Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra sự cách mạng hóa trong giáo dục bằng việc cung cấp những phương thức học mới cho sinh viên và giúp giảng viên giảng dạy dễ dàng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các công cụ chatbot như ChatGPT với những tiện ích đột phá thu hút hàng trăm triệu người sử dụng.
Tuy nhiên, bất kỳ công nghệ mới nào cũng có những mối quan tâm và thách thức cần được giải quyết. Việc sinh viên lạm dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để làm bài tập, luận văn có thể gây ảnh hưởng đến sự liêm chính trong môi trường đại học.
“Cứ 10 sinh viên lại có 8 người sử dụng công cụ AI”
Nguyễn Thanh Thủy - sinh viên ngành Truyền thông Doanh nghiệp của Trường Đại học Hà Nội cho biết em sử dụng các công cụ AI gần như hàng ngày.
Là một sinh viên trong ngành truyền thông, em đã quen với việc tạo ra những sản phẩm bài viết bằng các công cụ AI tự động, đòi hỏi em phải tự học cách viết prompt (câu lệnh hướng dẫn cho AI) sao cho đạt kết quả đẹp mắt nhất.
Các công cụ như Gemini, ChatGPT hay Bing của Microsoft khi được sử dụng hiệu quả có thể giúp em hoàn thành bài tập và công việc nhanh hơn và xuất sắc hơn.
“Em thường nhờ ChatGPT gợi ý em các góc độ nội dung mà em có thể khai thác của một chủ đề, hoặc trau chuốt lại câu từ bài viết. Nhiều khi em cũng hay gửi một tài liệu để AI phân tích. Những thông tin cần sự chính xác thì em có kiểm chứng lại trên google hay báo chí”, Thủy chia sẻ.
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Nhà trường đã có những khảo sát cụ thể để biết được thực trạng sử dụng AI của sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Về cơ bản, 8/10 sinh viên đã ý thức và đã bắt đầu sử dụng AI vào công việc và cuộc sống hàng ngày. Có khoảng 48% sinh viên thừa nhận có sử dụng AI để lấy ý tưởng cho việc viết luận hoặc làm dàn ý cho bài trình bày trước lớp”.
ChatGPT và trào lưu AI miễn phí đang tạo cơ hội lớn cho giáo dục về khía cạnh người học như dạy học cá nhân hóa, dạy học theo nhịp độ của người học; trở thành gia sư bỏ túi cho mô hình đào tạo tài năng. Ứng dụng sẽ giúp rút ngắn thời gian học tập trên lớp, chuyển trọng tâm từ nhiều giờ học sang giờ học chất lượng.
AI cũng hỗ trợ đắc lực cho giáo viên giải phóng sức lao động khỏi những công việc văn bản giấy tờ theo khuôn mẫu để tập trung vào sự sáng tạo, truyền cảm hứng và dạy người. Năng lực của người giáo viên trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng giảm trọng số vào kiến thức chuyên môn mà sẽ tăng trọng số vào kỹ năng khoa học giáo dục và kỹ năng sư phạm số.
Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Nga, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế và Sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Có thể nói một trong những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của AI là giáo dục.
Việc sử dụng, ứng dụng AI vào công tác giảng dạy của giảng viên hay học tập của người học đang ngày một trở nên phổ biến. Tất yếu, sự thay đổi, tác động nào của AI và ChatGPT cũng mang đến hai mặt tích cực, tiêu cực cho xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng”.
Theo cô Nga, những mặt tích cực mà trí tuệ nhân tạo mang lại trong việc dạy - học tại các trường đại học hiện này đầu tiên có thể kể đến bao gồm:
Một là, thay đổi cách thức tiếp cận thông tin. Nguồn dữ liệu của AI là rất phong phú, đa dạng, người sử dụng có thể tìm hiểu, tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng, bất kỳ thời gian, không gian nào mà không cần phải phụ thuộc như các phương thức truyền thống khác.
Hai là, thay đổi phương pháp giảng dạy. Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng việc này có tác động không nhỏ đối với phương pháp giảng dạy truyền thống, làm hạn chế các phương pháp giảng dạy thụ động, giảng viên đọc – sinh viên chép.
Ba là, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ người nghiên cứu bằng cách đề xuất các ý tưởng, tìm kiếm nguồn tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đưa ra cách thức để triển khai một công việc bất kỳ nào đó, kết nối các thông tin trong nội dung tìm kiếm...
Sự phát triển về khoa học, kỹ thuật và công nghệ là một điều tốt, tuy nhiên, hệ thống thông tin khổng lồ này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục.
“Một số chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng Chat GPT làm tăng khả năng, tư duy phản biện của người học, tuy nhiên cũng có một số quan điểm cho rằng, ứng dụng này làm giảm khả năng sáng tạo của người học. Tôi cho rằng quan điểm này phần nào có cơ sở.
