ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 25/28 chỉ số theo Chuẩn CSGDĐH dù 2025 mới cần kê khai

03/08/2024 06:13
Doãn Nhàn

GDVN -Đại học Bách khoa Hà Nội đã có 25/28 chỉ số đạt Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. 3 chỉ số chưa đạt liên quan đến tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị, CSVC.

Đầu năm nay (5/2/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01), có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3/2024.

Đây là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhập đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bắt đầu được áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025.

Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học có thời gian 1 năm để tiến hành rà soát, cải tiến chất lượng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, mặc dù chưa tới thời gian áp dụng chuẩn cơ sở giáo dục đại học (năm 2025), song đến thời điểm này (tháng 7,8/2024) đã có một số cơ sở giáo dục đại học thực hiện công khai kết quả đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định tại Thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Đại học Bách khoa Hà Nội so với các tiêu chí, tiêu chuẩn trong chuẩn cơ sở giáo dục đại học

hust (2).jpg
Một góc khuôn viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là một trong những đại học top đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Trước đó, tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên chuyển từ "trường đại học" thành "đại học" sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Tháng 7/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố Báo cáo thường niên năm 2023. Tại báo cáo này, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có bảng thống kê, đối chiếu theo các chỉ số đánh giá chuẩn cơ sở giáo dục đại học ban hành theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01) gồm 6 tiêu chuẩn, bao gồm: Tổ chức và quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. 6 tiêu chuẩn này được cụ thể thành 20 tiêu chí với 28 chỉ số.

Kết quả đối chiếu cho thấy Đại học Bách khoa Hà Nội đạt 25/28 chỉ số theo quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học. 3 chỉ số chưa đạt liên quan đến tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị, cơ sở vật chất.

HEMIS - Higher Education Management Information System, là hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và quản lý thống nhất

Cụ thể, liên quan đến tổ chức và quản trị, Thông tư 01 yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch. Trong đó, tiêu chí 1.4 nêu rõ, dữ liệu quản lý về người học, các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được kết nối liên thông, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời và nhất quán trên hệ thống HEMIS.

Thông tư 01 đặt ngưỡng yêu cầu cho việc hoàn thành chỉ số này là 100%, thực tế Đại học Bách khoa Hà Nội đạt 69%.

Về tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chỉ số chưa đạt chuẩn theo ngưỡng quy định, gồm: Diện tích đất/ người học (m2 ) và tỉ lệ học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến.

Cụ thể, tiêu chí 3.4, Thông tư 01 quy định số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm. Thực tế, về nội dung này hiện Đại học Bách khoa Hà Nội mới chỉ đạt 1%.

Bên cạnh đó, Thông tư 01 quy định từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2 (tiêu chí 3.1). Tuy nhiên, thực tế hiện chỉ số này của Đại học Bách khoa Hà Nội mới đạt 13m2, tức mới chỉ bằng khoảng một nửa so với yêu cầu. Đây cũng là khó khăn chung của không ít cơ sở đào tạo hiện nay, nhất là với các trường đóng ở khu vực nội thành của các thành phố lớn.

Nhiều trường mặc dù đã có đất quy hoạch, song việc di dời cũng gặp nhiều khó khăn và chậm tiến độ suốt nhiều năm liền. Mặt khác, bài toán mở rộng cơ sở đào tạo cũng không phải dễ, bởi việc mở rộng diện tích ở các khu vực trung tâm “tấc đất tấc vàng” như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay gần như là không thể. Trong khi đó, việc mở rộng cơ sở đào tạo ra các tỉnh lân cận khu vực trung tâm cũng đặt ra không ít rào cản vì địa điểm cách xa trung tâm tạo ra nhiều bất tiện trong di chuyển của cả sinh viên và giảng viên, các điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí,... Những yếu tố này lại ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tuyển sinh.

Đây thực sự là bài toán khó đặt ra với nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay và đòi hỏi phải có định hướng và giải pháp quy hoạch tổng thể.

Lp56b-di-n-t-ch-t-sinh-vi-n-m2-c-a-m-t-s-tr-ng-i-h-c-hi-n-nay (2).png

Trong bối cảnh đó, các trường đại học ngày càng chú trọng đầu tư xây dựng phục vụ đào tạo nhằm khắc phục phần nào hạn chế về quỹ đất eo hẹp.

Hiện nay, thống kê cho thấy diện tích sàn trên mỗi sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội đạt mức 5,0m2/người học, cao gần gấp 2 lần so với ngưỡng yêu cầu là 2,8m2.

Được biết, trong năm 2023, tổng diện tích sàn được cải tạo, sửa chữa hoặc đưa vào sử dụng mới phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ người học của Đại học Bách khoa Hà Nội là 9.006 m2 , tăng 84,9% so với năm 2022.

