Giáo viên chủ nhiệm sâu sát sẽ giúp tỷ lệ tham gia BHYT được đảm bảo

07/11/2023 07:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Giáo viên sẽ phải nắm bắt trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế là vì sao và báo cáo nhà trường, từ đó sẽ có giải pháp giúp đỡ các em."

Để phụ huynh cho con em tham gia bảo hiểm y tế học sinh sinh viên nhằm đảm bảo quyền lợi của các em được hưởng khi không may ốm đau, chưa bao giờ dễ dàng đối với những trường học ở vùng cao do đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với các lãnh đạo nhà trường, giáo viên chia sẻ về kế hoạch tuyên truyền, kết quả trong việc thực hiện bảo hiểm y tế của nhà trường.

Thầy Lê Cù Toàn (Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồng Thái, Na Hang, Tuyên Quang) cho hay, năm học 2022-2023, tổng số học sinh của nhà trường là 291, các em tham gia bảo hiểm y tế là 107, 153 em được thuộc diện chính sách (hộ nghèo, khuyết tật và khu vực III) được cấp miễn phí bảo hiểm y tế và 31 em còn lại không mua bảo hiểm y tế.

"Các em không mua bảo hiểm y tế bởi gia đình khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, có những em ở thôn đạt tiêu chí nông thôn mới (từ vùng III thành vùng I) nên các em cũng không được hưởng bảo hiểm y tế", thầy Toàn chia sẻ.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồng Thái khám sức khỏe cho các em học sinh vào đầu năm học. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồng Thái khám sức khỏe cho các em học sinh vào đầu năm học. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Thầy Toàn chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình học sinh, phụ huynh của các em đa phần là đi lao động xa nhà hoặc đi nước ngoài, các em ở với ông bà.

Về kế hoạch tuyên truyền vận động phụ huynh cho con em tham gia bảo hiểm y tế, nhà trường kết hợp với thôn bản, xã vận động các hộ gia đình, cũng có những phụ huynh không kịp đợt mua.

Hiện nhà trường đang triển khai vận động phụ huynh của học sinh lớp 1, mua bảo hiểm y tế cho con em.

"Khi chuyển cấp học, các em (đủ 60 tháng, tương đương 5 tuổi) sẽ không còn được cấp miễn phí bảo hiểm y tế. Thay vào đó, phụ huynh sẽ mua cho các em bảo hiểm y tế trong 15 tháng, 14 tháng.

Năm nay mức phí bảo hiểm y tế có phần tăng nhẹ. Theo đó, đối với học sinh mua bảo hiểm y tế 12 tháng là 680.400 đồng/học sinh, với 15 tháng là 850.500 đồng.

Năm nay nhà trường cũng cố gắng đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế", thầy Toàn cho hay.

Các em học sinh từ lớp 3 trở lên sẽ được ăn, ở, sinh hoạt học tập tại nhà trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Các em học sinh từ lớp 3 trở lên sẽ được ăn, ở, sinh hoạt học tập tại nhà trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Vào đầu năm học, nhà trường cũng thực hiện khám sức khỏe cho các em học sinh và được bảo hiểm y tế chi trả. Các thông số về cân nặng, chiều cao... cũng được đưa vào phần mềm của ngành giáo dục. Qua hoạt động khám sức khỏe, chỉ số về sức khỏe đối với các em cũng phát triển bình thường.

Thầy Toàn chia sẻ thêm, đối với những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc ở vùng đặc biệt khó khăn, khi nhà trường có các chương trình thiện nguyện, đơn vị lưu tâm để cho các em được hưởng. Ngoài ra, các em cũng được hưởng 150.000 đồng/tháng theo diện Nghị định 81, và các em từ lớp 3 trở lên cũng được hưởng chế độ bán trú với chế độ ăn 720 nghìn đồng/tháng (trước đây là 596 nghìn đồng/tháng) cùng 15 cân gạo.

Việc tăng khẩu hỗ trợ bữa ăn cho học sinh bán trú, chất lượng bữa ăn ba bữa của các em cũng được tăng theo.

Cô Kiều Thị Hương (Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay, những năm vừa qua nhà trường lúc nào cũng có số lượng học sinh cũng có tỷ lệ tham gia đạt 100%.

Những năm đầu tiên nhà trường thực hiện vận động bảo hiểm y tế gặp rất nhiều khó khăn. Đó là do phụ huynh chưa hiểu về quyền lợi khi con em họ tham gia bảo hiểm y tế, bên cạnh đó có những gia đình học sinh thuộc trường hợp khó khăn, nhà trường phải có biện pháp giúp đỡ.

Ví dụ như nhà trường sẽ có sự ủng hộ 1/3 hoặc 1/2 thuộc vào hoàn cảnh gia đình của học sinh.

Nhà trường phải trích tiền ra để mua thẻ bảo hiểm cho trường hợp học sinh không may ốm đau. Đối với những trường hợp không may ốm đau, các em được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh cũng đã tạo niềm tin cho phụ huynh mua bảo hiểm cho con em”, cô Hương chia sẻ.

Hiện nay, nhà nước có chủ trương bảo hiểm y tế là bắt buộc. Nó vừa là tính nhân văn, vừa đảm bảo quyền lợi đối với học sinh sinh viên khi không may ốm đau, tai nạn được bảo hiểm hỗ trợ chi trả. Khi phụ huynh nắm được điều này, họ chủ động mua bảo hiểm y tế cho con em mình.

“Thực tế, nếu khám chữa bệnh ngoại trú, số tiền bảo hiểm y tế chi trả thuốc men với nhiều trường hợp là không nhiều, nhưng nếu các em phải nằm viện thì bảo hiểm sẽ hỗ trợ nhiều”, cô Hương chia sẻ.

Tại địa phương là vùng nông thôn, đời sống của người dân còn khó khăn về kinh tế. Bởi vậy, có những trường hợp chưa có tiền để đóng bảo hiểm y tế cho con vào đầu năm học, họ sẽ nhờ giáo viên chủ nhiệm đóng hộ để đảm bảo quyền lợi của con và cũng như hạn chốt của việc tham gia là thường vào cuối năm.

Cô Hương cho hay, nhà trường thường hoàn thiện danh sách và tháng 12 sẽ gửi đến đơn vị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa phương, để tới tháng 1 năm tới học sinh sẽ được nhận thẻ.

Để đảm bảo việc học sinh không bị ảnh hưởng đến quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế, nhà trường cũng giao trách nhiệm đối với giáo viên chủ nhiệm. Cụ thể, giáo viên sẽ phải nắm bắt trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế là vì sao và báo cáo nhà trường, từ đó sẽ có giải pháp giúp đỡ các em.

“Năm kia, có hai em học sinh sinh đôi học lớp 4 gặp hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, hai em sống với ông bà. Trước hoàn cảnh này, nhà trường và quỹ phụ huynh lớp đã hỗ trợ 50% cho cả hai em”, cô Hương chia sẻ.

Cô Hương chia sẻ thêm, vào đầu năm học hằng năm, nhà trường cũng có sự tuyên truyền với giáo viên chủ nhiệm các lớp, bên cạnh đó đặc biệt là đối với các em học sinh lớp 1 khi vừa chuyển cấp để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Mạnh Đoàn