Tuyển sinh vào 10: Đề xuất thi tuyển kết hợp xét tuyển học bạ

16/10/2024 08:59
Thùy Trang

GDVN - Bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 sẽ đảm bảo tính khách quan, tính bình đẳng giữa các môn học, tuy nhiên cũng có những hạn chế và không phù hợp với thực tế.

Bốc thăm môn thi thứ 3 có giúp giảm học lệch?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho hay, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu rõ mục tiêu đổi mới giáo dục là chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Trên tinh thần đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã được xây dựng với định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tạo ra môi trường học tập và rèn luyện giúp các em phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.

Do đó, việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ ba được xem là một giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo tính khách quan và đồng đẳng giữa các môn học. Phương án này giúp tránh việc học sinh và phụ huynh có tâm lý cho rằng môn học này quan trọng hơn môn học kia, từ đó góp phần xây dựng một chương trình giáo dục cân bằng và toàn diện.

z5296090070297-f59882a7a35380e209e2898434865342-5608.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ ba cũng sẽ gặp phải một số hạn chế và không phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Sơn La. Đầu tiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên của nhiều trường hiện chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức và chấm thi cho các môn như Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hay Công nghệ.

Đặc biệt, môn Giáo dục thể chất có nhiều phân môn như bơi, điền kinh, bóng đá, cầu lông, trong khi môn Nghệ thuật lại bao gồm múa, hát, hội họa,... việc học sinh lựa chọn phân môn nào là tùy theo năng lực và sở thích cá nhân. Do đó, nếu bốc thăm vào các môn này, sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi và đánh giá công bằng giữa các phân môn.

“Một mặt, các môn học trong chương trình trung học cơ sở đã được triển khai giảng dạy và đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo sát toàn quá trình học tập của học sinh. Cùng với tính chịu trách nhiệm theo từng cấp học, các cấp quản lý giáo dục cũng đang dần tăng cường khâu kiểm soát và bàn giao chất lượng bền vững. Mặt khác, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh khi vào lớp 10 sẽ được phân hóa cao theo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, công tác thi tuyển sinh cần bám sát định hướng, linh hoạt và phù hợp với năng lực học sinh, đảm bảo sự gắn kết với định hướng nghề nghiệp và tạo thuận lợi cho quá trình tuyển sinh vào 10”, vị Giám đốc Sở chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Nghiêm (Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi), hiện nay học sinh tập trung chủ yếu vào ba môn thi tuyển sinh vào lớp 10 là Toán, Văn, và Tiếng Anh. Các môn còn lại, học sinh chỉ học đủ để đạt yêu cầu tối thiểu, hoặc nếu muốn được khen thưởng, các em mới chú trọng thêm.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm các môn học tích hợp, nếu bốc thăm vào một trong những môn tích hợp, học sinh sẽ phải thi nhiều môn hơn. Việc bốc thăm môn thi thứ ba, theo có thể giảm học lệch, nhưng nếu chọn môn tích hợp, học sinh sẽ phải ôn nhiều môn hơn, tạo thêm gánh nặng.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trần Quốc Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi) nhận xét, việc thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Quảng Ngãi với ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh đã được duy trì trong thời gian qua là một phương án hợp lý và đem lại hiệu quả cao cho các học sinh thi vào trường chuyên. Các em từ đầu đã nắm rõ ba môn thi cơ bản, và nếu muốn thi vào các lớp chuyên, các em có thể ôn luyện thêm môn chuyên phù hợp, do vậy, tỷ lệ học sinh thi vào lớp 10 và đạt kết quả tốt cũng tương đối cao.

Tuy nhiên, phương án thi này cũng dẫn đến một số hạn chế khi học sinh có xu hướng chỉ tập trung vào ba môn thi và bỏ qua các môn học khác, dẫn đến hiện tượng học tủ.

Để khắc phục tình trạng học tủ, thầy Bảo đề xuất phương án vừa thi tuyển đồng thời kết hợp với xét học bạ trong suốt bốn năm học trung học cơ sở để đảm bảo học sinh học đều tất cả các môn trong suốt quá trình học từ lớp 6 đến lớp 9.

gdvn-nguyenkhuyen-7168-2.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: V.D

Nếu xem xét kết quả học tập của cả bốn năm học, các em sẽ phải chú trọng vào tất cả các môn học, từ đó giúp kiến thức được phân bổ đều hơn. Điều này không chỉ giảm bớt tâm lý lo lắng của học sinh về việc môn thi thứ ba mà còn giúp các em có được định hướng học tập rõ ràng trong suốt 4 năm học. Nếu học sinh muốn thi vào các lớp chuyên, bên cạnh ba môn chính Toán, Văn và Tiếng Anh, các em sẽ cần tập trung ôn luyện thêm các môn chuyên theo lựa chọn của mình.

“Ở một số địa phương như Quảng Nam, đã áp dụng hình thức tuyển sinh kết hợp giữa thi tuyển ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh và xét học bạ. Đây là một phương pháp đáng để tham khảo, môn Tiếng Anh hiện được coi là một môn học cơ bản, quan trọng cho tương lai của học sinh, phù hợp với định hướng từng bước đưa môn Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Việc kết hợp thi tuyển và xét học bạ sẽ giúp giảm bớt lo ngại về việc phải chờ đợi thông báo môn thi thứ ba, vốn gây ra nhiều áp lực không cần thiết cho học sinh và cũng tránh được việc học tủ của học sinh”, thầy Bảo chia sẻ.

