Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý và sự việc này đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhận rất nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo mới này.
Là một giáo viên đứng trên bục giảng 20 năm, giữ nhiệm vụ quản lý, đọc toàn bộ dự thảo quy định mới về dạy thêm, học thêm, người viết khá lo lắng vì lo sợ việc dạy thêm học thêm sẽ tràn lan, học sinh sẽ mất đi thời gian tự học, chưa đúng tinh thần dạy và học theo chương trình mới rèn năng lực và phẩm chất, rèn kỹ năng sống, tự học,…
Hai điểm mới, thoáng của dự thảo dạy thêm, học thêm gây tranh luận nhiều thời gian qua
Một là, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.”
Đối với dự thảo mới nêu: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.”
Dự thảo mới cơ bản cho phép giáo viên tiểu học được phép dạy thêm ngoài nhà trường, người viết cho rằng dự thảo mới là bước “lùi”, cho phép học sinh tiểu học, lứa tuổi còn nhỏ, được học thêm ngoài nhà trường hay học với giáo viên chính khóa là điều không nên khi chương trình mới tiểu học được xây dựng dạy 2 buổi ngày, nếu đã học 2 buổi/ngày, thời gian nào để học sinh tiểu học học thêm ngoài nhà trường, học sinh dễ quá tải, áp lực, trầm cảm,…
Trước đây Thông tư 17 cấm giáo viên dạy thêm đối với tiểu học mà giáo viên vẫn lén lút dạy thêm, gây nhiều bức xúc, nay dự tính cho phép dạy thêm đối với tiểu học dễ khiến tình hình chuyển biến xấu hơn, dễ gây bức xúc hơn.
Không quy định cụ thể dễ dẫn đến học sinh tiểu học học cả ngày ở trường, giáo viên “kéo” học sinh ra ngoài học thêm ban đêm, học cả thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí vào các ngày lễ, tết,..
Hai là, Thông tư 17 quy định: “Quy định giáo viên công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý (hiệu trưởng).”
Dự thảo mới quy định: “Giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa không cần xin phép hiệu trưởng. Tuy nhiên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học thêm.”
Điểm mới này gây nhiều băn khoăn, nhiều ý kiến đề xuất vẫn nên cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa lý do nhiều tiêu cực, o ép học sinh dạy thêm bắt nguồn tự dạy học chính khóa, nếu giáo viên dạy thêm tốt, giỏi học sinh sẽ tự tìm đến học, cho phép dạy chính khóa dễ khiến giáo viên “chưa giỏi” dùng chiêu trò lôi kéo, ép buộc học sinh học thêm.
Người viết cho rằng trong điều kiện hiện nay, khi dạy thêm còn nhiều bất cập thì duy trì cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa là cần thiết.
Còn nhiều băn khoăn khác trong dự thảo dạy thêm, học thêm
Bên cạnh 2 nội dung nhận được ý kiến trái chiều trên, dự thảo dạy thêm, học thêm còn nhận nhiều băn khoăn khác như:
Tại khoản 4,5 Điều 3 Nguyên tắc dạy thêm học thêm nêu: “4. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.”
Quy định tại khoản 4 không mới tuy nhiên theo nhận xét còn chung chung, mơ hồ, giáo viên dễ “lách” để dạy thêm tràn lan, trái quy định, việc không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh, giáo viên cũng sẽ có nhiều cách để không vi phạm.
Ví dụ, đề kiểm tra môn Toán có câu hỏi giải phương trình 2x - 5= 8, giáo viên dạy thêm trước ngày kiểm tra sẽ tập trung luyện kỹ 2x-5 = 9 hay 2x-4 = 8 thì cũng không sai quy định.
Người viết không đồng tình với việc quy định “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày” chỉ quy định với dạy thêm trong nhà trường mà nên cả với ngoài nhà trường. Học sinh đã học 2 buổi/ngày là đã tốn nhiều sức lực, trí lực, nếu học thêm sẽ bị quá tải, học quá nhiều dễ gây tác dụng ngược.
Dự thảo mới dự kiến cho phép Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm cũng gây nhiều ý kiến trái chiều, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, lãnh đạo nên thời gian làm việc 40 giờ/tuần đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác, quản lý kiểm duyệt đề kiểm tra, quản lý tài chính, chuyên môn,…nên dự thảo dự kiến cho phép hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm là chưa thật sự phù hợp, nên nghiên cứu lại cẩn trọng.
Dự thảo dạy thêm học thêm quá “thoáng” thì công tác quản lý của hiệu trưởng sẽ càng khó khăn hơn khi giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường là một hình thức kinh doanh theo Luật đầu tư, giáo viên dạy ở nhà hay trung tâm dạy thêm, hiệu trưởng không có đủ thẩm quyền, chức năng kiểm tra, xử lý,..
Kiến nghị có quy định, tiêu chuẩn đối với người dạy thêm ngoài nhà trường
Đọc toàn văn dự thảo về dạy thêm học thêm mới, người viết không thấy yêu cầu cụ thể về năng lực, tiêu chuẩn, thời gian giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, điều này ngầm hiểu là dù giáo viên phấn đấu hay không phấn đấu cũng sẽ được dạy thêm nếu báo cáo đầy đủ với hiệu trưởng.
Do đó, người viết xin được có các góp ý về điều kiện, tiêu chuẩn,….giáo viên được dạy thêm bên ngoài nhà trường như sau:
Thứ nhất, giáo viên được cấp giấy phép dạy thêm hàng năm, do hiệu trưởng cấp. Giáo viên có nhu cầu được cấp giấy phép hành nghề dạy thêm ngoài nhà trường nếu trong vòng 3 năm liền kề được công nhận giáo viên giỏi hoặc có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên, điều này để giáo viên phấn đấu, không vì dạy thêm không tham gia rèn luyện phương pháp giảng dạy, hay không tham gia phong trào, hội thi,...không xao nhãng việc chung.
Bên cạnh đó, giáo viên còn phải đạt tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ,…
Thứ hai, giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường không vượt quá 50% tiết dạy định mức trung bình/tuần theo quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông.
Ví dụ, giáo viên trung học cơ sở định mức trung bình 19 tiết/tuần, thì chỉ được dạy thêm ngoài nhà trường không quá 9,5 tiết/tuần, để đảm bảo phù hợp chế độ làm việc, nghỉ ngơi.
Thứ ba, giáo viên là viên chức nên giống như bác sĩ muốn làm thêm (dạy thêm) phải thực hiện ngoài giờ hành chính.
Người viết cho rằng để dạy thêm học thêm thực chất, mang lại hiệu quả có lợi cho người dạy, người học về tâm sinh lý, sức khỏe,…và có lợi cho cơ quan quản lý thì nên có những quy định cụ thể, chi tiết, tránh quy định mơ hồ, chung chung.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.