Ngành Việt Nam học đóng vai trò quan trọng trong đào tạo sinh viên về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam. Các kiến thức này không chỉ giúp sinh viên hiểu sâu hơn về đất nước mà còn trang bị cho họ nền tảng để nghiên cứu và phát triển các chuyên ngành, lĩnh vực liên quan khác.
Chương trình đào tạo gắn lý thuyết với thực hành nghề nghiệp
Trường Đại học Vinh bắt đầu đào tạo ngành Việt Nam học từ năm 2007, đến nay, nhà trường đã liên tục tuyển sinh 17 khóa.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Phó trưởng Khoa Du lịch và Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh cho biết, ngành Việt Nam học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam.
Đây là nền tảng để phát triển một số chuyên ngành, lĩnh vực chuyên sâu khác. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hiện nay, trong ngành Việt Nam học, nhà trường tập trung vào xây dựng và đào tạo cử nhân chuyên ngành Du lịch.
Chương trình đào tạo ngành Việt Nam học của trường được xây dựng trên việc tiếp thu kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo cử nhân du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời kết hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Chương trình đào tạo gồm 126 tín chỉ, gồm 3 khối kiến thức: kiến thức đại cương (lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và các môn cơ bản như Xã hội học đại cương, Lịch sử Việt Nam đại cương, Lịch sử văn minh thế giới, Tâm lý học đại cương,...); kiến thức cơ sở ngành (Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Việt Nam, Văn hóa dân gian Việt Nam, Văn hóa và du lịch Đông Nam Á,...); kiến thức chuyên ngành về Lữ hành, Khách sạn – Nhà hàng và Du lịch văn hóa.
Ngành Việt Nam học cũng như các ngành khác của Trường Đại học Vinh đang áp dụng chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành, đây là mô hình đào tạo do Viện công nghệ MIT Hoa Kỳ khởi xướng). Với chương trình đào tạo này, sinh viên không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản mà còn được rèn luyện các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, năng lực hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện, đánh giá các hoạt động du lịch.
Chị Lê Thị Mai, cựu sinh viên K49 ngành Việt Nam học, Trường Đại học Vinh, hiện đang là Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ và Du lịch TM cho rằng, ngành Việt Nam học là một ngành rộng, bao gồm những kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử, kinh tế, chính trị, con người. Những kiến thức này là cần thiết và quan trọng đối với chuyên ngành Du lịch.
Trong mảng du lịch, cho dù ở bất kỳ vị trí nào từ hướng dẫn viên, điều hành hay lễ tân khách sạn… đều cần phải nắm được những kiến thức cơ bản về mặt lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng miền. Đến bây giờ, kiến thức lịch sử vẫn được chị Mai áp dụng vào công việc, đặc biệt, cuốn sách “Tiến trình lịch sử Việt Nam” vẫn được chị Mai sử dụng thường xuyên.
Phó trưởng khoa Nguyễn Hồng Vinh cho hay, ngành Việt Nam học, chuyên ngành Du lịch có yêu cầu cao về thực hành và hiểu biết thực tế. Để đáp ứng điều này, nhà trường có riêng Trung tâm Thực hành du lịch để sinh viên có thể thực hành kỹ năng, nghiệp vụ lữ hành, nhà hàng - khách sạn. Đặc biệt, trung tâm được đầu tư xây dựng khách sạn theo tiêu chuẩn 3 sao để sinh viên học tập và thực hành.
Nhà trường có ký kết hợp tác với các doanh nghiệp mảng du lịch và các sở ban ngành về du lịch như Sở Du lịch Nghệ An; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh để sinh viên thực hành, thực tập trong suốt quá trình đào tạo. Trong chương trình có 2 học phần đi thực tế ở phía Bắc và phía Nam và 1 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp giúp sinh viên hiểu biết thực tế hoạt động của các điểm du lịch tiêu biểu và thích nghi công việc tương lai.
Khoa Du lịch và Công tác xã hội cũng chủ động ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp lữ hành. Các chương trình hợp tác của khoa đều nhằm mục đích tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường rèn nghề.
