Bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 cần cân nhắc thận trọng

12/10/2024 06:50
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thi vào 10 cạnh tranh gay gắt, bốc thăm ngẫu nhiên môn thứ 3 có hợp lý? Vấn đề này đang dành được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, giáo viên.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản đến các Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT.

Theo đề xuất của Bộ, kỳ thi vào lớp 10 từ 2025 trở đi sẽ gồm 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại thuộc Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật).

Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.

Thành phần tổ chức bốc thăm gồm: Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, và thành phần có liên quan khác do Sở Giáo dục và Đào tạo mời. Biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia.

Ảnh minh họa: Phạm Linh.
Ảnh minh họa: Phạm Linh.

Việc bốc thăm môn thi thứ 3 cần cân nhắc thận trọng

Việc định hướng bốc thăm môn thi thứ 3 được cho là nhằm mục đích tạo sự công bằng cho các môn học và tránh tình trạng học lệch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên bày tỏ băn khoăn vì đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, không phải đánh giá lại quá trình học tập đơn thuần; mà mục tiêu chính là tuyển sinh, với chỉ tiêu nhất định vào các trường trung học phổ thông.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập những năm gần đây còn có độ cạnh tranh, căng thẳng hơn tuyển sinh đại học, khi chỉ có trên 60-70% thí sinh trúng tuyển.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết:

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây ra tình trạng học tủ, học lệch, học lơ là ở một số học sinh và nhà trường là có lý. Song, chúng ta cũng cần xem xét thêm ở những khía cạnh như việc bốc thăm sẽ khiến bất kỳ môn nào cũng có thể trở thành môn thi. Do đó, điều này có thể xảy ra tình huống học sinh phải học thêm nhiều hơn để luyện thi tất cả các môn học.

Quả thật, nếu phương án bốc thăm môn thi thứ 3 được áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì sẽ gây ra áp lực rất lớn đến học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. Vì trong chương trình của bậc trung học cơ sở hiện nay, các em không chỉ học đơn môn mà có các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử - Địa lý. Nếu bốc thăm vào các môn tích hợp thì khối lượng kiến thức các em phải học, ôn tập để thi sẽ thành 4-5 môn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phương án chọn môn thi thứ 3 cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên còn bất cập, tạo thêm áp lực không cần thiết cho học sinh. Trong khi đó, chúng ta chưa có nghiên cứu khoa học nào đánh giá xác đáng về việc thi cử sẽ thúc đẩy việc học theo hướng tích cực.

Có thể thấy, mục tiêu của Chương trình giáo phổ thông mới không đánh giá học sinh qua kiến thức chỉ trong một số môn học, mà tập trung đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế. Vì vậy, đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dù môn thi thứ 3 là môn học nào cũng không lo ngại các em học lệch, thi lệch hay chỉ tập trung vào học các môn thi.

Ảnh minh họa: Phạm Linh.
Ảnh minh họa: Phạm Linh.

Theo ý kiến một vị Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới và đánh giá toàn diện là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên giao quyền chủ động cho các địa phương phù hợp với quan điểm tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước (chưa tính đến tình hình thiếu giáo viên theo cơ cấu bộ môn không đồng đều giữa các địa phương, phải dạy trái ban; hay điều kiện thiết bị máy tính đáp ứng cho yêu cầu của môn Tin học còn thiếu, không đồng đều giữa các địa phương;…).

Hơn nữa, việc đổi mới cần có lộ trình, cần thông báo sớm từ khi học sinh còn ở lớp 6,7 để có định hướng phù hợp. Đến khi các em sắp tốt nghiệp lớp 9 và thi chuyển cấp, lúc đó mới thông báo môn sẽ bị động, gây áp lực tâm lí cho học sinh.

Vị lãnh đạo này đề xuất có thể xem xét phương án học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 giống như môn bắt buộc và tự chọn của học sinh lớp 12; tức là thi 2 môn Toán, Văn bắt buộc, môn còn lại học sinh tự chọn trong các môn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Bởi lẽ, học sinh lớp 12 được quyền lựa chọn môn thi ngoài 2 môn bắt buộc, còn học sinh lớp 9 lại phải phụ thuộc vào người lớn tổ chức bốc thăm.

