Cần sớm có quy hoạch mạng lưới CSGDĐH để Nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm

09/09/2024 06:13
Đào Hiền

GDVN - Đầu tư trọng tâm, trọng điểm là cách tối ưu khi ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, giúp các trường thêm điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp năm 2020, tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đạt 5-6 % GDP, trong đó ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ đạt 0,27% GDP (thực chi chỉ đạt 0,18% GDP) và chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục.

Đối chiếu với số liệu nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (2020) vào năm 2015 thì ngân sách nhà nước trung bình dành cho giáo dục tại 162 quốc gia là 4,72% GDP, cao hơn GDP dành cho giáo dục tại Việt Nam tận 4,22 %.

Tại một số quốc gia trên thế giới, ngân sách chi cho giáo dục đại học chiếm ít nhất 1% GDP, thậm chí phần trăm GDP chi cho giáo dục sau trung học phổ thông của Thái Lan (0,64%) và Indonesia (0,57%) gần gấp đôi con số 0,33% tại Việt Nam. [1]

1.png
Số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp

Theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như Luật Giáo dục 2019 yêu cầu "chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước".

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu thống kê tỷ lệ % chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo có thể thấy, mức chi cao nhất là 19,1% năm 2019. Các năm còn lại dao động từ 15,7% đến hơn 18%.

1.png
Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo (Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ thị do Thông tấn xã Việt Nam thiết kế)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết: Luật Giáo dục 2019 đã xác định vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó xác định rõ việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Thế nhưng, trên thực tế, tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nói chung chưa đạt với mục tiêu đã đề ra. Việc này dẫn đến những khó khăn không hề nhỏ đối với cơ sở giáo dục nói chung, với các trường đại học nói riêng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Mặt khác, theo thầy Sơn, trong điều kiện tự chủ đại học, nhiều trường phải loay hoay, tính toán và tìm cách cân đối việc thu - chi sao cho vừa có thể đảm bảo nguồn thu từ học phí thật hợp lý, vừa có thể đảm bảo cho các hoạt động khác của nhà trường.

Do đó, nguồn tài chính mà các cơ sở giáo dục đại học dành cho việc duy trì, nâng cấp cơ sở vật chất hay xây dựng, bổ sung trang thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu hiện nay còn khá khiêm tốn.

Không những vậy, khi nguồn ngân sách hạn hẹp thì việc phát triển đội ngũ giảng dạy và đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học sẽ có nhiều hạn chế, trường đại học “khó” thực hiện được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Ghi nhận từ thực tế trong công tác đào tạo, huấn luyện của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khi rất cần đến những thiết bị, hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện. Đặc biệt hơn khi yêu cầu đầu ra của các chương trình đào tạo ngành hàng hải phải đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Do đó, nhà trường đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho giáo dục nói chung trong việc thúc đẩy, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo.

hàng hải 3.jpeg
Công tác đào tạo tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam yêu cầu nhiều thiết bị nghiên cứu, thực hành hiện đại. Ảnh: NTCC

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội, tiến tới tương lai cạnh tranh với nhiều cường quốc trên thế giới thì sự đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng phải càng được chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa.

Thầy Sơn cho hay, nếu nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học được cải thiện thì các cơ sở đào tạo sẽ có thêm nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo qua việc cập nhật trang thiết bị hiện đại, xây dựng hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện…

Khi các đơn vị đào tạo có bệ phóng, hậu thuẫn vững chãi thì công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước sẽ ngày càng thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngân sách đầu tư thấp thì cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi tổng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế thì không nên đầu tư dàn trải, như vậy vừa lãng phí vừa kém hiệu quả.

Việc làm cấp thiết nhất hiện nay là Nhà nước phải xác định được những cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đào tạo và giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng lĩnh vực để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Đây là sự đầu tư “đúng - trúng - chắc”, vì khi xác định được đúng các cơ sở đào tạo trọng điểm, Nhà nước sẽ dễ dàng đầu tư trúng trọng tâm. Khi đó chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả như mong đợi.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sự phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nêu rõ quy mô, cơ cấu trình độ và hình thức đào tạo cũng như định hướng hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, tới năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.

Vậy nên, thầy Tuấn hy vọng rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia để quá trình đầu tư cho giáo dục có hiệu quả hơn, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia, đào tạo nhân lực uy tín, chất lượng, tránh lãng phí ngân sách của đất nước.

Theo đó, việc có một danh sách cụ thể về các đơn vị đào tạo trọng điểm sẽ là bước đầu tiên để xác định, định hình hệ thống giáo dục đại học cho đất nước.

Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ dễ dàng xây dựng kế hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở từng cơ sở giáo dục đại học sao cho hiệu quả.

thầy Tuấn.png
Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Minh

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, thầy Tuấn cho rằng việc được chú trọng đầu tư trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp các trường có thêm nhiều điều kiện và cơ hội để đổi mới, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo.

Khi đó, các trường có điều kiện và cơ hội xây dựng những chương trình đào tạo chất lượng cao, xây dựng đội ngũ nghiên cứu chất lượng phục vụ cho những dự án nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế, giảng viên có học hàm, học vị cao không có nghĩa là chất lượng giảng dạy sẽ tốt. Bởi, muốn dạy tốt thì đòi hỏi phải có năng lực liên quan đến kỹ năng truyền đạt.

Trong khi đó từ trước đến nay, trên thế giới có rất nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến việc phát triển kỹ năng nhà giáo trong công tác giảng dạy thế nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ hội tham dự để cập nhật các phương pháp giảng dạy mới trên toàn cầu.

Do đó, khi Nhà nước xác định, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia và có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm thì các đơn vị đào tạo sẽ có thêm điều kiện để đầu tư cho đội ngũ giảng viên.

Khi nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng dạy thì sẽ nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, đất nước có đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Mặt khác, khi được đầu tư “đúng - trúng”, các trường có điều kiện đầu tư, trang bị thiết bị, mô hình, máy móc công nghệ phục vụ cho quá trình giảng dạy. Sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với máy móc tiên tiến, được hướng dẫn với phương pháp đào tạo chuyên nghiệp. Qua đó rèn luyện được nhiều kỹ năng và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

“Có thể thấy hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học có ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hết nội lực và chưa đạt được nhiều thành tựu như kỳ vọng.

Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học song chế độ dành cho người nghiên cứu lại chưa thật sự nổi bật.

Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục hiện nay chỉ là một phần trách nhiệm trong quá trình đào tạo của giảng viên, phần lớn các nhà giáo sống dựa vào công việc giảng dạy trên lớp.

Do đó, bên cạnh việc quan tâm, đầu tư đến hệ thống máy móc, cơ sở vật chất giảng dạy và nghiên cứu, Nhà nước cần chú ý hơn đến các chế độ đãi ngộ phù hợp cho các nhà nghiên cứu, để họ được khuyến khích về tinh thần và đảm bảo cuộc sống nhờ công việc nghiên cứu.

Có vậy mới phát huy được điểm mạnh của nghiên cứu khoa học, đất nước mới có hy vọng nâng tầm vị thế trong tương lai”, thầy Tuấn chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng ngân sách nhà nước nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các trường, các ngành mang tầm khu vực, quốc tế.

Đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học đã được xác định giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Theo đó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến 2050 để Nhà nước sẽ có cơ sở để tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các cơ sở giáo dục đại học.

Từ đó góp phần thực hiện thành công các chiến lược quốc gia đã được Đảng và Nhà nước phê duyệt.

Từ tình hình thực tế của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện nay, thầy Sơn cho biết nếu trường nằm trong Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia thì sẽ có rất nhiều điều kiện, cơ hội để nhà trường bứt phá trong tương lai.

hàng hải 1.jpeg
Tàu huấn luyện VMU Việt - Hàn được Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sử dụng trong công tác đào tạo. Ảnh: NVCC

Đầu tiên là thuận lợi trong việc tăng cường thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp, hiện đại hóa các phòng học, các phòng thực hành chuyên sâu, các phòng thí nghiệm trọng điểm.

Thứ hai là thu hút đội ngũ chuyên gia giảng dạy, đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp nhằm từng bước phát triển quy mô đào tạo hợp lý, gắn liền với củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp ngày một có hiệu quả hơn vào công cuộc thực hiện thành công chiến lược kinh tế biển của đất nước cũng như giữ vững chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh - quốc phòng của Tổ quốc.

Bên cạnh việc được tập trung đầu tư phát triển, Nhà trường sẽ có những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, liên ngành, liên lĩnh vực, làm chủ công nghệ, định hình công nghệ, tiến tới bắt kịp trình độ khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, trọng điểm của trường như: Khoa học Hàng hải; Thiết kế, đóng mới, sửa chữa tàu thủy, công trình nổi và tàu quân sự; Công trình biển và thềm lục địa; Kinh tế biển; Logistics, Quản lý, bảo vệ môi trường biển;….

“Để làm được điều đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc nói chung rất cần đến sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước với những chủ trương, chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục đại học.

Đây là vấn đề cần được đặc biệt coi trọng, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà cũng như là chìa khoá để tạo ra những bứt phá trong các lĩnh vực là thế mạnh của đất nước.

Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược quốc gia, đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh đất nước”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ngan-sach-nha-nuoc-chi-cho-giao-duc-dai-hoc-moi-nam-dat-0-18-gdp-khong-co-da-cho-khoa-hoc-but-pha-i352342/

Đào Hiền