Theo khung kế hoạch năm học 2024-2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6/2025.
Theo đó, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của năm tới sẽ chỉ còn 4 môn, trong đó có hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán cùng với hai môn thi lựa chọn.
Lần đầu tiên, môn Tin học và Công nghệ được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đây chính là động lực để các giáo viên, nhà trường có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn với những môn học này trong năm học mới sắp đến.
Đưa môn Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp mang lại nhiều cơ hội và thách thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hoàng Khánh Ngọc (Tổ trưởng tổ Tin học, Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, việc đưa môn Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm 2025 sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng cùng với đó là cũng nhiều thách thức, đòi hỏi tổ chuyên môn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều phía.
Trong đó, các thầy cô giáo dạy bộ môn này cần phải cập nhật lại nội dung giảng dạy, thiết kế các đề thi và kiểm tra, có các phương pháp dạy học phù hợp với học sinh.
Theo cô Nguyễn Hoàng Khánh Ngọc, trước tiên cần phải phân tích nội dung chương trình, cần xem xét nội dung của môn học cần phải đảm bảo được kiến thức, kỹ năng cần thiết để học sinh làm bài cho kỳ thi tốt nghiệp.
“Nội dung của môn học này cũng cần được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung để cho phù hợp với yêu cầu của kỳ thi” – cô Nguyễn Hoàng Khánh Ngọc cho biết.
Song song đó, giáo viên cũng cần định hướng cấu trúc đề thi, đảm bảo được việc đánh giá toàn diện các kỹ năng, kiến thức của học sinh về môn học, bao gồm cả lý thuyết, thực hành và giải quyết vấn đề.
Các giáo viên trong tổ chuyên môn cũng cần tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo, để nắm vững nội dung kỳ thi, các tiêu chí đánh giá, phương pháp dạy hiệu quả môn học.
“Tại những buổi tập huấn này, giáo viên sẽ được chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các phương pháp giảng dạy, đánh giá mới để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi quan trọng” – cô Nguyễn Hoàng Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Thách thức lớn nhất là giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ
Cũng đồng quan điểm như vậy, thầy Lê Quốc Thiện (Tổ trưởng tổ Tin học, Trường trung học phổ thông Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, việc đưa môn Tin học vào môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính là nắm bắt kịp với xu thế thời đại công nghệ 4.0.
Để chuẩn bị tốt cho sự thay đổi này, tổ bộ môn Tin học của Trường Tây Thạnh đã sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, như là: Xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể cho từng giai đoạn trong năm học, gồm cả việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.
Giáo viên của tổ Tin học cũng sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, cập nhật các kiến thức mới, đảm bảo tốt nội dung chương trình.
Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ tổ chức các bài kiểm tra định kỳ môn học, để đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh, từ đó thầy cô sẽ thực hiện việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Cùng lúc, giáo viên cần chuẩn bị các đề thi mẫu, câu hỏi trắc nghiệm, bài tập thực hành sát với đề thi tốt nghiệp.
Về những thách thức khi môn Tin học đưa vào kỳ thi tốt nghiệp, thầy Lê Quốc Thiện cho hay, lớn nhất đó chính là việc giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ với việc này, nên cần phải đầu tư nhiều hơn vào chuyên môn và tiếp cận với hình thức thi.
Một thách thức khác được thầy Lê Quốc Thiện chỉ ra, đó chính là trình độ của học sinh có nền tảng về kiến thức và kỹ năng Tin học còn nhiều khác nhau, nên dẫn đến sự chênh lệch lớn trong quá trình học tập và ôn luyện.
Đồng thời, nhiều học sinh còn thiếu kỹ năng tự học và tự nghiên cứu, điều này đặc biệt quan trọng trong những môn học có tính ứng dụng cao như môn Tin học.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhà trường có xây dựng tổ hợp có hai môn lựa chọn Tin học, Công nghệ hay không?
Thầy Lê Quốc Thiện cho hay, trường có xây dựng tổ hợp có hai môn lựa chọn này, cụ thể: Nhóm 1 (Lý, Hóa, Sinh và Tin học), Nhóm 2 (Lý, Địa, Giáo dục Kinh tế pháp luật, Công nghệ).
Học sinh của Trường Tây Thạnh hoàn toàn có thể tự do lựa chọn nhóm môn học phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nếu không chọn nhóm có môn Tin học, học sinh vẫn có thể chọn học các chứng chỉ Tin học quốc tế, tham gia vào các câu lạc bộ Tin học để có cơ hội tiếp cận, nâng cao kỹ năng bộ môn này.
Xây dựng đề kiểm tra đánh giá từ năm học 2023 – 2024
Tương tự như môn Tin học, môn Công nghệ cũng lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Nguyễn Quỳnh Thư – giáo viên môn Công nghệ của một trường trung học phổ thông tại Quận 1 nói rằng, tổ đã xây dựng kế hoạch dạy học bám sát với chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Công nghệ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong việc học và ôn tập môn học này, tổ bộ môn Công nghệ đã ước lượng tỷ lệ % nội dung trong đề thi tốt nghiệp, có thể là Công nghệ lớp 10 chiếm tỷ lệ 10%, Công nghệ lớp 11 chiếm từ 10 đến 20% còn lại là nội dung của môn Công nghệ lớp 12.
Giáo viên cũng tìm kiếm thêm các nguồn tài liệu tham khảo, các bài báo, tạp chí, nội dung ôn tập thi môn này để nghiên cứu, biên soạn, bổ sung vào các tài liệu học tập, kho học liệu, xây dựng các câu hỏi phù hợp với chương trình mới cho học sinh.
“Ngay từ năm học 2023 – 2024, tổ bộ môn Công nghệ đã xây dựng các đề kiểm tra đánh giá định kỳ, dựa trên cấu trúc dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh làm quen, tiếp cận với cấu trúc đề thi, đồng thời xây dựng đề kiểm tra đánh giá phải theo hướng đánh giá được năng lực học của học sinh” – cô Phạm Nguyễn Quỳnh Thư cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, cô Phạm Nguyễn Quỳnh Thư nói rằng, rào cản và lớn nhất khi đưa môn này vào thi tốt nghiệp, đó là việc nhận thức và ưu tiên của xã hội, quan niệm của phụ huynh lẫn học sinh vẫn còn xem nhẹ môn Công nghệ, không quan trọng bằng những môn học khác.
Song song đó, việc lần đầu tiên đưa môn học vào thi tốt nghiệp khiến cho các tài liệu học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên còn nhiều hạn hẹp. Giáo viên dạy môn này phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, tham khảo thêm nhiều tài liệu để có thể biên soạn được tài liệu học tập, cũng như áp dụng phương pháp dạy sao cho phù hợp với học sinh, để các em có thể tiếp nhận và trang bị đầy đủ lượng kiến thức cần thiết của bộ môn.