Phó hiệu trưởng cũng được tham gia dạy thêm gây băn khoăn

24/08/2024 07:39
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý của cá nhân, tổ chức đến ngày 22/10/2024.

Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều góp ý về dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm sau đây.

h1-1-2268.jpg
Ảnh minh họa.

Thứ nhất, dự thảo quy định "tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm" là hoàn toàn đúng đắn.

Nội dung này phù hợp với Luật Giáo dục 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, đó là "Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền" (khoản 5 Điều 22).

Cùng với đó, dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định "nghiêm cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật".

Ngoài ra, giáo viên dùng chiêu trò để "ép" học sinh đi học thêm là hành vi xấu xí khiến học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm về môi trường học đường, kể cả ngành giáo dục.

Vì vậy, Điều 14 dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm nêu rõ cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Người viết nhận thấy, quy định về xử lý vi phạm dạy thêm, học thêm của dự thảo rất gọn gàng, đó là xử lí theo quy định của pháp luật.

Còn Điều 22 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định "Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định" là có phần rườm rà hơn.

Thứ hai, người viết rất đồng tình với khoản 5 Điều 3 của dự thảo: "Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày".

Người viết đã và đang dạy cả hai hệ công lập và tư thục thấy rằng, vẫn còn tình trạng rất nhiều học sinh học 2 buổi/ngày nhưng vẫn tham gia học thêm sau giờ tan học vào các buổi chiều trong tuần hoặc ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Theo quy định của địa phương nơi người viết đang công tác, học sinh trường phổ thông không được học quá 8 tiết/ngày.

Tuy vậy, sau 17 giờ, nhiều học sinh trường công lập vẫn tham gia học thêm ở nhà giáo viên hoặc các trung tâm do giáo viên đã dạy trên lớp trực tiếp giảng dạy.

Còn học sinh trường tư thục thì đa số các em đều học thêm ngay tại trường sau giờ tan học vào các buổi chiều. Học sinh thường học từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 00, thậm chí các em lớp 12 phải học đến 21 giờ 00 mới được nghỉ.

Như vậy, kể cả giờ học chính khoá và học thêm tại trường, học sinh lớp 12 có thể học liên tục lên đến 12 tiết, từ 7 giờ đến 21 giờ mỗi ngày mới được về nhà.

Thứ ba, Điều 4 dự thảo Thông tư quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy trình rất chặt chẽ.

Trước tiên, tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với hiệu trưởng, trong đó phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.

Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.

Sau đó, hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.

Tuy vậy, quy trình này khiến tổ trưởng chuyên môn phải làm thêm nhiều việc, trong khi không phải tổ trưởng nào cũng tham gia dạy thêm.

Nên chăng, việc dạy thêm, học thêm cần được thống nhất giữa 3 bên: hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm có học sinh tham gia học thêm và Ban đại diện cha mẹ học sinh là đủ.

Bởi lẽ, hơn ai hết giáo viên chủ nhiệm là người nắm rất rõ lực học của từng học sinh chứ không phải tổ chuyên môn mà đứng đầu là trưởng chuyên môn.

Thứ tư, điều khiến người viết rất băn khoăn đó là dự thảo Thông tư quy định phó hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu vẫn được tham gia dạy thêm nhưng phải thực hiện các yêu cầu theo quy định.

Chẳng hạn, hiệu phó báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 dự thảo Thông tư này.

Và hiệu phó có học sinh của lớp mà họ đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Theo người viết, hiệu phó tham gia dạy thêm thì việc kiểm tra đánh giá học sinh ở các nhà trường phổ thông rất khó có thể được thực hiện công bằng, khách quan, cho dù họ có cam kết.

Hiện tại, hiệu phó chuyên môn thừa lệnh hiệu trưởng quản lí tất cả các đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) do tổ trưởng các tổ chuyên môn nộp lên. Mỗi khi hiệu phó nắm nội dung kiểm tra và họ cũng tham gia dạy thêm thì sẽ như thế nào?

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng cho phép hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).

Hiện nay không có quy định cấm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm nếu họ thực hiện đúng theo các điều khoản của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (quy định về dạy thêm, học thêm).

Tuy vậy, việc người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí mà cũng tham gia dạy thêm liệu đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội sẽ nghĩ họ ra sao, đây là điều rất đáng được bàn thêm.

Thứ năm, việc thu và quản lý tiền học thêm cũng khiến nhiều giáo viên tham gia dạy thêm ở các nhà trường phổ thông rất "tâm tư".

Theo dự thảo Thông tư, mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

Cùng với đó, mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Cá nhân người viết đề xuất, việc chi tiền dạy thêm cho giáo viên tham gia giảng dạy ở trong trường cần được quy định chi tiết rõ ràng hơn.

Ở địa phương người viết đang dạy học, nhiều trường phổ thông thu tiền dạy buổi 2 (buổi chiều) 300.000 đồng/tháng/học sinh.

Tuy vậy, mỗi trường trả thù lao cho giáo viên một kiểu khiến thầy cô so bì lẫn nhau, thậm chí gây mâu thuẫn nội bộ cũng chỉ vì tiền dạy thêm, học thêm.

Có trường trả cho giáo viên chỉ 130.000 đồng/tiết nhưng không ít trường lại trả mức 200.000 đồng/tiết. Có trường quy định chi 70% cho giáo viên và 30% cho quản lí, cơ sở vật chất; tương tự có trường chi mức 6/4 hay chỉ ở mức 5/5.

Nhiều giáo viên đặt câu hỏi, vậy bộ phận quản lí (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) được hưởng bao nhiêu phần tiền quản lí dạy thêm, học thêm mỗi tháng? Và bao nhiêu phụ huynh biết được điều này?

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-co-gi-moi-post245052.gd

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương