Đánh giá, xếp loại giờ đã khác, chế độ tài chính cho HS nội trú cần thay đổi

14/10/2024 06:25
Lương Hiền

GDVN - Theo lãnh đạo các trường phổ thông dân tộc nội trú, Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT đã triển khai 15 năm đến nay có nhiều bất cập cần sửa đổi. 

Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, ban hành ngày 29/05/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, giúp đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cho các em.

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, nhiều nội dung của thông tư không còn phù hợp với thực tế hiện nay khiến cho thầy và trò trường phổ thông dân tộc nội trú gặp nhiều khó khăn. Những bất cập này đòi hỏi sự thay đổi và điều chỉnh kịp thời để phù hợp hơn với điều kiện hiện tại.

Giá cả leo thang, mức hỗ trợ không đủ chăm lo cho học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cho biết, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh theo Thông tư 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT đã tạo động lực cho con em đồng bào dân tộc trong huyện đang học tập tại trường yên tâm hơn. Các em có tinh thần vươn lên đạt kết quả cao trong rèn luyện, tu dưỡng, góp phần tích cực trong công tác giáo dục tại trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá cả thị trường, mức sống, điều kiện sinh hoạt hiện nay đã thay đổi so với 15 năm trước khi Thông tư ban hành dẫn đến có nhiều bất cập khi thực hiện. Một trong những bất cập đó là học sinh lớp 10 khi nhập trường được nhà trường hỗ trợ 1 lần các đồ dùng cá nhân như: chăn bông, màn, chiếu cá nhân, áo bông, nilon đi mưa, quần, áo dài tay (đồng phục)... Tuy nhiên, các đồ dùng như chăn, màn, chiếu dễ bị hư hỏng nên rất khó để học sinh sử dụng được trong suốt 3 năm học tập tại nhà trường. Đối với áo bông, đồng phục, các em học sinh đang trong độ tuổi phát triển nên quần áo học sinh mặc cũng không thể dùng xuyên suốt 3 năm.

Thầy Vũ Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông. (Ảnh: NVCC)
Thầy Vũ Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông. (Ảnh: NVCC)

Thầy Hồng cho biết thêm, mức chi 50.000 đồng/học sinh/năm để bổ sung và sửa chữa dụng cụ nhà ăn còn khá thấp, gây ảnh hưởng đến việc mua sắm và bảo trì trang thiết bị của nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh ở lại trường vào dịp Tết Nguyên đán hoặc tết cổ truyền của dân tộc miền núi, với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại. Tuy nhiên, do sự biến động lớn của giá cả thị trường so với năm 2009, mức chi này hiện không đủ để đảm bảo tổ chức Tết cho các em một cách trọn vẹn.

Về tiền tàu xe, học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp tết hoặc dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, có nhiều xã trong huyện Điện Biên Đông không có phương tiện vận tải công cộng nên không tính được tiền vé tàu xe cho học sinh.

Về vấn đề chi phí nước sinh hoạt, thầy Hồng cho biết, Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT quy định kinh phí dùng cho lắp đặt máy bơm nước hoặc đào giếng. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với điều kiện của nhà trường. Do trường nằm trên núi cao, để có nước sinh hoạt cho học sinh, nhà trường phải thuê thợ khoan giếng với độ sâu từ 50-70m mới có nước.

Về mức học bổng, hiện tại học sinh đang được hưởng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước (tương đương 1.872.000 đồng), số tiền này chủ yếu được dùng để chi trả cho tiền ăn. Tuy nhiên, do giá cả thị trường tăng hàng năm, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình các em học sinh vẫn còn khó khăn nên gây trở ngại cho các trường học trong việc chăm sóc học sinh.

Bên cạnh đó, theo thầy Hồng, Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT quy định, học sinh có thành tích học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên trong năm học trước sẽ được nhà trường thưởng một lần/năm: 400.000 đồng cho học sinh đạt khá, 600.000 đồng cho học sinh đạt giỏi và 800.000 đồng cho học sinh đạt xuất sắc.

Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại học sinh đã được thay đổi theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông nên Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT cũng cần sửa đổi cho phù hợp.

Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). (Ảnh: NTCC)
Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). (Ảnh: NTCC)

Cũng theo thầy Hồng, đặc thù của các trường nội trú là việc ăn ở của học sinh được chăm sóc hoàn toàn tại trường. Do đó, một số vị trí như bảo vệ, nhân viên cấp dưỡng, quản sinh... đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống vận hành của trường. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh về nhân sự, chế độ chính sách hợp lý cho các vị trí này.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Trường Lâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mèo Vạc (thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT đã thực hiện được 15 năm, đến nay, một số nội dung trong thông tư đã không còn phù hợp.

Theo nội dung trong Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, học sinh khi nhập học sẽ được nhà trường cấp phát một lần một số đồ dùng cá nhân bằng hiện vật. Tuy nhiên, việc cấp áo mưa cho học sinh vẫn chưa thực sự tiện lợi. Nếu các em được cấp ô, việc di chuyển trong khuôn viên trường, đặc biệt trong những ngày mưa, sẽ thuận tiện và hiệu quả hơn.

Hiện tại, đồng phục chỉ được cấp một lần từ khi học sinh vào lớp 6, nhưng đến lớp 9, nhiều em đã không còn mặc vừa. Vì vậy, mỗi năm nên cấp đồng phục mới để phù hợp với sự phát triển của các em.

Thầy Nguyễn Trường Lâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mèo Vạc. (Ảnh: NVCC)
Thầy Nguyễn Trường Lâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mèo Vạc. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Lâm, học sinh hiện nay không chỉ cần ăn no mà cần ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Vì vậy, việc cấp gạo quá nhiều có thể gây khó khăn trong khâu bảo quản. Mức học bổng hiện tại nên được nâng lên 90%. Bên cạnh đó, việc cấp vật phẩm cần quy định linh hoạt hơn trong việc mua sắm, sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Thay vì mua áo bông theo quy định, có thể cấp áo rét phù hợp với mùa đông. Điều này sẽ giúp nhà trường quản lý tài chính hiệu quả hơn và đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của học sinh.

Cũng theo thầy Lâm, đặc thù của các trường nội trú là học sinh ăn ở và sinh hoạt hoàn toàn tại trường. Đối với các môn học sinh cần sử dụng để xét tuyển đại học, giáo viên thường phải dạy nhiều hơn, lên đến 2 buổi/ngày, nhưng hiện tại chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ cho giáo viên đảm nhiệm khối lượng công việc này. Ngoài ra, các nhân viên phục vụ như y tế, thư viện, quản lý thiết bị... cũng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng tương tự giáo viên. Nên có thêm chế độ phụ cấp cho những nhân viên này.

Trong khi đó, cô Bùi Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết, thực tế có thêm một số khoản chi phí phát sinh với các trường dân tộc nội trú nhưng chưa được quy định trong Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGD&ĐT. Cụ thể như chi phí vệ sinh môi trường, kinh phí sửa chữa đường điện, nước trong phòng ở của học sinh...

Danh mục hiện vật cấp phát cho học sinh cũng không phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng. Theo đó, các đồ dùng như chăn, áo bông, giấy, vở, giấy màu thủ công... một số loại không phù hợp với học sinh nội trú cần được chuyển đổi sang đồ dùng khác chẳng hạn như nilon đi mưa nên chuyển thành ô.

Đề xuất điều chỉnh chính sách hỗ trợ học sinh và nhân viên tại các trường dân tộc nội trú

Từ những khó khăn khi thực hiện, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông đề xuất xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Cụ thể, thầy Hồng đề xuất cần nâng mức học bổng cho học sinh lên bằng 100% mức lương cơ sở. Đồng thời, thay đổi việc cấp phát đồ dùng cá nhân như chăn bông, áo bông và nilon đi mưa (áo mưa) thành các vật dụng tiện lợi hơn, bao gồm chăn ấm, ô và áo ấm. Ngoài ra, mỗi năm, học sinh nên được cấp 1 áo ấm và 2 bộ đồng phục (bao gồm cả dài tay và ngắn tay).

Bên cạnh đó, với quy định học sinh được hỗ trợ tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 2 lần (bao gồm cả lượt đi và lượt về) để về thăm gia đình vào dịp Tết và nghỉ hè, trường hợp không có phương tiện công cộng, nhà trường sẽ lập bảng kê khai tiền vé dựa trên quãng đường và chi trả theo mức khoán/km do địa phương quy định.

Về mức chi cho Tết Nguyên đán, đề xuất quy định nhà trường tổ chức mừng Tết cho học sinh với mức 100.000 đồng/học sinh. Đồng thời, cần tăng kinh phí hàng năm cho việc bổ sung và sửa chữa dụng cụ nhà ăn, cũng như nâng mức chi để thuê thợ khoan giếng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của học sinh trong trường.

"Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ ràng về số lượng nhân viên, cụ thể là cần bao nhiêu biên chế hoặc hợp đồng cho các vị trí như nhân viên cấp dưỡng, quản sinh, bảo vệ... trên tổng số học sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú.

Về chế độ chính sách, các vị trí như bảo vệ, nhân viên cấp dưỡng, quản sinh… tại trường phổ thông dân tộc nội trú cũng cần được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù như chế độ của giáo viên tại trường phổ thông dân tộc nội trú”, thầy Hồng đề xuất.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Trường Lâm cũng đưa ra một số kiến nghị điều chỉnh Thông tư liên tịch 109.

Thứ nhất, không nên quy định cố định việc cấp áo bông mà nên linh hoạt thành áo rét phù hợp với thời tiết. Nếu cứ giữ nguyên quy định về áo bông, việc tìm mua đúng loại này sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa ngôn ngữ trong các quy định nên mở rộng để thuận tiện cho việc thanh kiểm tra công tác tài chính, đồng thời tạo điều kiện cho các trường thực hiện mua sắm dựa trên đặc thù của từng địa phương.

Thứ hai, nhân viên phục vụ và giáo vụ nên được hưởng phụ cấp giống giáo viên, tức là 0,3% hệ số phụ cấp trách nhiệm so với mức lương tối thiểu, nhân viên phục vụ và giáo vụ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhà trường, việc có chế độ phụ cấp sẽ ghi nhận công sức của họ và khuyến khích họ làm việc.

Thứ ba, cần có chế độ chính sách đối với giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Trong các trường nội trú, giáo viên thường phải dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế độ phụ cấp cụ thể dành cho giáo viên.

Thứ tư, đối với trường nội trú liên cấp, nên có 3 phó hiệu trưởng để đảm nhiệm công việc theo đúng đặc thù của trường.

Học sinh trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mèo Vạc. (Ảnh: NTCC)
Học sinh trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mèo Vạc. (Ảnh: NTCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Yên Bình cho biết, nên xem xét việc trừ tiết cho giáo viên chủ nhiệm các trường nội trú, hiện đang trừ 4 tiết giống các trường phổ thông bình thường nhưng giáo viên chủ nhiệm trường nội trú mức độ làm việc đặc biệt hơn.

Cô Thoa chia sẻ thêm, mặc dù chế độ học bổng của học sinh đã được điều chỉnh theo mức lương mới, nhưng do giá cả thị trường tăng cao, việc tính toán chi phí suất ăn của các em vẫn gặp nhiều khó khăn cho nhà trường vì phải bao gồm cả chi phí chất đốt và các phụ gia khác. "Tôi đề xuất cần hỗ trợ kinh phí cho chi phí chất đốt sử dụng nấu ăn cho học sinh," cô Thoa cho biết.

Bên cạnh đó, cô Thoa cũng kiến nghị, cần có chế độ phụ cấp cho các nhân viên tại trường dân tộc nội trú, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia công tác chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh.

Lương Hiền