Khó tinh giản theo NĐ120, trường nội trú kiến nghị giữ nguyên 3 phó hiệu trưởng

07/06/2023 06:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đảm bảo hiệu quả triển khai nhiệm vụ chuyên biệt, lãnh đạo trường nội trú mong có 4 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng, 3 phó hiệu trưởng).

Theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập đã có hiệu lực từ ngày 01/12/2020 thì những cơ sở giáo dục nếu còn bố trí 3 phó hiệu trưởng là chưa đúng quy định.

Tuy nhiên, thực tế là bên cạnh những trường đã thực hiện thì cũng có một số trường trung học phổ thông dân tộc nội trú gặp khó trong việc bố trí lại số lượng vị trí cấp phó theo Nghị định số 120.

Thầy và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông An Giang. (Nguồn ảnh: Báo An Giang).

Thầy và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông An Giang. (Nguồn ảnh: Báo An Giang).

Chia sẻ về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Hồng Việt – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình cho biết, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ là chủ trương đúng đắn, phù hợp, góp phần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, nhà trường chưa tổ chức lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị định số 120 vì còn một số vướng mắc. Nếu thực hiện theo Nghị định số 120, trường sẽ 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng.

Thầy Việt chia sẻ, ngoài tổ chức các hoạt động dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhà trường có thêm một chức năng nhiệm vụ là chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh dân tộc nội trú, thực hiện công tác giáo dục văn hoá dân tộc, giáo dục dạy nghề truyền thống cho học sinh theo yêu cầu địa phương.

“Các trường trung học phổ thông khác (không phải trường chuyên biệt) bố trí tổ chức 2 phó hiệu trưởng (1 người phụ trách công tác hoạt động chuyên môn, 1 người phụ trách công tác bảo đảm cơ sở vật chất, lao động, hoạt động trải nghiệm giáo dục) là hài hoà, hợp lý. Nhưng đặc thù của trường nội trú nói chung là có thêm chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Do đó, theo tôi, để đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả các nhiệm vụ, thì trường nội trú cần có 4 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng)", thầy Việt chia sẻ.

Hiện nay, đối với cấp phó, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình tổ chức nhân sự gồm: 1 phó hiệu trưởng phụ trách hoạt động chuyên môn, hoạt động dạy và học, 1 phó hiệu trưởng phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp, an ninh trật tự, cơ sở vật chất, 1 phó hiệu trưởng phụ trách công tác chăm sóc sức khoẻ, quản lý ký túc xá, giáo dục văn hoá dân tộc, công tác dạy nghề truyền thống cho học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình có gần 500 học sinh, 4 cán bộ quản lý, 32 giáo viên và 15 nhân viên (trong đó có 6 nhân viên hợp đồng phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng). Để đảm bảo an ninh trật tự trường học nội trú, mỗi cán bộ quản lý sẽ trực 2 buổi tối/tuần.

“Học sinh của trường chỉ được về nhà, về quê vào dịp nghỉ lễ dài ngày, Tết, còn lại chủ yếu ở trường nên rất cần người quản lý nội trú để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn sức khoẻ học sinh.

Khi bố trí lại số lượng cấp phó theo Nghị định số 120 thì những cán bộ quản lý sẽ phải ôm đồm nhiều việc hơn, chắc chắn công tác điều hành, quán triệt chỉ đạo hoạt động của trường và tham gia tham mưu cho ngành giáo dục tỉnh bị ảnh hưởng.

Muốn nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như chất lượng các hoạt động chăm sóc học sinh nội trú thì không nên giảm số lượng cán bộ quản lý đối với trường trung học phổ thông dân tộc nội trú”, thầy Phạm Hồng Việt kiến nghị.

Cùng chia sẻ về thực hiện Nghị định số 120, thầy Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông An Giang cho biết, hiện trường có 4 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng, 3 phó hiệu trưởng) và khoảng 500 học sinh. Căn cứ triển khai Nghị định số 120, trường sẽ chỉ có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng.

“Tuy nhiên, hiện trường chưa áp dụng tổ chức lại theo Nghị định số 120 vì khó thực hiện. Tôi đánh giá nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, đảm bảo điều kiện tổ chức ăn, ở cho học sinh nội trú là rất khó khăn, áp lực. Do đó, với 3 phó hiệu trưởng, trong đó có 1 phó hiệu trưởng đảm trách nội dung quản trị nội trú là phù hợp nhất”, thầy Tùng chia sẻ.

Từ thực tế nhà trường, thầy Nguyễn Thanh Tùng nêu một số kiến nghị:

Thứ nhất, trường mong được giữ nguyên số lượng 4 cán bộ quản lý để trong 3 phó hiệu trưởng sẽ có 1 phó hiệu trưởng phụ trách nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú. Còn 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng sẽ tập trung phụ trách chỉ đạo hoạt động chuyên môn của trường.

Thứ hai, mong được bổ sung số lượng nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nội trú.

Cũng theo thầy Nguyễn Thanh Tùng, khó khăn của trường hiện nay đó là việc phân công nhân viên nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú do số lượng ít. Cụ thể, trường hợp đồng với 6 nhân viên, vừa phải nấu ăn (trưa, tối) cho khoảng 500 học sinh, vừa phải chăm sóc, theo dõi học sinh tự học ban đêm, cho học sinh tập thể dục mỗi buổi sáng… nên rất vất vả, áp lực. Để san sẻ công việc, trường phân công thêm 3 giáo viên (mỗi khối 1 giáo viên) tham gia trực trường vào ban đêm để đôn đốc học sinh tự học.

Trường mong muốn căn cứ vào số lượng học sinh để được bố trí số lượng nhân viên. Ví dụ, một lớp có 35 học sinh thì được bố trí 1 nhân viên nuôi dưỡng.

Ngọc Mai