Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Kỹ thuật xây dựng là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng.
Nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra dự báo, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400 - 500 nghìn lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt khoảng 8 triệu người. Không chỉ gia tăng về số lượng, mục tiêu của ngành là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể nói, giai đoạn 2022 - 2030 là giai đoạn phát triển mới mang tính bứt phá của Việt Nam, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng trong thời gian tới sẽ rất lớn. Việc xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng là hết sức cần thiết, đáp ứng kịp thời sự phát triển của ngành và đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước. [1]
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng sinh viên lựa chọn theo học ngành Kỹ thuật xây dựng lại giảm sút đáng kể.
Sự thiếu hụt nhân sự do thí sinh ít “mặn mà” với ngành học
Nhiều sinh viên hiện nay có xu hướng chọn các ngành học có triển vọng việc làm và môi trường làm việc hiện đại hơn. Ngoài ra, các yêu cầu khắt khe về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn cũng khiến cho nhiều sinh viên e ngại. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến các dự án xây dựng mà còn gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân lực.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, Trưởng khoa Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh cho biết, nhu cầu nhân lực ngày càng tăng do đất nước đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn. Phát triển hạ tầng là tiền đề, cơ sở để phát triển kinh tế. Tương lai, lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục khan hiếm nhân sự, nhất là đối tượng kỹ sư và thợ xây dựng có trình độ.
Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng nói chung và Khoa Xây dựng của Trường Đại học Vinh nói riêng đã gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số lượng thí sinh đăng ký ít và chất lượng đầu vào không được như kỳ vọng.
“Trong bối cảnh thị trường xây dựng đang ngày càng khan hiếm kỹ sư xây dựng, cơ hội việc làm hiện tại cho kỹ sư xây dựng rất tốt. Nếu xu hướng ít người học khối ngành xây dựng tiếp tục tăng, trong tương lai, chúng ta sẽ không có đủ kỹ sư xây dựng để làm việc và có thể phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài” thầy Long nhận định.
Ông Nguyễn Đức Định, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và Xây dựng Kim An - người từng có thời gian học thạc sĩ tại Khoa xây dựng, Trường Đại học Vinh trước khi sáng lập doanh nghiệp riêng cũng có một số chia sẻ về nhân sự ngành này.
Ông Định cũng từng tham gia hướng dẫn các đoàn sinh viên tại các trường đại học và nhận thấy rằng nhiều sinh viên theo học các ngành liên quan đến xây dựng trong đó có ngành Kỹ thuật xây dựng nhưng không có ý định gắn bó lâu dài sau khi ra trường, đây là điều đáng buồn đối với ngành xây dựng.
Theo thầy Long, một nguyên nhân khác khiến ngành học thiếu sức hút là do nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn chưa hiểu hết về ngành học và cơ hội việc làm.
Ngành Kỹ thuật xây dựng đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về Toán, Lý, Hóa, Cơ kỹ thuật, cùng các môn chuyên ngành như kết cấu công trình và thi công công trình, đều là những kiến thức khó. Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, cách tiếp cận kiến thức trong ngành Kỹ thuật xây dựng đã thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp thế hệ trẻ học tập dễ dàng hơn.
"Suy nghĩ học ngành Kỹ thuật xây dựng để làm thợ xây dựng là hoàn toàn sai lầm. Thợ xây dựng là lao động chân tay trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, cần giỏi các kỹ năng như xây, làm cốt thép, đổ bê tông, trát, lát,... Trong khi đó, kỹ sư xây dựng là người tổ chức, điều hành và thực hiện các công trình hoặc một phần của công trình, yêu cầu năng lực hoàn toàn khác biệt so với thợ xây dựng", thầy Long nói.
Vị trí công việc của của nhân ngành Kỹ thuật xây dựng cũng rất đa dạng như làm tại các doanh nghiệp, công ty tập đoàn hoạt động xây dựng; các tập đoàn đa ngành có hoạt động xây dựng hay có đầu tư xây dựng; cơ quan nhà nước từ địa phương đến các sở, bộ, ngành, phòng hạ tầng kỹ thuật của các huyện...; các công ty, doanh nghiệp hoạt động về bất động sản,....
Mức lương bình quân của của cử nhân ngành Kỹ thuật xây dựng mới ra trường nếu ở các thành phố lớn, thành phố Trực thuộc trung ương khoảng 20 triệu đồng/tháng, các thành phố, tỉnh địa phương khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Đức Định, tại Thành phố Vinh, mức thu nhập của ngành xây dựng khá tốt so với các ngành nghề truyền thống khác, mức thu nhập trong khoảng từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng.
“Nếu muốn theo đuổi ngành nghề này, các bạn phải trải qua một quá trình từ dưới đi lên. Có rất nhiều vị trí cho các bạn thử sức, quan trọng các bạn phải có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí đó hay không”, ông Định cho hay.
Ngành Kỹ thuật xây dựng: tăng cường hợp tác đào tạo, lý thuyết đi đôi thực hành
Trưởng khoa Khoa xây dựng, Trường Đại học Vinh cho biết, Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng của Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh là sử dụng chương trình tiếp cận CDIO. Đây là phương pháp mới, tiên tiến, áp dụng phù hợp với các ngành kỹ thuật. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ đạt chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Chương trình đào tạo sẽ hình thành cho người học từ cách hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành dự án xây dựng. Chương trình sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến: dạy học tích hợp, dạy học dự án, dạy học đảo ngược,... Từ đó giúp sinh viên nắm vững kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.
Nhà trường cũng rất quan tâm, đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành,.. nhằm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Để học và phát triển trong ngành Kỹ thuật xây dựng sinh viên cần có các kiến thức chuyên môn về kiến trúc, vật liệu xây dựng, kết cấu công trình, kỹ thuật và tổ chức thi công, bên cạnh đó cần biết về công nghệ thông tin, điện, điện tử,...
Bên cạnh đó, sinh viên cần trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề; kỹ năng quản lý, lãnh đạo… Những kỹ năng này hình thành một phần nhỏ, cơ bản khi còn là sinh viên và sẽ được phát triển lên sau khi ra trường.
Khoa Xây dựng của Trường Đại học Vinh là đơn vị đi đầu trong nhà trường hình thành nhóm vệ tinh các doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hàng năm, khoa sẽ tổ chức tối thiểu 2 đến 3 lần giao lưu giữa khoa và doanh nghiệp.
Lần thứ nhất diễn ra đầu năm là ngày hội nhập môn ngành xây dựng dành cho sinh viên năm thứ nhất. Lần thứ hai, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ sinh viên năm thứ 3 trong việc rèn luyện nghề nghiệp cơ bản của ngành. Lần thứ ba, Khoa sẽ đưa sinh viên đi thực tập tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối để sinh viên có thể trải nghiệm thực tế và trang bị kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Xây dựng Kim An cũng là một trong những doanh nghiệp hợp tác với Trường Đại học Vinh trong việc xây dựng chương trình đào tạo và cung ứng nhân sự.
Ông Định chia sẻ, hàng năm, công ty này tiếp nhận nhiều sinh viên từ ngành Kỹ thuật Xây dựng và sinh viên Khoa Xây dựng nói chung vào thực tập. Theo ông Định, việc này xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, mong muốn tìm kiếm những nhân sự được đào tạo bài bản, có kỹ năng thực tế và sẵn sàng làm việc ngay.
Khi thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ được tiếp cận với các dự án thực tế. Quy trình một dự án xây dựng bắt đầu từ khâu thiết kế, sau đó là triển khai thi công tại công trường, sinh viên thực tập có cơ hội trải qua và nắm bắt toàn bộ quy trình này.
Ông Định đánh giá, thực tế công việc tại công trường gặp nhiều khó khăn, như thời tiết khắc nghiệt và cường độ công việc lớn, đôi khi phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Để theo đuổi ngành này, bạn cần có đam mê và kiên trì.
“Sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn nhiều con đường, từ làm hồ sơ, thiết kế văn phòng đến làm việc trực tiếp tại công trường. Các bạn cũng hoàn toàn có thể lựa chọn con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Để khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp, cần hiểu rõ tất cả các quy trình và luôn không ngừng học hỏi”, ông Định nhấn mạnh.
Vị chủ tịch cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bạn sinh viên: Khi mới ra trường, không nên ngần ngại thử sức ở các vị trí khác nhau để học hỏi thực tế. Mỗi lần ra công trường và đối mặt với sự cố sẽ là một bài học quý giá. Ngành Kỹ thuật xây dựng đòi hỏi sự tỉ mỉ, vì một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng lớn đến công trình và tính mạng con người. Do đó, kỹ sư xây dựng cần nắm rõ mọi chi tiết của công việc.
Với vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn, cơ hội việc làm trong ngành xây dựng sẽ không bao giờ bão hòa, nếu có đam mê và quyết tâm theo đuổi, chắc chắn sẽ thành công.
"Ngành xây dựng là một phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đất nước nào muốn phát triển đều phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và Việt Nam hiện tại cũng không ngoại lệ. Sinh viên hãy tin tưởng vào sự phát triển của ngành xây dựng và kiên trì theo đuổi đến cùng.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sẽ giảm bớt sự vất vả, mệt nhọc. Ai nắm vững và làm chủ được công nghệ mới sẽ thành công. Ngay từ bây giờ, các bạn cần chuẩn bị kỹ càng về kiến thức và kỹ năng cần thiết của một kỹ sư xây dựng. Việc có công việc sau khi ra trường hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của chính các bạn ngay từ bây giờ", thầy Long chia sẻ thêm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baoxaydung.com.vn/chien-luoc-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-xay-dung-369419.html