Lãnh đạo Đại học này cho biết phấn đấu đến năm 2025, đơn vị sẽ đạt tỷ lệ 100% giảng viên có chỗ ngồi làm việc riêng biệt nhằm tạo môi trường làm việc để cán bộ phát huy tối đa năng lực nghiên cứu và giảng dạy.

quy mô csvc.JPG
Quy mô diện tích phòng học và phòng thí nghiệm. Trích từ Báo cáo thường niên 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội

Nhiều chỉ số đạt chuẩn, trên chuẩn

Ngoài 3 chỉ số chưa đạt theo quy định, 25 chỉ số còn lại đều được Đại học Bách khoa Hà Nội đáp ứng tốt, thậm chí nhiều chỉ số vượt xa so với ngưỡng chuẩn quy định.

Capture1.JPG
Capture2.JPG
Đại học Bách khoa Hà Nội đạt 25/28 tiêu chí theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01). Trích từ Báo cáo thường niên 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội

Đơn cử, liên quan đến giảng viên, Thông tư 01 yêu cầu các cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% (tiêu chí 2.3).

Trong khi đó, hiện tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Đại học Bách khoa Hà Nội là 77%, tức cao hơn 37% so với ngưỡng chuẩn.

quy mô gv.JPG
Quy mô sinh viên, giảng viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên (không quy đổi) của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trích từ Báo cáo thường niên 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong năm 2023, song song với quá trình tái cấu trúc theo mô hình Đại học, công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng được cơ sở này chú trọng tăng cường.

Cũng trong năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai đề án “Thu hút giảng viên xuất sắc” và “Tạo nguồn giảng viên giai đoạn 2023-2030” nhằm mục tiêu tuyển dụng và xây dựng nguồn nhân lực kế cận đảm bảo được tính bền vững trong chiến lược phát triển của nhà trường.

Về hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, các chỉ số hoàn thành của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vượt xa so với ngưỡng chuẩn quy định.

Cụ thể, tiêu chí 6.1, Thông tư 01 quy định tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%. Hiện tỉ lệ này của Đại học Bách khoa Hà Nội là 5,4%.

nguồn thu.JPG
Nguồn thu từ các hoạt động đào tạo và hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2021-2023. Trích từ Báo cáo thường niên 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội

Tiêu chí 6.2, Thông tư 01 quy định số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm. Kết quả, Đại học Bách khoa Hà Nội đạt 2 bài/năm. Trong đó, số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus đạt 1,1 bài/năm, vượt xa so với ngưỡng chuẩn quy định là 0,3 bài/năm.

Trong chiến lược hoạt động của mình, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc giai đoạn 2023 - 2028.

Theo đó, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập 2 phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, 13 phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc Trường Điện – Điện tử và tiếp tục triển khai thẩm định để phê duyệt thành lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc Trường Cơ khí, Trường Vật liệu, Trường Hóa và Khoa học sự sống (các trường này thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội).

Bên cạnh đó, Đại học này cũng tiến hành điều chỉnh các quy định xét chọn, thực hiện và đánh giá đề tài nghiên cứu cấp cơ sở nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn lực bên ngoài Đại học tham gia.

Một số điểm đổi mới bao gồm: tăng kinh phí tài trợ chung cho các đề tài dự án; tăng kinh phí hỗ trợ công bố nghiên cứu khoa học quốc tế và đăng ký phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; chi trả kinh phí tham gia hội nghị; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp bằng cách tăng kinh phí đối ứng; bổ sung các hình thức đề tài dành cho giảng viên theo Đề án tạo nguồn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhằm gia tăng nguồn kinh phí dành cho các hoạt động khoa học, công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện đẩy mạnh hợp tác với các chương trình và quỹ tài trợ quốc tế, hợp tác với các đối tác học thuật trong nước. Được biết, tổng nguồn thu từ khoa học công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 đạt gần 40 tỉ đồng.

Trong chiến lược phát triển của mình, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt tầm nhìn phát triển trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tác động quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức và góp phần gìn giữ an ninh, hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Sau khi Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban hành, đã có nhiều ý kiến bàn luận khác nhau xoay quanh những tiêu chí được nêu, đặc biệt các nội dung về yêu cầu tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, diện tích đất/người học, chỗ làm việc riêng biệt của giảng viên hay các yêu cầu liên quan đến nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Với các tiêu chí mang tính đại diện khá đầy đủ và toàn diện về các mảng hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ là căn cứ để các trường có những đối sánh giữa năm trước, năm sau và trong tương lai, giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau, từ đó đánh giá hiện trạng, đặt ra các mục tiêu theo từng khía cạnh, từng tiêu chí phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Doãn Nhàn