Tổ trưởng chuyên môn mong được giữ chế độ giảm định mức và phụ cấp

07/08/2024 08:58
Cao Nguyên

GDVN - Người viết đề nghị cần giữ nguyên việc giảm định mức tiết dạy và phụ cấp cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vì công việc của họ chịu nhiều áp lực.

Theo Điều 8 dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo có đề xuất về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn như sau (trích):

Tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 03 tiết/tuần.

Tổ phó chuyên môn hoặc tổ phó tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 01 tiết/tuần.

Cùng với đó, tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư có đề xuất như sau: Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, và Điều 10.

Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.

Liên quan đến việc tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy như dự thảo Thông tư đưa ra, nhiều giáo viên làm tổ trưởng chuyên môn không đồng ý với nội dung này.

z5673183114904_6a40e36a28a7a065ffa0510860dd5680.jpg
Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, tổ trưởng chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục cho cả năm học rất mất thời gian.

Bởi vì, họ phải đọc hết chương trình môn học và đọc hết 3 bộ sách giáo khoa thì mới có thể xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp cho tổ bộ môn và đặc thù của trường học.

Hơn nữa, việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục phải làm cho từng năm học, không phải sao chép từ năm học này sang năm học khác là xong.

Chẳng hạn, học sinh lớp 9 phải thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điều này khiến tổ trưởng chuyên môn phải điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục sao cho phù hợp với thời gian thi, cấu trúc đề thi của từng năm.

Thứ hai, tổ trưởng chuyên môn là người đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đầu năm học, tổ trưởng chuyên môn phải họp giáo viên trong tổ thảo luận việc lựa chọn sách giáo khoa sao cho phù hợp với giáo viên và đối tượng học sinh của trường.

Bài nào cần đưa vào giảng dạy, tổ trưởng chuyên môn phải là người thẩm định nội dung và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và cơ quan quản lí giáo dục.

Riêng xuất bản phẩm tham khảo, ví dụ môn Ngữ văn, tổ trưởng chuyên môn thậm chí phải xem qua nội dung từng cuốn sách để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Còn nhớ, vào thời điểm đầu tháng 5/2024, một phụ huynh có con học một trường quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh sốc nặng khi giáo viên bộ môn cho con họ đọc sách có chi tiết “18+”.

Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo trường quốc tế này thu hồi toàn bộ sách có nội dung nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi đã được phát cho học sinh. Đồng thời yêu cầu trường nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên.

Dĩ nhiên, tổ trưởng chuyên môn phải chịu trách nhiệm liên đới trước hiệu trưởng.

Thứ ba, tổ trưởng chuyên môn tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện việc đánh giá, xếp loại viên chức theo Nghị định 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Theo đó, tỉ lệ viên chức được xếp ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ được thực hiện tối đa là 20%. Việc xếp loại 20% giáo viên trong tổ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực sự nan giải đối với tổ trưởng chuyên môn (kể cả hiệu trưởng).

Ví dụ, một tổ chuyên môn có 15 giáo viên, trong đó có 50% thầy cô giáo đạt rất nhiều thành tích trong năm học, ví dụ: Chiến sĩ thi đua các cấp; giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi,… Cho nên, việc xếp 3/15 giáo viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực sự tổ trưởng chuyên môn phải “cân não”.

Không ít trường học sau khi công bố danh sách giáo viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đã xảy ra mâu thuẫn nội bộ, nhiều giáo viên “tâm tư”. Đó cũng là lí do có tổ trưởng chuyên môn xin thôi làm nhiệm vụ vì họ không chịu được áp lực “trên đe (hiệu trưởng) dưới búa” (giáo viên trong tổ).

Thứ tư, tổ trưởng chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công. Năm học 2024-2025, ngoài những nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn theo quy định, người viết (tổ trưởng chuyên môn một trường phổ thông) được hiệu trưởng phân công thêm hàng loạt công việc như sau.

Hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân, hồ sơ chuyên môn của tổ viên; tham mưu cho Hiệu trưởng về việc phân công giảng dạy cho giáo viên.

Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên thông qua hình thức thao giảng, dự giờ, báo cáo chuyên đề, viết sáng kiến.

Xây dựng kế hoạch, triển khai công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Thống nhất nội dung giảng dạy, kế hoạch và nội dung kiểm tra.

Theo dõi giám sát việc thực hiện phân phối chương trình của giáo viên. Trực tiếp theo dõi quá trình hoạt động chuyên môn của giáo viên (việc dự giờ, dạy thay, dạy bù, thao giảng…).

Điều phối giáo viên dạy thay, dạy bù kịp thời khi có giáo viên ốm, giáo viên được cử đi công tác hoặc nghỉ đột xuất theo nguyên tắc không bỏ trống giờ và không để học sinh phải nghỉ học.

Hướng dẫn, kiểm tra giáo viên phụ trách Câu lạc bộ trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, nề nếp hoạt động của Câu lạc bộ; đánh giá hiệu quả làm việc của giáo viên phụ trách Câu lạc bộ.

Có thể thấy rằng, tổ trưởng chuyên môn là người đứng đầu tổ chuyên môn, do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về phân phối nguồn lực của tổ, hướng dẫn, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chuyên môn theo qui định, góp phần đưa nhà trường đạt đến các mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch.

Rõ ràng, nhiệm vụ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn khá nhiều, áp lực, nhất là khi ngành giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Vậy nên, nhiều tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo giữ nguyên việc giảm định mức tiết dạy và phụ cấp cho họ như hiện nay. Điều này có ý nghĩa động viên tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hoàn thành tốt công việc được hiệu trưởng giao phó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên