Hiện nay, việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi đang được thực hiện theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT.
Mục đích của hội thi là phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.
Tuy nhiên, hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức, giáo viên tham gia vì áp lực thi đua, gây ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp ban đầu.
Hội thi giáo viên dạy giỏi có mục đích tốt đẹp nhưng còn nặng hình thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Kiều Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, sau nhiều năm triển khai, Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đã tạo nên phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt” sôi nổi ở đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. Đây là cơ hội cho nhiều giáo viên thể hiện bản lĩnh, khả năng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ sư phạm. Giải thưởng trong hội thi là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp dạy học của mỗi người. Từ đó, giáo viên sẽ tự tin hơn trong công việc mà mình đã lựa chọn.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Lạc cho rằng khi nhà trường có thêm nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ tạo sự tin tưởng, quan tâm hơn từ phụ huynh khi lựa chọn gửi gắm con em mình vào trường.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ, Hội thi giáo viên dạy giỏi là cơ hội để giáo viên thể hiện, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn giảng dạy, khai thác hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học. Ngoài ra, tham gia hội thi sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, thầy Tiến cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi ở nhiều nơi còn nặng tính hình thức, gây áp lực cho cán bộ tham gia hội thi.
“Với tư cách là một người đã có nhiều năm tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tôi nhận thấy ở nhiều nơi, việc tham gia thi của thầy cô chưa được quan tâm đúng mực nên chưa động viên được đông đảo giáo viên tham gia.
Giáo viên tham gia thi vẫn phải giảng dạy trên lớp và hoàn thành các công việc thường nhật của nhà trường. Nhiều giáo viên còn e ngại, không tự tin, không muốn tham gia vì áp lực”, thầy Tiến cho biết thêm.
Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) đã nhiều lần tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Thầy Mạnh cho biết mỗi lần tham gia hội thi là một lần thầy nhìn lại quá trình giảng dạy của mình. Đây cũng là dịp để thầy trao đổi chuyên môn với nhiều thầy cô khác, từ đó đi sâu nghiên cứu, phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, thầy Mạnh cũng cho rằng, hội thi này đã triển khai nhiều năm và xuất hiện nhiều bất cập cần thay đổi để phù hợp với mục đích ban đầu là phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.
“Về hình thức thi, giáo viên sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, hình thức, những hoạt động sẽ diễn ra trong tiết dạy. Sau đó trong hội thi, giáo viên sẽ thực hiện lại tiết dạy này để ban giám khảo đánh giá ngay tại thời điểm đó.
Theo tôi, điều này không sai, nhưng giáo viên không nên lạm dụng, dễ dẫn đến việc một số tiết dạy mang tính hình thức, trình diễn. Đã có một số giáo viên đạt giải cao ở hội thi, nhưng những phương pháp giảng dạy khi đi thi lại không được áp dụng vào thực tế dạy học tại nhà trường”, thầy Mạnh cho biết thêm.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chuyên môn, thầy Mạnh cho rằng người giáo viên giỏi là người tạo ra được sản phẩm tốt. Sản phẩm của giáo dục chính là hình thành thói quen dạy của giáo viên và thói quen học tập cho học sinh. Để làm được điều này, giáo viên và học sinh cần thời gian. Vì vậy, một tiết dạy khi đi thi chưa đủ căn cứ để đánh giá cả một quá trình dạy học.
Theo thầy Hưng, hội thi đang có bất cập ở đối tượng dự thi khi hiện nay phần lớn các giáo viên công tác lâu năm (đã vào biên chế) mới tham gia thi. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng lại không được dự thi dù đã có nhiều kinh nghiệm
“Có những cô giáo đã dạy hợp đồng tại trường 5 - 7 năm, có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm giảng dạy nhưng không được dự thi theo quy định. Trong khi đó, ở các trường trung học cơ sở, hàng năm có rất ít giáo viên được tuyển theo dạng biên chế, chủ yếu là giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, giáo viên hợp đồng lại không được dự thi. Vì vậy, số giáo viên trẻ tham gia hội thi rất ít”, thầy Hưng chia sẻ thêm.
Cần loại bỏ tính hình thức, đánh giá đúng thực chất
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Lạc, khi đã tham gia thi, giáo viên phải xác định tâm lý sẽ không tránh khỏi áp lực.
“Đối với những giáo viên trẻ, áp lực sẽ đến từ việc chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa tự tin vào kỹ năng sư phạm, chuyên môn. Những giáo viên đã công tác lâu năm nhận được niềm tin của học sinh, phụ huynh, sự kỳ vọng của nhà trường. Đây vừa là động lực nhưng cũng là áp lực. Điều quan trọng là giáo viên làm sao biến những áp lực đó thành động lực để thể hiện khả năng của mình”, thầy Hưng cho biết.
