Học sinh sử dụng điện thoại ở trường lợi bất cập hại

20/09/2024 06:50
Bích Ngọc

GDVN - Theo lãnh đạo các trường phổ thông, cần tổ chức thêm nhiều hoạt động để học sinh chủ động rời xa điện thoại di động thay vì cấm đoán. 

Nhằm tạo ra một môi trường học tập hiệu quả hơn, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi các trường học nên cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học.

Tại Việt Nam, khoản 4, Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Tuy nhiên, để kiểm soát việc học sinh sử dụng điện thoại phục vụ mục đích học tập hay các hoạt động giải trí là vấn đề tương đối khó khăn.

Học sinh sử dụng điện thoại ở trường lợi bất cập hại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Xuân Tiến, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học, tỉnh Gia Lai khẳng định thầy hoàn toàn ủng hộ với chủ trương cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, bởi học sinh mang điện thoại tới lớp không giúp ích nhiều cho việc học tập.

Nếu quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường học được triển khai đồng bộ, các em sẽ tập trung vào việc học hơn, đồng thời có nhiều thời gian giao tiếp, tương tác với nhau và phát triển cả về thể chất, tinh thần.

Hiện nay, học sinh sử dụng điện thoại liên lạc với phụ huynh không nhiều, mà chủ yếu để chơi game, nhắn tin trong giờ học, truy cập mạng xã hội, thậm chí có cả việc xem nội dung phản cảm. Thầy Tiến bày tỏ quan ngại với việc không ít học sinh ham chơi hơn học, thậm chí cãi vã, xô xát vì những mâu thuẫn, bất đồng từ các nhóm chat trên mạng xã hội. Có không ít vụ việc học sinh đánh hội đồng bạn học được quay clip và lan truyền trên nền tảng mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Theo thầy Tiến, không thể phủ nhận lợi ích của thiết bị công nghệ trong cuộc sống cũng như trong học tập, nhưng chính điện thoại di động đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, gây lãng phí thời gian và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần của các em.

hs dung dt.jpg
Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học được đánh giá là lợi bất cập hại. Ảnh minh hoạ: Báo Người lao động

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học thông tin, hiện nhà trường đang áp dụng quy định cấm học sinh mang điện thoại tới trường học. Học sinh không được mang điện thoại đến trường đồng nghĩa với việc không có điện thoại để sử dụng trong giờ học.

Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.

Tuy nhiên thầy Tiến cho biết, tại nhà trường, không có giáo viên bộ môn nào cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Với hoạt động thảo luận nhóm, học sinh đã được trang bị máy tính bảng để phục vụ việc học tập, tra cứu học liệu. Vì vậy, học sinh không cần thiết phải sử dụng điện thoại di động trong lớp học.

“Trong giờ học, nếu giáo viên phát hiện học sinh mang điện thoại đến trường, học sinh sẽ bị xử lý kỷ luật và bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Việc này được rất nhiều cha mẹ học sinh đồng tình trong buổi họp phụ huynh đầu năm”, thầy Tiến cho hay.

Vị hiệu trưởng này nhận định, nhiều học sinh hiện nay không sử dụng điện thoại với mục đích học tập, bởi nếu thực sự muốn phục vụ học tập thì học sinh phải mua máy tính. Trong đợt dịch Covid-19, hầu như phụ huynh nào cũng đã trang bị máy tính cho con học. Sau này, những chiếc máy tính đó lại tiếp tục chuyển lại người thân trong gia đình phục vụ việc học. Vì vậy, nhà trường luôn khuyến khích học sinh sử dụng máy tính để học tập trực tuyến thay vì điện thoại. Máy tính có diện tích màn hình lớn nên cũng ít gây căng thẳng cho mắt hơn.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Lê Xuân Thứ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, sử dụng điện thoại đã và đang là một trào lưu và thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của một bộ phận giới trẻ.

Thầy Thứ bày tỏ sự lo ngại về tình trạng, cứ đến giờ ra chơi, mỗi học sinh có một chiếc điện thoại, các em sẽ dán mắt vào màn hình và chìm đắm trong thế giới riêng. Từ đó, những tác hại của việc học sinh dùng điện thoại trong trường có thể xảy ra như xao nhãng việc học tập, lãng phí thời gian, ít vận động trong giờ ra chơi, giảm sự tương tác với bạn bè, suy giảm khả năng tư duy, trí nhớ…

Theo quan điểm của thầy Thứ, nếu cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, chất lượng học tập sẽ được cải thiện, đồng thời nâng cao mối quan hệ, sự tương tác, chia sẻ giữa học sinh với nhau. Tuy nhiên, không nên cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại di động một cách cứng nhắc mà nên có sự linh hoạt trong quy định.

Hiện nay, Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Kạn không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp. Tuy nhiên, không đồng nghĩa với việc học sinh được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát. Các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động trong giờ ra chơi và khi giáo viên thấy thực sự cần thiết và cho phép.

Trong hoạt động đó, giáo viên là người chịu trách nhiệm với việc sử dụng điện thoại của học sinh. Bởi chỉ có các thầy cô mới xác định được bài học nào cần khai thác các dữ liệu trên hệ thống hoặc tra cứu thông tin. Ở một số tiết học, tư liệu có sẵn đã đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học thì không cần thiết phải sử dụng mạng và thiết bị di động.

Nếu học sinh bị phát hiện sử dụng điện thoại trong giờ học không vì mục đích học tập, nhà trường sẽ nhắc nhở các em về việc thực hiện nội quy. Nếu học sinh tiếp tục cố tình tái phạm, nhà trường sẽ phối hợp cùng gia đình để tiếp tục quán xuyến và nhắc nhở. Sau hai lần nhắc nhở không thành công, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Thầy Thứ cho hay, phụ huynh học sinh cũng rất đồng tình với việc cấm sử dụng điện thoại trong giờ học và chỉ sử dụng khi nào thầy cô cho phép.

“Phần lớn học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Kạn đều ngoan, chấp hành tốt nội quy trường lớp nên ít trường hợp nhà trường phải dùng hình thức kỷ luật mạnh tay. Việc vi phạm chỉ xảy ra một vài lần, sau khi nhà trường nhắc nhở, các em cũng không vi phạm nữa”, thầy Thứ cho biết.

45b79eeb02e8a4b6fdf9 (1).jpg
Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học khi thầy cô cho phép. (Ảnh: website Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Kạn)

Về giải pháp hạn chế việc sử dụng điện thoại di động của học sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Kạn chia sẻ, nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động thể chất, vận động trong giờ ra chơi, tổ chức các câu lạc bộ, hội nhóm để học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm. Từ đó, các em có rất nhiều mối quan tâm lành mạnh hơn, giúp giảm thời gian tập trung vào điện thoại di động và mạng xã hội không cần thiết.

Cần tổ chức các hoạt động để học sinh chủ động rời xa chiếc điện thoại thay vì cấm đoán

Thầy Trần Hữu Phước - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Đắk Lắk đưa ra quan điểm, học sinh từ cấp trung học cơ sở trở xuống không nên sử dụng điện thoại trong trường học. Tuy nhiên, với học sinh từ cấp trung học phổ thông trở lên, nhà trường nên để cho học sinh tự giác. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên đưa ra cách làm cụ thể kèm hình thức xử lý để các trường thống nhất trong việc thực hiện.

Theo thầy Phước, không nên cấm đoán hoàn toàn mà cần quản lý hiệu quả việc học sinh mang điện thoại di động vào trường. Để tạo một môi trường học tập trung và nền nếp cho học trò, các trường nên bố trí hộc tủ để đồ cá nhân của học sinh tại dãy hành lang. Học sinh sẽ nhận lại sau khi kết thúc buổi học vào giờ tan trường. Việc này vừa rèn luyện tính tự lập, lối sống ngăn nắp, vừa hạn chế việc thất lạc đồ đạc, tư trang cá nhân của các em.

thay phuoc dak lak.jpg
Thầy Trần Hữu Phước - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh cho biết, hiện nay nhà trường không cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường nhưng cấm sử dụng trong lớp học. Ngoài thời gian học, các em có thể sử dụng điện thoại để giải trí, nhắn tin trao đổi với bạn bè. Khi tan học, một số học sinh xa nhà phải liên lạc bố mẹ đến đón nên cũng rất cần điện thoại.

