Đối với cấp tiểu học hiện nay, chỉ trừ giáo viên một số môn đặc thù (tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục), những giáo viên còn lại sẽ được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ngoài Ban giám hiệu ra, những giáo viên các môn còn lại ai cũng có thể được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp.
Hiện nay, giáo viên chủ nhiệm lớp ở tiểu học được giảm 3 tiết/ tuần; giáo viên cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở được giảm 4 tiết/ tuần. Nhìn chung, công tác chủ nhiệm có nhiều niềm vui khi thường xuyên gắn bó với học trò nhưng đây là nhiệm vụ khá vất vả, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm những lớp cuối cấp, liên quan đến công tác thi cử, tuyển sinh.
Chính vì công tác chủ nhiệm lớp quan trọng và năng lực chủ nhiệm của mỗi giáo viên cũng khác nhau nên đã có tình trạng ở tiểu học ở một số nơi cho phụ huynh bốc thăm giáo viên chủ nhiệm. Đối với 2 cấp học phổ thông còn lại thì phần nhiều Ban giám hiệu cũng lựa những giáo viên giỏi, cá tính để chủ nhiệm những lớp “có vấn đề”.
Có những giáo viên thường xuyên được phân công chủ nhiệm lớp học đặc biệt
Thực tế cho thấy, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm hiện nay có nhiều công việc khác nhau, có những việc cụ thể, thường niên; có cả những việc không tên, bất chợt đến.
Bởi lẽ, ngoài giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm sẽ có những nhiệm vụ cơ bản sau: quản lý lớp học, điều hành các hoạt động giáo dục, chăm sóc và quan tâm đến học sinh, liên lạc với phụ huynh, quản lý hồ sơ học sinh, giúp đỡ học sinh phát triển các kỹ năng xã hội và định hướng cho tương lai của học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ được nhà trường phân công cho một lớp học cụ thể, những giáo viên chủ nhiệm giỏi thường quản lý, giáo dục lớp của mình tốt, góp phần vào hiệu quả giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Nếu giáo viên chủ nhiệm không giỏi, chưa có những phương pháp quản lý, giáo dục học sinh tốt sẽ dẫn đến lớp học mất đi tính nền nếp. Vì thế, đối với công tác chủ nhiệm lớp hiện nay, nhìn chung vất vả và đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh.
Thông thường, những giáo viên chủ nhiệm ở cấp tiểu học có phần nhẹ nhàng hơn vì học sinh cấp học này còn nhỏ nên các em thường ngoan hiền và biết vâng lời thầy cô giáo. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm không quá vất vả trong việc quản lý nền nếp và ít phải giải quyết tình trạng học sinh quậy phá, đánh nhau.
Giáo viên chủ nhiệm ở cấp trung học phổ thông cũng có nhiều thuận lợi khi học sinh ở cấp học này dần ổn định tâm sinh lí và các em ý thức hơn trong những hành vi, lời nói. Đặc biệt, đã qua kỳ thi tuyển sinh 10 nên có sự sàng lọc.
Ngược lại, học sinh cấp trung học cơ sở lớn hơn và tính cách nhiều em cũng phức tạp nhiều hơn- nhất là học sinh lớp 7, lớp 8 rất hay vi phạm nội quy của nhà trường vì đây là lứa tuổi đang dậy thì nên giáo viên chủ nhiệm ở cấp học này có phần vất vả hơn cả.
Thực tế cho thấy, học sinh dù trong cùng một khối với nhau nhưng nền lớp mỗi lớp mỗi khác nhau. Có những lớp học, học sinh rất chăm chỉ, siêng năng và lễ phép. Nhưng, cũng có những lớp học sinh không có tính kỉ luật tốt, nhiều học sinh thường xuyên quậy phá, gây mất trật tự trong lớp, thậm chí còn đánh nhau với học sinh trong lớp, trong trường.
Giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải nhiều lần mời phụ huynh vào trường để giải quyết và phối hợp giáo dục học sinh.
Nếu như lớp dưới nền nếp không tốt và lớp học đó “tạo được tiếng vang” trong trường sẽ khiến cho những thầy cô chủ nhiệm ở khối lớp trên ngán ngại. Vì thế, nhiều giáo viên ngại và thậm chí là sợ những lớp có nền nếp không tốt.
Tuy nhiên, lớp nào cũng phải có giáo viên chủ nhiệm nên không giáo viên này làm thì giáo viên khác sẽ đảm nhận. Vì vậy, việc phân công giáo viên chủ nhiệm đầu năm học vô cùng quan trọng ở mỗi đơn vị trường học.