Tại Trường Trung học cơ sở Yên Lạc, việc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường sẽ tuỳ vào việc thực hiện nhiệm vụ năm học của trường để cân nhắc tổ chức. Đối với việc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, thầy Hưng đề xuất nên tổ chức cùng một năm, cùng một tần suất 4 năm một lần.
“Từ thực tế tại trường cho thấy, nếu giữ tần suất như hiện tại, thi cấp huyện 2 năm một lần, thì khi giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện sẽ không có cơ hội để khẳng định mình ở cấp cao hơn nếu năm đó không tổ chức thi cấp tỉnh. Giáo viên đó sẽ phải chờ tới 2 năm sau để thi lại cấp huyện rồi mới dự thi cấp tỉnh”, thầy Hưng bày tỏ băn khoăn.
Theo thầy Hưng, hội thi nên tạo điều kiện cho cả giáo viên hợp đồng tham gia thay vì chỉ có giáo viên biên chế như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Đào Chí Mạnh cũng ủng hộ tiếp tục duy trì Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi nhưng cần thay đổi hình thức đánh giá để phản ánh đúng năng lực của giáo viên và triết lý dạy học của nhà trường.
“Tôi đề xuất nên đánh giá giáo viên thông qua quá trình giảng dạy. Ví dụ, đối với giáo viên có mong muốn tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thầy cô cần đăng ký từ đầu năm học. Sau đó, giáo viên và học sinh sẽ có thời gian để hình thành thói quen dạy và học.
Khi tổ chức chấm thi, theo tôi chỉ nên báo trước 1 tiếng để giáo viên chuẩn bị giáo án và ổn định lớp học tại thời điểm đó. Lúc này, tiêu chí xét giáo viên dạy giỏi sẽ bao gồm cả thói quen học tập của học sinh đã hình thành được một thời gian”, thầy Mạnh chia sẻ thêm.
Theo thầy Mạnh, các kỳ thi, hội thi sẽ có giá trị cao nếu đi vào thực tế dạy và học của thầy và trò tại các trường. Đối tượng mà giáo dục hướng đến là học sinh. Vì vậy, giáo viên giỏi là người có khả năng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi đúng nghĩa, thầy cô phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian. Để động viên và giúp giáo viên giữ được nhiệt huyết, đồng thời không tạo áp lực thì thời gian công nhận danh hiệu phải dài hơn, xứng đáng với công sức và trí tuệ của người tham gia thi. Danh hiệu này cũng cần được tôn vinh và phải gắn với quyền lợi nhất định của giáo viên.
Theo thầy Tiến, khen thưởng tốt nhất đối với giáo viên là sự vinh danh, tôn trọng của nhà trường, đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh. Những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cần được tôn vinh tại cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý cấp trên. Tại cơ sở giáo dục cần có danh sách những giáo viên đạt danh hiệu này ở trang web và phòng truyền thống của nhà trường. Ngoài ra, những giáo viên này cần được tôn vinh ở những dịp quan trọng như khai giảng, bế giảng hay những ngày hội của ngành như ngày Nhà giáo Việt Nam.
Dưới góc nhìn là một người quản lý, đồng thời là một giáo viên đã trải qua nhiều cuộc thi của ngành giáo dục, thầy Tiến nhấn mạnh, để giảm bớt áp lực, mỗi thầy cô và mỗi cơ sở giáo dục hãy coi đây là “một cuộc chơi”, một cơ hội để thể hiện bản thân, để học hỏi những đồng nghiệp có chuyên môn và phương pháp giảng dạy tốt hơn. Qua đó, mỗi giáo viên và mỗi cơ sở giáo dục sẽ hoàn thiện mình.
“Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi muốn thành công phải có sự tự nguyện tham gia của những giáo viên giỏi, nòng cốt của các cơ sở giáo dục hàng đầu. Qua hội thi, những giáo viên này thể hiện được sự vững vàng về chuyên môn và tài năng xử lý các tình huống sư phạm. Để hội thi có tác dụng và đi vào thực chất thì khâu tổ chức là vô cùng quan trọng.
Trước hết cần có sự sơ loại ban đầu, những giáo viên dạy giỏi, có uy tín với học sinh và đồng nghiệp, có kết quả giảng dạy tốt trong những năm học trước đó mới đủ tiêu chuẩn đăng ký tham gia hội thi. Khâu tổ chức hội thi phải công bằng, minh bạch, có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Ban giám khảo là những người được tuyển chọn kỹ càng, có uy tín chuyên môn cao và công tâm. Hồ sơ, giờ dạy cần công khai, ghi hình để những giáo viên khác có thể tham khảo, coi đây là giờ dạy mẫu, giờ dạy chuẩn. Những giờ dạy thành công có thể coi như một sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên để các đồng nghiệp khác học tập, tham khảo”, thầy Tiến cho biết thêm.