Khó khăn trong tìm “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành: Trường ĐH có kiến nghị

16/10/2024 16:40
Doãn Nhàn

GDVN -Tại toạ đàm, lãnh đạo các trường ĐH, chuyên gia giáo dục cùng trao đổi, thảo luận về giải pháp gỡ khó quy định “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành.

Sáng ngày 16/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm: Trường đại học khó tìm “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành.

GDVN-toạ đàm (6).jpg
Tọa đàm: "Trường đại học khó tìm “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Tham dự tọa đàm, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh có Tiến sĩ Trần Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo.

Dự tọa đàm còn có Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, cùng sự tham gia của các thầy cô là lãnh đạo, đại diện Phòng Đào tạo của hàng chục cơ sở giáo dục đại học trên cả nước như: Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), Trường Đại học Công đoàn,Trường Đại học Hoa Sen,…

GDVN-toạ đàm (4).jpg
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc toạ đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ, các hội thảo, tọa đàm tham vấn, góp ý, phản biện chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một trong những hoạt động thường xuyên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vừa qua, theo ghi nhận của Tạp chí, hiện việc xác định ngành phù hợp là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo đang khiến cơ sở giáo dục đại học gặp khó vì nhiều ngành có mã ngành đào tạo trình độ đại học nhưng chưa có mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc mới chỉ có mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ năm 2022 nên đến nay chưa có người tốt nghiệp (vì thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với trình độ tiến sĩ là từ 3-4 năm).

Do đó, đối với những ngành chưa có mã đào tạo trình độ tiến sĩ, khi chọn tiến sĩ ngành phù hợp để chủ trì ngành dự kiến mở đào tạo trình độ đại học/thạc sĩ/tiến sĩ, mỗi trường lại có cách hiểu khác nhau.

“Vì vậy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm hôm nay để ghi nhận các ý kiến các cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia để có căn cứ, nội dung cụ thể kiến nghị về mặt chính sách tới Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm gỡ khó cho các trường, từ đó tạo thuận lợi để các cơ sở giáo dục đại học bắt kịp đào tạo nhân lực phù hợp với thị trường lao động”, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình phát biểu.

gdvn-toạ đàm 7.jpg
Các đại biểu trao đổi từ các điểm cầu trực tuyến

Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các ngành đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam

Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Trần Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay nhìn chung đã có sự rõ ràng hơn so với quy định trước đây.

Trong đó, yêu cầu “cần có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp” chịu trách nhiệm chủ trì ngành (Khoản 1, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT) là vấn đề cần thiết để đảm bảo chất lượng chuyên môn ngành đào tạo cũng như đảm bảo chất lượng của sinh viên khi ra trường.

Tuy nhiên, với những quy định chi tiết như “ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo; trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ…” (Khoản 5, Điều 2, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT) đang là một vấn đề khó khăn cho các trường trong việc mở ngành mới.

32395a6435474f516857596153726730514f487668.jpg
Tiến sĩ Trần Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: DHV

Chia sẻ thực tế tại Trường Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Văn Hưng cho hay, việc tìm được những tiến sĩ có chuyên ngành phù hợp là rất khó khăn, nhất là các ngành mới hoặc chưa được đào tạo nhiều ở Việt Nam.

Đơn cử như ngành Bất động sản, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi tìm tiến sĩ để chủ trì ngành, bởi rất khó để tìm được tiến sĩ có nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bất động sản, hoặc có đề tài tiến sĩ đã làm về bất động sản.

Bên cạnh đó, việc xác định ngành đào tạo phù hợp với trình độ tiến sĩ của giảng viên, đặc biệt đối với những tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài hoặc những tiến sĩ đã tốt nghiệp từ lâu cũng gặp nhiều nan giải.

Cụ thể, nhiều ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài hiện cũng chưa có trong danh mục thống kê ngành đào tạo của Việt Nam.

“Hay với các tiến sĩ tốt nghiệp từ trước năm 2000, việc xác định ngành gần và tên chuyên ngành phù hợp rất khó khăn. Vì hầu hết các thầy cô này đến nay cũng đã lớn tuổi, vì vậy các hồ sơ về tiến sĩ như tên đề tài, quyết định giao đề tài,… gần như bị thất lạc hết. Tuy nhiên, khi làm giấy để xác nhận với các trường thì các trường cho biết không có căn cứ xác nhận được do những tiến sĩ cấp thời đó là do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp chứ không phải do cơ sở giáo dục đại học cấp”, Tiến sĩ Trần Văn Hưng dẫn chứng thực tế.

Bên cạnh đó, để chứng minh một ngành chưa được đào tạo ở trong nước trình độ tiến sĩ, hoặc chưa có người tốt nghiệp cũng gặp khó khăn do không có đầy đủ thông tin về các ngành đào tạo tiến sĩ đang được triển khai tại các trường, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp trong thời gian gần đây ra sao.

Để giải quyết các khó khăn trên, lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các ngành đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, bao gồm thông tin về các trường đang đào tạo và số lượng tiến sĩ tốt nghiệp trong khoảng từ 10-15 năm gần đây.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc công nhận tương đương và chuyển đổi ngành đối với các tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài, nhằm tránh sự hiểu lầm và áp dụng không thống nhất giữa các trường.

Thứ ba, cần có hướng dẫn chi tiết hơn về việc xác định tiến sĩ ngành phù hợp.

