Thế giới đang "khát" nhân lực tài năng những ngành công nghệ cao hơn bao giờ hết

16/10/2024 06:20
Doãn Nhàn

GDVN -“Có thể nói rằng, thế giới “khát” nhân lực tài năng hơn bao giờ hết, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực công nghệ cao”.

Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khi đánh giá về tính cấp thiết của Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045” nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thế giới “khát” nhân lực tài năng hơn bao giờ hết

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, hiện nay, thế giới đang chứng kiến sự phát triển đột phá của các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ thông minh. Sự thay đổi về công nghệ dẫn tới yêu cầu cấp bách về sự thay đổi phù hợp trong đổi mới đào tạo nhân lực tài năng, các tri thức và kỹ năng cốt lõi, sự thay đổi ngành nghề để thích ứng.

“Có thể nói rằng, thế giới “khát” nhân lực tài năng hơn bao giờ hết, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực công nghệ cao”, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá.

Giữa bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta lại đang có lợi thế trong thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng nhận định, theo xu thế phát triển của thế giới, Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút đầu tư công nghệ cao. Đặc biệt, Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn có cơ cấu “dân số vàng”. Bởi vậy, nước ta rất cần có đội ngũ nhân lực tài năng có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn, để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Dự thảo Đề án, Đại học Bách khoa Hà Nội được đề xuất là một trong những cơ sở được ưu tiên đầu tư tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2025-2030 và triển khai các chương trình đào tạo tài năng, với các nhóm ngành trọng điểm gồm: Sinh học ứng dụng - Khoa học vật chất - Toán học - Máy tính, công nghệ thông tin - Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật - Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông - Kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường.

Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ, những nội dung tại dự thảo Đề án có ý nghĩa và tác động rất lớn với Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Đây là một sự đánh giá cao và là sự ghi nhận của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo với các thành công mà Đại học Bách khoa Hà Nội Nội đã đạt được, khẳng định những giải pháp phát triển của Nhà trường là đúng đắn và hiệu quả.

Cá nhân tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao Đại học Bách khoa Hà Nội. Trọng trách của Đại học Bách khoa Hà Nội là cần tiếp tục đào tạo ra các chuyên gia tài năng, các nhân tài công nghệ trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, có tính cạnh tranh cao này”, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cũng cho rằng đây là yếu tố quan trọng giúp nhà trường giữ vững chất lượng đào tạo, có cơ hội tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm hiện đại, không ngừng đổi mới chương trình đào tạo và phương thức đào tạo.

Từ dự thảo Đề án, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định cần truyền thông hướng nghiệp tốt hơn, đầy đủ hơn đối với người học, phụ huynh để các em hiểu rõ những ngành nghề. Đặc biệt, thực hiện hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để sinh viên Bách khoa Hà Nội thích ứng ngay được với môi trường làm việc công nghệ cao và quốc tế hóa.

hust (2).jpg
Đề án lựa chọn 25 cơ sở giáo dục đại học để ưu tiên, đề xuất đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và triển khai các chương trình đào tạo tài năng. Ảnh minh họa: HUST

Để đẩy mạnh đào tạo đối với các nhóm ngành trọng điểm mà dự thảo Đề án đã đề cập, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay đơn vị tập trung thực hiện 4 giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, chú trọng thu hút, phát triển, bồi dưỡng, tạo nguồn giảng viên, các nhà nghiên cứu trẻ - tài năng Đại học Bách khoa Hà Nội; Tạo các điều kiện thuận lợi để người thầy được sáng tạo, được cống hiến được phát triển;

Thứ hai, đổi mới các chương trình đào tạo, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm đào tạo của các nhóm ngành trọng điểm phù hợp với xu hướng quốc tế và đòi hỏi của công nghiệp. Chương trình luôn đổi mới, có sự tham gia của các bên liên quan, vì lợi ích người học.

Thứ ba, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế chặt chẽ. Mối quan hệ này được xây dựng bền chặt, vì thành công của các em sinh viên, giúp các em thành công hơn nữa trong sự nghiệp. Kỳ vọng của nhà trường là các em phải cạnh tranh “sòng phẳng” được với các sinh viên trong khu vực.

Thứ tư, cá thể hóa người học, định hướng sinh viên xây dựng con đường thành công từ sớm, giúp các em phát triển được những điểm mạnh, những năng lực cá nhân của mình, để học tập, nghiên cứu, sáng tạo công nghệ.

“Dân tộc Việt Nam cần cù thông minh, có những tố chất sáng tạo, khéo léo phù hợp với những ngành nghề trọng điểm này. Chúng tôi phải khơi dậy được các em sinh viên sự khát khao học tập nghiên cứu và khát vọng thành công”, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

Kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư tài năng

Được biết, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo nhân lực lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, trong đó có hai chương trình điển hình là Chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) và Chương trình Kỹ sư Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm đối với việc triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư tài năng nói riêng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao nói chung, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cho rằng có 3 vấn đề chính cần quan tâm.

Đó là giúp sinh viên chọn đúng ngành/chương trình học. Từng chương trình có những mục đích và đòi hỏi đặc thù. Bởi vậy, cần làm rõ mục đích, những đặc điểm, năng lực cần thiết, các vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp để người học hiểu rõ và lựa chọn phù hợp. Việc các em chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, chọn đúng chương trình mình cần học là một yếu tố rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đào tạo gắn với môi trường quốc tế và môi trường doanh nghiệp. Theo Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, các chương trình đào tạo kỹ sư tài năng nói riêng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao nói chung rất cần thiết hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp. Môi trường quốc tế và môi trường doanh nghiệp giúp giảng viên luôn cập nhật kiến thức giảng dạy, giúp các em sinh viên có định hướng công nghệ mới nhất, tìm được những vấn đề ứng dụng có tính thời sự nhất, sử dụng được tiếng Anh và các ngôn ngữ khác giúp ích cho việc làm các em sau này.

Ngoài ra, quá trình học cần thực hiện qua nghiên cứu và trải nghiệm, gắn liền với các bài toán thời sự và thực tế.

Đề xuất bổ sung thêm ý thức về liêm chính học thuật cho người học

nganh-duoc-2-9102.jpg
Ảnh minh họa: D.N

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 được xây dựng với nhiều tâm huyết, là một trong những giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

“Dự thảo Đề án được lấy ý kiến nhiều vòng. Phiên bản hiện thời (tính đến ngày 15/9/2024) đã được hiệu chỉnh tốt nhất có thể”, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cho hay.

Đề xuất để Đề án được hoàn thiện hơn, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, cần bổ sung thêm phần đào tạo văn hóa làm việc và ý thức về liêm chính học thuật cho người học.

Bên cạnh đó, cần thể hiện rõ nét hơn nội dung liên quan tới sáng tạo và khởi nghiệp của các tài năng tài năng STEM.

“Thực tế, các lĩnh vực STEM rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các tài năng STEM của Việt Nam cần được khuyến khích, tạo điều kiện và được hướng dẫn để sẵn sàng dấn thân trên con đường khởi nghiệp”, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng nhận định, trong giáo dục đại học, đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất là rất cần thiết, và rất cần sự thực hiện quyết liệt và kiên định.

“Chúng ta thực hiện theo những định hướng, chính sách đúng đắn và cần biết kiên nhẫn chờ đợi các thành công đến. Chúng tôi mong muốn Đề án sớm được phê duyệt và khi thực hiện sẽ có những giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, giúp cho thực hiện Đề án nhanh chóng và hiệu quả”, Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ.

Dự kiến tổng kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng (đến năm 2030)

Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đề án đặt mục tiêu giai đoạn từ 2025 - 2030, tỉ lệ người theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, Toán) đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 5 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 500 tiến sĩ (hằng năm). Có ít nhất 03 cơ sở giáo dục đại học có lĩnh vực đào tạo STEM nằm trong tốp 300 thế giới; 02 cơ sở đào tạo trí tuệ nhân tạo và 01 cơ sở đào tạo công nghệ sinh học nằm trong tốp 20 khu vực ASEAN…

25 đại học, học viện được Đề án lựa chọn ưu tiên, đề xuất đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và triển khai các chương trình đào tạo tài năng gồm:

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

3 cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc diện khuyến khích đầu tư và tham gia đào tạo tài năng gồm: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học VinUni.

Doãn Nhàn