Người sử dụng sẽ phụ thuộc vào kết quả thông tin mà ChatGPT sẽ tạo ra, áp dụng vào bài giảng, công việc và học tập. Câu trả lời của ChatGPT có thể sẽ khác nhau tùy vào việc đặt câu hỏi, tính cụ thể, chi tiết, lịch sử tìm kiếm… làm cho họ lười suy nghĩ, sáng tạo, tư duy. Điều này dẫn đến vấn đề đạo văn hay tính liêm chính trong học thuật. Bởi lẽ theo tôi, cũng còn không ít khó khăn trong việc phát hiện người dùng có sử dụng công cụ hỗ trợ hay tự mình trực tiếp sáng tạo không.
Bên cạnh đó, nguồn thông tin có độ chính xác và tin cậy chưa cao. Ví dụ: bản thân tôi khi sử dụng phần mềm để tra cứu từ vựng tiếng Anh, một số từ tôi cho rằng dịch chưa sát nghĩa, tôi đều sử dụng Oxford Dictionary để kiểm tra lại. Chat GPT tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, do đó khi sử dụng người dùng phải kiểm tra, chắt lọc những thông tin chính xác, có nguồn rõ ràng", cô Nga bày tỏ.
Nhà trường cập nhật chính sách để ứng phó với AI
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Nga, tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo có thể được xem là một thách thức đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng hiện nay, vì bất kỳ trường đại học nào cũng đề cao giá trị đạo đức trong học thuật, tính sáng tạo, liêm chính trong học tập, nghiên cứu khoa học.
"Việc sử dụng AI để làm luận văn, luận án, khóa luận không phải điều mới mẻ. Tuy nhiên, tôi cho rằng không công cụ nào có thể thay thế trí óc của con người. Nếu người sử dụng tạo ra tác phẩm bằng công cụ mà không hiểu vấn đề, không nắm rõ bản chất sự việc, thì chắc chắn sẽ dễ dàng bị phát hiện, hoặc nhận điểm đánh giá không cao", cô Nga bày tỏ.
Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Nga cũng cho biết, tại Việt Nam, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo được Chính phủ khá quan tâm. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã và đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuôn khổ chính sách, pháp luật đối với trí tuệ nhân tạo và sẽ tiếp tục các nghiên cứu khác trong thời gian tới
Đối với các quy định liên quan đến pháp luật sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành lần đầu tiên vào năm 2005, đến nay đã ba lần sửa đổi, trong đó quy định về các hành vi xâm phạm quyền tại Điều 28, dẫn chiếu đến Điều 20 về hành vi sao chép, cụ thể: “Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20” (trừ các trường hợp ngoại lệ của luật tại Điều 25, 25a). [1]
Hiện nay, chưa có hướng dẫn chi tiết cụ thể, tỷ lệ sao chép bao nhiêu % (dù có dẫn nguồn) được xem là gian lận, đạo văn và chưa có quy định việc sao chép các thông tin trên các ứng dụng trí tuệ như thế nào.
Tuy nhiên, có nhiều trường đại học đã cụ thể hóa, quy định chi tiết trong các văn bản quản lý nội bộ về việc này. Chẳng hạn tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh… đã ban hành các văn bản quy định về các hành vi được xem là đạo văn, đồng thời quy định về tỷ lệ trích dẫn được phép trong một công bố và việc xử lý vi phạm nếu có hành vi đạo văn.
Để xác định tỷ lệ trích dẫn, một số trường đại học có sử dụng công cụ hỗ trợ kiểm tra trùng lặp dữ liệu, đồng thời giao trách nhiệm thẩm định, đánh giá nội dung cho giảng viên, Ban nội dung hoặc Hội đồng thẩm định, đánh giá để xem xét. Đây có thể xem là một trong những biện pháp cần thiết, quan trọng để đảm bảo liêm chính học thuật, đạo đức nghiên cứu đối với các trường đại học hiện nay.
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết, trước bối cảnh công cụ AI bùng nổ, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cập nhật và chỉnh sửa Quy định về liêm chính trong học thuật, yêu cầu kiểm tra đánh giá và các công trình nghiên cứu khoa học, khóa luận, luận văn, luận án.
Theo đó, 100% các sản phẩm của sinh viên được thực hiện kiểm tra đạo văn, trong đó có tích hợp chế độ kiểm tra việc sử dụng AI trong các sản phẩm khoa học.
Trường Đại học Giáo dục cũng cập nhật đề cương học phần Phương pháp Nghiên cứu Khoa học, trong đó có bài giảng về đạo đức nghiên cứu trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.
“Nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia thảo luận về những vấn đề liên quan đến liêm chính học thuật với việc sử dụng AI.
Đồng thời chúng tôi cũng cảnh báo sinh viên những nguy cơ về những sai lệch do thông tin AI cung cấp và cách kiểm tra chéo; hướng dẫn cách trích dẫn đúng nếu sử dụng AI và thông báo về nguy cơ mất dữ liệu cá nhân nếu lạm dụng AI trong công tác nghiên cứu”, thầy Nam cho biết.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Luat-So-huu-tri-tue-2005-50-2005-QH11-7022.aspx