Học viên lớn tuổi, lo cơm áo gạo tiền, làm sao kéo họ đến lớp học xóa mù chữ?

08/09/2024 06:54
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi dạy các lớp xóa mù chữ, thầy Lò Ngọc Sơn luôn hướng dẫn học viên tỉ mỉ từ cách cầm bút, đưa nét chữ, gắn bài học với cuộc sống để kiến thức trở nên gần gũi.

Năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8/9 hằng năm là ngày Quốc tế Xóa nạn mù chữ để nhắc nhở về tầm quan trọng của việc xóa mù chữ, nhằm tạo nên một xã hội công bằng, hòa bình và bền vững.

Tới nay, công cuộc xóa mù chữ của Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Điện Biên là tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trong đó chủ yếu là người H'Mông và người Thái.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo cao, tồn tại một số hủ tục lạc hậu... nhưng ở đó vẫn có những người thầy vượt qua gian khổ, nỗ lực mang con chữ đến cho đồng bào.

Writing Informative or Explanatory Texts English Presentation in Colorful Pastel Doodle Style.png

Niềm vui chỉ giản đơn là khi thấy đồng bào viết được tên của chính họ

Một trong số đó là thầy giáo Lò Ngọc Sơn (sinh năm 1988) - giáo viên Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Được biết, thầy Sơn đã có 3 năm tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ.

Đều đặn mỗi buổi tối trong tuần (trừ thứ Bảy), những lớp học xóa mù chữ lại sáng đèn, giúp từng học viên làm quen lại với từng con chữ.

Trong năm học 2023 - 2024, thầy Lò Ngọc Sơn dạy lớp xóa mù chữ ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn với 20 học viên là người dân tộc thiểu số. Dự kiến giữa tháng 9 này, lớp xóa mù chữ năm học mới 2024 - 2025 sẽ chính thức khai giảng.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lò Ngọc Sơn bộc bạch: “Ước mơ của tôi ban đầu chỉ đơn giản là cố gắng có được công việc ổn định, đủ để nuôi sống bản thân.

Tôi bỗng nhiên ý thức lại về nguyện vọng của mình, sau khi được cô giáo chủ nhiệm lớp 6 hỏi rằng: “Lớn lên em sẽ làm gì?”. Khi ấy, tôi có chút lúng túng, rồi cuối cùng đáp lại, tôi muốn nối tiếp sự nghiệp giáo dục của cô.

Hóa ra, hình ảnh về những người thầy, người cô tận tâm trên lớp đã in sâu trong tâm trí tôi từ bao giờ. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên và thực hiện được mong muốn được trở thành thầy giáo”.

Nhiệm vụ của giáo viên tiểu học không chỉ là giáo dục, dạy kiến thức cho học trò, mà còn chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, bởi vậy có không ít khó khăn. Hơn nữa, công tác giáo dục ở các vùng núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số lại càng gặp nhiều trở ngại.

“Bản thân tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở xã đặc biệt khó khăn, nên tôi hiểu rõ hoàn cảnh của các em học sinh cũng như của đồng bào dân tộc.

Tình yêu nghề, yêu trẻ của tôi lớn dần theo năm tháng. Tôi không chỉ dạy dỗ các em mà còn chăm sóc, coi học sinh như con của mình, nói với các em rằng, lớp học là ngôi nhà thứ hai” - thầy Sơn tâm sự.

Không chỉ dạy chữ cho các em học sinh, thầy Lò Ngọc Sơn còn tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tháng 5/2024 vừa qua, thầy Sơn vừa hoàn thành lớp học xóa mù chữ ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn.

So với việc dạy học sinh tiểu học, có sự đồng đều về lứa tuổi, cùng chung nhận thức, học viên các lớp xóa mù chữ lại có nhiều điểm khác biệt. Điều này, đòi hỏi thầy Sơn phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác để thực hiện được mục tiêu giáo dục.

Thay Lo Ngoc Son xoa mu chu 2.png
Học viên trong lớp học xóa mù chữ của thầy Lò Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC.

Thầy Sơn cho hay: “Phần lớn học viên của lớp học xóa mù chữ đều là những người lớn tuổi, khả năng tiếp thu còn hạn chế, chưa từng đi học hoặc đã học nhưng tái mù chữ.

Ngoài ra, những học viên này cũng chính là lao động chính trong gia đình với nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" nên chưa thực sự yên tâm khi đi học. Nhiều người có con nhỏ, không ai đỡ đần trông nom, đành phải cùng đưa con tới lớp.

Đa số học viên là người dân tộc H'Mông, hạn chế trong việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông, nên việc vận động học viên đến lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, tâm lý người học dễ nản khi thấy khó, xấu hổ khi có người lạ mặt, không tự tin trước đám đông hoặc dễ tự ái nếu bị nhận xét chưa tốt... cũng là những cản trở trong quá trình dạy học”.

