Trước thềm năm học 2023-2024, ngày 03/8 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024 đã hướng dẫn: “Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học;
Việc xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh”. [2]
Câu chuyện giáo án được giáo viên than phiền khá nhiều trong thời gian vừa qua. Theo đó, đối với giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang dạy chương trình 2018 hiện nay thực hiện soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2020.
Cũng từ đây, tình trạng mua bán giáo án được nở rộ và rất nhiều giáo viên ở các nhà trường đều phải mua (xin) giáo án nhằm đối phó với việc kiểm tra, ký duyệt hàng tháng bởi không mấy giáo viên có thể ngồi mà soạn giáo án một cách đầy đủ các bước như hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH bởi nó quá dài dòng, nhiêu khê.
Chính vì vậy, tình trạng “đồng phục” giáo án giữa các môn học hiện nay không chỉ xảy ra trong từng trường, từng huyện mà giáo án có thể với giáo viên nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512 được Bộ triển khai đồng bộ trong các đợt tập huấn (Ảnh minh họa: Ánh Dương) |
Áp lực thực hiện các kế hoạch giáo dục khi thực hiện chương trình mới
Các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì nhiều, nhất là đối với những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn. Đặc biệt, kế hoạch bài dạy (giáo án) của tất cả giáo viên hiện nay nếu làm đúng hướng dẫn sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc in ấn.
Hiện nay, giáo án theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đối với giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã có tính pháp lý kể từ khi bắt đầu triển khai giảng dạy chương trình 2018.
Điều này đã được cụ thể hóa trong một số module mà Bộ đã tập huấn cho giáo viên trước đây, rõ nhất là module 4. Và bây giờ, khi tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên thì các tác giả sách giáo khoa cũng đều hướng dẫn lại giáo án này cho giáo viên các môn học.
Sự thay đổi hình thức từ “giáo án” đổi thành “kế hoạch bài dạy” càng thêm rắc rối cho đội ngũ nhà giáo bởi để có 1 buổi dạy trên lớp, buộc giáo viên phải soạn đến hàng chục trang giáo án dài lê thê với vô vàn các bước, các hoạt động. Bởi, đa phần giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đều đang được phân công giảng dạy hai khối lớp khác nhau.
Những giáo viên được phân công kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp phải soạn thêm giáo án Hoạt động trải nghiệm; những giáo viên dạy môn Nội dung giáo dục địa phương cũng phải soạn thêm 1 phân môn nữa.
Vì thế, nếu soạn đúng hướng dẫn, có một số môn, giáo viên phải soạn mấy chục trang giáo án/ tuần. Ví dụ, giáo viên Ngữ văn cấp trung học cơ sở được phân công dạy 2 khối lớp (môn học này mỗi lớp có 4 tiết/ tuần) và chủ nhiệm lớp, mỗi tuần giáo viên phải soạn giáo án cho 8 tiết Văn và giáo án Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp.
Có những tiết Ngữ văn (phần văn bản) hiện nay, nếu giáo viên soạn đúng các hoạt động dạy học theo hướng dẫn có khi lên đến trên dưới 10 trang A4 vì có rất nhiều câu hỏi sau bài học mà tác giả sách giáo khoa yêu cầu là giải quyết hết các câu hỏi và có thể mở rộng thêm. Trong khi, mỗi câu hỏi đều phải trải qua nhiều bước khác nhau. Từ giao nhiệm vụ, dự kiến sản phẩm, báo cáo, nhận xét đều phải trình bày trong giáo án.
Bản thân người viết, 1 lần kiểm tra nội bộ trong năm học vừa qua về chuyên đề hồ sơ sổ sách của giáo viên tổ Ngữ văn phải choáng ngợp khi thấy giáo viên soạn 1 chủ đề bài học (12 tiết) nhưng in tới 130 trang A4. Chưa cần đọc nội dung, chỉ lật số trang cũng thấy ám ảnh.
Bên cạnh giáo án, giáo viên còn phải hoàn thiện các loại hồ sơ sổ sách khác, ra đề kiểm tra theo ma trận, sổ theo dõi ghi chép các loại, rồi quy định dự giờ đồng nghiệp, hội giảng, sáng kiến kinh nghiệm, chấm trả bài, tham gia các hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm hàng tháng…
Vì thế, nếu giáo viên làm đúng, trách nhiệm với nghề, ban ngày giảng dạy, tham gia các hoạt động giáo dục ở trường, đêm về soạn bài, chuẩn bị bài mới, chấm bài khiến cho thời gian đã kín ngày.
