Cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên trường và ngành tầm khu vực, quốc tế

22/07/2024 11:06
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Cần lộ trình tăng đầu tư cho GDĐH tương xứng với các nước phát triển trên thế giới; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên CSGDĐH mang tầm khu vực, quốc tế.

Sáng ngày 22/7, tiếp tục diễn ra hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” - do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Trường Đại học Phú Yên, và Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore tổ chức.

Ban chủ tọa gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông; Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên; Tiến sĩ Teh Lip Li - thành viên ban lãnh đạo ADS.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có một số chia sẻ.

GDVN_Naihoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Mộc Trà.

Một số vấn đề, khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với giáo dục đại học Việt Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: “Từ góc độ cơ quan hoạch định chính sách, luật pháp, cá nhân tôi nhận thức đây là cơ hội được nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về chủ đề hết sức ý nghĩa này.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tôi tham gia một số ý kiến”.

Theo đó, qua hoạt động giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao kết quả của hệ thống cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần “vì một châu Á phát triển và thịnh vượng”.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 242 cơ sở giáo dục đại học (tăng khoảng 12,1% trong 10 năm), gồm 176 cơ sở công lập (72,7%) và 66 cơ sở tư thục (27,3%), trong đó 5 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu ngành đào tạo dịch chuyển tích cực, thích ứng nhanh nhu cầu của thị trường lao động trong nước và khu vực; số sinh viên các ngành kỹ thuật và công nghệ tăng đáng kể; nhiều ngành mới được mở đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chất lượng giáo dục đại học được nâng lên, từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Đến tháng 7/2023, tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học được kiểm định là 79,4%; tỉ lệ chương trình đào tạo được kiểm định là 13% (trong đó có 6% được kiểm định quốc tế).

Một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Số lượng công trình công bố trong nước và quốc tế, số sáng chế, tài sản trí tuệ của đội ngũ giảng viên đại học tăng dần qua các năm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề giáo dục đại học Việt Nam đang phải đối mặt, coi đó là khó khăn, thách thức phải kể đến như:

Số lượng và quy mô các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam so với yêu cầu chung còn hạn chế, phát triển không đồng đều. Quy mô đào tạo và tỉ lệ sinh viên đại học/vạn dân thấp hơn một số nước có điều kiện tương đồng trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô đào tạo sau đại học ở Việt Nam còn thấp và không tăng trong nhiều năm; đặc biệt là đào tạo sau đại học khối ngành STEM có xu hướng giảm mạnh, đây là một chiều hướng không mấy tích cực khi bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Một số ngành quan trọng đối với phát triển bền vững của đất nước, như khoa học tự nhiên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… gặp khó khăn trong tuyển sinh. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam còn hạn chế so với các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực và thế giới.

Tỉ lệ sinh viên/giảng viên và tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đều rất thấp so với chuẩn mực chung của thế giới: Tỉ lệ sinh viên “thô” (bao gồm cả sau đại học) trên giảng viên của nước ta là 25,6; trong khi ở Singapore là 13 và Malaysia là 14.

Về trình độ giảng viên, tính đến năm học 2021-2022, tổng số giảng viên cơ hữu của tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước gần 78.200 người, tăng hơn 16 nghìn người so với năm học 2012-2013; số giảng viên có trình độ tiến sĩ hiện chiếm 13,86%; tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng tăng đều trong 10 năm qua, từ 0,4% lên 0,9% (đối với giáo sư) và từ 2,8% lên 6,5% (đối với phó giáo sư); tuy nhiên, còn rất khiêm tốn so với các nước.

Kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học thấp, có xu hướng bị cắt giảm.

“Đây là một trong những vấn đề mà thời gian qua, khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức hội thảo về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, đã xác định rào cản lớn nhất của chúng ta là nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học chưa xứng tầm.

Với tỉ lệ trong 3 năm 2018-2020, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học chỉ đạt từ 4,33 - 4,74% tổng chi cho lĩnh vực giáo dục, xấp xỉ 1% (0,9-0,96%) tổng số chi ngân sách nhà nước; chiếm 0,25% - 0,27% GDP (tương ứng với mức đầu tư khoảng trên 300 USD/sinh viên/năm); đây là mức chi hạn chế so với các nước trong khu vực và thế giới.

Đây là một trong những vấn đề đặt ra tại hội thảo đó, đã hướng đến một mục tiêu trong thời gian tới là làm sao nâng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học tăng theo hướng bằng các nước trong khu vực.

Nếu không thực sự đầu tư cho giáo dục đại học (về cơ sở vật chất, đội ngũ, về các điều kiện đảm bảo cho cơ sở giáo dục đại học), chúng ta không bao giờ đạt được sự đột phá, không bao giờ thực hiện được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Trong khi đó, chính sách xã hội hoá giáo dục chưa đạt hiệu quả, chưa thực sự khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục đại học; chính sách về gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu và chính sách hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học chưa được quan tâm đúng mức.

GDVN_tc.jpg
Toàn cảnh hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” vào sáng ngày 22/7. Ảnh: Mộc Trà.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các trường, ngành mang tầm khu vực, quốc tế

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trên, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa có một số kiến nghị, đề xuất.

“Chúng ta đang chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khoá XV về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á với tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân vào năm 2030” - nữ đại biểu cho biết.

Cụ thể, theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, với tinh thần “giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á”, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng; rà soát những bất cập, chồng chéo giữa Luật Giáo dục đại học và các luật, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan để đề xuất sửa đổi vào thời điểm thích hợp.

Thứ hai, rà soát, quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ phát triển đội ngũ giảng viên đại học, nhất là giảng viên có trình độ cao. Tập trung xây dựng Luật Nhà giáo nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại trong thực hiện các chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh cho nhà giáo nói chung và giảng viên đại học nói riêng.

Trong đó, quan tâm đến cơ chế đãi ngộ hợp lý để thu hút những người giỏi nhất tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đồng thời thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trên thế giới tới làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Quan tâm xây dựng chính sách nâng cao năng lực quản trị đại học, nhất là của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

Thứ tư, có lộ trình tăng đầu tư cho giáo dục đại học tương xứng với các nước phát triển trên thế giới; trước mắt phấn đấu mức 0,64% GDP (như Thái Lan), tiến tới mức 1% vào năm 2030 (ở mức hiện nay của Singapore và nhiều nước phát triển khác). Tuy nhiên, không phải đầu tư dàn trải, mà cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế.

Thứ năm, hoàn thiện chính sách về đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học. Đổi mới chính sách về hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài tận dụng cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương, song phương để đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đánh giá những mô hình hợp tác quốc tế đã có để định hướng phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, có chính sách cởi mở và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học để tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi giảng viên, góp phần đẩy nhanh tiến độ hội nhập, phát triển.

Mộc Trà