Tại hội thảo “Cao đẳng – thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng Trường Cao đẳng THACO phối hợp tổ chức ngày 31/5, các chuyên gia, đại diện các trường cao đẳng đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong hệ thống giáo dục cao đẳng Việt Nam hiện nay nhìn từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Giáo dục nghề và giáo dục đại học “trôi dạt”
Tiếp cận vấn đề cao đẳng nghề, giáo dục đại học và học tập suốt đời tại các nước châu Âu, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đưa ra một vài kết luận, hàm ý bài học áp dụng cho Việt Nam.
Trong đó, sử dụng theo cách nói của thuyết kiến tạo địa chất, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận cho rằng, VET (cao đẳng nghề) và HE (giáo dục đại học) như các mảng kiến tạo địa chất đang “trôi dạt”, “va chạm” và “đan xen” với nhau.
Cụ thể, theo Giáo sư Vận, ranh giới giữa cao đẳng nghề và giáo dục đại học đang ngày càng mờ đi. Hầu hết các nước châu Âu đang phải đối mặt với những vấn đề chung về sự "trôi dạt" trong học tập, động lực học tập kém của sinh viên trong các chương trình dạy nghề và không cung cấp được cho nhân viên tương lai loại kiến thức và kỹ năng mà họ cần trong nền kinh tế dựa trên tri thức đang thay đổi nhanh chóng.
Trong khi đó, xu hướng nâng cao định hướng thực hành của các chương trình giáo dục đại học truyền thống có thể làm tăng sức hấp dẫn của sinh viên tốt nghiệp đối với nhu cầu của nền kinh tế. Các hình thức học tập linh hoạt mới thể hiện ở sự liên kết hiệu quả giữa giáo dục phổ thông, dạy nghề và giáo dục đại học, trở thành một yếu tố đổi mới quan trọng.
Từ thực tiễn bức tranh giáo dục các nước châu Âu, Giáo sư Đặng Ứng Vận đưa ra một số bài học có thể áp dụng cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cao đẳng nghề và giáo dục đại học, xây dựng cầu nối giữa cao đẳng nghề và giáo dục đại học, xác định khung trình độ tổng thể cũng như thúc đẩy mạng lưới và sự đa dạng cạnh tranh. Các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ tính thẩm thấu phải tập trung vào việc cải thiện các thỏa thuận thể chế để chuyển giao tín chỉ lẫn nhau và công nhận quá trình học tập trước đây của các trường đào tạo giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Thứ hai, xây dựng cầu nối giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: cơ hội cho người lớn thông qua các chương trình cấp bằng giáo dục từ xa, giáo dục chuyên nghiệp liên tục, các trung tâm học tập suốt đời trong các trường đại học.
Thứ ba, công nhận quá trình học tập trước đây, các công nhận tín chỉ, liên kết trình độ chuyên môn;
Thứ tư, đảm bảo sự cạnh tranh đa dạng thông qua việc hỗ trợ đa dạng hóa cung cấp (phạm vi khóa học, khả năng tiếp cận, liên kết chặt chẽ với nhà tuyển dụng và cộng đồng rộng lớn hơn).
Đề xuất đẩy mạnh tỷ lệ phân luồng sau trung học cơ sở
Cũng nghiên cứu kinh nghiệm phát triển giáo dục, đào tạo của các nước trên thế giới, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh - Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ đã có những chia sẻ về đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trong đó, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh nhận định, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đang ở giao điểm cơ hội và thách thức. Chuyên gia đánh giá, không khó để đề xuất mô hình và chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn (2025-2045), nhưng để gắn liền nguồn cung với nhu cầu thực tế của thị trường, đầu ra thì là một câu chuyện đầy thử thách. Đòi hỏi một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể và toàn điện mới mong thực hiện tốt.
Đề xuất chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục cao đẳng nước ta hiện nay, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh chia sẻ, giải pháp đầu tiên là cần nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra.
Theo Tiến sĩ Trần Đức Cảnh, tỷ lệ đào tạo sau trung học phổ thông của Việt Nam còn rất thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thực tế trên không có nghĩa là thừa thầy thiếu thợ.
Dù vậy, xét về mô hình phát triển nguồn nhân lực trên tổng thể, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh cho rằng cấu trúc các bậc học nghề và đào tạo nghề sau trung học phổ thông chưa hợp lý. Chuyên gia đánh giá, với nền kinh tế như Việt Nam, đào tạo nghề sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông rất cần thiết, phát triển cả chất lượng lẫn số lượng.
Dẫn số liệu thực tế, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh cho biết, tỷ lệ trình độ cao đẳng ở nước ta chỉ đạt 3,7% so với đại học 10,2%, tỷ lệ này có vẻ nghịch lý so với nền kinh tế sản xuất, nhân lực cấp trung như Việt Nam. Đúng ra thì tỷ lệ 3,7% phải gấp đôi, cộng với số học viên các chương trình 2 năm sau trung học phổ thông, ngang bằng với hệ đại học hoặc hơn”, chuyên gia nhận định. Tuy nhiên, ông Cảnh cũng chia sẻ thêm, điều đó không có nghĩa phải giảm số sinh viện đại học, mà vẫn cần phải tăng thêm trong 2 thập niên tới. Giải pháp để thu hút sinh viên vào cao đẳng là chất lượng đào tạo và đầu ra.
Thứ hai, theo chuyên gia, hệ cao đẳng phải cấu trúc theo hướng mở và liên thông lên đại học thì mới hấp dẫn đầu vào. Người tốt nghiệp cao đẳng có thể học lên đại học nếu muốn. Thời đại công nghệ phương tiện học tập rất dồi dào, nên khuyến khích công nhân viên trau dồi kiến thức chuyên môn và học suốt đời.
Thứ ba, phân luồng sau trung học cơ sở như các nước Đức, Phần Lan, Bắc Âu. Khoảng 40-50% học sinh các nước này đã chọn trung học nghề ngay sau trung học cơ sở. Theo đó, chuyên gia đề xuất Việt Nam có thể xây dựng trung học nghề với số học sinh tăng dần đến 30% trong vòng 20 năm.
“Tôi tin là số học sinh sau trung học cơ sở sẽ chọn trung học nghề thay vì bỏ học hay học nghề bên ngoài”, chuyên gia nhận định.
Thứ tư, cho phép các đại học địa phương đào tạo chương trình cao đẳng, tương tự như đại học cộng đồng (2 năm) của Mỹ. Sinh viên có thể đi làm sau khi tốt nghiệp hay chọn liên thông lên đại học.
Hội thảo “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp” (ngày 31/5) nhằm trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trước mắt và tìm hướng đi mới trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của hệ cao đẳng. Những kết quả tại hội thảo lần này cũng sẽ góp phần vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, cũng như tạo nguồn tư liệu quý báu cho quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật giúp cho giáo dục nghề nghiệp nói riêng và ngành giáo dục nói chung.