Bên cạnh đó, nhà trường liên kết với một số trường đại học của Thái Lan như Trường Đại học Mahasarakham, Trường Đại học Rajabhat Udon Thani để trao đổi sinh viên, giúp sinh viên được trải nghiệm môi trường quốc tế.
Cô Hồng Vinh cho biết, Khoa Du lịch và Công tác xã hội đang hoàn tất các thủ tục để tháng 7 này sẽ đưa sinh viên Khóa 63 ngành Việt Nam học sang Thái Lan thực hiện Chương trình “Trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Vinh với Trường Đại học Nakhon Phanom”. Kế hoạch đã được Ban giám hiệu Nhà trường phê duyệt.
Anh Nguyễn Kế Mão, cựu sinh viên K48 ngành Việt Nam học, Trường Đại học Vinh, hiện đang là Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang. Theo anh Mão, điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Việt Nam học của Trường Đại học Vinh là lý thuyết gắn liền với thực tế. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tế tại các đơn vị du lịch, các khách sạn trong tỉnh.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã có cơ hội làm quen với công việc sớm, xác định rõ thế mạnh của bản thân để tập trung phát huy đúng sở trường của mình, từ đó tự tin bước vào ngành như hiện nay.
Cơ hội việc làm đa dạng với mức lương trong khoảng từ 15 - 30 triệu đồng
Cử nhân ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Vinh sẽ có cơ hội làm việc trong ngành du lịch. Ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mang tính chiến lược ở mỗi quốc gia với tính bền vững cao và có thể đi đường dài. Sau hơn 10 năm làm trong lĩnh vực du lịch, chị Mai nhận định, du lịch là một ngành mở với nhiều cơ hội, vị trí việc làm cho sinh viên thử sức như hướng dẫn viên, điều hành tour, marketing du lịch,...với mức lương phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, cử nhân ngành Việt Nam học không chỉ làm việc trong các doanh nghiệp du lịch mà còn có đủ năng lực để giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề du lịch từ sơ trung cấp đến đại học; làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý văn hóa, du lịch; quản lý các khu, điểm du lịch.
Mức lương của cử nhân ngành Việt Nam học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường làm việc, vị trí công việc và sự phấn đấu cá nhân, do đó khó xác định một con số cụ thể. Tuy nhiên, ngành Việt Nam học với chuyên ngành Du lịch có tiềm năng phát triển lớn, hứa hẹn mang lại cơ hội thăng tiến và thu nhập cao.
Hiện nay, các công ty lữ hành thường trả từ 600.000 đến 1.000.000/ngày dẫn tour của hướng dẫn viên du lịch nội địa tùy vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc.
Hướng dẫn viên du lịch là nghề có thu nhập hấp hẫn, tuy nhiên nghề có tính thời vụ. Vào mùa du lịch, đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 8 trong năm, thu nhập của hướng dẫn viên nội địa cao hơn các tháng khác.
Mức thu nhập của hướng dẫn viên dao động từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng cho cả hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, mức thu nhập này còn phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng, đối tượng khách phục vụ.
Đối với sinh viên theo hướng nhà hàng, khách sạn, mức thu nhập trong khoảng từ 5 đến 15 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập phụ thuộc vào vị trí việc làm, trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ, năng lực. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành có nhiều cơ hội thăng tiến lên vị trí quản lý, giám sát ở các khách sạn, nhà hàng lương có thể từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng.
Chị Lê Thị Mai chia sẻ, ngay từ đầu khi bước vào ngành du lịch, chị đã xác định và đặt mục tiêu là người điều hành chứ không phải theo hướng làm hướng dẫn viên. Để thành công trong vai trò điều hành như hiện tại, chị đã dành thời gian tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm từ các vị trí thấp đến cao một cách bền vững, không vội vàng muốn thăng tiến, đốt cháy giai đoạn.
Chia sẻ về thời điểm mới ra trường năm 2012, Phó giám đốc Lê Thị Mai cho biết lương khởi điểm của chị khi ấy là 2.500.000 đồng/tháng tại vị trí sale tour du lịch.