Cần sớm ban hành thông tư

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, việc ban hành quy chế tuyển sinh mới hoặc sửa đổi quy chế cũ sẽ giúp hoàn thiện các quy định trong công tác tuyển sinh. Đây là một việc tốt, quy chế mới sẽ giúp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức tuyển sinh. Việc hoàn thiện các quy định trong công tác tuyển sinh sẽ giúp tạo sự công bằng, minh bạch, khách quan trong đánh giá năng lực học sinh. Điều này sẽ giúp cho chất lượng tuyển sinh được nâng lên, đáp ứng mục tiêu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thông tư mới ban hành sẽ giúp cho các địa phương có thêm căn cứ để xây dựng hoặc hoàn thiện quy định tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành thông tư sớm (trong tháng 11) sẽ giúp cho các địa phương chủ động hơn trong việc ban hành kế hoạch tuyển sinh.

gdvn-2-2927-3486-2.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: Ngọc Mai.

Hiện nay, các tỉnh thường ban hành Kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp vào tháng 12, các môn thi thường được cố định, điều này đã giúp học sinh có nhiều thời gian tập trung cho việc học và ôn tập. Việc công bố môn thi thứ 3 trước ngày 31/3 như trong dự thảo là quá muộn, gây bị động cho học sinh, phụ huynh và các nhà trường trong thực hiện kế hoạch giáo dục.

Bên cạnh đó, để tham gia một kỳ thi, học sinh cần tập trung tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng từ những lớp dưới (từ lớp 6, lớp 7, lớp 8). Việc không biết trước môn thi và chỉ có mấy tháng để ôn luyện sẽ không có được kiến thức và kỹ năng bền vững. Nếu không ổn định được môn thi thứ ba mà phải lựa chọn ngẫu nhiên thì thời gian công bố phù hợp nhất là đầu năm học, chậm nhất là 15/9.

Cùng bàn về thời gian công bố môn thi thứ ba trong dự thảo, thầy Quốc Bảo cũng cho rằng quy trình bốc thăm đã được thực hiện một cách rõ ràng và đầy đủ, nhưng thời gian bốc thăm cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với lịch ôn tập của học sinh.

Về thời gian công bố môn thi thứ ba, nếu thông báo quá sớm, học sinh sẽ có xu hướng học lệch, chỉ tập trung vào môn thi đã được công bố và bỏ qua các môn học khác. Ngược lại, nếu thông báo quá muộn (như thời điểm 31/3), các em sẽ không có đủ thời gian để ôn tập sâu sắc.

Thầy Quốc Bảo đề xuất, nên thông báo môn thi thứ ba vào khoảng ngày 15/3, sớm hơn 15 ngày so với dự kiến, để đảm bảo học sinh có ít nhất ba tháng chuẩn bị cho kỳ thi. Điều này giúp các em có thời gian ôn tập chuyên sâu mà vẫn giữ được sự cân bằng trong học tập.

"Đầu tháng 3 thường là thời điểm các trường tổ chức kiểm tra giữa kỳ II cho học sinh và sau khi hoàn thành kỳ kiểm tra này, việc thông báo môn thi thứ ba sẽ trở nên hợp lý hơn, giúp học sinh có định hướng rõ ràng trong giai đoạn ôn tập còn lại của năm học", thầy Bảo chia sẻ.

Còn cô Hồng Nga cho hay, việc công bố môn thi thứ ba vào ngày 31/3, điều này buộc các em phải học đều các môn trong suốt cả năm học. Nếu công bố môn thi quá sớm sẽ gây ra bất cập, học sinh sẽ chỉ tập trung vào môn thi được ấn định khiến việc dạy các môn khác trở nên khó khăn. Cần có thời gian công bố hợp lý để đảm bảo học sinh học đều các môn, tránh tình trạng học lệch.

Cô Nga cũng nhấn mạnh, thi tuyển vào lớp 10 là cuộc thi tuyển chọn học sinh, không phải thi tốt nghiệp. Do đó, áp lực là điều tất yếu khi kỳ thi này dành cho những học sinh có năng lực nổi trội hơn để vào các trường top đầu.

Đối với nội dung thi, cô Nga đề xuất nên giữ ở mức cơ bản để tránh gây áp lực cho học sinh, với khoảng 80% nội dung ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng mức độ thấp và 10-20% ở mức độ vận dụng cao. Điều này đảm bảo sự phân loại học sinh, nhưng không tạo quá nhiều khó khăn cho số đông. Nếu học sinh học đều các môn từ đầu năm, khi công bố môn thi thứ ba, các em chỉ cần tập trung thêm cho môn thi này.

"Mỗi tỉnh có những điều kiện kinh tế xã hội, vị trí địa lý, văn hóa, phân bố dân cư, đặc điểm vùng riêng biệt. Thêm nữa, hiện nay các tỉnh đều đã xây dựng những quy định trong công tác tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, Bộ nên quy định những vấn đề chung nhất, cốt lõi nhất nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh có chất lượng, đảm bảo mục tiêu giáo dục; những vấn đề cụ thể nên giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng. Như vậy sẽ đảm bảo quy định chung của Bộ, đồng thời phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, đặc biệt là đáp ứng đúng mục đích của kỳ thi tuyển sinh đầu cấp", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đề xuất thêm.

Thùy Trang