Lần đầu môn Tin học, Công nghệ thi tốt nghiệp: Học sinh, GV chuẩn bị ra sao?

21/08/2024 06:32
Châu Anh

GDVN - Thông tin về việc Tin học và Công nghệ là một trong số các môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp vẫn còn khá mới mẻ đối với học sinh nhiều trường.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 lần đầu tiên môn Tin học và Công nghệ sẽ là một trong số các môn thi tự chọn.

Học sinh ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội, trường học cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập đầy đủ sẽ có nhiều thuận lợi. Còn với các trường trung học phổ thông ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng đặt ra không ít thách thức.

Đã đảm bảo điều kiện dạy học, nhưng mới ở mức tối thiểu

Khi bước vào bậc trung học phổ thông, học sinh sẽ học 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử.

Đồng thời, các em có 4 môn học lựa chọn trong số 9 môn học gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Arâl Mai Tình, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tây Giang (Quảng Nam) chia sẻ, tại Trường trung học phổ thông Tây Giang, trong số các môn tự chọn, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Tin học chỉ chiếm hơn 30% tổng số học sinh của trường. Đối với môn Công nghệ, số học sinh chọn Công nghệ Công nghiệp là 25%, trong khi Công nghệ Nông nghiệp chiếm 60%.

Cũng theo thực tế tại trường, hiện nay có hơn 80% học sinh chọn tổ hợp môn khoa học xã hội, trong khi những môn có yếu tố khoa học tự nhiên và kỹ thuật ít được quan tâm. Điều này phản ánh thực trạng năng lực học tập và điều kiện kinh tế xã hội của học sinh. Phần lớn các em thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, năng lực tự học còn yếu, và việc lựa chọn môn học phần lớn dựa trên sự tư vấn của nhà trường cũng như sở thích cá nhân.

Về cơ sở vật chất, trường hiện có hai phòng Tin học với 50 máy tính, đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy môn này.

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên tại đây vẫn còn nhiều bất cập. Trường có đủ giáo viên nhưng đối với môn Tin học, có một giáo viên từ đồng bằng đang có nguyện vọng chuyển công tác về gần nhà. Việc tìm kiếm giáo viên mới để thay thế là rất khó khăn, do nguồn giáo viên tại chỗ không có, giáo viên từ đồng bằng không muốn đăng ký vì điều kiện đi lại vất vả.

Đối với môn Công nghệ, hiện do các giáo viên Vật lý và Sinh học đảm nhiệm, do trường không có giáo viên đúng chuyên ngành​.

328327cca41800465909.jpg
Học sinh khối 12 Trường trung học phổ thông Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: NTCC

Thầy Trần Đình Mạnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tương Dương 2 (Nghệ An) cho biết, thông tin về việc Tin học và Công nghệ là một trong số các môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp vẫn còn khá mới mẻ đối với học sinh tại trường.

“Trước đây, các môn này chưa được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp, và ngay cả trong các kỳ thi học sinh giỏi, chỉ có môn Tin học được tổ chức chứ chưa có môn Công nghệ. Vì vậy, số lượng học sinh đăng ký thi vẫn còn rất ít, và thậm chí các giáo viên cũng chưa có kinh nghiệm cụ thể về việc ra đề thi. Điều này khiến học sinh và phụ huynh e ngại, chưa dám đăng ký học và thi nhiều. Nhà trường cũng rất khó trong việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh", thầy Mạnh cho hay.

Qua khảo sát, trường cũng ghi nhận một số học sinh đăng ký học các môn này, tuy nhiên con số khá khiêm tốn. Ví dụ, trong mỗi khối có 5 lớp, chỉ có một lớp đăng ký học Tin học hoặc Công nghệ.

Trường trung học phổ thông Tương Dương 2 là một trường miền núi, điều kiện cơ sở vật chất không thể so sánh với các trường ở miền xuôi. Tuy nhiên, nhà trường đã nỗ lực để đảm bảo học sinh có điều kiện học tập và thực hành cơ bản, đáp ứng theo Thông tư 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu ở bậc trung học phổ thông. Dù vậy, thầy Mạnh hy vọng nhà trường sẽ có thêm sự hỗ trợ về thiết bị máy móc, đặc biệt là nâng cao cấu hình và tốc độ mạng, để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Thầy Mạnh cũng nhận định rằng học sinh miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn để theo kịp các học sinh miền xuôi: "Ở miền xuôi, ngoài sự hỗ trợ từ nhà trường, phụ huynh còn đầu tư rất nhiều cho con em mình. Trong khi đó, ở miền núi, việc đưa con đến trường đã là một nỗ lực lớn từ phía phụ huynh, còn mọi việc khác đều phụ thuộc vào thầy cô. Các phụ huynh ở đây thường xuyên phải đi làm xa, nên không thể sát sao với con cái được”.

Về đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tương Dương 2 cho biết hiện tại, nhà trường đáp ứng đủ số lượng giáo viên theo quy định, đạt chuẩn và có một số thầy cô đang theo học cao học để nâng cao trình độ chuyên môn.

Tại Trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) có tổng số 1.300 học sinh, trong đó khối 12 có 431 học sinh. Trong số này, khoảng 480 học sinh toàn trường đang học môn Công nghệ, và 725 học sinh theo học môn Tin học. Riêng khối 12, có khoảng 160 học sinh học Công nghệ và 205 học sinh học Tin học.

Thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ thông tin, nhà trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập các môn Tin học và Công nghệ.