Tuy nhiên, theo thầy Phước, thời gian học tập trên lớp các em nên tập trung vào việc trao đổi thảo luận, tương tác với thầy cô và bạn bè. Bởi tài liệu tốt nhất với học sinh là sách giáo khoa, sách bài tập. Để học tập các bạn cần vận dụng thêm khả năng ghi nhớ kiến thức trong não bộ. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, việc học qua sách giấy giúp nâng cao năng lực đọc hiểu hơn tài liệu điện tử như máy tính, điện thoại. Trong khi đó, kiến thức ở trên tài liệu điện tử dễ khiến học sinh xao nhãng hơn.

“Việc lạm dụng điện thoại để rà soát tài liệu sẽ làm tăng sự bị động và thui chột khả năng tư duy, ghi nhớ và sáng tạo của học sinh”, vị hiệu trưởng này nhận định.

Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, học sinh nhà trường được sử dụng điện thoại di động vào giờ học nếu giáo viên cho phép, và giáo viên phải thông báo, có kế hoạch trước về tiết học sử dụng điện thoại di động để ban giám hiệu nắm thông tin.

Tuy nhiên, không phải tiết học nào học sinh cũng sử dụng điện thoại, mà chỉ được phép dùng ở các tiết thực hành, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng nghiệp. Đặc biệt, với nội dung giáo dục địa phương, học sinh có thể dùng điện thoại để tra cứu dữ liệu khi tài liệu địa phương chưa kịp in ra. Còn lại các tiết học khác ở trường hầu như học sinh không sử dụng điện thoại.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của điện thoại di động tới học sinh, hàng năm, nhà trường đều xây dựng môi trường học tập và sân chơi lành mạnh, hữu ích cho các em. Điển hình như trải nghiệm hướng nghiệp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa, tổ chức các hội thao, hội thi, cuộc thi…. Khi học sinh được vận động chân tay nhiều hơn, tinh thần thoải mái thì sẽ hạn chế việc phụ thuộc vào điện thoại. Qua đó ngày càng phát huy sức sáng tạo và chủ động của học sinh.

Trong khi đó, thầy Lê Văn Tự - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, nếu cấm học sinh mang điện thoại vào trường học, các em sẽ bớt xao nhãng học tập và kết nối với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế sẽ rất khó khăn. Nhiều học sinh có nhu cầu liên hệ phụ huynh, người thân khi có việc cần thiết. Trong một số tiết học, học sinh cũng cần dùng điện thoại để tra từ vựng, tham khảo học liệu và dùng một số ứng dụng để học tập.

Hiện nay, một số trường đã bắt đầu thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trên phần mềm. Nếu không có điện thoại di động, học sinh không thể thực hiện bài kiểm tra. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng cho biết, khi các em mang điện thoại di động theo, đã xuất hiện trường hợp học sinh lén lút sử dụng khi giáo viên không cho phép.

hs thpt tp cao lanh 4 (1).jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Thành phố Cao Lãnh tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao tại trường. (Ảnh: website nhà trường)

Về có ý kiến đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, hoạt động ngoại khóa, thầy Tự cho rằng, việc này cũng rất khó triển khai. Nếu cấm học sinh sử dụng điện thoại thì nên cấm học sinh không được mang điện thoại tới trường. Nếu chỉ cấm học sinh sử dụng trong giờ ra chơi thì thầy cô rất khó có thể kiểm soát được giờ ra chơi các em dùng điện thoại vào việc gì. Do đó, thầy Tự cho rằng thay vì phân vân giữa việc cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, nên tạo môi trường học tập lành mạnh và quan tâm hơn nữa tới học sinh để các em giảm bớt sự hứng thú với điện thoại.

Bản thân giáo viên cần tạo cảm hứng học tập cho học sinh, để thời gian ở trường, học sinh cảm thấy có hứng thú và không bị cám dỗ bởi điện thoại thông minh. Khi đó, học sinh sẽ chủ động rời xa chiếc điện thoại vì muốn tập trung và tự giác học tập.

Sự phối hợp giữa nhà trường cùng gia đình, xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức học sinh trong việc sử dụng điện thoại di động cũng rất quan trọng. Học sinh cần được giám sát và định hướng sử dụng công nghệ hiệu quả, qua đó giúp các em có thể tự quản lý, sử dụng các thiết bị điện tử một cách có trách nhiệm hơn.

Bích Ngọc