Ấn tượng lớp xóa mù chữ ở vùng cao: Người dân ngày lên nương làm rẫy, tối đi học

13/10/2024 06:18
Bích Ngọc

GDVN - Lớp học xóa mù chữ giúp người dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực. Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ được thành lập. Chỉ sau một năm hoạt động, đã có 74.957 lớp học xóa mù chữ và có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người). [1]

Từ đó tới nay, các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm xóa nạn mù chữ. Đặc biệt, tại các địa phương khó khăn như Bắc Kạn, Hà Giang, các lớp xóa mù chữ luôn được tích cực duy trì, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: Xín Mần là một huyện miền núi khó khăn tại tỉnh Hà Giang, nơi có 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí không đồng đều, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa và biên giới. Tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 vẫn còn cao, với hơn 9% người mù chữ mức độ 1 và trên 20% người mù chữ mức độ 2, trong đó phần lớn là phụ nữ dân tộc Mông.

chi Mai ptp.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: NVCC

Dựa trên các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chương trình xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đã xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Hằng năm, phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tại các xã, thị trấn thực hiện điều tra, thống kê số người mù chữ và tái mù chữ, cập nhật dữ liệu một cách đầy đủ về công tác xóa mù chữ. Qua đó tư vấn xây dựng kế hoạch mở lớp và khuyến khích người mù chữ tham gia học tập.

Bên cạnh đó, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên giảng dạy, áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người học, cũng như tập quán sinh hoạt của bà cao. Giáo viên phụ trách dạy xóa mù chữ nghiên cứu nội dung chương trình, lựa chọn khối lượng kiến thức phù hợp với từng đối tượng học viên, đồng thời kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy để học viên dễ tiếp thu.

Cụ thể, giáo viên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp địa phương như hạt ngô, đậu để dạy toán ở giai đoạn 1, và áp dụng dạy học cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ.

Ngoài ra, phòng cũng tổ chức các buổi tập huấn về chuyên môn cho những người làm công tác xóa mù chữ, kiểm tra và công nhận các xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ, triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho cả người dạy và người học trong quá trình xóa mù chữ.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Văn Phúc Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Xã Xuân La cách trung tâm huyện 7km. Đây là nơi sinh sống của 3.206 đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh, phân bổ rải rác ở các vùng khác nhau.

Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, các dịch vụ khác chưa phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, giao thông nông thôn đi lại khó khăn. Đặc biệt, người trong độ tuổi lao động không biết chữ còn nhiều, khả năng tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Trên thực tế đó, Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La đã chủ động thành lập tổ vận động người dân học lớp xóa mù chữ, phân công nhiệm vụ cho các thầy cô giáo đến tận thôn bản để thực hiện tuyên truyền, vận động. Năm 2023, trung tâm mở 2 lớp xóa mù chữ với 63 học viên. Năm 2024, con số này tăng lên 6 lớp xóa mù chữ với 150 học viên.

Đối tượng tham gia lớp học chủ yếu là người dân sống ở các thôn khó khăn, xa trung tâm xã. Hầu hết học viên đều trong độ tuổi từ 15 đến 60, là lực lượng lao động chính trong gia đình. Do đó, thời gian học tập cho lớp xóa mù chữ thường được sắp xếp vào buổi tối, từ khoảng 18h30 đến 21h30, hoặc một số buổi ban ngày vào thứ 7 và chủ nhật. Trong kỳ nghỉ hè, các giáo viên đã tận dụng những ngày mưa khi học viên không đi làm để huy động tối đa số học viên tham gia.

IMG_6205.JPG
Lớp xoá mù chữ tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La cung cấp.

Thầy Hoà cho biết, học viên tham gia các lớp xóa mù chữ trên địa bàn có trình độ rất đa dạng. Nhiều học viên đã nghỉ học nhiều năm, dẫn đến việc viết chữ và các con số gặp khó khăn, thường xuyên sai chính tả. Vì vậy, nếu chỉ áp dụng một phương pháp dạy học chung, một số học viên sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức.

Từ thực tế đó, các giáo viên đã quyết định chia lớp học thành ba nhóm đối tượng chính. Nhóm 1 gồm những học viên chưa thể đọc và viết, nhóm 2 là những học viên đã có khả năng viết và đọc nhưng còn chậm, còn nhóm 3 là những học viên viết, đọc và tính toán tương đối nhanh.

Ngoài ra, trung tâm cũng tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua học tốt, biểu dương khen ngợi học viên kịp thời. Mỗi học viên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng sau khi hoàn thành 9 tháng học. Giáo viên hợp đồng dạy lớp xóa mù chữ được hỗ trợ thêm 6 triệu đồng/tháng.

Còn nhiều bất cập khi triển khai lớp xóa mù chữ

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, việc duy trì và vận động sĩ số học viên cho các lớp xóa mù chữ tại huyện Xín Mần vẫn gặp nhiều thách thức. Cơ sở vật chất của trường lớp và trang thiết bị giảng dạy chưa đầy đủ, đặc biệt là tại các điểm trường ở thôn bản. Chưa có tài liệu dạy học xóa mù chữ được in ấn để học viên có thể sử dụng. Đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu hụt, và chưa thể huy động các nguồn lực khác tham gia vào công tác dạy học xóa mù chữ.

Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có nhiều vấn đề, học viên không có điện thoại thông minh, một số điểm trường không có điện, và thiếu mạng Internet, dẫn đến việc học viên không thể tiếp cận và sử dụng tài liệu học xóa mù chữ dưới dạng điện tử. Chất lượng và hiệu quả của công tác xóa mù chữ còn hạn chế, tính bền vững chưa cao.

Lớp XMC thôn Chí Cà Thượng, xã Chí Cà.jpg
Lớp học xóa mù chữ thôn Chí Cà Thượng, xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cung cấp.

Những thách thức trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như đường giao thông đến các xã và thôn bản vẫn còn khó khăn. Khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống thưa thớt, và nhà của học viên ở xa trường học. Điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chậm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều và vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu.

Ngoài ra, một số người dân trong độ tuổi lao động phải đi làm xa, trong khi đó, số người lớn tuổi (50-60 tuổi) chủ yếu là phụ nữ, sức khỏe yếu, và nhà ở cách xa trường hoặc điểm trường. Họ cũng gặp phải bất đồng về ngôn ngữ và bản thân không có nhu cầu học tập. Các lớp xóa mù chữ được tổ chức vào buổi tối tại các điểm trường, trong khi giáo viên đã giảng dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, khiến việc dạy xóa mù chữ vào buổi tối trở nên khó khăn.

Trong khi đó, thầy Văn Phúc Hoà cho biết, khó khăn lớn nhất của xã Xuân La trong việc triển khai lớp xóa mù chữ là phần lớn người học là lao động chính, phải làm việc nặng nhọc cả ngày tại nương rẫy. Hơn nữa, khoảng cách địa lý giữa nhà dân và lớp học khá xa, trong khi các học viên chủ yếu đi bộ khiến quá trình đi lại tương đối vất vả.

Là giáo viên dạy lớp xóa mù chữ tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cô Dương Thị Ngân chia sẻ, vốn từ ngữ của học viên còn rất hạn chế. Có nhiều học viên phát âm tiếng phổ thông chưa chuẩn nên khi giao tiếp với giáo viên còn rụt rè. Vì vậy, một số học viên thường xuyên gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức.

Phương pháp dạy của cô Ngân là phân hóa theo từng đối tượng, bởi các học viên ở nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau nên không thể rập khuôn. Học viên nào đã nắm chắc kiến thức cơ bản, cô sẽ hướng dẫn nội dung nâng cao. Đối với học viên tiếp thu chậm, cô Ngân phải dạy lặp đi lặp lại nội dung bài giảng, kiên nhẫn uốn nắn từng con số, chữ cái và ghép vần.

Là người dân tộc thiểu số và lớn lên trong khu vực khó khăn nên cô Ngân thấu hiểu sâu sắc hoàn cảnh của các học viên. Do nhiều nguyên nhân, họ không thể đến lớp và tiếp thu kiến thức, dẫn đến sự ngại ngùng trong giao tiếp. Khi giảng dạy lớp học xóa mù chữ, cô Ngân hy vọng rằng ít nhất học viên sẽ biết đọc và viết tên của mình, vì việc không biết chữ là một thiệt thòi lớn.

“Ban đầu, các học viên đến lớp thường cảm thấy tự ti và mặc cảm vì chưa biết chữ và số. Khi tôi yêu cầu họ đọc bài, họ rất ngại và thậm chí thường xuyên nghỉ học. Để khích lệ tinh thần, tôi đã cùng một vài học viên đến thăm gia đình từng người để động viên, tặng quà. Dần dần, mọi người bắt đầu đi học đều đặn hơn và tự tin hơn khi lên lớp.

Học viên làm việc vất vả cả ngày ở đồng ruộng và nương rẫy. Về nhà lúc 6 giờ tối, dù chưa kịp ăn uống hay tắm rửa, ai cũng háo hức và phấn khởi khi được đi học. Điều này đã tiếp thêm động lực cho tôi trong việc truyền dạy con chữ", nữ giáo viên chia sẻ.

IMG_6206.JPG
Dù cả ngày làm việc, đường xá đi lại khó khăn nhưng bà con vẫn phấn khởi khi tới lớp học xoá mù chữ. Ảnh: Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La cung cấp.

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xóa mù chữ

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, từ năm 2021 đến 2024, địa bàn huyện Xín Mần đã có 81 lớp xóa mù chữ được mở ra với 1.790 học viên. Năm 2023, 18/18 xã và thị trấn đã duy trì và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Huyện Xín Mần cũng đã đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Công tác điều tra số người mù chữ trên địa bàn hiện tại diễn ra suôn sẻ nhờ sự tham gia tích cực của ban chỉ đạo phổ cập giáo dục ở các xã và thị trấn.

Trong năm 2024, huyện Xín Mần sẽ tiến hành điều tra hộ gia đình giai đoạn 2024-2028. Trước khi bắt đầu điều tra, phòng giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho ban chỉ đạo huyện tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn ban chỉ đạo các xã, thị trấn, các trường học về công tác điều tra đối tượng mù chữ.

Đồng thời, phòng cũng phối hợp với các ban, ngành và đoàn thể ở xã, thị trấn để rà soát chính xác đối tượng mù chữ theo từng thôn, cập nhật thông tin và dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời đưa vào phần mềm quản lý phổ cập giáo dục một cách đầy đủ.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cho biết thêm, việc mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số mang lại ý nghĩa to lớn và thiết thực trong cuộc sống. Hoàn thành lớp học xóa mù chữ giúp bà con nắm vững tiếng phổ thông, từ đó thuận lợi hơn trong giao tiếp và tự tin tham gia vào các hoạt động của thôn xóm và cộng đồng.

Khi người dân biết chữ, biết đọc và viết, họ có khả năng tiếp cận sách báo, xem tivi, tìm kiếm thông tin trên Internet, từ đó nâng cao kiến thức. Điều này giúp họ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PGD kiểm tra lớp XMC thôn Na Sai, xã Thèn Phàng.jpg
Đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần tiến hành kiểm tra lớp xóa mù chữ tại thôn Ngài Trò, xã Thu Tà. Ảnh: Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cung cấp.

Trong khi đó, công tác dạy học xóa mù chữ tại xã Xuân La cũng có nhiều tiến triển tích cực. Thầy Văn Phúc Hòa thông tin, năm 2023, trong độ tuổi từ 15-60, số người mù chữ mức độ 1 là 440 người, giảm 1,35% so với năm 2022. Số người mù chữ mức độ 2 là 622 người, giảm 0,74% so với năm 2022. Ngoài ra, xã Xuân La cũng đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Vào năm 2024, các lớp học trở nên ổn định hơn, số học viên tham gia tăng so với năm trước, ngoại trừ 1-2 tuần vào mùa gặt. Trong thời gian này, các giáo viên cũng đã điều chỉnh giờ học muộn hơn để phù hợp với thời gian của bà con. Nhiều học viên bày tỏ mong muốn tham gia lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 vào năm 2025.

Chị Đặng Mùi Pham, 34 tuổi, người dân tộc Dao, học viên của lớp xóa mù chữ được tổ chức tại xã Xuân La cho biết: “Trước đây gia đình không có điều kiện để đi học nên tôi không biết chữ, cũng vì thế mà tôi làm gì cũng khó khăn. Nhờ có cô giáo giúp đỡ, giờ tôi đã biết đọc, viết chữ và tính toán một số phép tính cơ bản, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Tôi mong khi học xong, tôi sẽ đọc và hiểu được nhiều hơn nữa”.

Chị Đặng Thị Viết, một học viên của lớp xóa mù chữ ở xã Xuân La tâm sự, khao khát lớn nhất của chị là được đi học và biết chữ. Ngày đầu tiên được cô Dương Thị Ngân phát đồ dùng học tập tại lớp xóa mù chữ, chị đã ôm cặp sách và khóc vì sung sướng.

“Ngày xưa tôi học lớp một, các thầy cô bảo mua sách nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền để sắm đồ dùng học tập nên tôi đã bỏ học. Bây giờ được có cặp sách mới, thực sự tôi rất vui, xúc động, tự dưng nước mắt cứ chảy ra", chị Đặng Thị Viết tâm sự.

IMG_6211.JPG
Cô giáo Dương Thị Vân dạy tiếng Việt cho học viên lớp xoá mù chữ. Ảnh: Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La cung cấp.

Nhiều học viên khác ở xã Xuân La chia sẻ rằng sau khi học chữ, họ có thể hiểu thông tin cá nhân như giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế. Họ đã tự đọc được tên phòng ở bệnh viện và hiểu rõ quyền lợi khi nhận tiền chế độ. Vốn tiếng Việt phong phú giúp họ tiếp cận thông tin tuyên truyền và kiến thức khoa học dễ dàng hơn.

Đặc biệt những người phụ nữ biết chữ có thể dạy con cái kỹ năng sống, bảo vệ bản thân trong các độ tuổi hay diễn ra tình trạng tảo hôn hoặc nghỉ học giữa chừng. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số dần được cải thiện.

Để duy trì mức độ đạt được và nâng cao chất lượng xóa mù chữ của huyện trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong công tác xóa mù chữ.

Ngoài ra, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phát hành tài liệu xóa mù chữ bản in để các địa phương có thể thuận lợi triển khai chương trình xóa mù chữ theo Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Xóa mù chữ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/lists/xaydungdang/view_detail.aspx?itemid=176

Bích Ngọc