Làm sao để phân biệt được giáo viên dạy thêm đàng hoàng hay ép buộc?

27/08/2024 06:45
NGUYỄN THẾ TRUNG

GDVN - Cơ quan chức năng còn chưa giám sát nổi tình trạng dạy thêm “không đàng hoàng”, sao có thể trông chờ “học sinh và phụ huynh” giám sát đây?

Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý và sự việc này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày vừa qua.

Trao đổi với báo chí về dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thầy Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: “Khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học”. [1]

Việc “cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng” là đúng nhưng làm sao cơ quan chức năng có thể phát hiện và phân biệt các hiện tượng này bởi việc dạy thêm ở ngoài nhà trường rất khó kiểm tra, giám sát? Trong khi, học sinh học thêm chủ yếu là học sinh chính khóa- dù có thấy “hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng” liệu các em có dám lên tiếng không?

18-1789.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Rất khó phân biệt dạy thêm đàng hoàng và “không đàng hoàng”

Người viết là giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở một trường phổ thông và cũng có con đang học phổ thông chia sẻ câu chuyện từ thực tế bản thân đã từng chứng kiến nhiều chuyện, nhiều góc khuất, bi hài của việc dạy thêm, học thêm hiện nay.

Hiện nay, mỗi năm học, đơn vị nơi tôi đang công tác đều triển khai kiểm tra chuyên đề về dạy thêm, học thêm của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Công việc này, nhà trường thường giao cho tổ trưởng chuyên môn kiểm tra.

Những năm học vừa qua, việc dạy thêm, học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT là cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa nhưng phần lớn giáo viên đang dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình.

Mặc dù tôi thường xuyên đi qua địa điểm giáo viên trong tổ chuyên môn đang dạy thêm, bắt gặp nhiều học sinh chính khóa của giáo viên đó đến học hoặc ra về nhưng việc kiểm tra luôn đi vào ngõ cụt. Và thực tế, với chức năng, nhiệm vụ của một tổ trưởng chuyên môn nên chúng tôi kiểm tra cũng chỉ mang tính hình thức trên giấy tờ.

Bởi lẽ, việc đầu tiên của việc kiểm tra chuyên đề là giáo viên dạy thêm báo cáo hiện nay có dạy thêm không? Nhưng, dù họ đang dạy thêm rõ mười mươi nhưng trong báo cáo vẫn nói không dạy thêm. Tất nhiên, người kiểm tra chuyên đề không thể đến tận trung tâm để đối chứng vì đó không phải chức năng của tổ trưởng chuyên môn. Vì thế, trong biên bản kiểm tra chuyên đề bắt buộc phải ghi theo báo cáo của giáo viên.

Khi làm phiếu khảo sát phát cho học sinh, trong đó có thông tin hỏi học sinh hiện nay có học thêm môn nào không? Học với giáo viên nào? Nhưng, 100% học sinh ở những lớp được khảo sát đều trả lời không tham gia học thêm.

Vì thế, biên bản kiểm tra chuyên đề bắt buộc phải ghi là không có hiện tượng dạy thêm, học thêm môn mình đang kiểm tra chuyên đề.

Bên cạnh đó, năm nào khi chấm kiểm tra định kỳ (chấm chéo) xong thì vẫn luôn có giáo viên dạy thêm cầm một số bài thắc mắc về điểm số thấp. Đầu tiên là thắc mắc với người chấm sao bài văn này viết được mà cho có chừng ấy điểm.

Nếu giáo viên chấm không sửa điểm để nâng lên thì giáo viên dạy thêm cầm lên ý kiến với tổ trưởng. Nhiều khi còn dọa nói nếu giáo viên không sửa điểm là phụ huynh sẽ làm đơn thưa lên cấp trên. Mỗi lần như vậy, bản thân chúng tôi lại phải đứng ra dàn xếp cho mọi việc lắng xuống.

Hiện tượng này, gần như năm nào cũng có và trong tổ xảy ra hiện tượng xích mích giữa những giáo viên dạy thêm và giáo viên không dạy thêm. Những giáo viên không dạy thêm thì họ cứ căn cứ vào giấy trắng, mực đen để chấm điểm.

Nhưng, những giáo viên dạy thêm nếu thấy học trò điểm thấp thì cố gắng tìm những câu, từ trùng với đáp án để viện dẫn, chứng minh để giáo viên chấm bài sửa điểm cho học sinh đang học thêm với mình.

Bản thân người viết không chỉ chứng kiến chuyện ở trường mà về nhà cũng chứng kiến nhiều chuyện buồn phiền từ việc học của con ở trường. Có những giáo viên cũng hành lên, hành xuống con mình khi học trên lớp.

Điểm kiểm tra thường xuyên của học sinh Trung học phổ thông hiện nay theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì những môn có 35 tiết/năm học sẽ có 02 cột điểm thường xuyên; môn trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học sẽ có 03 cột điểm thường xuyên.