Thầy Sơn đã trực tiếp cùng trưởng bản, các cấp chính quyền, nhà trường vận động, thuyết phục học viên trong danh sách học xóa mù chữ ra lớp, đảm bảo sĩ số.

Thầy giáo vùng cao luôn tâm niệm, phải dạy học bằng cái tâm, sự chân thành, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, để sẻ chia và đồng hành cùng các học viên.

Thầy Sơn chia sẻ: “Học viên là những người lớn tuổi, nên khi dạy học, tôi luôn hướng dẫn học viên tỉ mỉ từ cách cầm bút viết đến đưa nét chữ ra sao, đánh vần và đọc như thế nào? Tôi cố gắng truyền tải bài học gắn liền với cuộc sống để học viên thấy thật gần gũi, dễ hiểu.

Đồng thời, tôi cũng dành cho họ nhiều sự quan tâm, khen ngợi kịp thời, để khích lệ, tạo bầu không khí vui vẻ trong lớp học. Niềm vui lớn nhất của tôi là khi học viên biết đọc, biết tính toán, biết viết được tên của chính họ”.

Niềm mong ước ai cũng được đi học, không ai bị bỏ lại phía sau

Khi được hỏi về mong ước, thầy Lò Ngọc Sơn bộc bạch, bản thân chỉ suy nghĩ làm sao để phát triển giáo dục ở vùng cao, giúp những người dân không có điều kiện đi học được tiếp thu với nền giáo dục hiện đại, không ai bị bỏ lại phía sau.

“Tôi luôn mong muốn được cống hiến, góp một phần nhỏ sức mình cùng với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Ai cũng có quyền được học tập, cho dù ở bất cứ nơi nào, từ miền núi hay hải đảo xa xôi. Có lẽ, không chỉ riêng tôi, mà tôi tất cả những người làm giáo dục sẽ đều có chung suy nghĩ này.

Trong tương lai, tôi hy vọng các lớp xóa mù chữ sẽ nhận được thêm nhiều sự quan tâm không chỉ từ phía ngành giáo dục mà còn cả các ban ngành, đoàn thể khác.

Qua đó, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết của người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới” - thầy Sơn tâm sự.

Nhận xét về thầy Lò Ngọc Sơn, cô Phạm Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn cho biết: “Thầy giáo Lò Ngọc Sơn đã trực tiếp tham gia giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn. Thầy Sơn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, không chỉ vững về mặt kiến thức mà còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, thầy Sơn rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy lớp xóa mù chữ, tích cực huy động học viên ra lớp. Học viên của lớp xóa mù chữ, sau khi được đi học, dần trở nên tự tin, thích thú với việc biết thêm kiến thức mới. Lớp học được bắt đầu vào lúc 7 giờ tối, kết thúc lúc 9 giờ 30 phút tối, nhưng do học viên quá hăng say nên nhiều buổi phải tới 10 giờ đêm mới tan lớp.

Khi hoàn thành lớp học, đồng bào đã đều đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, áp dụng trực tiếp vào cuộc sống để phát triển kinh tế”.

Nữ Hiệu trưởng cũng thông tin, không chỉ riêng thầy Lò Ngọc Sơn mà các thầy cô khác tại Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ giảng dạy tại các lớp xóa mù chữ.

Ngoài ra, nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng để vận động bà con đi học.

xoa mu chu dien bien 1.png

Ông Lò Văn Huấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Mươn, nơi lớp học xóa mù chữ của thầy Lò Ngọc Sơn đêm đêm sáng đèn cho hay: “Chính quyền xã phối hợp với Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn, lực lượng biên phòng cùng trưởng bản Pú Múa tuyên truyền, phổ biến để bà con tham gia lớp xóa mù chữ, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc biết chữ để phục vụ trực tiếp cho đời sống, ổn định kinh tế gia đình”.

xoa mu chu dien bien 2.png

Đánh giá về hiệu quả của các lớp học xóa mù chữ, ông Lò Văn Huấn cho biết: “Khi chưa có lớp xóa mù chữ, chính quyền xã vô cùng trăn trở vì dân trí còn thấp, người dân quen cách làm ăn cũ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống chưa được cải thiện.

Sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ rệt, không những biết đọc, biết viết, biết tính toán mà còn có thể áp dụng kiến thức để làm kinh tế, đồng thời hiểu hơn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hiện tại, ở xã Mường Mươn vẫn còn nhiều người dân chưa biết chữ. Bởi vậy, trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục có các lớp xóa mù chữ hằng năm đặc biệt là tới từng bản của xã, nhất là những bản ở vùng sâu xa xôi, để việc dạy xóa mù chữ được diễn ra toàn diện, rộng khắp”.

Hồng Linh