Giáo viên góp ý dự thảo Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông

03/09/2024 06:44
Cao Nguyên

GDVN - Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm mới so với kì thi hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Thời gian lấy ý kiến đến ngày 29/10/2024.

Người viết là giáo viên trung học phổ thông, từng làm các nhiệm vụ của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông Chương trình 2006, xin có đôi điều chia sẻ và góp ý về dự thảo Thông tư này như sau.

gdvn-thisinh-13-8725-9892-8686.jpg
Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 02 loại đề thi: Đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Đáng chú ý, thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông được chọn dự thi theo đề thi của một trong hai chương trình. (Điều 2).

Người viết nhận thấy, việc đồng thời tổ chức thi cho cả 2 chương trình giáo dục phổ thông tại cùng một thời điểm là rất thách thức.

Tuy nhiên, với phương châm tất cả vì học sinh, toàn ngành giáo dục sẽ cố gắng nỗ lực để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cho các thí sinh. Đây cũng là một sự cố gắng rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, tổ chức thi 03 buổi thi: 01 buổi thi môn Ngữ văn, 01 buổi thi môn Toán và 01 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 02 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn). (Điều 3)

Như vậy, kì thi rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi thi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi là rất thuận lợi cho thí sinh, giám thị và khâu tổ chức thi.

Tuy vậy, người viết vẫn mong, buổi thứ nhất trưởng điểm thi vừa tổ chức họp giám thị sinh hoạt quy chế thi vừa làm thủ tục dự thi cho thí sinh.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm làm theo hình thức này rất gọn, giúp tiết kiệm thời gian (giám thị và thí sinh chỉ đi một buổi thay vì hai buổi), công sức, tiền bạc cho thí sinh và giám thị.

Thứ ba, khoản 2 Điều 4 quy định nội dung thi: Bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo người viết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất rộng, bao gồm bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Vì vậy, người viết đề xuất chỉnh sửa như sau: Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Thứ tư, người viết rất tâm đắc với quy định tại khoản 3 Điều 6: "Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, những người tham gia ra đề thi và chấm thi tự luận phải có năng lực chuyên môn tốt."

Ví dụ, theo người viết, đối với môn Ngữ văn, giám khảo chấm thi phải là giáo viên đang giảng dạy lớp 12 hoặc giáo viên lớp 10, 11 vững chuyên môn, nghiệp vụ.

Bởi vì, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, ngữ liệu đề thi môn Ngữ văn ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa.

Giả sử, giám khảo 1 chấm chính xác nhưng giám khảo 2 chấm chưa chuẩn thì điểm thi sẽ lệch lớn, gây thiệt thòi cho thí sinh.

Thứ năm, khoản 2 Điều 14 quy định về Điểm thi cũng có nội dung đáng chú ý. Theo đó, Trưởng Điểm thi là lãnh đạo trường phổ thông hoặc trường trung học cơ sở.

Phó trưởng điểm thi là: lãnh đạo và/hoặc Tổ trưởng chuyên môn của trường phổ thông/trường trung học cơ sở. Trong đó có 01 Phó trưởng Điểm thi phụ trách cơ sở vật chất là người của cơ sở giáo dục nơi đặt Điểm thi; các Phó Trưởng Điểm thi khác đến từ cơ sở giáo dục khác.

Người viết góp ý các nội dung này như sau: Trưởng/Phó trưởng Điểm thi là lãnh đạo trường trung học phổ thông hoặc trường trung học cơ sở. Thêm cụm từ "trung học" để quy định này được rõ ràng hơn.

Cùng với đó, Phó trưởng điểm thi không nên điều động Tổ trưởng chuyên môn của trường trung học cơ sở. Bởi vì giáo viên làm Tổ trưởng chuyên chuyên môn ở trường trung học cơ sở không có nhiều kinh nghiệm trong việc lãnh đạo điểm thi như Tổ trưởng chuyên chuyên môn ở trường trung học phổ thông.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 14 quy định giám sát phòng thi như sau: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Giám thị, các thành viên khác tại khu vực được phân công; mỗi Giám sát phòng thi thực hiện giám sát không quá 02 phòng thi liền nhau trong cùng một tầng và cùng một toà nhà.

Người viết nhận thấy, quy định mỗi Giám sát phòng thi thực hiện giám sát không quá 02 phòng thi liền nhau trong cùng một tầng và cùng một toà nhà là rất hợp lí.

Điều này giúp giám sát hỗ trợ giám thị 1 và giám thị 2 trong phòng thi thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn hoặc kịp thời phát hiện những sai sót để có hướng xử lí theo quy định.

Thứ sáu, Điều 45 quy định điểm xét tốt nghiệp trường trung học phổ thông như sau:

z5785677398940_0b9761c33ae0e73596d40fae4c01cced.jpg

Người viết cho rằng, điểm xét tốt nghiệp bao gồm điểm trung bình lớp 10 (hệ số 1) + điểm trung bình lớp 11 (hệ số 2) + điểm trung bình lớp 12 (hệ số 3) là quy định rất đúng đắn.

Bởi vì, việc học sinh được xét công nhận tốt nghiệp là cả một quá trình học (3 năm trung học phổ thông) chứ không phải chỉ qua một bài thi của một kì thi.

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1668

Cao Nguyên