Một số giáo viên chủ nhiệm giỏi, thông thường lại hay được nhà trường phân công cho những lớp “đặc biệt” và những thầy cô chủ nhiệm này tất nhiên là vất vả nhưng luôn nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng chịu nhiều thiệt thòi vì năm nào cũng được phân công những lớp học đặc biệt, có vấn đề.
Vì sao nói vai trò của giáo viên chủ nhiệm quan trọng?
Kể từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, những giáo viên chủ nhiệm thường vất vả nhiều hơn và tất nhiên Ban giám hiệu nhà trường cũng cân nhắc khi phân công giáo viên đảm nhận công việc này.
Bởi vì, ngoài dạy số tiết học theo môn được đào tạo, kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm thì giáo viên chủ nhiệm còn phải dạy môn Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp. Môn học này vừa dạy học sinh trên lớp, vừa dạy ngoài trời với các hoạt động tập thể theo các chủ điểm.
Bởi vậy, khi dạy các chủ điểm ngoài trời sẽ là người xây dựng kế hoạch dạy học cho cả khối lớp.Tất nhiên, sẽ có giáo viên chủ nhiệm các lớp tham dự, giáo viên Đoàn- Đội và phó hiệu trưởng ngoài giờ tham dự. Đầu tư một hoạt động ngoài trời mất rất nhiều thời gian và chịu nhiều áp lực trước đồng nghiệp, cấp trên.
Hơn nữa, phải tổ chức hoạt động tập thể làm sao để học sinh thích, ý nghĩa là cả một vấn đề khó và đòi hỏi khả năng sư phạm, sự hoạt ngôn của từng giáo viên.
Điều mà nhiều giáo viên ngán ngại nhất là việc thu các loại tiền trường đối với học sinh. Vấn đề tiền bạc bao giờ cũng rất nhạy cảm. Đầu năm học có rất nhiều khoản tiền bắt buộc, không bắt buộc phải thu.
Nói là không bắt buộc thực ra đó cũng chỉ là một cách né dư luận, còn thực chất trong mỗi trường học bao giờ Ban giám hiệu họ cũng có cách để giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm. Vì thế, khi trao đổi với phụ huynh, học sinh- nhất là những lớp có nhiều học sinh gặp khó khăn là cả một vấn đề nan giải.
Nếu thông báo, trao đổi không khéo, nếu nhắc nhở trên nhóm phụ huynh không cẩn thận sẽ tự chuốc họa vào thân và thực tế không ít giáo viên đã mắc phải chuyện này, được báo chí phản ánh, dư luận công kích. Nhưng, một bên là chỉ tiêu cấp trên giao, một bên là phụ huynh, học sinh của mình còn khó khăn chưa đóng kịp hoặc không có tiền đóng góp, ủng hộ luôn là bài toán đau đầu của không ít giáo viên chủ nhiệm.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm đầu cấp, cuối cấp cũng thường vất vả nhiều hơn khi cập nhật, nhận xét danh sách học sinh với nhiều thông tin vào phần mềm điểm điện tử; giáo viên chủ nhiệm cuối cấp liên quan đến học bạ, hồ sơ của học sinh.
Đặc biệt, khi các em tham gia kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải hồ sơ chủ yếu thực hiện trên các phần mềm điện tử và tất nhiên yêu cầu về thời gian luôn gấp gáp. Lúc này, giáo viên chủ nhiệm là người hướng dẫn, giải đáp cho học sinh. Nếu không may, học sinh thi cử có vấn đề, gặp những sự cố thì giáo viên chủ nhiệm là người đầu tiên học sinh tìm đến nhờ giải đáp, giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi đánh giá, xếp loại viên chức, xét thi đua cuối năm thì giáo viên chủ nhiệm nhiều khi phải chịu những thiệt thòi từ lớp mình chủ nhiệm. Bởi vì, việc xếp loại viên chức, xét thi đua ngoài việc áp dụng theo những hướng dẫn bằng văn bản hiện hành thì các trường học luôn áp thêm những chỉ tiêu ràng buộc giáo viên chủ nhiệm.
Nếu không may, lớp mình chủ nhiệm có hiệu quả học tập thấp; thu và nộp các loại tiền trường không đúng quy định; lớp có học sinh đánh nhau, vi phạm nội quy nhà trường bị kỉ luật; lớp nhiều lần bị xếp loại thi đua ở hạng thấp…đều được liệt kê để trừ vào các thành tích của giáo viên chủ nhiệm- đây cũng là thiệt thòi cho nhiều thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.