Đề xuất ĐH chỉ được công bố kết quả trúng tuyển sớm khi HS đã thi tốt nghiệp

30/08/2024 06:13
Huyền Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không ít thí sinh từ khi học lớp 11 đã cấp tốc ôn thi để tiến hành xét tuyển sớm vào đại học. Nhiều thí sinh sau khi đỗ xét tuyển sớm không còn mặn mà học tập.

Theo báo cáo tại hội nghị giáo dục đại học 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 1.071.395 thí sinh. Tuy nhiên, năm nay vẫn có những cơ sở giáo dục đại học còn nhiều phương thức xét tuyển phức tạp. Một số nơi chưa đảm bảo tính công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh. Tuy có hệ thống lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng nhiều trường xét tuyển sớm vẫn không dự báo được số lượng thí sinh ảo. [1]

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định rằng: "Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực tới giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại".

Áp lực tâm lý đối với học sinh

Với mong muốn đảm bảo suất vào đại học, nhiều học sinh tập trung vào các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ từ rất sớm. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh phải “chạy đua” với thời gian, tham gia vào các khóa học luyện thi và dành phần lớn thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ xét tuyển thay vì tập trung vào việc học tập.

thpt-tan-trao-tuyen-quang-to-chuc-on-tap-cho-hoc-sinh-12.jpg
Ảnh minh hoạ: Mạnh Đoàn

Mặc dù năm nay mới lên lớp 11 nhưng Nguyễn Vương Linh, học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết ngoài sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì em đang tham khảo phương thức xét tuyển với chứng chỉ IELTS.

“Hiện nay bạn nào cũng nhận thức được việc xuất phát sớm quan trọng như thế nào nên ai cũng rất khẩn trương, chính vì vậy nhiều lúc em cũng cảm thấy rất áp lực. Em đăng ký 2 lớp học thêm là toán và IELTS. Đa số các bạn hiện nay đang học ôn thi IELTS tại các trung tâm nhưng em lại học lớp các giáo viên tự do. Điều đó cũng là một trở ngại với em khi điểm thi có thể sẽ thấp hơn các bạn đồng trang lứa”, Vương Linh tâm sự.

Vương Linh cho rằng hiện nay các phương thức xét tuyển vào đại học rất đa dạng nên tỉ lệ phần trăm của việc đỗ đại học bằng phương thức truyền thống cũng ít đi. Vì thế, Linh gần như phải “chạy đua” với thời gian, học thêm nhiều để có hướng đi an toàn, chắc suất vào đại học.

Trong khi đó, Nguyễn An Huy, chuẩn bị bước vào lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng bày tỏ sự lo lắng khi có quá nhiều phương thức xét tuyển sớm vào đại học.

“Em nghĩ không phải bạn nào cũng có điều kiện đi học luyện thi các chứng chỉ quốc tế để tham gia xét tuyển sớm. Ngoài ra, khi tập trung học các chứng chỉ quốc tế, các bạn sẽ có ít thời gian trau dồi những môn chính để ôn thi trọng điểm vào đại học.

Ngoài ra, về học bạ trung học phổ thông, mỗi trường sẽ có sự đánh giá khác nhau. Những bài kiểm tra và đề thi từng môn học ở các trường cũng khác nhau. Có những trường tạo điều kiện cho học sinh nên đề kiểm tra dễ nên học bạ tương đối "đẹp". Còn một số trường ra đề khó, các bạn học sinh dù rất nỗ lực cũng chưa đạt được điểm cao”, An Huy cho hay.

An Huy.jpeg
An Huy dự định xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả thi đánh giá năng lực. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ với các học sinh, ngay cả giáo viên phổ thông cũng cảm thấy áp lực khi có quá nhiều phương thức xét tuyển sớm. Thầy Bùi Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên cho biết: Việc xét tuyển sớm vào đại học hiện nay đã và đang gây áp lực cho giáo viên trong việc chấm điểm học sinh. Theo thầy Tùng, để đỗ vào các trường xét tuyển bằng học bạ, các em học sinh đều mong muốn có bộ “hồ sơ đẹp” đi cùng với “học bạ đẹp”.

“Đối với nhiều học sinh, việc có bảng điểm “đẹp” làm cho các em ảo tưởng về năng lực của bản thân, ít nỗ lực và ít cố gắng”, thầy Tùng nhận định.

