Đề tham khảo thi vào 10 môn Ngữ văn ở TPHCM: Hết thời "học tủ, học vẹt"!

10/10/2024 08:45
Cao Nguyên

GDVN - Cấu trúc đề thi tham khảo kì thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh không có chỗ cho học sinh đoán đề, "học tủ, học vẹt".

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố cấu trúc đề thi tham khảo kì thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có môn Ngữ văn.

Cấu trúc đề thi này được nhiều giáo viên Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông nhận xét hay, có tính phân hoá cao nhưng có phần khó so với nhận thức và trình độ của học sinh lớp 9.

a.jpg
gdvn_b.jpg
Đề tham khảo – kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM môn Ngữ văn. (Ảnh: Cao Nguyên)

Cấu trúc, yêu cầu đánh giá và bảng năng lực, cấp độ tư duy

Thứ nhất, phạm vi và định hướng đánh giá, cấu trúc đề có độ phủ rộng, gồm Đọc hiểu và Viết.

- Đọc hiểu: Nguồn trích dẫn được lấy từ ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Loại văn bản: 1) Văn bản văn học và 2) một trong hai loại: văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Dung lượng: Tổng độ dài của các ngữ liệu trong đề thi không quá 1300 chữ.

- Viết: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ). Một trong hai yêu cầu cần đạt sau: 1) Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một đoạn thơ. 2) Viết đoạn văn phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó.

Viết bài văn. Một trong hai yêu cầu cần đạt sau: 1) Viết bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. 2) Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

- Cấu trúc đề: Phần 1 (5,0 điểm): Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn. Câu 1 (3,0 điểm): Đọc hiểu. Câu 2 (2,0 điểm): Viết đoạn văn.

Phần 2 (5,0 điểm): Đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin và viết bài văn nghị luận xã hội. Câu 1 (1,0 điểm): Đọc hiểu. Câu 2 (4,0 điểm): Viết bài văn nghị luận xã hội.

Căn cứ đánh giá: Các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong Chương trình Giáo dục phổ thông
2018 - Môn Ngữ Văn cấp Trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 8 và lớp 9.

Lưu ý: 1) Có 01 câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học. 2) Đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu.

Thứ hai, bảng năng lực và cấp độ tư duy như sau:

1.jpg
2.jpg

Học sinh cần lưu ý gì từ đề thi tham khảo?

Người viết là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông nhận thấy, để làm tốt đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn từ đề tham khảo của Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh cần lưu ý một số nội dung sau đây.

Phần Đọc hiểu

Câu 1 (3 điểm)

- Định hướng câu a: Trong truyện ngắn, lời người kể chuyện là lời của người đã kể lại câu chuyện. Lời nhân vật là lời của một nhân vật trong truyện.

- Gợi ý trả lời: Lời người kể chuyện: Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu. Lời nhân vật: Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?.

- Định hướng câu b: Vai trò của chi tiết đối với cốt truyện: 1) Tạo dựng tác phẩm, gây hứng thú, nó là điểm sáng thẩm mĩ của tác phẩm. 2) Xây dựng hình tượng nhân vật. 3) Thể hiện chủ đề tư tưởng và gửi gắm thông điệp của nhà văn.

- Gợi ý trả lời: Chi tiết đám học trò đọc biển giải thích về từ “khóc” mà vẫn không hiểu và chi tiết sau khi bà giáo già giải thích, đám học trò vẫn không thể tưởng tượng ra được “khóc” là gì có vai
trò góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, từ đó để người viết thể hiện chủ đề, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm qua tác phẩm.

- Định hướng câu c: Lời dẫn trực tiếp, tức là nhắc lại nguyên vẹn lời nói hay ý nghĩa của người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc ghép. Lời dẫn gián tiếp, tức là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

- Gợi ý trả lời: Câu chứa lời dẫn trực tiếp: "- Trông như nước ấy nhỉ! – một cậu học trò nói". Chuyển thành lời dẫn gián tiếp: Cậu học trò nói rằng chúng trông giống như nước.

- Định hướng câu d: Học sinh đưa ra quan điểm về điều gì không nên tồn tại trong thế giới hạnh phúc của tương lai và lí giải sao cho hợp lí.

- Gợi ý trả lời: Điều không nên tồn tại trong thế giới hạnh phúc của tương lai đó là sự áp bức, đau khổ, bất hạnh,... Những điều này khiến con người không thể nào có hạnh phúc và sẽ để lại nhiều hệ luỵ cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Câu 2 (2,0 điểm). Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc” (Gianni Rodari).

- Định hướng: Học sinh biết cách viết một đoạn văn khoảng 200 chữ (khoảng 2/3 tờ giấy thi). Đoạn văn cần triển khai được một số nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc”.

- Gợi ý nội dung:

+ Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc” (Gianni Rodari).

+ Nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc” là mơ ước về một thế giới trong tương lai hạnh phúc, không có nước mắt, không có chiến tranh và không còn khổ đau.

+ Nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc” được thể hiện qua nghệ thuật đặc sắc như: cách kể câu chuyện tưởng tượng hấp dẫn qua những đối thoại, kết thúc bất ngờ; những hình ảnh mang tính biểu tượng, ẩn dụ: sắt nhà tù, một chú chó giữ nhà, tàu điện ở Monza.

+ Học sinh rút ra một bài học bổ ích cho bản thân bằng một, hai câu kết đoạn ngắn gọn, súc tích, có điểm nhấn.

Phần Viết

Câu 1 (1,0 điểm)

- Định hướng:

+ Lí lẽ là cách người viết sử dụng luận thuyết logic để chứng minh tính hợp lý của ý kiến hay quan điểm của mình. Lí lẽ cung cấp những lập luận, suy luận và giải thích để thuyết phục người đọc về tính đúng đắn của ý kiến.

+ Bằng chứng là các thông tin, sự kiện, tài liệu hoặc tư liệu khác được sử dụng để chứng minh tính chất đúng đắn của ý kiến. Bằng chứng có thể bao gồm các tài liệu nghiên cứu, số liệu thống kê, ví dụ cụ thể hoặc trích dẫn từ các tác giả uy tín.

- Gợi ý trả lời:

+ Lí lẽ: Có rất nhiều phát minh khoa học vĩ đại được chắp cánh từ sự tưởng tượng.

+ Bằng chứng:

Tưởng tượng về chị Hằng, chú Cuội trên cung trăng -> Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Tưởng tượng về con người có thể bay lên không trung, những vị thần được lắp vào đôi cánh, Tề Thiên Đại Thánh với khả năng bay lộn trên mây -> Anh em nhà Wright làm nên một động cơ có thể bay cách mặt đất dẫu chỉ vài trăm mét.

Con tàu Nautilus của thuyền trưởng Nemo trong những trang văn viễn tưởng cuối thế kỉ 19 -> Tàu ngầm hiện đại được phát minh.

+ Tác dụng của lí lẽ và bằng chứng đối với luận điểm trong văn bản: Giúp làm sáng rõ luận điểm "tưởng tượng là điều quan trọng bậc nhất giúp nhân loại có thể vững vàng tiến về phía trước".

Các dẫn chứng khẳng định vai trò của trí tưởng tượng và dần dần con người sẽ biến trí tưởng tượng thành sự thật. Các dẫn chứng góp phần làm sáng rõ luận điểm, giúp thuyết phục người đọc, người nghe.

Câu 2 (4,0 điểm)

- Định hướng: Học sinh biết cách viết một bài văn có đủ bố cục; xác định được vấn đề cần nghị luận; triển khai được vấn đề nghị luận; rút ra bài học cho bản thân; bài viết đảm bảo chính tả, ngữ pháp,...

- Gợi ý:

+ Trí tưởng tượng là một khả năng của con người, giúp con người tạo ra trong tâm trí hình ảnh những cái không có ở trước mắt hoặc chưa hề có.

+ Bàn luận: Học sinh có thể có nhiều hướng giải quyết khác nhau: khẳng định, phủ định, khẳng định một phần… vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ ngày nay.

+ Trong thời đại công nghệ lên ngôi, những thông tin, hình ảnh, âm thanh,…cụ thể trên các thiết bị nghe nhìn dễ khiến năng lực tưởng tượng của người trẻ mai một.

Vì vậy, người trẻ không những cần nhận thức được sự cần thiết của năng lực tưởng tượng, mà còn cần có những hành động cụ thể để rèn luyện trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tâm hồn như: thư giãn, đọc sách, hòa mình vào thiên nhiên,…

Nhìn chung, cấu trúc đề thi tham khảo kì thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh không có chỗ cho học sinh đoán đề, "học tủ, học vẹt". Các em cần nắm chắc kiến thức thì mới có kĩ năng xử lí đề thi để làm bài tốt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên