6 lý do nên siết dạy thêm, học thêm thay vì "mở"

24/09/2024 06:42
Minh Khôi

GDVN - Môi trường giáo dục tốt nhất khi giáo viên chuyên tâm, dạy hết mình ở lớp. Học sinh ít phải học thêm.

Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, dự kiến thông tư này sẽ thay thế thông tư hiện hành quy định về dạy thêm, học thêm số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều diễn đàn giáo dục khác, có nhiều bài viết góp ý, phân tích những điểm mới, cũng như phân tích nhiều điểm “mở”, “thoáng” của dự thảo so với Thông tư 17 hiện hành.

Trong bài viết hôm nay, người viết xin được phân tích việc nếu dạy thêm học thêm quá “thoáng” thì đối tượng nào được hưởng lợi nhiều nhất và đối tượng nào sẽ chịu thiệt thòi, ảnh hưởng của dạy thêm “thoáng” mang lại và vì sao nên siết dạy thêm thay vì “mở”.

Ảnh Học thêm vietnamnet.jpg
Chi phí học thêm là gánh nặng lớn với nhiều gia đình. Ảnh minh họa trên Báo VietnamNet

Đối tượng nào được hưởng lợi nhiều nhất từ dự thảo dạy thêm học thêm mới?

Theo dự thảo dạy thêm học thêm mới nhất, có 3 điểm mới “thoáng” nhận được nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi nhất là việc cho phép giáo viên tiểu học dạy thêm ngoài nhà trường (Thông tư 17 không cho phép dạy thêm); trường phổ thông dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên vẫn được dạy thêm ngoài nhà trường (Thông tư 17 không cho phép dạy thêm); giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa (Thông tư 17 chỉ cho dạy khi hiệu trưởng đồng ý).

Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là giáo viên tiểu học vì trước đây cấm dạy thêm nay dự kiến sẽ cho phép dạy thêm ngoài nhà trường, được dạy học sinh chính khóa ngoài nhà trường mà không phải dạy “chui”, lén lút thời gian qua.

Tuy vậy, điều này cũng gây lo lắng, liệu học sinh tiểu học quá nhỏ, đang mới hình thành năng lực, phẩm chất, trí tuệ, học thêm nhiều dễ dẫn đến “lợi bất cập hại”, gây nhiều tác dụng phụ,..

Đối với giáo viên tiểu học được “cởi trói” bằng việc dự kiến cho dạy thêm ngoài nhà trường nhưng đối tượng hưởng lợi chỉ chiếm khoảng 50%, đa số sẽ là giáo viên chủ nhiệm và một số ít các môn đặc thù như ngoại ngữ, năng khiếu,…

Đối tượng hưởng lợi thứ hai là những giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được dạy thêm học sinh chính khóa mà không cần phải được sự đồng ý của hiệu trưởng, họ sẽ dạy thêm nhiều hơn, thu nhập sẽ tăng lên đáng kể.

Lực lượng này chủ yếu gồm các môn Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học một số ít học thêm môn Ngữ văn.

Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có “mở”, “thoáng” tối đa thì vẫn chỉ có một nhóm giáo viên được hưởng lợi, không làm tăng thu nhập chung của giáo viên nhưng nó lại làm gia tăng chênh lệch thu nhập giữa giáo viên dạy thêm và người không dạy, gây một số bất công nhất định.

Giáo viên thu được tiền dạy thêm càng nhiều thì càng có nhiều phụ huynh khổ, vất vả, tìm đủ mọi cách để có tiền cho con em họ học thêm.

Rất nhiều lý do để hạn chế, siết dạy thêm thay vì “mở”

Với tình hình học tập hiện nay, người viết cho rằng nên siết quản lý dạy thêm học thêm chặt chẽ hơn vì các lý do sau:

Thứ nhất, tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở tốt nghiệp gần như 100%

Mỗi cấp học đều có giai đoạn quan trọng đánh dấu bước chuyển giao, hiện nay cấp tiểu học, trung học cơ sở đã giảm áp lực, không còn thi tốt nghiệp mà chuyển sang hình thức xét tốt nghiệp và việc xét thời gian qua gần như 100% đạt, tức chất lượng giảng dạy, chất lượng đã được nâng cao nên dự định “thoáng” hơn trong dự thảo dạy thêm chưa thật sự thuyết phục.

Ví dụ như học sinh tiểu học tuổi nhỏ, lứa tuổi cần chơi nhiều hơn học, đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày, dự kiến cho phép giáo viên tiểu học được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy học sinh chính khóa nhằm mục đích gì chưa được ai lý giải, khó thuyết phục.

