ChatGPT, AI phát triển khiến giảng viên thay đổi cách ra đề thi

22/08/2024 08:48
Trần Trang

GDVN-Đề thi thường dài hơn, cung cấp dưới dạng file ảnh để sinh viên khó khăn hơn trong việc đưa yêu cầu tới các công cụ AI. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế.

Kể từ khi ra mắt, ChatGPT cùng các công cụ AI khác có tác động sâu rộng đến sự thay đổi trong dạy và học ở các trường đại học. Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò như một trợ giảng ảo, giúp sinh viên ôn tập và tự học một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ AI một cách dễ dàng có thể nảy sinh các vấn đề về đạo văn hoặc gian lận trong quá trình học tập của sinh viên. Điều này thúc đẩy các trường đại học cần có những giải pháp phù hợp, đồng thời trang bị cho giảng viên và người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Cần nâng cao nhận thức của sinh viên về đạo đức học thuật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm - Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, hầu hết sinh viên của khoa đều đã biết và sử dụng ChatGPT.

Thầy Lâm đánh giá: “Thay vì phải đợi giờ giảng của giảng viên hoặc tìm kiếm tài liệu phù hợp, sinh viên có thể ngay lập tức có được sự hỗ trợ từ AI. Điều này giúp việc học trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với những sinh viên tự học hoặc cần bổ sung kiến thức ngoài giờ học.

Trước đây, sinh viên có thể tìm kiếm được nhiều thông tin, học liệu thông qua công cụ Google, nhưng rõ ràng, việc hỏi đáp thông qua các công cụ AI dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều".

LamPX-scaled.jpg
Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm - Phụ trách khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh: neu.edu.vn.

Mặt khác, AI cũng thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Theo đó, giảng viên có thể sử dụng AI để tạo ra các nội dung học tập tùy chỉnh, phù hợp với nhu cầu của từng sinh viên. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình dạy và học mà còn tạo điều kiện cho việc học tập chủ động, tương tác hơn giữa giảng viên - sinh viên”.

“Tôi đã thấy nhiều giảng viên tại Khoa Công nghệ thông tin sử dụng AI để biên soạn nội dung giảng dạy một cách hiệu quả và cá nhân hóa. Ví dụ, khi soạn bài, giảng viên có thể nhờ AI tự động tạo ra tài liệu giảng dạy như slide, bài tập, các bài thực hành, đồng thời điều chỉnh nội dung phù hợp với từng nhóm sinh viên dựa trên trình độ của mỗi nhóm sinh viên đó.

Ngoài ra, giảng viên có thể sử dụng AI để kiểm tra các nội dung đã biên soạn, phát triển bài kiểm tra, đánh giá tự động, giúp giảng viên dễ dàng theo dõi và cải thiện quá trình học tập của sinh viên” - thầy Lâm bày tỏ.

Dù vậy, theo Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm, việc tích hợp AI vào các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, vẫn đang đối diện với nhiều hạn chế. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối lo ngại về tính chính xác, quyền riêng tư, các vấn đề đạo đức và đặc biệt nhấn mạnh về tính trung thực trong học tập của người sử dụng.

1c6c78e0-ec7c-4480-ab95-422fd0db21fd.jpg
ChatGPT đã trở thành “trợ thủ” không thể thiếu với sinh viên. Ảnh: hnue.edu.vn.

Thầy Lâm chia sẻ: “Tôi nhận thấy, sau khi các công cụ AI ra đời, giảng viên trong khoa đã thận trọng hơn và thay đổi nhiều trong hình thức ra đề. Đề thi thường dài hơn, cung cấp dưới dạng file ảnh để sinh viên khó khăn hơn trong việc đưa yêu cầu tới các công cụ AI. Tuy nhiên, đó chỉ là các giải pháp tình thế”.

Theo thầy Lâm, để đảm bảo tính liêm chính học thuật trong bối cảnh AI ngày càng phổ biến, các khoa, viện, trường đại học cần nâng cao nhận thức của sinh viên.

Cần có các buổi tọa đàm, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về hậu quả của việc sử dụng AI không đúng mục đích trong học tập và nghiên cứu.

Sinh viên cần hiểu rõ rằng việc sao chép hoặc gian lận không chỉ vi phạm đạo đức học thuật mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của chính bản thân.

Việc thúc đẩy hợp tác giữa các nhà giáo dục, nhà thiết kế hướng dẫn và nhà phát triển AI để xây dựng các chính sách nghiêm ngặt, cùng việc triển khai các công cụ chống đạo văn có tích hợp AI, là những bước cần thiết để đảm bảo tính liêm chính trong học thuật.

Bằng cách này, nhà trường có thể tận dụng được sức mạnh của AI trong giáo dục mà vẫn bảo vệ được giá trị cốt lõi của sự trung thực và công bằng.

Tập huấn sử dụng AI đúng cách cho cả giảng viên và sinh viên

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), việc sử dụng các công cụ AI một cách dễ dàng có thể nảy sinh các vấn đề về đạo văn hoặc gian lận trong quá trình học tập của sinh viên.