Không nên máy móc áp dụng Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512
Kể từ khi Bộ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 và lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023 vừa qua đều được hướng dẫn các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.
Khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chuyện soạn giáo án của giáo viên, thầy Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: “Mỗi bài học sẽ có 2 hoạt động chính, đó là “Học lý thuyết” (Hoạt động 2: Kiến thức mới) và “Làm bài tập” (Hoạt động 3: Luyện tập). Ngoài ra cần có “Vào bài” (Hoạt động 1: Xác định vấn đề/Nhiệm vụ học tập/Mở đầu) và “Vận dụng” (Hoạt động 4: Vận dụng).
Hoạt động “Vận dụng” được thực hiện sau 1 bài hoặc 1 nhóm bài là “hoạt động mở”, giáo viên đưa ra “Câu hỏi mở” để học sinh thực hiện chủ yếu ở ngoài giờ học trên lớp” [1].
Thầy Thành còn chia sẻ thêm: “Kế hoạch bài dạy (giáo án) là yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có khi dạy học và đã được quy định tại Điều lệ nhà trường. Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án.
Việc trình bày Kế hoạch bài dạy (giáo án) thế nào do giáo viên quyết định nhưng mỗi bài học phải rõ về mục tiêu bài dạy; thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng; tiến trình tổ chức hoạt động dạy học.
Mỗi Câu hỏi/Lệnh để tổ chức hoạt động học cho học sinh phải bảo đảm rõ về mục đích, nội dung và sản phẩm hoạt động nhìn thấy (viết, vẽ, nói, làm) mà học sinh thực hiện được. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay. [2]
Trước bất cập này, giáo viên lên tiếng về sự rườm rà, phức tạp khi soạn giáo án 5512, khi bắt đầu triển khai chương trình mới, Bộ ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Theo Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH, Bộ đã hướng dẫn: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)”.
Thế nhưng, ở trước câu này thì Bộ lại chỉ đạo: “Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512)”.
Hơn nữa, trong nội dung tập huấn module 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, các giảng viên và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã nói, đã hướng dẫn khá kĩ về các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512.
Trước thềm năm học 2023-2024, ngày 03/8 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024 đã có nhấn mạnh đến nội dung về giáo án.
Bộ hướng dẫn việc xây dựng giáo án :"tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy" nhưng phía trên lại hướng dẫn "bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học" nên về cơ bản giáo viên vẫn phải thực hiện đầy đủ chứ cũng không thể bỏ được hoạt động nào, bước nào trong giáo án.
Vì thế, dù muốn, dù không thì giáo viên đều phải soạn kế hoạch bài dạy theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, nếu không thực hiện đúng, đầy đủ các bước thì việc thanh, kiểm tra của cấp phòng, sở giáo dục sẽ bị góp ý, nhắc nhở. Đó là chưa kể khi triển khai nhiệm vụ ở các nhà trường, có những Ban giám hiệu còn “sáng tạo thêm” một số đề mục nữa, khiến các kế hoạch giáo dục càng dài dòng, phức tạp hơn.
Chính vì nó dài dòng, rườm rà và thậm chí nhiều mục cứ phải liệt kê trùng lặp nên phần nhiều giáo viên hiện nay khi dạy chương trình mới đều "bỏ qua" khâu soạn giáo án lên lớp- đó là một thực tế. Phần nhiều giáo viên bỏ tiền ra mua giáo án, hoặc vài người chung nhau mua một bộ giáo án rồi chia sẻ cho nhau cùng dạy và phục vụ cho việc ký duyệt và kiểm tra của cấp trên.
Từ đây, dẫn đến việc đồng phục giáo án, đề kiểm tra giữa giáo viên trong các nhà trường với nhau. Thời điểm này, “thị trường” giáo án đầu năm học đang khá sôi động, nhộn nhịp, nhất là giáo án lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Điều này thể hiện rõ trên các trang mạng xã hội được giáo viên các bộ môn lập ra với mục đích chính là bán, mua giáo án chương trình mới.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd
[2] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3899-BGDDT-GDTrH-2023-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024-574670.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.