Đề Ngữ văn ra ngữ liệu ngoài SGK: Thử thách và cơ hội cho giáo viên để thay đổi

30/08/2024 06:42
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn từ năm 2025 ra ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa là áp lực và thử thách rất lớn cho giáo viên.

Đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn ra ngữ liệu ngoài sách giáo khoa kể từ năm học 2024-2025 sẽ có nhiều tác động đến giáo viên trong việc dạy học.

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều cùng chia sẻ về việc ra đề kiểm tra đánh giá và phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

1000012166.png
Ảnh minh họa, Ánh Dương.

Thứ nhất, những giáo viên vững chuyên môn, nghiệp vụ và có tinh thần học hỏi, biết cầu tiến sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn lấy tác phẩm/ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Ngược lại, những giáo viên còn thụ động, chưa vững chuyên môn, không chịu học hỏi sẽ không theo kịp Chương trình mới.

Những giáo viên này khó có thể dạy những lớp cuối cấp, nhất là học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10, lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực (phần tiếng Việt).

Cần biết thêm, Toán và Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Còn cấu trúc bài thi đánh giá năng lực, ví dụ cấu trúc bài thi đánh giá năng lực HSA 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội có Phần 2 (bắt buộc), đó là Ngôn ngữ - Văn học.

Phần này gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm sử dụng ngữ liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống như văn học, ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ, hành văn), văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, nghệ thuật,…

Ngữ liệu được lựa chọn trong hoặc ngoài chương trình giáo dục phổ thông.

Như thế, đối với việc dạy Chương trình mới nói chung và ra đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn nói riêng đòi hỏi giáo viên phải giỏi chuyên môn.

Việc ra đề kiểm tra đánh giá còn cho thấy năng lực chuyên môn giữa các giáo viên có sự phân hóa rất rõ so với Chương trình 2006.

Giáo viên nào chỉ quen đọc chép, chiếu chép và lệ thuộc từng câu chữ ở sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo hay văn mẫu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ra đề kiểm tra đánh giá.

Cùng với đó, những giáo viên lớn tuổi, quen dạy phương cũ nhưng ngại đổi mới cũng là một thử thách trong giảng dạy cũng như ra đề kiểm tra đánh giá.

Trên một số diễn đàn của giáo viên Ngữ văn, nhiều thầy cô giáo chia sẻ họ gặp nhiều trở ngại khi ra đề kiểm tra đánh giá và phải nhờ sự trợ giúp từ người khác.

Ngoài ra, thực tế triển khai Chương trình mới môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông 2 năm qua cho thấy giáo viên còn nhiều hạn chế trong việc ra đề kiểm tra đánh giá, kể cả đề thi học sinh giỏi.

Ví dụ, giáo viên ra đề còn mắc nhiều lỗi, trong đó lỗi phổ biến nhất liên quan đến ngữ liệu gây bàn tán tiêu cực cho học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Điều này đòi hỏi tổ chuyên môn mà đứng đầu là tổ trưởng cần tham mưu hiệu trưởng sắp xếp và phân công chuyên môn một cách hợp lí.

Cùng với đó, lãnh đạo trường học phải có kế hoạch cụ thể, dài hơn để hỗ trợ giáo viên trong việc ra đề kiểm tra đánh giá.

Thứ hai, một số ý kiến cho rằng, hiện nay giáo viên gặp khó khăn nhất là việc ra đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn chứ không phải việc dạy theo phương pháp mới.

Tuy vậy, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, ý kiến này chỉ đúng một phần khi giáo viên ra đề kiểm tra đánh giá theo Chương trình mới.

Theo dõi việc ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn thời gian qua, người viết thấy rằng vẫn còn tình trạng giáo viên quá phụ thuộc vào sách giáo khoa trong việc thiết kế các câu hỏi.

Cùng với đó, không ít giáo viên rập khuôn việc ra đề kiểm tra đánh giá của chuyên gia một cách máy móc, trong khi đối tượng học sinh mỗi nơi mỗi khác.

Bên cạnh đó, giáo viên còn thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, không dám thay đổi cấu trúc, nội dung đề kiểm tra, đề thi vì họ sợ bị phê bình.

Dĩ nhiên một phần cũng do lãnh đạo nhà trường và tổ trưởng chuyên môn không dám nghĩ, không dám làm thì giáo viên cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi ra đề kiểm tra đánh giá.

Thứ ba, hiện nay có ý kiến cho rằng, học sinh học môn Ngữ văn theo Chương trình mới có phần hời hợt hơn chương trình cũ một phần cũng do cách ra đề kiểm tra đánh giá thay đổi.

Theo người viết, học sinh học hời hợt môn Ngữ văn do nhiều yếu tố tác động.

Ví dụ, một số phạm vi kiến thức còn hàn lâm, gây khó hiểu cho học sinh. Chẳng hạn, kiến thức tiếng Việt, thể loại kí, kịch hay viết một bài báo cáo nghiên cứu (bậc trung học phổ thông).

Hoặc một số văn bản, thể loại không phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh, ví dụ chèo, tuồng, cải lương,.. (bậc trung học phổ thông).

Về phía người dạy, vẫn còn giáo viên tổ chức các hoạt động học thiếu lôi cuốn;

Giáo viên chưa chịu đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ trong việc soạn bài;

Giáo viên không biết áp dụng công nghệ thông tin bổ trợ cho việc dạy học; dạy ôm đồm, nhồi nhét,.. là những nguyên nhân khiến học sinh chưa hứng thú trong việc học môn Ngữ văn.

Trong khi học sinh bị chi phối bởi các phương tiện nghe nhìn, các trò giải trí khác hấp dẫn hơn học môn Ngữ văn.

Chẳng hạn, giáo viên cho học sinh xem kịch trên sân khấu thì các em rất thích, vì nhân vật, âm thanh, hình ảnh,... rất bắt mắt, sống động. Còn việc đọc văn bản kịch trong sách giáo khoa sẽ nhàm chán hơn rất nhiều.

Thứ , năm học 2024-2025 là năm Chương trình mới sẽ phủ hết cấp trung học phổ thông, trong đó có môn Ngữ văn.

Nghĩa là việc dạy học theo phương pháp cũ và tư duy ra đề kiểm tra đánh giá theo lối mòn không còn phù hợp nữa.

Vậy nên, việc kiểm tra đánh giá ở các nhà trường phổ thông cũng phải theo định hướng cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Người viết thấy rằng điều này vừa là áp lực vừa là thách thức rất lớn đối với giáo viên trong năm học tới.

Vì vậy, người viết kiến nghị thực hiện một số nội dung sau để góp phần giúp cho việc dạy học và ra đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn được hiệu quả.

Thứ nhất, giáo viên phải là người được chủ động chuyên môn trong việc dạy học và ra đề kiểm tra đánh giá, miễn sao phù hợp với chương trình.

Như thế, hiệu trưởng không nên can thiệp sâu vào chuyên môn mà hãy để tổ chuyên môn được chủ động, và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo.

Thứ hai, phòng/sở giáo dục và đào tạo cần tổ chức các cuộc thi, ví dụ: thiết kế giáo án dạy học, bài giảng elearning, ra đề kiểm tra,... sau đó đăng tải lên trang web của ngành giáo dục để giáo viên được học tập lẫn nhau.

Thứ ba, các tác giả sách giáo khoa thiết kế những video bài giảng mẫu, ra đề mẫu đối với những bài học khó để giáo viên được học hỏi thêm.

Thứ tư, không đánh giá giáo viên qua điểm số học sinh điều này khác với việc thả nổi chuyên môn.

Năng lực giáo viên phải được hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, học sinh, phụ huynh đánh giá, chứ không phải chỉ qua bài kiểm tra, bài thi.

Thứ năm, ngành giáo dục cần nhanh chóng số hóa hồ sơ sổ sách, giảm bớt các cuộc thi chưa thực sự cần thiết để giáo viên có thêm thời gian, công sức đầu tư nghiên cứu bài học.

Học sinh vẫn phải làm các dạng bài theo mẫu dưới sự hướng dẫn giáo viên và theo các yêu cầu cần đạt của chương trình, sách giáo khoa.

Từ góc độ là giáo viên, người viết nhận thấy việc ra đề kiểm tra, đề thi theo Chương trình mới sẽ triệt tiêu được việc học sinh (kể cả giáo viên) học tủ, đoán đề như Chương trình 2006.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Anh