất trường.

Nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại (bộ thí nghiệm kết cấu thực, bàn rung tạo dao động) không chỉ quy mô trong nước mà trong khu vực. Nhiều phòng thí nghiệm mới tiếp tục được xây dựng và phát triển hàng năm với chi phí đầu tư lên tới 40-50 tỷ.

Thầy Thành cho hay, chương trình đào của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Trường Đại học Giao thông vận tải cũng có nhiều điểm riêng nổi bật để nâng cao chất lượng đầu ra cho người học.

Theo đó, Khoa Công trình cũng như nhà trường đã tổ chức các buổi thực tế, tham quan doanh nghiệp, tham quan công trình ngay từ năm nhất nhằm tạo cho các em có cái nhìn khái quát về ngành nghề công việc của mình. Ví dụ, K64 là khóa vừa tuyển sinh năm 2023 của trường đã được đi tham quan Dự án sửa chữa cầu Thăng Long với công nghệ mới và hiện đại.

Khoa tiến hành nhiều khảo sát với các doanh nghiệp để tìm hiểu về yêu cầu đào tạo thực tế, tìm hiểu những xu thế phát triển mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xã hội.

Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành học này cũng được Khoa cập nhật các xu hướng công nghệ 4.0 như giao thông thông minh, quản lý dữ liệu giao thông, bảo trì và khai thác công trình theo xu hướng chuyển đổi số….

Chương trình đào tạo hướng đến tích hợp các kĩ năng làm việc nhóm, tư duy hệ thống, đổi mới sáng tạo, lãnh đạo và khởi nghiệp; tích hợp đào tạo các kĩ năng theo phương pháp CDIO,…

Tất cả nhằm giúp sinh viên được tăng cường các kiến thức thực tế, thực tập và thực hành. Khoa cũng đầu tư các hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ sinh viên một cách tốt nhất và tiếp cận được với thực tế bên ngoài như thư viện và phòng học thông minh hiện đại đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giảng dạy lý thuyết, thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế.

Đa số các môn học đều có những tiết thực hành thực tế về địa hình, địa chất, thủy lực, thủy văn tại các cầu, đường tại nhiều địa phương. Sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với công trình, thực hành tại các xưởng trong nhà trường.

Bên cạnh đó, Khoa cũng tổ chức các cuộc thi sáng tạo góp phần tạo hứng thú và tạo ra sân chơi bổ ích sáng tạo chủ động cho các em như cuộc thi Innovative Construction (cuộc thi xây cầu mô hình) của Khoa đã tổ chức được 5 năm và thu hút được nhiều đội sinh viên trường ngoài (Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Xây Dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, …) cùng tham dự.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống lớp Kĩ sư tài năng (hiện nay đã tuyển được 6 khóa) nhằm tạo thương hiệu và chất lượng đào tạo trong đó ngoài chú trọng đào tạo kiến thức thì còn tập trung vào kĩ năng, ngoại ngữ và kiến thức thực tế.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng yêu cầu về khoa học công nghệ đang không ngừng tăng như hiện nay, chương trình đào tạo ngành học này của Khoa cũng có những mô hình mô phỏng công trình; những chip mới nhất để phân tích kết cấu, chạy những chương trình có quy mô lớn, dữ liệu lớn mà mắt thường khó có thể nhìn thấy được; áp dụng số hóa toàn bộ quy trình công việc; tiếp nhận các công nghệ mới nhất về AI, học máy (Machine Learning), khoa học dữ liệu, lập trình, …

Khoa cũng đang tiến hành xây dựng một ngành học liên quan đến chuyển đổi số trong công trình giao thông (Building Information Modelling), dự kiến sẽ tuyển sinh và đào tạo trong thời gian tới.

Ngành học có nhiều cơ hội việc làm, thăng tiến

Trước bối cảnh xã hội đang phát triển nhanh chóng và có tác động rất lớn đến người học và ngành học như hiện nay, theo thầy Thành, người học ngành này sau khi tốt nghiệp ra trường cần đáp ứng về một số tiêu chí.

Thứ nhất là tiêu chí về mặt kiến thức gồm tính toán thiết kế, tổ chức thi công, quản lý khai thác, bảo trì, kiểm định… công trình. Đặc biệt là các kiến thức về công nghệ kĩ thuật hiện đại đang được áp dụng và triển khai trong ngành.

CTGT3.jpg
Sinh viên và giảng viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Trường Đại học Giao thông vận tải trong một buổi học thực tế. Ảnh: NTCC.

Thứ hai là tiêu chí về mặt kỹ năng gồm kĩ năng làm việc nhóm, tư duy hệ thống, đổi mới sáng tạo, lãnh đạo và khởi nghiệp…

Thứ ba là tiêu chí về chuẩn mực thái độ. Cụ thể, các kỹ sư cần hiểu được vai trò và trách nhiệm của người kỹ sư xây dựng công trình giao thông, đánh giá được sự tác động của công nghệ kỹ thuật xây dựng công trình giao thông đối với sự phát triển xã hội và ngược lại.

Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải đang đưa ra chương trình đào tạo cung cấp những kiến thức nhằm đáp ứng các tiêu chí trên của xã hội và hơn thế nữa.

Thầy Thành cũng đưa ra lời khuyên đối với các bạn thí sinh đang tìm hiểu ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông nên tìm hiểu kỹ về ngành để chuẩn bị tâm thế, năng lực bản thân phù hợp nhất khi đăng ký.

Ngành học này có nhiều cơ hội việc làm và sự thăng tiến trong công việc tuy nhiên cũng đòi hỏi các em cần có lòng say mê, cũng như đầy đủ kiến thức và kĩ năng để có thể thực hiện các công việc của người kỹ sư xây dựng.

Về khó khăn, thách thức của ngành học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, thầy Thành chia sẻ, do là một ngành học kỹ thuật đặc thù nên số lượng sinh viên nữ của ngành khá hạn chế.

Trong khi đó, nhiều ngành nghề của xã hội hiện nay đang dần phát triển theo xu thế kỹ thuật. Không chỉ trong nước mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang rất cần nguồn nhân lực về kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

Qua thực tế, hiện nay có tới 25% số giảng viên của khoa Công trình là nữ, nhiều người đã là tiến sĩ, phó giáo sư.

Nguyên nhân dẫn đến tồn tại hạn chế trên là do định kiến của xã hội về việc học các ngành kỹ thuật là vất vả, khó khăn. Trong khi đó, sự phát triển của các máy móc hiện đại đang dần thay thế rất nhiều công đoạn nặng nhọc của con người nên công việc của những người làm các công việc có liên quan vốn đã không còn vất vả như trước kia.

Sinh viên có nhiều cơ hội đi du học, trao đổi tại nước ngoài để nâng cao kiến thức

Em Nguyễn Đức Bình, sinh viên Khóa K56 Trường Đại học Giao thông vận tải là một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Hiện tại, Bình đang theo học hệ thạc sỹ với học bổng du học toàn phần của Chính phủ Bồ Đào Nha.

Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành học này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bình bày tỏ, nhận thấy thực trạng của đất nước ta là một quốc gia đang phát triển, trong đó, nhu cầu đi lại, hệ thống giao thông vẫn cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hơn.

Chính vì vậy, khi tìm hiểu và lựa chọn ngành học, ngoài các yếu tố phù hợp với bản thân, em đã nghĩ rằng đây sẽ là một ngành rất hot trong tương lai với nhiều cơ hội việc làm rộng mở.

Ngay từ năm nhất đại học, Bình đã định hướng bản thân phù hợp với hướng nghiên cứu. Và chính sự hỗ trợ của các thầy cô trong Khoa đã giúp em được thuận lợi hơn trong việc hiện thực hóa định hướng này.

Theo Bình, nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô giảng viên trong Khoa, em đã tiết kiệm được thời gian hơn trong việc lựa chọn hướng nghiên cứu cũng như cách thức tiếp cận được với cách thức nghiên cứu khoa học.

Từ đó, giúp em nhận ra được những đề tài phù hợp với bản thân và nhanh chóng hoàn thiện tốt được những đề tài nghiên cứu đó.

Hơn nữa, với lợi thế là có nhiều thầy cô trong khoa từng đi đào tạo, học tập ở nước ngoài, Bình cũng thuận lợi hơn khi xin học bổng đi du học. Trong quá trình nộp hồ sơ du học, các thầy cô đưa ra những hướng dẫn, hỗ trợ em hoàn thành thư động lực, hồ sơ xin học bổng của mình.

Ngay từ năm 3, năm 4, Bình cũng may mắn nhận khi có được cơ hội đi học tập trao đổi, thực tập tại Hàn Quốc để giúp bản thân có thêm nhiều kinh nghiệm cho dự định du học cao học trong tương lai.

Ngoài cơ hội học tập, Bình cho hay, môi trường học tập của Trường Đại học Giao thông vận tải cũng giúp em có nhiều động lực học tập hơn. Sinh viên của trường năng động, các thầy cô luôn tạo không khí học tập thoải mái cho người học, các môn học cung cấp kiến thức khá sát với thực tế…

Trong tương lai, nam sinh có định hướng là sẽ tiếp tục theo con đường nghiên cứu, có thể áp dụng những đề tài nghiên cứu của bản thân vào các công trình thực tế. Nếu có cơ hội, có thể về Việt Nam làm công tác giảng dạy để áp dụng những kiến thức đã học tập để có thể cung cấp kiến thức hiện đại và tốt nhất cho những thế hệ trong tương lai.

Tường San