Ngoài ra, việc tổ chức bốc thăm môn thi nếu áp dụng theo thời gian trước ngày 31/3 là thời điểm muộn, mọi thứ sẽ bị động cho các cấp giáo dục, giáo viên, cha mẹ học sinh và người học. Nếu bốc thăm thì thời gian công bố môn nên ngay từ đầu năm học trong tháng 9.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh.
Ảnh minh họa: Ngọc Ánh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Đài (Phú Thọ) đồng tình với phương thức thi tuyển 3 môn và cách thức lựa chọn môn thi thứ 3 bằng bốc thăm bởi các lý do: thời gian tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm căng thẳng, áp lực cho học sinh.

Môn thi thứ 3 bốc thăm ngẫu nhiên trong khoảng thời gian trước khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp để tránh học sinh học tủ, học lệch các môn ở bậc trung học cơ sở.

Nếu học sinh biết trước 3 môn thi sẽ dẫn đến tình huống các em không dành nhiều thời gian cân đối để học các môn không thi, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục ở trung học cơ sở – giai đoạn giáo dục cơ bản đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng tri thức.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc trung học phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Học sinh khi lên trung học phổ thông sẽ được lựa chọn môn học. Nếu không chú trọng học đều các môn ở bậc trung học cơ sở, các em sẽ có thể bị “hổng” kiến thức phổ thông với những môn học sinh xác định không tiếp tục học ở trung học phổ thông.

Phương án thi tuyển có ưu điểm là tạo động lực học tập cho học sinh, giảm tiêu cực trong kiểm tra đánh giá. Việc cố định sẵn môn thi thứ ba có thể gây ra tình trạng học sinh học tủ, học lệch, xu hướng chú trọng dạy thêm, học thêm 3 môn thi ngay từ năm lớp 6.

Với phương án thi tuyển mới này, việc môn thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên nhằm mục đích cho các môn học đều có cơ hội được chọn thi. Điều này yêu cầu các trường, giáo viên và học sinh luôn phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các môn học, không coi trọng môn này mà bỏ môn kia. Như vậy, việc bốc thăm môn thi thứ ba sẽ hướng đến tính phổ thông nền tảng, toàn diện và công bằng giữa các môn học đối với cấp trung học cơ sở.

Thời điểm công bố môn thi thứ 3 cũng là một yếu tố quan trọng

Năm nay, lịch thi dự kiến vào đầu tháng 6 nhưng môn thi thứ ba lại được bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3. Điều này khiến học sinh phải ôn đều tất cả các môn, và khi có thông báo mới ôn chuyên sâu 3 môn thi.

Năm nay là năm đầu tiên thi vào 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với những thay đổi trong kết cấu và môn thi. Việc sớm ban hành kế hoạch thi là điều cần thiết để các địa phương có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với những bước quan trọng như xây dựng ma trận đề thi và công bố đề thi mẫu.

Ảnh minh họa: website Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ảnh minh họa: website Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Điều này không chỉ giúp giáo viên và học sinh có định hướng ôn tập rõ ràng mà còn tạo điều kiện cho các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các bước tiếp theo một cách đồng bộ và hiệu quả.

Theo chia sẻ của giáo viên của một trường trung học cơ sở ở Nghệ An, với một kỳ thi mang tính phân loại cao như tuyển sinh vào lớp 10, mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự công bằng, phân loại tốt. Trong khi đó, việc bốc thăm môn thi có thể tạo ra sự may rủi, chưa đảm bảo nền tảng năng lực đặc thù giúp ích cho học sinh lựa chọn các môn học phù hợp ở cấp trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quy định về các phương thức được phép sử dụng để tuyển sinh vào lớp 10 hoặc số môn thi để dễ thực hiện, tránh quá tải cho học sinh; còn việc lựa chọn phương thức nào, môn thi nào thì nên giao quyền tự chủ cho địa phương như hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên khác cho rằng, thời điểm công bố môn thi thứ 3 mới là điều quan trọng, ảnh hưởng đến việc dẫn đến áp lực cho học sinh. Nếu phải bốc thăm môn thi thứ 3 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố kết quả sớm để giáo viên và học sinh triển khai luyện tập những phương án học tập.

Cụ thể, thầy Lê Thảo - giáo viên môn Toán, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho hay, bốc thăm môn thi thứ 3 cũng là phương án hợp lý. Tuy nhiên, phải tiến hành bốc thăm sớm để thông tin tới nhà trường, học sinh cũng như phụ huynh được kịp thời. Chúng ta nên công bố kết quả bốc thăm môn thi thứ 3 ở thời điểm hết học kì 1. Thời điểm này sẽ không sớm quá và cũng không muộn quá.

Lưu Diễm