Không chỉ vậy, theo thầy Tùng, việc phải quyết định ngành học và trường đại học từ quá sớm có thể khiến học sinh cảm thấy áp lực, nhất là khi các học sinh chưa thực sự hiểu rõ về sở thích, năng lực bản thân và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Điều này dễ dẫn đến những lựa chọn sai lầm, khiến các em phải đối mặt với những hệ lụy sau này như thay đổi ngành học, trường học, hoặc thậm chí bỏ học giữa chừng.

Thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục

Việc xét tuyển sớm cũng đặt ra những câu hỏi về tính công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học. Đối với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, hoặc có hoàn cảnh khó khăn thường ít có điều kiện tiếp cận với các phương thức xét tuyển sớm, khiến các em bị thiệt thòi ngay từ vạch xuất phát.

Cô Đỗ Thị Thu Nga, giáo viên dạy môn Ngữ văn đồng thời là giáo viên chủ nhiệm một lớp tại Trường Trung học phổ thông Tháng 10, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Tại trường, số học sinh đỗ đại học bằng phương thức xét tuyển sớm rất ít. Các em ở vùng sâu, vùng xa như Tuyên Quang cũng không có điều kiện tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển sớm. Chủ yếu các em học sinh ở lớp tôi đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học”.

Theo cô Nga nhận định, có rất nhiều học sinh ở miền xuôi đỗ đại học bằng phương thức xét tuyển sớm. Chính vì vậy, việc xét tuyển sớm cũng gây thiệt thòi cho các em học sinh thiếu điều kiện học tập tại các tỉnh miền núi.

Thpt tháng 10.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Tháng 10, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Website nhà trường

Đồng tình với quan điểm này, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên cho biết: Nhà trường cùng các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong việc kiểm tra sĩ số lớp, đôn đốc việc ôn luyện của học sinh. Tuy nhiên, càng đến giai đoạn cuối năm việc này càng trở nên khó khăn.

“Khi học sinh đã có kết quả xét tuyển sớm động lực học tập của các em giảm xuống. Nhiều bạn không tham gia các lớp ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông do trường tổ chức đã gây nhiều trở ngại cho công tác giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các em”, thầy Tùng chia sẻ.

Cần siết chặt phương thức xét tuyển sớm ở các trường đại học

Thầy Trịnh Thái Quang, Bí thư đoàn Trường Trung học phổ thông Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho rằng: Xét tuyển sớm không đảm bảo tuyệt đối tính công bằng đối với tất cả thí sinh. Khi số lượng thí sinh vào đại học bằng phương thức xét tuyển sớm tăng đồng nghĩa với chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm. Từ đó, điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng cao. Điều này khiến thí sinh xét tuyển bằng phương thức này phải cạnh tranh nhiều hơn.

“Theo tôi nên hạn chế chỉ tiêu đến mức thấp nhất dành cho các phương thức xét tuyển sớm để đảm bảo tính công bằng trong việc tuyển sinh đại học, cao đẳng”, thầy Quang nêu quan điểm.

thầy TMQ.jpg
Thầy Trịnh Thái Quang (bên phải), Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên cũng đề nghị cần siết chặt hơn công tác tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ.

“Thay vì tách ra thành các phương thức tương ứng với số chỉ tiêu được phân bổ, các trường đại học có thể sử dụng gộp nhiều tiêu chí trong cùng 1 phương thức như: kết hợp điểm thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ. Cách làm này sẽ đảm bảo công bằng hơn với thí sinh và tránh tình trạng điểm chuẩn đại học tăng cao đột biến”, thầy Tùng đề xuất.

Đồng thời, thầy Tùng cũng cho rằng nên thay đổi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định các trường chỉ được công bố danh sách thí sinh trúng tuyển sớm sau khi thí sinh đã thi tốt nghiệp trung học phổ thông xong.

Trong khi đó, cô Đỗ Thị Thu Nga bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hài hoà chỉ tiêu của phương thức xét tuyển sớm và thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tạo sự công bằng giữa các vùng miền.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/tuyen-sinh-2024-van-con-nhieu-phuong-thuc-xet-tuyen-phuc-tap-20240809091821013.htm

Huyền Trang