Cụ thể, trường đã đầu tư và nâng cấp ba phòng máy tính hiện đại với số lượng máy đủ đáp ứng cho việc học thực hành của học sinh. Các máy tính này không chỉ có cấu hình phù hợp với yêu cầu của môn học mà còn được kết nối internet ổn định, giúp học sinh dễ dàng truy cập tài liệu học tập, tham gia các lớp học trực tuyến và thực hiện các bài tập liên quan đến Tin học và Công nghệ.

Các phòng máy đều được trang bị phần mềm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập. Hệ thống này giúp học sinh tiếp cận với những kiến thức công nghệ mới nhất, phát triển kỹ năng thực hành và nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong học tập cũng như trong cuộc sống.

448625240_1002646845197231_5816695177894169775_n.jpg
Thầy Đặng Ngọc Tú (áo trắng, bên trái), Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh: NVCC

Về đội ngũ giáo viên, trường hiện có 4 giáo viên Tin học và hai giáo viên Công nghệ, tất cả đều đạt chuẩn và được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn. Những giáo viên này không chỉ đáp ứng yêu cầu giảng dạy mà còn tích cực tham gia vào việc tự học và nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin thông qua các khóa học trực tuyến, tài liệu chuyên ngành, và tham gia vào các cộng đồng giáo viên công nghệ. Điều này giúp họ không ngừng cập nhật kiến thức mới và chuẩn bị tinh thần cũng như phương pháp giảng dạy tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp.

“Nhà trường cũng luôn khuyến khích giáo viên tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao, hội thảo chuyên môn để liên tục cải thiện chất lượng giảng dạy. Đồng thời, các thầy cô sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong quá trình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp”, thầy Tú nói.

Hy vọng nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các thầy cô từ các trường đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy – học môn Tin học và Công nghệ.

Thầy Đặng Ngọc Tú đề xuất một số chính sách hỗ trợ cụ thể để đảm bảo sự công bằng trong học tập và thi cử môn Tin học và Công nghệ giữa các học sinh ở các vùng khác nhau.

Thứ nhất, cần có chương trình đặc biệt để trang bị phòng máy tính hiện đại tại các trường học ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn. Điều này sẽ giúp học sinh tại những khu vực này có điều kiện học tập và thực hành môn Tin học ngang bằng với học sinh ở các khu vực phát triển hơn. Việc đầu tư này nên bao gồm không chỉ máy tính mà còn các thiết bị phụ trợ như máy chiếu, phần mềm học tập và hệ thống kết nối internet tốc độ cao.

Thứ hai, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Tin học và Công nghệ tại các vùng khó khăn để nâng cao năng lực giảng dạy của họ. Các khóa đào tạo này nên tập trung vào việc cập nhật kiến thức công nghệ mới nhất và các phương pháp giảng dạy hiệu quả, đảm bảo rằng giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình học mới.

Thứ ba, cần có các chính sách khuyến khích giáo viên giỏi từ các khu vực phát triển tình nguyện giảng dạy tại các trường ở vùng sâu, vùng xa trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, nếu việc điều động giáo viên giỏi đến vùng khó khăn gặp khó khăn, có thể sử dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, kết nối giữa giáo viên có kinh nghiệm với các nơi thiếu giáo viên hoặc giáo viên chưa có kinh nghiệm. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn giúp các giáo viên ở vùng khó khăn được tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp giỏi.

Thứ tư, cung cấp tài liệu học tập, giáo trình và phần mềm học tập miễn phí hoặc giá rẻ cho các trường ở vùng khó khăn. Điều này giúp học sinh có đủ nguồn học liệu phục vụ cho việc học tập môn Tin học và Công nghệ, đảm bảo rằng không có học sinh nào bị thiệt thòi vì thiếu tài liệu học tập.

Thứ năm, nên triển khai các chính sách học bổng và trợ cấp cho học sinh ở các vùng khó khăn, giúp các em trang trải chi phí học tập và đảm bảo rằng mọi học sinh đều có cơ hội tham gia học tập môn Tin học và Công nghệ. Điều này không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn tạo động lực cho học sinh phấn đấu trong học tập.

Những chính sách này sẽ giúp giảm thiểu sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các khu vực, đảm bảo rằng mọi học sinh, dù ở bất kỳ đâu, đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng và công bằng, đặc biệt là trong lĩnh vực Tin học và Công nghệ.

Ngoài ra, để tăng cường năng lực cho giáo viên bộ môn Tin học và Công nghệ, cô Tình đề xuất rằng cần có đề án nâng cao năng lực cho giáo viên, nhất là mảng thực hành và dạy học STEM. Bởi trên thực tế, hiện nay đa số giáo viên nắm vững lý thuyết nhưng việc thực hành và hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học của 2 bộ môn này còn yếu, không có kinh nghiệm.

Thầy Trần Đình Mạnh kỳ vọng rằng, nếu được đầu tư đúng mức và có lộ trình rõ ràng, học sinh sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại và phát triển kỹ năng toàn diện, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Thầy Mạnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các trường đại học đưa ra quy chế thi sớm, để nhà trường có thể xây dựng một kế hoạch ôn tập phù hợp, giúp học sinh có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

"Nếu đã đưa môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường đại học cũng nên xác định tổ hợp xét tuyển sớm để phụ huynh và học sinh biết rằng để thi vào những ngành học cụ thể, các em cần phải học và ôn những môn nào", thầy Mạnh nêu quan điểm.

Nhìn về tương lai, các thầy cô hy vọng rằng với sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với sự nỗ lực của các trường, môn Tin học và Công nghệ sẽ được triển khai hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Châu Anh