Thứ hai, tỷ lệ tốt nghiệp cấp trung học phổ thông cũng tiệm cận 100%

Một kỳ thi rất quan trọng là tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay đã tiệm cận mức 100%,… Các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ tuyển sinh theo hình thức bài thi năng lực, xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc xét tuyển dựa vào điểm học bạ,…nên việc học thêm cũng chưa phải là cấp bách hay thời điểm để mở cho việc dạy thêm “thoáng” hơn mà nên tập trung vào thực hiện mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng, học sinh ở lại càng ít

Nhìn vào kết quả học tập hiện tại thành tích học tập của học sinh bây giờ tôi thấy số lượng học sinh giỏi và xuất sắc ở các bậc học có xu hướng cao hơn chương trình cũ, thành tích năm sau cao hơn năm trước, một lớp rất ít em học lực yếu và trung bình. Vậy học thêm để làm gì, có thật sự cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại?

Một số lớp học sinh giỏi, xuất sắc 50-60%, nếu mở cho dạy thêm được “thoáng” hơn, chấp nhận hoạt động học thêm, dạy thêm thì phải chăng việc đánh giá chất lượng học sinh hiện nay tại hầu hết các trường chưa đúng thực chất? Hay chương trình mới vẫn phải nhờ học thêm để nâng cao chất lượng khá và giỏi nhiều hơn nữa?

Thứ tư, giáo viên chỉ được dạy thêm ngoài giờ hành chính là hợp lý

Mở, “thoáng” dạy thêm học thêm liệu có hợp lý khi giáo viên là viên chức, ngoài tiết dạy được phân công phải thực hiện các công việc khác trong giờ hành chính.

Đã đến lúc công bằng giáo viên và các viên chức khác không thể lấy giờ hành chính để dạy thêm thu tiền.

Vì lấy giờ hành chính để dạy thêm nên có giáo viên bỏ bê công việc trường, dạy thêm thu nhập vài chục triệu mỗi tháng, đi kèm là bức xúc của phụ huynh.

Bác sĩ làm thêm cũng làm ngoài giờ hành chính, giáo viên dạy thêm thu tiền cũng phải nên dạy ngoài giờ hành chính, là viên chức đơn vị sự nghiệp công lập không thể lấy giờ hành chính để dạy thêm thu tiền được, muốn dạy thì phải dạy miễn phí vì giờ hành chính là thời gian làm việc viên chức.

Thứ năm, còn dạy thêm chính khóa là còn bất cập

Người viết cho rằng từ tiểu học đến trung học phổ thông còn cho phép dạy thêm học sinh chính khóa thì sẽ khó đánh giá chính xác chất lượng học tập của học sinh khi học thêm nhiều.

Đi dạy hơn 20 năm, tôi thấy khi học sinh đã tham gia học thêm ở nhà thầy cô chính khóa thì không có học sinh nào đóng tiền đầy đủ mà tổng kết điểm trung bình môn học thêm dưới trung bình hay ở lại.

Giáo viên dạy thêm thu tiền, ra đề, chấm bài,..thì đủ mọi cách để điểm số được nâng lên, học sinh giỏi trở thành… đại trà.

Thứ sáu, nhiều phụ huynh còn khó khăn, phải lo tiền học thêm là thêm gánh nặng

Ai cũng muốn con mình đi học được giáo viên thương yêu, dạy hết mình, được đối xử công bằng, để các em không bị tủi thân,…

Còn dạy thêm chính khóa, thì giáo viên sẽ còn đối xử thiếu công bằng với học sinh đi học và không. Phụ huynh còn khổ sở lo kinh phí cho con học thêm.

Không ít phụ huynh làm nông dân, công nhân,..đời sống khó khăn, phải lo ăn từng ngày nhưng vẫn phải cố để cho con họ được học thêm nhằm mong được đối xử công bằng, để bé không tủi thân, bỏ học,…

Mỗi năm học, học sinh có đóng các khoản tiền học phí, bảo hiểm y tế, thân thể,…cả năm chỉ là con số rất nhỏ so với tiền học thêm. Người viết đã khảo sát rất nhiều gia đình phụ huynh và chính tiền học thêm mới là là gánh nặng lớn nhất với họ.

Môi trường giáo dục tốt nhất khi giáo viên chuyên tâm, dạy hết mình, thương yêu học sinh khi học sinh ít học thêm và nếu học thêm thì không học giáo viên dạy chính khóa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi