Trường ĐH góp ý dự thảo Đề án đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao

14/10/2024 09:11
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nhiều đề xuất, góp ý được một số cơ sở GDĐH đặt ra với Dự thảo Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045.

Theo một số cơ sở giáo dục đại học, Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045” là rất quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, nâng chất lượng nguồn nhân lực nhằm giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững, một số nội dung thông tin trong Đề án cần được xem xét lại.

Đề án xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của đất nước

Thực hiện Công văn số 4938/BGDĐT-GDĐH ngày 04/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt đã đưa ra ý kiến góp ý cho dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030 và định hướng tới 2045”.

Trước hết, theo Nhà trường, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các nền tảng cốt lõi phát triển về trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, tự động hóa, internet kết nối vạn vật, năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới đang diễn ra hết sức mạnh mẽ đã tác động to lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến mọi quốc gia trong đó có Việt Nam.

Hinh-cap-nhat-cuon-TTTS-2023-Khoa-HHMT-min-1024x683 (1).jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Đà Lạt).

Và để đạt được mục tiêu trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, việc chuyển nhanh mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là rất quan trọng.

Cụ thể, cần chuyển mô hình tăng trưởng từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao, nghĩa là chất lượng tăng trưởng thấp…, sang dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP). Cách làm này nhằm hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước.

Có thể thấy, việc chuyển mô hình như vậy là nhiệm vụ hết sức cấp bách đối với Việt Nam nhằm tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển đất nước.

Muốn thực hiện được nhiệm vụ trên, Nhà trường cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, “net zero”, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Chính vì vậy, vấn đề xây dựng “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” là yêu cầu cấp thiết nhằm xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Từ đó, thúc đẩy hợp tác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng. Việc làm này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cụ thể, trên cơ sở các căn cứ pháp lý là các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm khác nhau, để có tính liên thông, đồng bộ và thực hiện nhất quán, Trường Đại học Đà Lạt bày tỏ quan điểm hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tích hợp các nội dung riêng biệt thành một Đề án chung với tên gọi “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045”.

Về phạm vi của Đề án, theo Nhà trường, thực tiễn trên thế giới cho thấy, tất cả các nước phát triển đều là những đất nước có các ngành trong lĩnh vực STEM (trong đó có các ngành khoa học cơ bản) phát triển vượt bậc, là động lực tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao và mang lại nguồn thu lớn nhất cho đất nước.

Tuy nhiên ở Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, một số ngành hết sức quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ như toán, vật lý, hóa học, sinh học,…có tỉ lệ tuyển sinh rất thấp, không thu hút được người học, chất lượng tuyển sinh đầu vào không cao, trong khi đây đều là những ngành trọng yếu của sự phát triển khoa học và công nghệ.

Do đó, Đề án xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM trình độ đại học trở lên, trong đó đặc biệt chú trọng các ngành khoa học cơ bản, các ngành liên quan đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực tài năng là hoàn toàn đúng đắn và cấp thiết.

Cần tập trung hơn vào việc tạo ra một cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút người giỏi vào học lĩnh vực STEM

Bên cạnh những mặt tích cực và cấp thiết được nêu trong Dự thảo, Trường Đại học Đà Lạt cũng đưa ra góp ý đối với những điểm còn hạn chế, cần bổ sung, nghiên cứu thêm.

Thứ nhất, ở phần Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Dự thảo nêu rõ “tính trên tổng quy mô đào tạo khối ngành STEM, số người học các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ chiếm ít nhất 10% và số người học các chương trình đào tạo tiến sĩ chiếm ít nhất 1%; tỉ lệ nữ giới chiếm ít nhất 25%”, cũng như một số nhiệm vụ, giải pháp có hướng đến đối tượng nữ giới trong Đề án.

226A5532-1024x683.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Đà Lạt).

Đối với vấn đề này, Nhà trường kiến nghị Ban soạn thảo Đề án cần xem xét lại tính cần thiết của việc đưa tỉ lệ nữ giới vào mục tiêu của Đề án.

Bởi, mục tiêu cao nhất, cốt lõi nhất của Đề án này là tạo ra một cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút người giỏi học ở lĩnh vực STEM, từ đó tạo ra một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân lực tài năng trong lĩnh vực này, không phân biệt giới tính, chỉ cần đáp ứng yêu cầu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Do đó, việc đưa các mục tiêu về tỉ lệ nữ giới trong quy mô đào tạo, thu hút người học cần xem xét lại vì đây không phải là mục tiêu chính yếu, cốt lõi, do đó chỉ cần đặt ra mục tiêu là hỗ trợ, khuyến khích. Trong khi đó, việc xây dựng chính sách để hỗ trợ cho những người học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không thể theo học quan trọng hơn rất nhiều.

Thứ hai, trong phần nhiệm vụ, giải pháp, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang thực hiện nhiều chính sách khuyến khích để đào tạo và thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Thế nhưng, việc giữ chân đội ngũ này thực tế khó khăn rất nhiều vì thu nhập của đội ngũ giảng viên còn rất hạn chế so với mặt bằng thu nhập chung trong cả nước. Không những vậy, xu thế các giảng viên, nhà khoa học giỏi dịch chuyển về các thành phố lớn sau khi hoàn thành học tập, nâng cao trình độ đang là một bài toán hết sức khó khăn cho nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Đáng nói, trong phần nhiệm vụ, giải pháp của Đề án chưa đưa ra được các giải pháp để nâng cao thu nhập cho đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học trong lĩnh vực STEM để giữ chân cũng như thu hút người tài đến làm việc trong các lĩnh vực này.

Theo Trường Đại học Đà Lạt, trong các nhiệm vụ, giải pháp, cần bổ sung về nội dung xây dựng các cơ chế, chính sách về thu nhập cho đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học trong lĩnh vực STEM; cơ chế chính sách về nghiên cứu khoa học theo hướng không giới hạn số lượng đề tài nghiên cứu khoa học mà một giảng viên/nhà khoa học được phép đăng ký trong cùng một năm hoặc cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, cần có nội dung về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học theo hướng trao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học cho giảng viên/nhà khoa học, nghiệm thu đề tài theo sản phẩm đầu ra, sản phẩm đặt hàng của đề tài.

Đồng thời, chính sách thu nhập cao và quyền tự chủ của giảng viên cũng phải gắn với nhiệm vụ thực hiện trong từng giai đoạn. Đơn cử, một tiến sĩ hoặc phó giáo sư, giáo sư trong vòng 2 hoặc 3 năm phải công bố được bao nhiêu công trình công bố khoa học quốc tế uy tín, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc chuyển vị trí công tác.

Hiện nay, Trường Đại học Đà Lạt đang cùng với Trường Đại học Tây Nguyên đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện Đề án xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Thành phố Buôn Ma Thuột và Thành phố Đà Lạt nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với truyền thống và thế mạnh của Trường cũng như của vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tiểu vùng Nam Tây Nguyên với trung tâm là Thành phố Đà Lạt, Trường xác định các lĩnh vực trọng điểm ưu tiên phát triển là các ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, du lịch và đào tạo giáo viên.

Đây cũng là lý do giúp Trường Đại học Đà Lạt nằm trong danh mục một trong các cơ sở giáo dục đại học được ưu tiên đầu tư tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2025 – 2030 và triển khai các chương trình đào tạo tài năng về lĩnh vực Sinh học để trình Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, theo Trường Đại học Đà Lạt, lĩnh vực Toán học của Nhà trường cũng là một trong những thế mạnh hết sức to lớn của Trường. Hiện Trường có 01 Giáo sư Toán học (Giáo sư Phạm Tiến Sơn) đã đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2020, là một trong 5 nhà khoa học của Việt Nam được vinh danh trong top 100 nhà khoa học Châu Á năm 2021 và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Do đó, Nhà trường mong muốn được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bổ sung thêm lĩnh vực Toán học vào danh mục lĩnh vực triển khai các chương trình đào tạo tài năng của Trường.

Với những tiềm năng và thế mạnh trên, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, Nhà trường cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung nguồn lực, trí tuệ của tập thể để cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học khác thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đề án đã đặt ra.

Cần bổ sung và làm rõ một số nội dung trong Dự thảo

Về cơ bản thống nhất với nội dung đưa ra, tuy nhiên, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng 2045”.

Thứ nhất, trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho những lĩnh vực, ngành nghề công nghệ cao, bên cạnh vai trò của các trường đại học, vai trò và vị trí của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Vậy nên, Đề án cần xác định cụ thể hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp trong đào tạo.

Theo đó, doanh nghiệp cần hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, thực tập, kiến tập cho sinh viên; tổ chức đào tạo trong chương trình đào tạo, đào tạo nối tiếp sau chương trình đào tạo; tạo nơi làm việc tập sự cho sinh viên và làm việc cho giảng viên; nghiên cứu phát triển công nghệ cùng với nhà trường; áp dụng, kiểm tra, đánh giá sản phẩm khoa học công nghệ của nhà trường; chương trình đào tạo của nhà trường phải có năm học hoặc học kỳ doanh nghiệp để không chỉ sinh viên mà giảng viên có thời gian làm việc, học tập tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi xác định cụ thể hơn về vai trò của doanh nghiệp, cần có chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

tips-image001.png
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website Nhà trường).

