Quyết định số 522/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" của Chính phủ đã hướng dẫn rất rõ về đối tượng phân luồng và mục tiêu cụ thể được đặt ra. Cụ thể, đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Tuy nhiên, theo đại diện một số sở giáo dục và đào tạo, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế để đạt mục tiêu trên.
Công tác phân luồng thuận lợi hay khó khăn?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Quốc Đường – Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 10,3% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn (Trường Trung cấp văn hóa thể thao và du lịch; Trường Cao đẳng Công nghệ Việt Hàn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang; Trường Cao đẳng FPT).
Dự kiến, năm học 2024-2025, tỷ lệ học sinh vào học trường nghề sẽ tăng so với năm học 2023-2024, đạt khoảng 10,8%.
Theo thầy Đường, để đạt được tỷ lệ trên Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh. Hơn nữa, Sở cũng thường xuyên phối hợp với nhiều sở, ban, ngành trên địa bàn như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Nội vụ, Tài Nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch của ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh.
Không những vậy, Sở cũng nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, triển khai những hoạt động tư vấn học đường cho học sinh trung học cơ sở nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, trong đó quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động trải nghiệm thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của địa phương. Đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, Sở đã có những thay đổi trong việc giao chỉ tiêu tuyển sinh như giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào học tại trường trung học phổ thông. Việc làm này nhằm phấn đấu thực hiện chỉ tiêu phân luồng được quy định trong kế hoạch của tỉnh là đến năm 2025 có trên 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Theo thầy Mông Thanh Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lục Yên, tỉnh Yên Bái, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại nhà trường đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đơn cử, năm 2023, trường chỉ có 346 em vào học nhưng năm nay số em nộp hồ sơ xét tuyển vào trường lên đến 516 em và đến thời điểm hiện tại đã có 459 học sinh nhập học.
Thầy Dũng lý giải, nguyên nhân của việc gia tăng số lượng người học như vậy là do trường đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những mặt lợi ích của việc học nghề cho học sinh trên địa bàn. Cụ thể như sau khi tốt nghiệp, nhu cầu tuyển dụng các em vào những nơi sử dụng lao động trên địa bàn là rất lớn cùng những chính sách hỗ trợ học phí …
Hơn nữa, học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa nên đảm bảo được cả kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Trong khi đó, thầy Võ Quốc Thống – Phó Trưởng phòng, Phòng Giáo dục Mầm non – Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi chờ các trường trung học phổ thông tuyển sinh xong, thường đến khoảng tháng 10, trường nghề mới hoàn thành xong công tác tuyển sinh của mình.
Những năm gần đây, tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 5% mỗi năm.
Theo thầy Thống, thực trạng này xuất phát từ thực tế của tỉnh Cà Mau. Qua rà soát, số học sinh vào các trường trung học phổ thông trên địa bàn đã đạt tới 90% nên chỉ còn rất ít số lượng học sinh vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên thực tế, xu hướng của nhiều người dân trước nay thích cho con em vào học tại trường trung học phổ thông để sau đó vào học đại học chứ không thích vào học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa có khu công nghiệp nên một số dù muốn học nghề cũng ngần ngại vì bị hạn chế về đầu ra.
Thầy Thống cho rằng, muốn công tác phân luồng đạt hiệu quả, phải đảm bảo được đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp trường nghề với định hướng ổn định lâu dài tại địa phương. Bởi, thường những em đã chọn học tại trường nghề cũng muốn sau khi ra trường sẽ có việc làm ngay tại địa bàn của mình.
Cần thực hiện đánh giá và xếp loại học lực chính xác trong một hệ thống hỗ trợ đồng bộ và toàn diện
Để thực hiện được mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở mà Chính phủ ra, thầy Đường cho biết, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đang thực hiện một số giải pháp.
Thứ nhất là, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh.
Cụ thể, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục quán triệt nội dung Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh để hiểu biết, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội có liên quan; ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt nội dung những văn bản nêu trên đến cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, những cơ quan thông tin truyền thông cần phối hợp tuyên truyền chủ trương tăng cường giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy hiệu quả sự tham gia của xã hội.
Thứ hai là, tăng cường thực hiện những hoạt động giáo dục trong nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. Theo đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh củng cố mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trường cao đẳng, trung cấp nghề phù hợp với năng lực bản thân.
Những cơ quan quản lý giáo dục tăng cường chỉ đạo đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt những hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong việc thực hiện phân luồng.
Hơn nữa, Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ quan quản lý giáo dục với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp vào học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng mô hình thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông tại một số huyện có nhiều khu công nghiệp (Việt Yên, Hiệp Hòa). Trong đó, áp dụng phương thức hướng nghiệp có sự tham gia của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Thứ ba là, tiếp tục tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Cụ thể, phân công cán bộ kiêm nhiệm quản lý, theo dõi về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh tại các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên phạm vị toàn tỉnh.
Thứ tư là, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đến bố trí đội ngũ giáo viên,…
Cũng theo thầy Đường, việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh một cách chính xác là một trong những yếu tố quan trọng để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đạt hiệu quả.
Bởi, việc đánh giá học lực chính xác giúp chúng ta hiểu rõ năng lực thực sự của từng học sinh, từ đó có thể đưa ra những định hướng phù hợp cho tương lai của các em. Công tác phân luồng cần dựa trên nền tảng dữ liệu chính xác, không chỉ là về mặt học lực mà còn về năng lực, sở thích, và mục tiêu cá nhân của học sinh.
Hơn nữa, nếu việc đánh giá học lực không chính xác sẽ dễ dẫn đến vấn đề học sinh bị định hướng sai, gây lãng phí thời gian, công sức và tài năng của các em. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội ngày càng yêu cầu sự chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao, công tác phân luồng đúng đắn là điều cần thiết để tối ưu hóa khả năng phát triển của từng học sinh.
Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả, trường trung học cơ sở cần áp dụng những phương pháp đánh giá đa dạng và toàn diện, không chỉ dựa trên kết quả thi cử mà còn phải xem xét đến các yếu tố khác như kỹ năng mềm, thái độ học tập, và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, và xã hội trong quá trình định hướng và phân luồng cho học sinh.
“Đánh giá và xếp loại học lực chính xác là một giải pháp quan trọng và cần thiết nhưng cũng cần được thực hiện trong một hệ thống hỗ trợ đồng bộ và toàn diện để công tác phân luồng học sinh thực sự đạt được hiệu quả cao”, thầy Đường nhấn mạnh.
Mặt khác, theo thầy Đường, việc phân chia chức năng quản lý giữa các Bộ, ngành liên quan đến giáo dục và đào tạo luôn là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Trước ý kiến cho rằng việc tách quản lý giáo dục nghề nghiệp ra khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm mất đi tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục và gây khó khăn trong công tác phân luồng và liên thông, thầy Đường cho rằng đây cũng là một vấn đề đáng được quan tâm.
Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trong việc xây dựng chính sách, quy hoạch và triển khai các chương trình giáo dục từ bậc phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp và đại học, đảm bảo sự thông suốt và linh hoạt trong hệ thống giáo dục quốc dân.
“Tôi cho rằng, điều quan trọng không phải là cơ quan nào quản lý mà là làm thế nào để hai Bộ phối hợp với nhau hiệu quả, đảm bảo rằng học sinh được phân luồng và liên thông một cách hợp lý. Từ đó giúp hệ thống giáo dục của chúng ta được thực sự hỗ trợ phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta cần tiếp tục thảo luận và nghiên cứu để tìm ra mô hình quản lý hiệu quả nhất, đảm bảo lợi ích tối ưu cho người học và xã hội”, thầy Đường bày tỏ.