“Đơn cử, đối với những giảng viên tốt nghiệp từ nước ngoài thì căn cứ vào các công trình nghiên cứu, các đề tài, luận án tiến sĩ để xác định được ngành phù hợp.

Đối với những tiến sĩ đã tốt nghiệp từ lâu, đặc biệt những giảng viên đã được công nhận giáo sư, phó giáo sư, có thể căn cứ vào các công trình nghiên cứu, giáo trình, bài báo khoa học gần đây để xác định ngành phù hợp, thay vì chỉ dựa vào ngành đào tạo tiến sĩ”, Tiến sĩ Trần Văn Hưng đề xuất.

Cần quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ

GDVN-toạ đàm (1).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại toạ đàm

Cùng trao đổi tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chia sẻ về những khó khăn và thách thức của các cơ sở đào tạo đặc thù về thể dục thể thao khi không tìm được tiến sĩ chuyên ngành hẹp (về lĩnh vực thể dục thể thao) để mở ngành đào tạo mới.

Theo Phó Giáo sư Mỹ Linh, hiện Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đào tạo 4 ngành (bậc cử nhân), đó là: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý thể dục thể thao và Y sinh học thể dục thể thao.

Trong khi đó, khảo sát hiện nay cho thấy những sinh viên của Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp không chỉ làm những công việc như huấn luyện thể thao, giáo dục thể chất mà tham gia vào tất cả những ngành nghề liên quan như sức khỏe, thể thao, dinh dưỡng thể thao, hay quản lý tại các câu lạc bộ thể thao trong lĩnh vực y tế, sức khỏe doanh nghiệp,… Do vậy, việc tiếp cận để mà mở những ngành mới là một trong những mục tiêu hàng đầu nhà trường đặt ra.

Tuy nhiên, việc mở ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc quản lý, phân chia các ngành học hiện chưa có sự phù hợp, khi các ngành liên quan đến thể dục thể thao lại nằm trong các nhóm ngành khác nhau như sức khỏe và sư phạm..., gây khó khăn trong việc mở ngành.

Cụ thể, trong lĩnh vực thể dục thể thao, ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hiện mới chỉ có 1 mã ngành là Giáo dục học. Trong khi đó, Thông tư 04/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ lại quy định ngành Y sinh học thể dục thể thao nằm trong nhóm ngành sức khỏe; ngành Giáo dục thể chất về thể dục thể thao nằm trong nhóm ngành sư phạm.

Một khó khăn khác là thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành hẹp trong lĩnh vực thể dục thể thao.

“Trường của chúng tôi hiện nay thì có 10 phó giáo sư, 30 tiến sĩ và 106 thạc sĩ trên tổng số giảng viên. Tuy nhiên trong 30 tiến sĩ của trường, chỉ 2 thầy cô tốt nghiệp ở nước ngoài có chuyên môn đúng với ngành hẹp, đó là tiến sĩ về Quản lý kinh tế thể thao và tiến sĩ về Y sinh học thể dục thể thao.

Còn lại tất cả những tiến sĩ được đào tạo trong nước đều là tốt nghiệp tiến sĩ ngành Giáo dục học. Do vậy, giống với Trường Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng gặp khó khăn khi tìm tiến sĩ chuyên ngành hẹp để mà đứng ra chủ trì ngành đào tạo mới”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Mỹ Linh cũng đề cập khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút và giữ chân đội ngũ các chuyên gia, tiến sĩ có chuyên môn sâu về lĩnh vực thể dục thể thao về làm việc tại trường.

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất cần phải có những quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ để các cơ sở đào tạo có căn cứ phân công người chủ trì cho ngành dự kiến mở; đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể chi tiết và rõ ràng hơn để các trường dễ dàng, thuận lợi hơn trong triển khai và xây dựng các ngành mới.

GDVN-toạ đàm (2).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trao đổi tại toạ đàm

Cũng là cơ sở đào tạo các ngành đặc thù, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, hiện các ngành truyền thống của nhà trường như đào tạo giáo viên âm nhạc, nghệ thuật, đã có hơn 50 năm lịch sử. Tuy nhiên, đối với một số ngành mới như sư phạm mỹ thuật, đòi hỏi tiến sĩ đúng chuyên ngành vẫn là một khó khăn.

Theo đó, tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hiện nhà trường đang đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ. Trong đó, ở trình độ tiến sĩ hiện đã có nghiên cứu sinh học về Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn Mỹ thuật.... Đây được xem là những chuyên ngành hẹp, tuy nhiên cũng phải vài năm nữa mới có tiến sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn Mỹ thuật tốt nghiệp.

Do vậy, Phó Giáo sư Lê Vinh Hưng cho rằng, cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với các ngành truyền thống và ngành mới.

Trong đó, đối với các ngành mới, cần có hướng tiếp cận mở rộng hơn. Đơn cử, trong lĩnh vực nghệ thuật, do đặc thù lĩnh vực nên không có nhiều người “mặn mà” với việc học lên trình độ tiến sĩ. Do đó, thầy Hưng đề xuất cần phát huy vai trò của các nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân trong việc đào tạo, thay vì chỉ dựa vào những tiêu chuẩn học vị chính thống. Điều này giúp phát huy hiệu quả sở trường của các nghệ nhân và nâng cao hiệu quả trong đào tạo.

Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đề xuất cần có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể, chi tiết hơn về tiến sĩ ngành gần.

Doãn Nhàn