Thứ hai, trong phần mục tiêu cụ thể (mục 2), phần 2.1 quy định “Mục tiêu đến năm 2030” cần bổ sung thêm nội dung liên quan đến chương trình đào tạo cho lĩnh vực công nghệ sản xuất bán dẫn.

Cụ thể, cần bổ sung thêm trong mục a “Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ sản xuất bán dẫn (công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ sản xuất micro/nano) đạt 10.000 người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ”.

Hơn nữa, cần thêm lĩnh vực công nghệ then chốt là công nghệ sản xuất thông minh, ở mục d. Cụ thể, hình thành khoảng 6 đến 10 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về STEM trong mỗi lĩnh vực công nghệ then chốt: Công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh.

Thứ ba, tại mục 2.4.4 của dự thảo Đề án có nêu số liệu chính về thị trường ngành công nghệ sinh học cũng như quy mô nhân lực ngành công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm đề án nên căn cứ vào dữ liệu quy mô tuyển sinh của các ngành công nghệ sinh học trên cả nước cũng như các chiến lược về phát triển công nghệ sinh học để đưa ra những dự báo cụ thể hơn. Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới các Bộ ngành đã xây dựng những định hướng chiến lược về công nghệ sinh học đề ra những vấn đề trọng tâm để phát triển.

Trên thực tế, thực trạng ngành công nghệ sinh học trong giai đoạn vừa qua có sự suy giảm tuyển sinh ở các trường (điểm chuẩn thấp).

Đáng nói, mặc dù năng lực công nghệ sinh học chưa cao nhưng Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định và là một trong số những lĩnh vực cần tập trung phát triển trong thời gian tới để phục vụ sự phát triển của đất nước. Đơn cử, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp như chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển vắc-xin, các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thức ăn cho chăn nuôi thủy sản, phân bón sinh học… ; Công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm cũng cần áp dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới.

Trong phần này, nên nhấn mạnh tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học như công nghệ chế biến, y dược, nông nghiệp, môi trường.

Thứ tư, ở phần nhiệm vụ và giải pháp (mục V), mục 2 quy định “Hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo các ngành STEM, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế” cần bổ sung lĩnh vực công nghệ sản xuất bán dẫn.

Cụ thể, tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo theo mô hình Khoa học máy tính + Trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo + X hoặc X + Trí tuệ nhân tạo. Trong đó, X là một ngành, chuyên ngành STEM (như công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, thiết kế vi mạch, công nghệ sản xuất bán dẫn, tự động hóa…) hoặc một lĩnh vực ứng dụng (như giáo dục, y học, tài chính, nông nghiệp, an ninh…).

Ngoài ra, cần ưu tiên xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo cho nhân lực công nghiệp bán dẫn theo mô hình liên ngành hoặc chuyên ngành dựa trên một ngành truyền thống như Khoa học vật liệu (cho chương trình đào tạo về Công nghệ vật liệu bán dẫn), Kỹ thuật điện tử-viễn thông hoặc Kỹ thuật máy tính (cho chương trình đào tạo về Thiết kế vi mạch), Điều khiển và tự động hóa (cho các chương trình đào tạo về Tự động hóa hệ thống sản xuất, lắp ráp và kiểm thử), Công nghệ sản xuất bán dẫn (cho các chương trình đào tạo về công nghệ sản xuất thông minh, chế tạo micro/nano).

Hơn nữa, nên có thêm những hoạt động hỗ trợ từ trường đại học đến các trường trung học phổ thông thông qua hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trải nghiệm để học sinh có sự hiểu biết đầy đủ hơn về lĩnh vực công nghệ sinh học, có chính sách lựa chọn những học sinh có tiềm năng và tố chất để đào tạo ở bậc đại học.

Thứ năm, Phụ lục II về Nhóm ngành - Ngành đào tạo không trùng khớp với Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học. Cụ thể, Mã số 4201 nhóm ngành Sinh học - gồm ngành Sinh học, Vi sinh vật học, Hóa sinh học, Di truyền học nhưng trong Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT chỉ có ngành Sinh học.

Do đó, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn, vậy Vi sinh vật học, Hóa sinh học và Di truyền học là ngành hay chuyên ngành? Liệu Mã số 4202 có phải Khoa học y sinh? Mã số 4401 là Vật lý chất rắn, Quang học, Hóa học, Vật liệu điện tử, Công nghệ bán dẫn? Mã số 4601 là Toán tin, cơ sở toán học cho tin học? Mã 5201 là Kỹ thuật robot? Mã số 5202 là Thiết kế vi mạch?...

Khánh An