Trong khi, cũng trong Thông tư này hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đâu nhất thiết cứ phải gọi lên bảng trả bài theo kiểu vấn đáp?

Thế nhưng, giai đoạn đầu năm học, giáo viên liên tục trả bài cũ theo kiểu bất chợt. Nếu không trả bài được thì dọa hoặc ghi vào sổ đầu bài. Vì thế, có những thời điểm con tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng.

Mấu chốt của vấn đề là có lẽ là con tôi không đi học thêm môn học đó. Nhưng, làm sao học sinh phổ thông có thể học thêm nhiều môn được vì đây là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải lựa chọn những môn nào phù hợp với nhóm môn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sau này để đầu tư nhiều hơn chứ đâu thể đi học thêm một cách tràn lan được.

Học thêm không chỉ là chuyện tiền nong mà còn phải căn cứ vào nhu cầu, sức khỏe của học trò nữa. Bởi, mỗi môn học thêm bây giờ từ 2- 3 ca/ tuần (mỗi ca 90 phút) nên chỉ cần học thêm 3-4 môn là lịch đã kín tuần vì ngoài lịch học chính khóa, học sinh còn học trái buổi môn thể dục, sinh hoạt ngoại khóa ở trường…

Chính vì vậy, chuyện dạy thêm, học thêm ở trường phổ thông hiện nay vẫn là câu chuyện khó nói của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh vì nó có nhiều góc khuất, nhiều vấn đề tế nhị mà chỉ những người trong cuộc mới biết. Nhưng, có lên tiếng hay không lại là một chuyện khác bởi có nhiều ràng buộc trong mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ thầy trò.

Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm còn những băn khoăn

Trở lại với dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ vừa công bố, có lẽ nhiều phụ huynh đang có con theo học ở các trường phổ thông lo lắng, băn khoăn.

Bởi lẽ, dự thảo Thông tư mới không còn cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa thì những giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường gần như không còn phải e dè hay gặp phải vướng mắc nào. Họ có thể đăng ký dạy thêm đàng hoàng, báo cáo đầy đủ và cam kết đúng quy định theo hướng dẫn.

Thật ra, lâu nay những giáo viên dạy thêm cũng chẳng bao giờ ép học sinh đi học thêm nhưng vẫn luôn có nhiều học sinh chính khóa đi học thêm với mình.

Tâm lí chung của phần lớn học sinh là sợ giáo viên gây áp lực trên lớp bằng cách trả bài thường xuyên, hỏi bất chợt rồi ghi sổ đầu bài. Bên cạnh đó là đánh vào điểm số; cách gọi học sinh lên bảng làm bài tập; cách khen, chê với những học sinh học thêm và không học thêm…

Nhiều phụ huynh và học sinh quan niệm: đằng nào cũng đi học thêm một số môn quan trọng thì đi học với thầy cô đang dạy chính khóa vẫn có nhiều “cái lợi” hơn. Cái lợi không chỉ là điểm số mà áp lực học trên lớp cũng nhẹ nhàng hơn.

Dự thảo Thông tư còn yêu cầu: “Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”. Nhưng, ai, cơ quan nào kiểm tra việc dạy thêm ngoài nhà trường?

Thực tế, phần giáo viên dạy thêm cho học trò ngoài nhà trường hiện nay đang dạy trước chương trình. Việc hệ thống, mở rộng kiến thức rất ít chỉ dành cho học sinh cuối cấp ở giai đoạn gần thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp mà thôi.

Chia sẻ về dự thảo Thông tư, thầy Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: “Vấn đề dạy thêm hiện nay khiến dư luận rất bức xúc là giáo viên dạy học sinh ở trường rồi lại bằng cách này, cách kia "ép" học sinh học thêm do chính mình dạy ở bên ngoài. Những trường hợp này học sinh và phụ huynh phải "tự nguyện một cách bắt buộc", nên là vấn đề mà ngành giáo dục và đào tạo phải tìm cách quản lý và "điều trị".

Nhưng, rõ ràng cách quản lý và “điều trị” của Bộ theo như dự thảo chưa “đủ đô” khi yêu cầu việc dạy thêm ngoài nhà trường chỉ cần: “Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm” [2] như trong dự thảo.

Thầy Nguyễn Xuân Thành còn lưu ý: “Giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành ngành giáo dục và đào tạo, hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành”. [1]

Nói thật, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT có nhiều quy định “cấm” mà giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường đã khó quản lý, bây giờ đã bỏ các quy định cấm thì việc dạy thêm, học thêm lại càng khó khăn hơn. Cơ quan chức năng còn chưa giám sát nổi tình trạng dạy thêm “không đàng hoàng”, sao có thể trông chờ “học sinh và phụ huynh” giám sát đây?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-sua-quy-dinh-day-them-de-dieu-tri-tinh-trang-ep-hoc-sinh-hoc-them-185240824002836097.htm

[2] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1663

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG