Thời điểm đầu năm học, nhiều trường học ráo riết thúc giục giáo viên hoàn thành các kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và của từng giáo viên để phê duyệt. Chỉ riêng thời gian để hoàn thành các kế hoạch đầu năm nhiều khi cũng khiến giáo viên nhức hết cả đầu.
Không ít thành viên Ban giám hiệu nhà trường chưa thực sự nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của ngành nên yêu cầu thực hiện những kế hoạch vô lí. Giáo viên lên tiếng phản biện thì cho là chống đối và tỏ thái độ.
Mặc dù ngành nói nhiều đến chuyển đổi số trong giáo dục nhưng cách thực hiện các kế hoạch vẫn không có gì thay đổi. Nhiều văn bản cấp trên gửi về qua email, nhà trường chuyển tiếp cho giáo viên nhưng vẫn yêu cầu in ấn để lưu hồ sơ. Trong khi, chỉ cần vào tìm kiếm trong email cũ là có hết.
Giáo viên được yêu cầu có những kế hoạch, hồ sơ gì?
Theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, cấp bậc tiểu học sẽ căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên và tổ chuyên môn, tổ văn phòng rất cụ thể.
Đối với giáo viên có Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm); Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).
Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng: Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của tổ.
Cấp bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với tổ chuyên môn và giáo viên.
Đối với tổ chuyên môn có 2 loại kế hoạch, hồ sơ, bao gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.
Đối với giáo viên có các loại kế hoạch, hồ sơ sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Bên cạnh những hướng dẫn về xây dựng các kế hoạch, các loại hồ sơ của giáo viên thì ngày 18 tháng 01 năm 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Chỉ thị đã nêu rõ: “Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp nhưng đến nay vẫn còn tình trạng giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của giáo viên.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:
1. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Các cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và của giáo viên. Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí quản trị tổ chức, hành chính nhà trường theo Điều 5 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông”.
Với những hướng dẫn cụ thể, tường minh như vậy, nếu các nhà trường nghiên cứu, thực hiện đúng chỉ đạo thì giáo viên bớt khổ, họ không phải thực hiện nhiều loại kế hoạch vô nghĩa. Lãng phí thời gian và tiền in ấn hàng năm của giáo viên.
Có những trường học đang lấy các phụ lục trong Công văn 5512 triển khai máy móc ở trường mình
Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Cùng với nội dung hướng dẫn, Công văn 5512 cũng ban hành thêm một số phụ lục theo từng loại kế hoạch.
Tuy nhiên, trước việc nhiều địa phương áp dụng máy móc các phụ lục trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH cho đội ngũ giáo viên lên tiếng, không đồng tình. Vì thế, ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022, trong đó có nội dung:
“Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)”.
Như thế, việc xây dựng các kế hoạch giáo dục trong nhà hiện nay không bắt buộc phải theo mẫu Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, mà chỉ dùng để tham khảo.
Vậy nhưng, thực tế vẫn có những trường học yêu cầu thực hiện xây dựng các kế hoạch theo các phụ lục của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH nên gây quá tải cho giáo viên, đặc biệt là đội ngũ tổ trưởng chuyên môn.
Chẳng hạn, chỉ 1 cái phân phối chương trình nhưng có trường yêu cầu tổ trưởng chuyên môn xây dựng Khung phân phối chương trình môn học (hiệu trưởng ký); Phân phối chương trình (Phụ lục 1) trong Kế hoạch dạy học các môn học do tổ trưởng ký và trình ban giám hiệu duyệt. Khung phân phối chương trình; Phân phối chương trình Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học.
Ngoài ra, các kế hoạch tích hợp Quốc phòng, an ninh; tích hợp đạo đức, lối sống…cũng được thiết kế trên cơ sở phân phối chương trình môn học. Chỉ chuyện làm phân phối chương trình thì tổ trưởng chuyên môn phải làm đến 4 loại khác nhau. Mỗi loại, lại có sự thêm bớt cột để điền các thông tin, nội dung tương ứng.
Một số môn học nhiều tiết (môn Toán; Khoa học tự nhiên; Ngữ văn 140 tiết/ lớp/ năm) việc thực hiện chỉ riêng phân phối chương trình cũng tốn khá nhiều thời gian. Bởi, phân phối chương trình chỉ là một đầu việc trong vô số đầu việc xây dựng các kế hoạch đầu năm học của các tổ chuyên môn và giáo viên.
Vì thế, đầu năm học chỉ riêng việc xây dựng các loại kế hoạch, ký và trình Ban giám hiệu duyệt các loại kế hoạch cũng khiến cho nhiều thầy cô giáo mệt mỏi, áp lực. Không lên tiếng thì cứ phải miệt mài làm kế hoạch này đến kế hoạch khác và có những loại thừa thải, không hợp lý; lên tiếng thì nhiều khi cho là chống đối.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.