Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học thay thế Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.
Người viết ghi nhận một số ý kiến góp ý của tổ trưởng chuyên môn bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh với dự thảo.
Thứ nhất, từ thực tế tổ trưởng chuyên môn thấy rằng, những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu do 2 nguyên nhân:
1. Một số nội dung trong 2 Thông tư này chưa đồng bộ với các văn bản khác, ví dụ Luật Viên chức, Bộ luật Lao động,...
2. Một số điều chưa quy định chi tiết chế độ việc làm, một số công việc giáo viên kiêm nhiệm chưa quy định rõ số tiết được giảm trừ.
Ví dụ, hiện nay vẫn có giáo viên kiêm nhiệm quá nhiều công việc như: công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, câu lạc bộ,... Từ đó, giáo viên phải làm việc nhiều quá số tiết quy định nhưng không được tính tiền thừa giờ trong năm học.
Thứ hai, theo quy định hiện hành, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.
Về nội dung này, nhiều giáo viên nêu ý kiến nên giảm định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở từ 19 tiết/tuần xuống 17 tiết/tuần.
Cơ sở của việc đề xuất, giáo viên cả hai bậc học này đều có trình độ đại học và cùng làm nhiệm vụ chuyên môn tương tự nhau.
Tuy vậy, quá trình dạy học và làm quản lí tổ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy, chương trình bậc trung học cơ sở nhẹ hơn bậc trung học phổ thông.
Ví dụ, giáo viên môn Toán bậc trung học phổ thông hoàn toàn có thể dạy các khối lớp 6, 7, 8, 9 bậc trung học cơ sở vì kiến thức còn đơn giản.
Ngược lại, không phải giáo viên bậc trung học cơ sở nào cũng có thể dạy bậc trung học phổ thông, nhất là lớp 12, vì kiến thức khó, phức tạp.
Một giáo viên Vật lí là tổ trưởng chuyên môn đã từng dạy cả hai bậc học cho biết, với thời lượng 45 phút, việc dạy (Chương trình 2006) lớp 9 đơn giản hơn rất nhiều so với lớp 12.
Vì vậy, định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần như hiện nay là hợp lí.
Thứ ba, dự thảo Thông tư dự kiến quy định số tuần thực dạy cho tất cả các cấp học là 35 tuần (không bao gồm 02 tuần dự phòng).
Chúng tôi xin góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bổ sung thêm nội dung, việc tính tiết thừa giờ của giáo viên là 35 tuần/năm học.
Bởi vì, hiện nay có trường tính tiết dư giờ cho giáo viên trọn 35 tuần, nhưng cũng có trường trừ các ngày nghỉ lễ, Tết, thậm chí tuần kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) giáo viên chỉ được tính đủ tiết định mức, gây thiệt thòi quyền lợi cho thầy cô giáo.
Thứ tư, theo quy định hiện hành, giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, trong khi giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.
Dự thảo Thông tư dự kiến điều chỉnh chế độ giảm định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học từ 03 tiết/tuần thành 04 tiết/tuần (khoản 1 Điều 8).
Lí do: Để đảm bảo thống nhất giữa các cấp học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Theo Luật Giáo dục, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh, ngoài ra có thể làm thêm một số việc khác do hiệu trưởng phân công.
Có thể khẳng định, việc giảng dạy và giáo dục học sinh đều quan trọng như nhau. Trong đó, công tác giáo dục học sinh của giáo viên chủ nhiệm bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông rất nhọc nhằn và mất nhiều thời gian, kể cả sau giờ lên lớp, thầy cô giáo vẫn phải làm việc với phụ huynh.
Vì vậy, việc giảm định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học từ 03 tiết/tuần thành 04 tiết/tuần là hợp lý.
Cùng với đó, giáo viên cũng kiến nghị nên giảm định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 04 tiết/tuần thành 05 tiết/tuần để thầy cô giáo có thêm thời gian quản lí học sinh và hoàn thành các loại hồ sơ sổ sách theo quy định.
Thứ năm, theo quy định hiện hành, giáo viên kiêm nhiệm phụ trách phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần; giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.
Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định: giáo viên kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc công tác quản trị công sở (phụ trách cả phòng tin học) hoặc công tác thư viện (phụ trách cả phòng thư viện) được giảm 03 tiết/tuần/công việc (khoản 3 Điều 10).
Lí do: Thực tế còn có trường hợp giáo viên phải kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc quản trị công sở hoặc thư viện mà chưa có quy định chế độ.
Theo chúng tôi, giáo viên kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc công tác quản trị công sở (phụ trách cả phòng tin học) hoặc công tác thư viện (phụ trách cả phòng thư viện) được giảm 03 tiết/tuần/công việc là ít.
Hiện nay, ở trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc giáo viên phụ trách cả phòng tin học/thư viện mất rất nhiều thời gian, nhất là những trường có quy mô trên 2.000 học sinh.
Nếu giáo viên kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc công tác quản trị công sở hoặc công tác thư viện được giảm 05 tiết/tuần/công việc thì giáo viên và học sinh sẽ được phục vụ tốt hơn.
Thứ sáu, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy gồm có: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung thêm trường hợp đi khám, chữa bệnh (không vượt quá thời gian quy định) được hiệu trưởng nhà trường đồng ý và có xác nhận khám, chữa bệnh của cơ sở y tế thì không phải dạy bù đối với các tiết dạy được phân công theo kế hoạch và số tiết dạy này được tính vào định mức tiết dạy của giáo viên (khoản 3 Điều 11).
Theo nhóm giáo viên, cần thêm nội dung, giáo viên được phân công dạy thay cho giáo viên nghỉ ốm, đi khám, chữa bệnh được tính thêm tiết thừa giờ theo quy định.
Thứ bảy, theo quy định hiện hành, để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết (hiệu trưởng dạy 02 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 04 tiết/tuần).
Dự thảo Thông tư dự kiến tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mỗi vị trí 02 tiết (hiệu trưởng 04 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 06 tiết/tuần).
Lí do: Với quy định dạy này đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp.
Nhóm giáo viên kiến nghị giữ nguyên định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như hiện nay. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thuộc cấp lãnh đạo, quản lí, chỉ cần dạy theo định mức tiết dạy như hiện nay để nắm nội dung chương trình là được.
Hơn nữa, với những môn thừa giáo viên, nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy những môn này 4-6 tiết/tuần thì giáo viên bộ môn phải làm sao.
Tài liệu tham khảo:
https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-thong-tu-quy-dinh-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-du-bi-dai-hoc-6615
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.