Ngành giáo dục là một ngành đặc thù với rất nhiều phong trào thi đua, từ thi đua trong học sinh đến thi đua của giáo viên. Và cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp hàng năm được xem là một hoạt động thi đua cốt lõi của ngành giáo dục.
Một trong những mục tiêu của cuộc thi giáo viên dạy giỏi là nhằm tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi giáo viên dạy giỏi vẫn còn những hạn chế nhất định khiến cho cuộc thi này không còn đúng ý nghĩa thực chất. Đó chính là lý do nhiều nhà giáo đòi bỏ cuộc thi này.
Đa số giáo viên tham gia thi đều đạt loại giỏi
Theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông thì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần, cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần trên sự tự nguyện của giáo viên, nghĩa là không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi.
Nói đến thi giáo viên dạy giỏi, phần lớn những giáo viên lớn tuổi, giáo viên đã từng nhiều lần đạt thành tích trong các kỳ hội giảng trước đó, ít ai muốn tham gia.
Bởi lẽ để tham gia thi buộc giáo viên phải có sự đầu tư đáng kể về thời gian nghiên cứu bài dạy, kể cả về kinh tế (vì có những thiết bị đồ dùng chi rất nhiều tiền vượt quá định mức chi của nhà trường) nhưng chế độ khen thưởng cho giáo viên gần như chưa tương xứng.
Vì vậy mỗi lần thi giáo viên dạy giỏi (cấp huyện, cấp tỉnh) một số nhà trường phải rất vất vả với việc chọn giáo viên dự thi.
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Baoquangninh.com.vn |
Nắm bắt được tâm tư này nên phần lớn các cuộc thi, ban giám khảo ít khi đánh trượt thí sinh, trừ những bài giảng sai kiến thức hoặc chuẩn bị bài dạy quá sơ sài. Do đó trong nhiều hội thi giáo viên dạy giỏi, điều người dự thi quan tâm nhất đó là những tiết giảng nào sẽ đạt giải nhất, nhì để được tuyên dương trước toàn ngành.
Một vấn đề khá tế nhị là trong nhiều trường hợp trước khi tiến hành xây dựng bài giảng, một số giáo viên hoặc lãnh đạo trường học đã nhờ các thành viên ban giám khảo (thông thường là cán bộ bộ môn của ngành) góp ý, xây dựng giáo án nên khi ra giảng ít vấp phải sự phản biện của ban giám khảo.
Có nên duy trì thi giáo viên dạy giỏi?
Gần đây chúng tôi có đọc nhiều bài báo nêu lên những bất cập của việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Có nhiều ý kiến cho rằng một tiết dạy trong kỳ hội giảng chưa thể đánh giá được năng lực của người dạy, hay tiết giảng chỉ là giờ diễn của giáo viên… Tác giả của các bài báo đều có những lý do riêng của mình và đề xuất giải pháp nên bỏ hội thi giáo viên dạy giỏi.
Là một người đã từng nhiều lần tham gia thi giảng và làm giám khảo cuộc thi này, tôi cho rằng không nên bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi.
Nếu ai đã từng tham gia cuộc thi này sẽ thấy những lợi ích mà hội thi mang lại rất lớn. Bởi vì để chuẩn bị cho những bài giảng này, giáo viên phải có sự đầu tư rất lớn về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, góp phần giúp cho giờ dạy nhẹ nhàng, học sinh dễ hiểu bài hơn.
Qua một đợt hội giảng, những giáo viên tham gia thi cũng như người dự sẽ thấy được những ưu, khuyết điểm trong quá trình chuẩn bị bài học của mình. Đồng thời học hỏi được ở đồng nghiệp những hình thức dạy học mới mà mình chưa biết, chưa thực hiện được.
Thông qua hội thi này còn giúp giáo viên tự tin và bản lĩnh hơn khi thể hiện phẩm chất và năng lực của mình trước đám đông.
Có thể một tiết dạy chưa thể khẳng định được năng lực thực sự của giáo viên đó nhưng nếu giáo viên biết học hỏi, tìm tòi sáng tạo thì chắc chắn hội giảng giáo viên dạy giỏi sẽ là kỳ đánh giá tốt nhất.
Đôi điều kiến nghị
Để hội thi giáo viên dạy giỏi đi vào thực chất, người viết cho rằng các cấp quản lý giáo dục cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ mục đích và nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, đó là phát hiện, công nhận, tôn vinh, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn trên sự tự nguyện của giáo viên. Thực tế nhiều giáo viên tham gia hội thi không phải tự nguyện mà do sự chỉ định, bắt buộc của lãnh đạo đơn vị.
Thứ hai, để tránh trường hợp giáo viên diễn lại một tiết dạy đã được luyện đi luyện lại nhiều lần, ban tổ chức cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế thi giáo viên dạy giỏi, nghĩa là giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi trong năm học tổ chức hội thi. Nếu phát hiện trường nào, giáo viên nào làm sai quy chế sẽ có hình thức xử lý kỉ luật.
Thứ ba, ngoài nội dung thi giảng một tiết dạy, nên tổ chức thi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận một cách nghiêm túc để đánh giá năng lực tự học, sáng tạo của giáo viên.
Có không ít giáo viên có kĩ năng sư phạm tốt nhưng kiến thức chuyên môn, pháp luật không vững.
Vì vậy nếu đánh giá được nội dung này sẽ góp phần giúp giáo viên có năng lực tự học để hoàn thiện bản thân mình trong quá trình giảng dạy.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.