“Khi công ty có tour đi Nha Trang, Đà Lạt,... tôi muốn tham gia để học hỏi và nắm được các tuyến điểm nên đã xin phép công ty tham gia phụ tour. Tôi phải tự mua vé di chuyển và thanh toán các chi phí phát sinh của bản thân như nghỉ ngơi, ăn uống nếu như công ty không tài trợ. Trong khoảng 6 tháng đầu, gần như tôi không có thu nhập. ”, chị Mai kể.
Tiền lương của chị Mai để trừ vào những lần xin đi phụ tour. Đối với chị đây giống như một khoản đầu tư cho tương lai. Chỉ khoảng một năm sau đó, chị Mai đã nắm được các tuyến điểm du lịch trong tay, những lần phụ tour là những trải nghiệm, tạo nền tảng cho chị phát triển lên vị trí điều hành như hiện nay.
Tương tự, Giám đốc điều hành Nguyễn Kế Mão cho biết, trong 2-3 năm đầu sau khi ra trường, anh làm chuyên viên kinh doanh tại Khách sạn Phương Đông với mức lương khá tốt. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, anh không quá chú trọng đến mức lương mà tập trung vào việc học hỏi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ của các bộ phận trong khách sạn. Anh ưu tiên và thích lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng này hơn vì theo anh đây sẽ là nền tảng giúp anh phát triển trong tương lai.
Chân thành và cầu thị là yếu tố giúp sinh viên mới ra trường phát triển
Theo Phó giám đốc Lê Thị Mai, chúng ta phải nhận thức rằng không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, không có điều gì tự nhiên đến. Mỗi người đều phải dốc hết sức và nỗ lực để có thể thu nhận kinh nghiệm và những bài học quý giá.
Chị Mai nhấn mạnh, khi mới ra trường, sinh viên không có nhiều thứ trong tay ngoài kiến thức lý thuyết, nhiệt huyết tuổi trẻ và sự chăm chỉ. Nhưng phát huy được ba yếu tố này sẽ giúp bạn tồn tại và phát triển trong nghề nghiệp.
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm để cạnh tranh với những người lâu năm, hãy bắt đầu với sự nhiệt thành và thái độ tích cực trong công việc. Các bạn trẻ có thể thiếu kiến thức thực tế và khả năng xử lý tình huống, nhưng sự nhiệt tình và chu đáo trong hỗ trợ khách hàng sẽ là một lợi thế.
Sự chân thành và cố gắng của các bạn sẽ được ghi nhận, đây là nền tảng để làm nghề, rèn nghề và tích lũy kinh nghiệm. Kiến thức và kỹ năng có thể được bổ sung qua nhiều lần trải nghiệm trong các chuyến đi.
Về mặt kỹ năng, chị Mai cho rằng, sinh viên nên tập trung vào cả kiến thức và kỹ năng giao tiếp. Có kiến thức sẽ giúp các bạn tự tin trong giao tiếp, thiếu kiến thức sẽ làm giảm sự tự tin và khả năng giao tiếp của các bạn.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Kế Mão cho hay, ngoài việc có sở thích và đam mê, sinh viên cần từ từ rèn luyện kỹ năng mềm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Bởi tính chất công việc luôn đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp và hướng dẫn khách tham quan về địa danh, văn hóa và con người, việc trang bị kỹ năng giao tiếp sẽ giúp sinh viên linh hoạt ứng biến trong mọi tình huống.
Phó giám đốc Lê Thị Mai cho biết thêm, các tình huống có thể xảy ra trong quá trình hướng dẫn đều được đào tạo và giảng dạy trong chương trình đào tạo. Hàng năm, doanh nghiệp của tôi thường được mời chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên, tạo cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp và sinh viên.
Kỹ năng xử lý tình huống là một quá trình đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm tích lũy. Mỗi đoàn khách đều có thể đối mặt với những tình huống phát sinh khác nhau, quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa hướng dẫn viên và người điều hành để giải quyết vấn đề, đảm bảo sự hài lòng cho khách du lịch.
Trên giảng đường, vai trò của thầy cô là định hướng và hỗ trợ cho sinh viên. Tuy nhiên, thành công của sinh viên cũng phụ thuộc vào sự chủ động, học hỏi và tìm hiểu của chính bản thân, cùng với đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.