Sinh viên sử dụng các công cụ AI để viết các bài luận, bài tập và thậm chí là các chương trình máy tính ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm tra, đánh giá của giảng viên.

picture1-1835.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Một rủi ro khác là sự lan truyền thông tin không chính xác và không chuẩn mực. Các mô hình ngôn ngữ lớn đều “học” từ dữ liệu, nên câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu được dùng để huấn luyện mô hình AI.

Sự khác biệt giữa con người và AI là mô hình AI sẽ không “hiểu” được câu trả lời mà chính nó sinh ra, vì vậy nếu dữ liệu huấn luyện có nội dung chưa chính xác, sẽ dẫn đến câu trả lời sai.

“Điều này rất nguy hại, vì sinh viên và giảng viên có thể vô tình sử dụng những thông tin này mà không kiểm tra lại, dẫn đến việc truyền tải kiến thức sai lệch. Ngoài ra, việc sử dụng ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn cũng có những ảnh hưởng đến quyền riêng tư đối với dữ liệu” - thầy Hưng phân tích thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng chia sẻ: “Hiện nay, chưa có những quy định cụ thể như thế nào được gọi là đạo văn, ranh giới giữa đạo văn và tham khảo đôi khi còn khá mờ. Trừ những trường hợp đạo văn theo nghĩa sao chép nguyên xi văn bản từ các nguồn khác, thì có thể kiểm tra bằng các công cụ đối sánh.

Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng phần mềm Turnitin để kiểm tra việc sao chép trong các luận văn, luận án, với ngưỡng tương đồng dưới 20% thì được coi là không sao chép.

Bên cạnh việc khai thác mặt tích cực của các công cụ AI, cũng cần có giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của AI đối với công tác đào tạo.

Để làm được điều này, các trường cần có những quy định về đạo đức sử dụng AI đối với giảng viên và sinh viên, đồng thời tuyên truyền và tập huấn cho người dùng cách sử dụng AI hiệu quả”.

“Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra quy định về tính liêm chính trong học thuật, quy định rất rõ những chế tài khi sử dụng AI trong học tập và nghiên cứu.

Ngoài ra, các trường có thể sử dụng những công cụ tự động để kiểm tra sự gian lận trong các sản phẩm của người học. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là giáo dục tính liêm chính cho học viên, sinh viên” - thầy Hưng chia sẻ thêm.

Đa dạng hình thức kiểm tra giúp sinh viên không phụ thuộc vào AI

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Hải - Phó Trưởng khoa Kinh tế Phát triển (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu sử dụng AI chỉ để hỗ trợ tìm kiếm thông tin, kiểm tra ngữ pháp, hay đưa ra các ý tưởng ban đầu, vẫn có thể chấp nhận được.

“Tuy nhiên, nếu sử dụng AI để viết toàn bộ bài luận, bài báo cáo mà không có sự đóng góp tư duy của bản thân, thì rõ ràng là gian lận, đạo văn.

Khi người học đơn thuần sao chép hoặc để AI viết toàn bộ bài luận, điều đó không chỉ vi phạm đạo đức học thuật, mà còn hạn chế khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của bản thân.

Nếu quá phụ thuộc vào AI, người học có thể mất đi cơ hội phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề một cách độc lập” - thầy Hải cho hay.

Le Dinh Hai.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Hải - Phó Trưởng khoa Kinh tế Phát triển (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: ueb.edu.vn.

“Việc sử dụng AI để hỗ trợ học tập, đặc biệt trong việc viết luận, quả thực là một “con dao hai lưỡi”. Để giải quyết vấn đề này, thay vì chỉ đánh giá sản phẩm cuối cùng, các giảng viên nên đánh giá quá trình làm việc của người học thông qua các bài kiểm tra giữa kỳ, bài tập nhóm, bài thuyết trình” - thầy Hải bày tỏ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Hải, thầy cô có thể yêu cầu người học nộp bản nháp, phác thảo ý tưởng để theo dõi quá trình làm việc; tổ chức các buổi thảo luận nhóm để đánh giá khả năng trình bày, bảo vệ ý kiến và làm việc nhóm của người học; yêu cầu người học viết nhật ký nghiên cứu để ghi lại quá trình tìm kiếm tài liệu, xây dựng luận điểm.

Bên cạnh đó, giảng viên kiểm tra bằng các câu hỏi mở, yêu cầu người học phân tích, đánh giá và đưa ra ý kiến cá nhân. Thầy cô cũng nên kết hợp các hình thức kiểm tra như bài thi viết tay, bài thuyết trình, thực hành để đánh giá toàn diện năng lực của người học.

Giảng viên cần thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, workshop để giúp người học hiểu rõ về đạo đức học thuật và liêm chính trong nghiên cứu khoa học, về việc sử dụng AI một cách hợp lý và có trách nhiệm.

Nhà trường cần tạo ra một môi trường học tập khuyến khích người học tự do sáng tạo, đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời; tổ chức các dự án nhóm để người học cùng nhau làm việc và học hỏi lẫn nhau; tổ chức các cuộc thi khuyến khích người học phát triển khả năng viết và nghiên cứu.

“Việc sử dụng AI trong học tập là một vấn đề phức tạp và cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Để tránh vi phạm đạo đức học thuật, đảm bảo liêm chính trong nghiên cứu khoa học, người học cần có ý thức trách nhiệm và sử dụng AI một cách hợp lý” - thầy Hải nhấn mạnh.

Trần Trang